CẦN QUY ĐỊNH CỤ THỂ VỀ KINH PHÍ CHI CHO HOẠT ĐỘNG CỦA HĐND, CHẾ ĐỘ CHÍNH SÁCH CHO ĐẠI BIỂU HĐND SÁT VỚI THỰC TIỄN

14/07/2022

Cho ý kiến vào chế độ, chính sách và điều kiện bảo đảm hoạt động của đại biểu HĐND, nhiều lãnh đạo, đại diện ở các địa phương cho rằng, cần quy định cụ thể về kinh phí chi cho hoạt động của HĐND, chế độ chính sách cho đại biểu HĐND sát với tình hình thực tiễn, điều kiện kinh tế của từng địa phương.

Tăng cường sự chỉ đạo, giám sát, gắn kết các cơ quan của Quốc hội, UBTV Quốc hội đối với HĐND các cấp

Triển khai Chương trình hành động của Đảng đoàn Quốc hội thực hiện Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng về việc giao Ban Công tác đại biểu tổ chức nghiên cứu, xây dựng Đề án “Tăng cường sự chỉ đạo và trách nhiệm giám sát, hướng dẫn của Ủy ban Thường vụ Quốc hội đối với hoạt động của Hội đồng nhân dân (HĐND) các cấp; tăng cường sự gắn kết các cơ quan của Quốc hội, cơ quan thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội với HĐND các cấp”. Một trong những nội dung nhận được sự quan tâm của các đại biểu, lãnh đạo các địa phương tập trung góp ý vào Đề án là chế độ, chính sách và điều kiện bảo đảm hoạt động của đại biểu HĐND.


Hội thảo lấy ý kiến góp ý dự thảo Đề án của Đảng đoàn Quốc hội về “Tăng cường sự chỉ đạo và trách nhiệm giám sát, hướng dẫn của Ủy ban Thường vụ Quốc hội đối với hoạt động của HĐND các cấp; tăng cường sự gắn kết các cơ quan của Quốc hội, cơ quan thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội đối với HĐND các cấp” do Ban Công tác đại biểu tổ chức tại điểm cầu Hà Nội.

Theo Đề án, dể thực hiện Luật Tổ chức chính quyền địa phương, theo đề nghị của Chính phủ, Ủy ban Thường vụ Quốc hội khóa XIII đã ban hành Nghị quyết số 1206/2016/NQ-UBTVQH13 ngày 13/5/2016 quy định về một số chế độ chính sách và điều kiện đảm bảo hoạt động của đại biểu HĐND. Trong đó, điều chỉnh các nội dung liên quan đến mức chi chế độ, chính sách, điều kiện đảm bảo về tiền lương, hoạt động phí, tham gia bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế cho đại biểu HĐND các cấp, chuyên trách và không chuyên trách; bảo đảm điều kiện hoạt động về chỗ làm việc, trang thiết bị văn phòng; được cung cấp báo cáo của Thường trực HĐND, UBND cùng cấp và các tài liệu khác liên quan đến hoạt động của HĐND; kinh phí hoạt động tiếp xúc cử tri, giám sát; hỗ trợ công tác phí; khám, chăm sóc sức khỏe định kỳ; may lễ phục; nghiên cứu; học tập, bồi dưỡng nghiệp vụ đối với đại biểu HĐND tại địa phương.

Mặc dù Nghị quyết số 1206/2016/NQ-UBTVQH13 có chứa quy phạm pháp luật điều chỉnh chế độ, chính sách và điều kiện kiện bảo đảm nhưng xuất phát từ thẩm quyền ban hành và trách nhiệm hướng dẫn đối với HĐND thuộc về Ủy ban Thường vụ nhưng Nghị quyết vẫn hàm chứa nội dung hướng dẫn liên quan đến hoạt động của đại biểu HĐND chuyên trách, trong mối quan hệ với Chủ tịch HĐND (là người có thẩm quyền ký văn bản đề nghị áp dụng, thực hiện chế độ, chính sách và điều kiện bảo đảm) và bộ máy tham mưu, giúp việc.

