Dự thảo Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở lần đầu trình Quốc hội cho ý kiến, trong đó dành một chương riêng về thực hiện dân chủ tại doanh nghiệp.
Thực hiện dân chủ tại doanh nghiệp được quy định tại Chương IV dự thảo Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở. Theo đó, quy định cụ thể về nội dung, hình thức công khai thông tin tại doanh nghiệp; quy định về nội dung, hình thức người lao động được tham gia ý kiến, được kiểm tra, giám sát…
Đối với quy định thực hiện dân chủ ở cơ sở, vẫn còn 2 loại ý kiến của đại biểu Quốc hội. Loại ý kiến thứ nhất cho rằng cần có một chương riêng quy định về nội dung, hình thức, cách thức thực hiện dân chủ tại các doanh nghiệp (trong đó bao gồm cả hợp tác xã và tổ chức khác có thuê mướn, sử dụng lao động theo hợp đồng lao động); Đồng thời có một số nội dung quy định đặc thù đối với doanh nghiệp nhà nước, bởi đây là các tổ chức trực tiếp quản lý, sử dụng các nguồn lực công nên có những đặc điểm, yêu cầu riêng về tổ chức, quản lý, kiểm soát không giống như các doanh nghiệp thông thường khác.
Loại ý kiến thứ hai đề nghị luật này chỉ nên quy định về thực hiện dân chủ tại các doanh nghiệp nhà nước là nơi trực tiếp quản lý, sử dụng nguồn lực đầu tư của Nhà nước mà không điều chỉnh đối với các loại doanh nghiệp khác, hợp tác xã và tổ chức khác có thuê mướn, sử dụng lao động theo hợp đồng lao động. Bởi mối quan hệ giữa người lao động và người sử dụng lao động trong doanh nghiệp nói chung được xác lập trên cơ sở quan hệ lao động với nguyên tắc tự nguyện, thiện chí, bình đẳng, hợp tác, tôn trọng quyền và lợi ích hợp pháp của nhau thông qua hợp đồng lao động, hợp đồng thuê mướn nhân công, khoán việc; cơ chế giải quyết các mâu thuẫn, xung đột được thực hiện thông qua việc đối thoại, hòa giải, thương lượng, trọng tài. Các nội dung này đang được quy định tại Bộ luật Lao động, Bộ luật Dân sự, Luật Doanh nghiệp, Luật Công đoàn, các văn bản quy định chi tiết, hướng dẫn và thực tế chưa có vướng mắc. Do đó, nếu quy định về việc thực hiện dân chủ tại doanh nghiệp như trong dự thảo Luật thì vừa chồng chéo, trùng lặp, có khả năng gây khó khăn cho các doanh nghiệp, tổ chức kinh tế khu vực ngoài Nhà nước trong quá trình thực hiện, vừa không đúng bản chất của việc thực hiện dân chủ ở cơ sở.
Cần quy định đặc thù khi thực hiện dân chủ ở doanh nghiệp nhà nước.
Nêu thực tiễn thời gian qua, việc thực hiện dân chủ tại các doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp ngoài nhà nước chưa đạt được kết quả như mong muốn, đại biểu Trần Nhật Minh – Đoàn ĐBQH tỉnh Nghệ An cho rằng, cần thiết đưa doanh nghiệp ngoài nhà nước vào phạm vi điều chỉnh của luật. Bởi, nhiều doanh nghiệp khu vực ngoài nhà nước chưa xây dựng quy chế dân chủ, tỷ lệ doanh nghiệp có tổ chức công đoàn khu vực ngoài nhà nước, doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài tổ chức Hội nghị người lao động còn thấp, đạt khoảng 64%, doanh nghiệp chưa có tổ chức công đoàn gần như không tổ chức Hội nghị người lao động theo quy định.
Việc tổ chức Hội nghị người lao động ở một số doanh nghiệp vẫn còn hình thức, chưa đảm bảo các nội dung theo quy định, nhất là việc công khai tài chính các loại quỹ. Một số doanh nghiệp không tổ chức lấy ý kiến của đa số người lao động nhưng vẫn ký thỏa ước lao động tập thể. Nhiều doanh nghiệp chưa thực hiện công khai các nội dung của thỏa ước lao động tập thể nên người lao động chưa tiếp cận được với thỏa ước lao động tập thể của doanh nghiệp.
