Thẩm tra dự án Luật Thanh tra (sửa đổi), Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng cho rằng việc không tiếp tục quy định hình thức thanh tra thường xuyên nhằm mục đích phân định rõ giữa hoạt động thanh tra với hoạt động kiểm tra, góp phần khắc phục hạn chế đã được chỉ ra qua tổng kết về tình trạng “chồng chéo, trùng lặp” trong các hoạt động này.
Thẩm tra dự án Luật Thanh tra (sửa đổi), Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng cho biết, theo quy định của Luật Thanh tra hiện hành có 03 hình thức thanh tra là thanh tra theo kế hoạch, thanh tra thường xuyên, và thanh tra đột xuất. Dự thảo Luật lược bỏ hình thức thanh tra thường xuyên. Ủy ban Pháp luật cho rằng, hình thức thanh tra thường xuyên được tiến hành trên cơ sở chức năng, nhiệm vụ của cơ quan quản lý nhà nước thường gắn với việc thực hiện các nhiệm vụ thường ngày về chuyên môn, kỹ thuật của cơ quan đó. Do vậy, thanh tra thường xuyên có sự trùng lặp với hoạt động kiểm tra chuyên ngành của cơ quan quản lý nhà nước, nên việc duy trì hình thức thanh tra này là không cần thiết và không đúng với tính chất của hoạt động thanh tra.
Do đó, Ủy ban Pháp luật tán thành với quy định của dự thảo Luật về việc không tiếp tục quy định hình thức thanh tra thường xuyên nhằm phân định rõ giữa hoạt động thanh tra với hoạt động kiểm tra, góp phần khắc phục hạn chế đã được chỉ ra qua tổng kết về tình trạng “chồng chéo, trùng lặp” dẫn đến lạm dụng, khó phân biệt giữa thanh tra và kiểm tra. Đồng thời, nhất trí với dự thảo Luật bổ sung một số quy định có tính nguyên tắc về thẩm quyền, trách nhiệm, trình tự, thủ tục đối với hoạt động kiểm tra (Điều 6) để các cơ quan hành chính nhà nước thực hiện có hiệu quả hơn công tác quản lý nhà nước trong phạm vi được giao phụ trách.
Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng trình bày báo cáo thẩm tra
Về trình tự, thủ tục thanh tra, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật nêu rõ, Điều 43 của dự thảo Luật quy định hoạt động thanh tra được thực hiện theo quy định của Luật này và giao Chính phủ quy định chi tiết phù hợp với đặc điểm quản lý của ngành, lĩnh vực. Đồng thời, trình tự, thủ tục thanh tra được quy định tại Chương IV, gồm thành lập Đoàn thanh tra, chuẩn bị thanh tra, tiến hành thanh tra và kết thúc cuộc thanh tra.
Về nội dung này, Ủy ban Pháp luật cho rằng, khác với quy định của Luật Thanh tra hiện hành, các bước tiến hành hoạt động thanh tra theo dự thảo Luật được áp dụng chung cho cả 02 loại hình thanh tra là thanh tra hành chính và thanh tra chuyên ngành. Qua thảo luận, đa số thành viên Ủy ban Pháp luật không nhất trí với quy định sửa đổi này bởi, hoạt động thanh tra hành chính và thanh tra chuyên ngành có những điểm tương đồng cần phải được chuẩn hóa theo quy định chung, nhưng cũng có sự khác biệt nhất định, như về tính chất, mục đích, đối tượng, chủ thể có thẩm quyền tiến hành thanh tra, chế tài áp dụng đối với tổ chức, cá nhân có hành vi vi phạm pháp luật. Bên cạnh đó, việc quy định chung một trình tự, thủ tục là không phù hợp với định hướng sửa đổi Luật Thanh tra là cần “phân biệt giữa thanh tra hành chính với thanh tra chuyên ngành”, cũng như mục tiêu, yêu cầu đổi mới, cải cách đối với thanh tra chuyên ngành đã được Thủ tướng Chính phủ xác định tại Chiến lược thanh tra đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030.
Thêm vào đó, Luật Thanh tra hiện đang quy định khác nhau về trình tự, thủ tục thực hiện giữa thanh tra hành chính và thanh tra chuyên ngành. Tờ trình của Chính phủ cũng như các tài liệu khác trong hồ sơ dự án Luật chưa lý giải, làm rõ sự cần thiết và tính hợp lý của việc phải quy định thống nhất trình tự, thủ tục chung cho thanh tra hành chính và thanh tra chuyên ngành; trong khi đó, tại Báo cáo số 2333/BC-TTCP ngày 25/12/2019 của Thanh tra Chính phủ tổng kết 09 năm thi hành Luật Thanh tra vẫn khẳng định “do mỗi ngành, lĩnh vực có những đặc thù riêng, cấp độ và phạm vi quy mô thanh tra không giống nhau nên khó có thể áp dụng một thủ tục chung”.