Hiện nay, trong quá trình hoạt động của HĐND các cấp, đang đặt ra yêu cầu tiếp tục nghiên cứu, xem xét sửa đổi, bổ sung một số nội dung của Nghị quyết số 1206/2016/NQ-UBTVQH13 ngày 13/5/2016 theo hướng bao quát tất cả các chế độ, chính sách cơ bản của đại biểu HĐND để phù hợp với điều kiện kinh tế - xã hội hiện nay như: chế độ phụ cấp đối với các chức danh kiêm nhiệm của HĐND các cấp (như Chủ tịch HĐND, Trưởng các Ban của HĐND cấp tỉnh, huyện, xã; Phó trưởng ban HĐND cấp xã; chế độ hoạt động phí cho người là đại biểu HĐND hai cấp); chính sách đặc thù cho đại biểu HĐND hoạt động chuyên trách; về cung cấp thông tin phục vụ hoạt động của đại biểu HĐND, trách nhiệm đối với cơ quan, tổ chức, đơn vị và cá nhân không thực hiện đầy đủ, kịp thời, làm ảnh hưởng đến việc thực hiện nhiệm vụ của đại biểu; hướng dẫn cơ chế mời chuyên gia, các nhà khoa học tham gia vào các cuộc giám sát, thẩm tra...


 Phó trưởng Ban Pháp chế HĐND tỉnh Lai Châu Nguyễn Minh Hiệp.

Cho ý kiến về việc thay đổi chế độ chính sách đối với đại biểu HĐND, Phó trưởng Ban Pháp chế HĐND tỉnh Lai Châu Nguyễn Minh Hiệp cho rằng, tại điểm a mục 3.1.1 đề nghị bổ sung nội dung “Giao Ban công tác tại điểu chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan rà soát, trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội sửa đổi Nghị quyết số 1206/2016/NQ-UBTVQH13 ngày 13/5/2016 quy định về chế độ chính sách và điều kiện đảm bảo hoạt động của đại biểu HĐND”, trong đó có việc nâng mức hoat động phí hằng tháng và bổ sung chế độ phụ cấp đối với đại biểu HĐND hoạt động chuyên trách ở cấp cấp tỉnh, huyện xã theo mức 1,0; 0,7 và 0,5/tháng so với mức lương cơ sở. Qua tiếp xúc cử tri, nhiều người kiến nghị nâng mức hoạt động phí cho đại biểu HĐND.

Theo Phó trưởng Ban Pháp chế HĐND tỉnh Lai Châu Nguyễn Minh Hiệp, hiện nay, đại biểu Quốc hội chuyên trách được hưởng phụ cấp 2,0/tháng trong khi đại biểu HĐND chuyên trách thì chưa có phụ cấp này. Hơn nữa, theo dự thảo Nghị quyết có nêu “Cùng với việc thực hiện những chủ trương, nghị quyết mới của Đảng về tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả (theo Nghị quyết số 18-NQ/TW ngày 25/10/2017, Ban Chấp hành Trung ương khóa XII) và việc sửa đổi, bổ sung các luật, nghị quyết của Quốc hội nhằm tháo gỡ những bất cập, vướng mắc trong thực tiễn phát triển của đất nước, hoạt động của HĐND, Thường trực HĐND và các Ban của HĐND, đại biểu HĐND chuyên trách các cấp cũng cho thấy vai trò, trách nhiệm ngày càng cao của cơ quan và đại biểu dân cử trong việc thực hiện nhiệm vụ thẩm tra, giám sát, quyết định những vấn đề quan trọng của địa phương”. Từ những lý do đó, việc sửa đổi, bổ sung Nghị quyết 1206 của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội là cần thiết và là một trong những yếu tố quan trọng góp phần nâng cao chất lượng, hiệu lực, hiệu quả hoạt động của HĐND các cấp ở địa phương.

Đối với việc đảm bảo điều kiện hoạt động của đại biểu HĐND, Phó trưởng Ban Pháp chế HĐND tỉnh Lai Châu Nguyễn Minh Hiệp khẳng định: Trong thời gian qua, Thường trực HĐND tỉnh Lai Châu đã phối hợp tốt với Ban công tác đại biểu hàng năm đều tổ chức nội dung tập huấn, bồi phổ biến kiến thức, tập huấn, bồi dưỡng kỹ năng cho đại biểu HĐND tỉnh, Thường trực HĐND, lãnh đạo các Ban HĐND huyện, thành phố và đội ngũ công chức tham mưu, giúp việc, phục vụ hoạt động của HĐND tỉnh. Qua các đợt cập nhật, bồi dưỡng hiệu quả hoạt động được nâng lên, tuy nhiên trên thực tế nội dung này mới được triển khai đến cấp tỉnh, còn cấp huyện, cấp xã chưa thực hiện được.