Theo số liệu của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, năm 2021 cả nước có 105 cuộc tranh chấp lao động dẫn đến ngừng việc tập thể. Nguyên nhân chủ yếu là do người lao động chưa đồng tình với cơ chế trả lương của doanh nghiệp…Từ những lý do trên, đại biểu Trần Nhật Minh – Đoàn ĐBQH tỉnh Nghệ An đề nghị: “Việc thực hiện dân chủ ở doanh nghiệp cần được quan tâm đúng mức hơn nữa, cần thiết phải nghiên cứu, rà soát, xây dựng các quyết định của pháp luật để khắc phục kịp thời những hạn chế, bất cập trong thực tiễn và các biện pháp bảo đảm thực hiện dân chủ tại doanh nghiệp. Tuy nhiên, cơ quan chủ trì soạn thảo cần tiếp tục rà soát các chế định của pháp luật lao động như đối thoại doanh nghiệp, thỏa ước lao động tập thể, giải quyết tranh chấp lao động hợp đồng lao động được quy định tại Bộ luật Lao động và các văn bản dưới luật khác để không có sự trùng lặp, chồng chéo giữa hệ thống pháp luật về dân chủ cơ sở và hệ thống pháp luật lao động”.
Đại biểu Đặng Xuân Phương – Đoàn ĐBQH tỉnh Nghệ An.
Trả lời phỏng vấn bên hành lang Quốc hội, một số đại biểu Quốc hội đề nghị cơ quan soạn thảo nghiên cứu quy định riêng trong thực hiện dân chủ tại doanh nghiệp nhà nước với doanh nghiệp tư nhân, hợp tác xã. Đại biểu Đặng Xuân Phương – Đoàn ĐBQH tỉnh Nghệ An nêu quan điểm: “Việc xây dựng luật cần phải hướng đến tách bạch giữa công việc mà người dân tham gia vào xây dựng bộ máy chính quyền cấp cơ sở với việc tổ chức các hoạt động tự quản của cộng đồng. Nếu không làm rõ hai việc này thì sẽ có khái niệm không được tách bạch rõ ràng giữa công tác kiểm tra. Người dân có thể kiểm tra công việc của nhà nước hay làm giám sát, cái đấy là vấn đề cần phải làm rõ, nó liên quan đến việc làm rõ khái niệm đến vấn đề đặt ra là các hình thức tổ chức thực hiện dân chủ như thế nào cho phù hợp”.
Cùng quan điểm này, đại biểu Nguyễn Văn Mạnh – Đoàn ĐBQH tỉnh Vĩnh Phúc cho rằng, đặc thù doanh nghiệp nhà nước là sử dụng và quản lý trực tiếp nguồn ngân sách Nhà nước và các dự án đầu tư công của Nhà nước vì vậy cần cơ chế đặc thù. Bởi trong các doanh nghiệp, nhất là các doanh nghiệp nước ngoài, việc thực hiện dân chủ vẫn còn nhiều vấn đề phức tạp và chưa thực chất, do vậy, đại biểu đề nghị quy định một chương hoặc một cơ chế đặc thù cho hoạt động dân chủ cơ sở trong doanh nghiệp, nhằm phát huy vai trò dân chủ cũng như việc làm chủ của công nhân, người lao động trong doanh nghiệp.
Đại biểu Trần Quốc Quân – Đoàn ĐBQH tỉnh Long An đồng tình với phạm vi điều chỉnh của luật bao gồm các doanh nghiệp ngoài nhà nước, trong đó bao gồm cả hợp tác xã và tổ chức khác có thuê mướn, sử dụng lao động theo hợp đồng lao động. Tuy nhiên, đề nghị trong dự thảo luật có một số nội dung quy định về đặc thù đối với doanh nghiệp Nhà nước, vì doanh nghiệp Nhà nước là một tổ chức trực tiếp quản lý, sử dụng các nguồn đầu tư công của Nhà nước nên cần thiết phải có những quy định mang tính chất đặc thù để quản lý, kiểm soát về sử dụng nguồn lực đầu tư của Nhà nước, kiểm soát việc tham nhũng, tiêu cực, lãng phí nếu có. “Đề nghị Ban soạn thảo nghiên cứu bổ sung thêm các quy định chi tiết hơn về các nội dung doanh nghiệp phải công khai liên quan đến quyền và lợi ích trực tiếp của người lao động. Thực tế trong thời gian qua, việc công khai và thực hiện dân chủ tại các doanh nghiệp còn nhiều bất cập, nhất là việc công khai các chế độ, chính sách bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp”, Đại biểu Trần Quốc Quân nêu quan điểm.
Một số đại biểu Quốc hội cũng bày tỏ tán thành đưa nội dung thực hiện dân chủ ở khu vực doanh nghiệp vào dự thảo luật, nhằm tạo sự thống nhất, đồng bộ trong thực hiện. Trong đó, việc tổ chức Hội nghị cán bộ, công chức, viên chức; hoạt động của Ban Thanh tra nhân dân trong cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp Nhà nước; tổ chức Hội nghị người lao động, đối thoại trong các doanh nghiệp là những nội dung thể hiện rõ nét nhất về thực hiện dân chủ ở cơ sở. Đại biểu Nguyễn Phi Thường – Đoàn ĐBQH thành phố Hà Nội đề nghị dự thảo Luật quy định rõ việc giao Chính phủ hướng dẫn, quy định chi tiết ba nội dung trên, phù hợp với từng khu vực, đối tượng để làm căn cứ triển khai, thực hiện. Bởi, nội dung này tương đối rộng, nhiều đối tượng, liên quan trực tiếp đến quyền và trách nhiệm của thủ trưởng các cơ quan, đơn vị, người sử dụng lao động, tổ chức Công đoàn cơ sở.
