ĐẦU TƯ CHO CÁC TRƯỜNG NGHỀ TRỌNG ĐIỂM CHẤT LƯỢNG CAO

08/07/2022

Tại buổi làm việc với Đoàn khảo sát của Ủy ban Văn hóa, Giáo dục sáng 08/7, đại diện Trường Cao đẳng Cơ khí nông nghiệp, tỉnh Vĩnh Phúc, kiến nghị xem xét, phê duyệt bổ sung một số nghề là nghề trọng điểm quốc gia, trọng điểm quốc tế để có căn cứ đầu tư, mua sắm trang thiết bị; đầu tư cho các trường trọng điểm chất lượng cao...

 

Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục Nguyễn Đắc Vinh - Trưởng Đoàn khảo sát phát biểu tại buổi làm việc

Báo cáo với Đoàn khảo sát, Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Cơ khí nông nghiệp, TS. Phạm Thị Lan Phương cho biết, nhà trường hiện có 5 phòng, 7 khoa, 3 trung tâm, tổng số cán bộ, giáo viên, người lao động là 244 người (tính đến ngày 1.12.2021).

Đến nay, nhà trường đã xây dựng cơ sở vật chất khang trang, hiện đại trên khuôn viên rộng gần 17ha, có trên 35.000m2 diện tích sử dụng được xây dựng kiên cố với đầy đủ hạng mục công trình phục vụ hoạt động đào tạo như nhà hiệu bộ, giảng đường, xưởng thực hành, hội trường, thư viện, ký túc xá và cảnh quan môi trường sư phạm xanh, sạch đẹp.

Những năm gần đây, các ngành nghề đào tạo của nhà trường ngày càng được mở rộng cả về số lượng và quy mô tuyển sinh theo 3 cấp trình độ cao đẳng, trung cấp và sơ cấp. Hiện tại, nhà trường được cấp phép đào tạo 18 nghề trình độ cao đẳng, 22 nghề trình độ trung cấp và 52 nghề trình độ sơ cấp. Trong đó có 6 nghề trọng điểm cấp độ quốc tế là Công nghệ ô tô, Điện công nghiệp, Điện tử công nghiệp, Cắt gọt kim loại, Hàn, Quản trị mạng máy tính; 1 nghề trọng điểm cấp độ quốc gia là Kỹ thuật máy nông nghiệp. Ngoài ra, một số ngành nghề được nhà trường tuyển sinh và đào tạo bồi dưỡng theo nhu cầu xã hội và các chương trình bồi dưỡng theo đặt hàng của doanh nghiệp. Các chương trình đào tạo được cập nhật điều chỉnh hàng năm đáp ứng yêu cầu đào tạo về phương pháp, nội dung.


TS. Phạm Thị Lan Phương, Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Cơ khí nông nghiệp trình bày báo cáo các vấn đề Đoàn khảo sát quan tâm

Tỷ lệ sinh viên tốt nghiệp của nhà trường hằng năm đều đạt trên 95%. Tỷ lệ sinh viên sau tốt nghiệp có việc làm là trên 86% với mức lương từ 6 - 10 triệu đồng/ tháng. Năm 2021, số lượng học viên, học sinh, sinh viên tốt nghiệp là 5.443, trong đó cao đẳng 297, trung cấp 897, sơ cấp 2.236 và dưới 3 tháng là 2.013 người.

Theo đại diện nhà trường, công tác tuyển sinh còn gặp nhiều khó khăn, thách thức, đặc biệt đối với những ngành nghề học nặng nhọc, độc hại do quy định về phân luồng hiệu quả chưa cao. Bên cạnh đó, Bộ Giáo dục và Đào tạo chưa ban hành quy định khối lượng kiến thức văn hóa trung học phổ thông, ảnh hưởng rất lớn đến phân luồng học sinh sau trung học cơ sở vào học trung cấp nghề để liên thông lên cao đẳng...

Từ năm 1996, nhà trường được cơ quan chức năng trên địa bàn tỉnh cho phép đào tạo Chương trình giáo dục thường xuyên cấp trung học phổ thông (trước đây là Bổ túc trung học phổ thông). Tuy nhiên, từ năm học 2019 - 2020 đến nay, thực hiện chỉ đạo của Bộ Giáo dục và Đào tạo, UBND tỉnh Vĩnh Phúc, Sở Giáo dục và Đào tạo Vĩnh Phúc đã có quyết định giao nhiệm vụ chủ trì trong quản lý đào tạo chương trình giáo dục thường xuyên cấp trung học phổ thông cho Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên Bình Xuyên. Theo đại diện nhà trường, công tác tổ chức, quản lý đào tạo gặp khó khăn, gây chồng chéo, thiếu đồng bộ trong quản lý dẫn tới sự không chủ động của nhà trường, ảnh hưởng đến chất lượng, tiến độ đào tạo.

Đại diện Trường Cao đẳng Cơ khí nông nghiệp kiến nghị Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành có liên quan, các địa phương triển khai thực hiện nghiêm các quy định của pháp luật về giáo dục, đào tạo, thực hiện đồng bộ các giải pháp đổi mới toàn diện giáo dục - đào tạo, tháo gỡ khó khăn, bất cập, tạo thuận lợi cho người dân tiếp cận các dịch vụ đào tạo. Đẩy mạnh hướng nghiệp và phân luồng học sinh sau tốt nghiệp trung học cơ sở vào học tại các cơ sở giáo dục nghề nghiệp.


Đoàn khảo sát thăm quan Trường Cao đẳng Cơ khí Nông nghiệp

Trường cũng đề xuất Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội, Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp tiếp tục quan tâm, phê duyệt trường được thụ hưởng các dự án Chương trình mục tiêu quốc gia, ODA và các dự án khác để đầu tư, mua sắm trang thiết bị phục vụ đào tạo, thay thế trang thiết bị đã cũ, lạc hậu; xem xét, phê duyệt bổ sung một số nghề là nghề trọng điểm quốc gia, trọng điểm quốc tế để có căn cứ đầu tư, mua sắm trang thiết bị khi có nhu cầu; đầu tư cho các trường trọng điểm chất lượng cao; hỗ trợ kinh phí phát triển chương trình, giáo trình đào tạo cho nhà trường...

Tại buổi làm việc, Đoàn khảo sát quan tâm tìm hiểu về tổ chức bộ máy của nhà trường; vấn đề đầu tư trang thiết bị, cơ sở vật chất; việc kết nối nhà trường với doanh nghiệp, giải quyết việc làm cho học sinh sinh viên; đẩy mạnh tự chủ...

Phát biểu kết thúc buổi làm việc, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục Nguyễn Đắc Vinh đánh giá cao nhà trường có bề dày truyền thống hơn 60 năm xây dựng và trưởng thành, có cơ sở vật chất khang trang, chương trình đào tạo chất lượng, góp phần cung cấp nhân lực cho địa phương, khu vực và cả nước.

Khẳng định chất lượng đào tạo đóng vai trò quan trọng, nhất là  bối cảnh cơ cấu thị trường lao động thay đổi liên tục, đào tạo nghề đáp ứng nhu cầu thị trường, lao động được sử dụng và có thu nhập bảo đảm cuộc sống, Chủ nhiệm Nguyễn Đắc Vinh đề nghị nhà trường kiên trì mục tiêu nâng cao chất lượng đào tạo, từ đó tiếp tục nâng tầm, phát triển, khẳng định thương hiệu...

(Theo Báo Đại biểu Nhân dân)