Toàn cảnh phiên họp
Do đó, Ủy ban Pháp luật đề nghị cần tiếp tục nghiên cứu, kế thừa cách quy định của Luật Thanh tra hiện hành theo hướng có một số bước cơ bản áp dụng chung cho cả hai loại hình hoạt động thanh tra; đồng thời, có quy định riêng về trình tự, thủ tục, thời gian tiến hành hoạt động thanh tra hành chính, thanh tra chuyên ngành trong Luật này để vừa bảo đảm hoạt động thanh tra được thực hiện đồng bộ, chuyên nghiệp, đúng nguyên tắc, mục đích vừa phù hợp với đặc thù của từng loại hình hoạt động thanh tra, phân biệt giữa thanh tra hành chính với thanh tra chuyên ngành.
Ngoài ra, tại Mục 1 Chương IV, Ủy ban Pháp luật đề nghị nghiên cứu bổ sung quy định về trách nhiệm xây dựng, ban hành chuẩn mực thanh tra, trong đó cần đề ra các nguyên tắc, yêu cầu, tiêu chí bảo đảm chất lượng thanh tra, thủ tục xử lý các mối quan hệ phát sinh trong hoạt động thanh tra mà Đoàn thanh tra, thanh tra viên và các bên liên quan cần tuân thủ, làm cơ sở để kiểm tra, đánh giá chất lượng hoạt động thanh tra.
Đối với việc xử lý chồng chéo, trùng lặp trong hoạt động thanh tra, giữa hoạt động thanh tra với kiểm tra, kiểm toán, Ủy ban Pháp luật nhận thấy, trên cơ sở nhận thức rõ thực trạng “hoạt động thanh tra, kiểm tra của các ngành dày đặc, gây bức xúc cho đối tượng thanh tra, kiểm tra”, dự thảo Luật đã bổ sung nhiều quy định nhằm khắc phục tình trạng chồng chéo, trùng lặp trong hoạt động thanh tra, giữa hoạt động thanh tra với kiểm tra, kiểm toán, như xây dựng, ban hành định hướng chương trình thanh tra, kế hoạch thanh tra hằng năm (Điều 44, Điều 45); bổ sung các nguyên tắc xử lý chồng chéo, trùng lặp trong hoạt động thanh tra (Điều 52); quy định việc thu thập thông tin, tài liệu trong chuẩn bị thanh tra (Điều 57); công tác phối hợp trong hoạt động thanh tra, kiểm toán nhà nước, điều tra (Chương VI)… Do vậy, Ủy ban Pháp luật cơ bản tán thành với các quy định của dự thảo Luật, đồng thời đề nghị tiếp tục bổ sung, quy định rõ trách nhiệm của các cơ quan quản lý nhà nước, cơ quan có thẩm quyền kiểm tra, kiểm toán phối hợp với cơ quan thanh tra trong việc xây dựng định hướng chương trình thanh tra, kế hoạch thanh tra, vì đây là các công cụ có vai trò rất quan trọng để hạn chế phát sinh tình trạng chồng chéo, trùng lặp liên quan đến đối tượng thuộc phạm vi quản lý của nhiều cơ quan nhưng dự thảo Luật mới chỉ xác định duy nhất cơ quan thanh tra chịu trách nhiệm xây dựng định hướng, kế hoạch này; đồng thời, quy định rõ quy trình phối hợp giữa các cơ quan nhằm lược bỏ ngay từ đầu những nhiệm vụ, nội dung có khả năng dẫn đến chồng chéo, trùng lặp trong hoạt động thanh tra, kiểm tra, kiểm toán.
Ngoài ra, về quy định xử lý chồng chéo, trùng lặp giữa hoạt động thanh tra và hoạt động kiểm toán nhà nước, Ủy ban Pháp luật đề nghị chỉnh lý khoản 1 Điều 52 của dự thảo Luật phù hợp với quy định tại khoản 3 Điều 64a của Luật Kiểm toán nhà nước. Theo đó, khi xảy ra việc chồng chéo, trùng lặp giữa hoạt động thanh tra và hoạt động kiểm toán nhà nước thì Kiểm toán nhà nước chủ trì, phối hợp với cơ quan thanh tra để xử lý.