Thực hiện dân chủ tại doanh nghiệp ngoài nhà nước: Đại biểu băn khoăn về tính khả thi.
Chưa đồng tình với quan điểm của ban soạn thảo và một số đại biểu phát biểu tại tổ và hội trường, trả lời phỏng vấn bên hành lang Quốc hội, đại biểu Phạm Văn Hòa – Đoàn ĐBQH tỉnh Đồng Tháp cho rằng, chỉ nên quy định thực hiện dân chủ ở doanh nghiệp nhà nước: “Theo tôi, phạm vi điều chỉnh của dự thảo Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở chỉ là doanh nghiệp nhà nước và cơ quan đơn vị. Còn doanh nghiệp ngoài nhà nước không nằm trong phạm vi điều chỉnh vì doanh nghiệp ngoài nhà nước bị điều chỉnh bởi Luật Doanh nghiệp, Luật Lao động, Luật Hợp tác xã. Theo quy định của những luật này, nếu chủ doanh nghiệp không đồng ý, không đồng tình thì cũng không thể nào áp dụng chế tài xử lý được, vì vậy tôi đề nghị không đưa doanh nghiệp ngoài nhà nước và hợp tác xã vào phạm vi điều chỉnh của luật”.
Đại biểu Phạm Văn Hòa – Đoàn ĐBQH tỉnh Đồng Tháp cho rằng chỉ nên quy định thực hiện dân chủ ở doanh nghiệp nhà nước.
Đại biểu Chamaléa Thị Thủy – Đoàn ĐBQH tỉnh Ninh Thuận cũng cho rằng, chưa nên mở rộng phạm vi điều chỉnh đối với doanh nghiệp ngoài nhà nước. Bởi việc mở rộng đối tượng điều chỉnh là các loại hình doanh nghiệp khác, hợp tác xã và tổ chức khác có thuê mướn sử dụng lao động theo hợp đồng lao động là quá rộng và khó thực hiện được trong thực tế. Theo đại biểu, bản chất trong mối quan hệ giữa người lao động và người sử dụng lao động trong doanh nghiệp được xác lập trên nguyên tắc tự nguyện, tự thỏa thuận theo hình thức và nội dung phù hợp với quy định của pháp luật về lao động. Thể hiện cụ thể trong hợp đồng lao động theo Bộ luật Lao động và các văn bản hướng dẫn thi hành và nếu như có phát sinh các mâu thuẫn, xung đột thì cơ chế giải quyết theo quy định pháp luật có liên quan như là Bộ luật Dân sự, Luật Doanh nghiệp, Luật Công đoàn, các văn bản quy định chi tiết và đến nay cơ bản được đáp ứng và chưa có những vấn vướng mắc gì. Vì vậy, quy định về việc thực hiện dân chủ tại doanh nghiệp như trong dự thảo luật là chồng chéo, trùng lặp, có khả năng gây khó khăn cho các doanh nghiệp, tổ chức kinh tế khu vực ngoài nhà nước trong quá trình thực hiện vừa không đúng bản chất của việc thực hiện dân chủ ở cơ sở.
Có ý kiến đại biểu Quốc hội bày tỏ băn khoăn, bởi “cái khó” khi thực hiện quy định người lao động được bàn, được tham gia, được biết, được công khai minh bạch về thang lương, bảng lương, vì mỗi loại hình doanh nghiệp có hình thức, nguyên tắc quản trị khác nhau. Đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga – Đoàn ĐBQH tỉnh Hải Dương cho rằng: “Đối với doanh nghiệp tư nhân, đặc biệt là doanh nghiệp liên doanh, liên kết, đưa họ vào phạm vi điều chỉnh của Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở có vẻ khó khăn hơn. Chính vì vậy, tôi đề nghị Ban soạn thảo rà soát, đánh giá tác động thêm để tiếp tục nghiên cứu kỹ trước khi quy định trong luật. Bởi việc điều chỉnh đối tượng không chỉ đơn thuần là thêm hay bớt vài dòng trong Luật, mà điều quan trọng là chúng ta phải xem xét nhiều chiều và lấy ý kiến kỹ lưỡng đảm bảo tính khả thi trong thực tế”.
Đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga – Đoàn ĐBQH tỉnh Hải Dương.