Với những lý do trên, để thuận lợi trong quá trình cập nhật, nâng cao hiệu lực, hiệu quả, chất lượng hoạt động của đại biểu HĐND cấp cơ sở, đề nghị Ban Công tác đại biểu, Trung tâm Bồi dưỡng đại biểu dân cử có tài liệu chính thống về tập huấn, bồi dưỡng để các địa phương tham khảo. Vì qua thực tế, việc tập huấn, bồi dưỡng cho đại biểu HĐND một số huyện của tỉnh Lai Châu được Thường trực HĐND tỉnh quan tâm phân công các đồng chí trong Thường trực HĐND tỉnh xuống các huyện giúp tập huấn một số chuyên đề mới chỉ căn cứ trên các văn Ban luật và kinh nghiệm thực tế của bản thân để truyền đạt, chứ chưa có tài liệu để thực hiện.


Phó Chủ tịch HĐND tỉnh Bắc Giang Lâm Thị Hương Thành.

Nêu quan điểm về thực hiện chế độ, chính sách cho đại biểu HĐND, Phó Chủ tịch HĐND tỉnh Bắc Giang Lâm Thị Hương Thành cho rằng nhất trí với việc nghiên cứu sửa đổi, bổ sung Nghị quyết 1206 ngày 13/5/2016 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội của Đề án. Theo đó, cần thiết phải sửa đổi, bổ sung theo hướng bao quát tất cả chế độ, chính sách cơ bản của đại biểu HĐND để phù hợp với điều kiện kinh tế - xã hội hiện nay. Phó chủ tịch HĐND tỉnh Bắc Giang Lâm Thị Hương Thành, để nâng cao chất lượng của HĐND, cần xây dựng bộ tiêu chí đánh giá hiệu quả hoạt động của chất lượng của HĐND, quy chế hỗ trợ cho HĐND, đại biểu HĐND trong việc giám sát các chuyên đề.

Đề cập về ngân sách để triển khai các hoạt động của HĐND và chế độ, chính sách cho đại biểu HĐND, Phó Chủ tịch Thường trực HĐND tỉnh Hoà Bình Nguyễn Thị Cẩm Phương cho rằng, hiện nay có địa phương căn cứ vào quy định của Quốc hội để dành kinh phí cho các hoạt động của HĐND và thực hiện chi trả chế độ, chính sách cho đại biểu HĐND. Tuy nhiên, có tỉnh căn cứ vào tình hình thực tế ngân sách của đại phương để chi trả nên không có sự thống nhất. Mặt khác, có địa phương đưa ra Nghị quyết về chế độ, chính sách và điều kiện bảo đảm hoạt động của đại biểu HĐND chuyên trách còn chắp vá nên nhiều người lo ngại không biết thực hiện có đúng hay sai.


 Phó Chủ tịch Thường trực HĐND tỉnh Hoà Bình Nguyễn Thị Cẩm Phương đóng góp ý kiến xây dựng Đề án.

Trước những bất cập trên, Phó Chủ tịch Thường trực HĐND tỉnh Hoà Bình Nguyễn Thị Cẩm Phương nêu ý kiến là trong Đề án cần quy định cụ thể về kinh phí chi cho hoạt động của HĐND, chế độ chính sách cho đại biểu HĐND sát với tình hình thực tiễn, điều kiện kinh tế-xã hội hiện nay.

Phát biểu kết luận về nội dung trên, Trưởng Ban Công tác đại biểu Nguyễn Thị Thanh ghi nhận và đánh giá cao các ý kiến, đề xuất của Thường trực HĐND các tỉnh, thành phố; các đại biểu Quốc hội. Tất cả những ý kiến đóng góp đều trên tinh thần xây dựng và sẽ được Ban Công tác đại biểu tiếp thu cùng với những đề xuất của các địa phương để hoàn thiện Đề án./.

Bích Lan