Trong các phiên thảo luận tổ và hội trường, quy định thực hiện dân chủ ở doanh nghiệp cũng được đại biểu thảo luận sôi nổi. Đại biểu Trần Văn Lâm – Đoàn ĐBQH tỉnh Bắc Giang đề nghị cần có đánh giá, tổng kết và nghiên cứu thêm về vấn đề này. Theo đại biểu, dân chủ là khái niệm người dân với chính quyền. Dân làm chủ, cán bộ, công chức là "đầy tớ của dân" như Bác Hồ nói. Cán bộ, công chức được dân nộp thuế và trả lương. Như vậy, dân chủ cơ sở áp dụng ở cấp xã phường thì hoàn toàn xác đáng, nhưng với doanh nghiệp lại không phù hợp. Bởi đây là mối quan hệ khác, chủ doanh nghiệp bỏ tiền thuê người lao động. Với mối quan hệ này, nếu áp vào dân chủ ở cơ sở thì rất khiên cưỡng. Việc thực hiện quy chế dân chủ ở doanh nghiệp là không hiệu quả, rất hình thức bởi bản chất là không phù hợp. Chưa kể, nếu dự án luật được thông qua, mỗi doanh nghiệp sẽ thành lập tổ Thanh tra nhân dân. Như vậy, doanh nghiệp lại phải bỏ tiền để chuẩn bị cơ sở vật chất, tạo gánh nặng cho doanh nghiệp khi phải tổ chức thêm bộ máy "Thanh tra nhân dân" và rất nhiều sức ép về chi phí, từ đó, môi trường đầu tư có thể kém đi.
Khẳng định điểm mới trong dự thảo Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở là quy định một chương riêng về thực hiện dân chủ ở doanh nghiệp, đại biểu Phạm Thúy Chinh - Đoàn ĐBQH tỉnh Hà Giang cho rằng, nguyên tắc trong hoạt động quản lý hành chính khác với nguyên tắc trong quản trị doanh nghiệp. Chính vì vậy, quy định nội dung những việc người lao động được công khai, được tham gia, được quyết định, kiểm tra và giám sát lại chưa phản ánh đúng với quản trị doanh nghiệp hiện tại.
Do vậy, nếu chỉ áp dụng chung quy định về thực hiện dân chủ ở cơ sở với doanh nghiệp trong một chương sẽ không đầy đủ, khó thực hiện dễ dẫn tới tính hình thức khi triển khai thực hiện. Đại biểu đề nghị cần tính toán, cân nhắc và quy định cụ thể phạm vi điều chỉnh đối với việc thực hiện dân chủ cơ sở ở doanh nghiệp.
Cùng quan điểm này, đại biểu Lê Trường Lưu – Đoàn ĐBQH tỉnh Thừa Thiên Huế đặt câu hỏi liệu có thực hiện được dân chủ cơ sở tại doanh nghiệp. Đại biểu cho rằng, rất ít, thậm chí gần như không có doanh nghiệp nào công khai kết quả sản xuất kinh doanh và vấn đề lương thưởng. Nếu đưa quy định này vào luật, sau này cơ chế kiểm tra giám sát sẽ thực hiện ra sao?
Thay mặt cơ quan soạn thảo, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà giải trình vấn đề đại biểu nêu liên quan đến quy định thực hiện dân chủ ở doanh nghiệp.
Giải trình trước Quốc hội trong phiên thảo luận tại hội trường về việc thực hiện dân chủ trong doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp ngoài Nhà nước, bao gồm cả tổ chức, hợp tác xã, hộ gia đình, cá nhân có thuê muớn và sử dụng lao động, thay mặt ban soạn thảo, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà cho biết: việc xây dựng quy định này áp dụng theo Điều 3 của Bộ luật Lao động. Đây cũng không phải là vấn đề mới và đã thực hiện Nghị định từ năm 2013, trên cơ sở Kết luận số 65 của Bộ Chính trị và sau đó Nghị định 60, Nghị định 159 cũng như mới đây nhất là Nghị định 145, sau khi cụ thể hóa Bộ luật Lao động năm 2019. Thực chất khi đưa quy định thực hiện dân chủ ở doanh nghiệp là kế thừa các quy định nêu trên và không làm thay đổi bản chất quan hệ lao động, không làm ảnh hưởng và xung đột các bộ luật liên quan, không mâu thuẫn các điều ước quốc tế về lao động mà Việt Nam tham gia và bảo đảm được mối quan hệ hài hòa, hợp tác cùng phát triển. Nếu doanh nghiệp làm tốt biện pháp để bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của người lao động và là cơ chế để hỗ trợ, thúc đẩy cho doanh nghiệp phát triển. Tuy nhiên, tiếp thu ý kiến của đại biểu, ban soạn thảo sẽ tiếp tục hoàn thiện vấn đề này./.