CÔNG KHAI CÁC ĐƠN ĐĂNG KÝ NHÃN HIỆU NGAY KHI CỤC SỞ HỮU TRÍ TUỆ NHẬN ĐƯỢC ĐƠN ĐĂNG KÝ

24/06/2022

Giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sở hữu trí tuệ, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng nêu rõ, việc công khai các đơn đăng ký nhãn hiệu ngay khi Cục Sở hữu trí tuệ nhận được đơn đăng ký là cần thiết để vừa thể hiện sự công khai, minh bạch trong hoạt động xác lập quyền sở hữu trí tuệ, mặt khác tạo điều kiện thuận lợi cho các chủ đơn, tránh trường hợp nộp đơn trùng lặp.

 

Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng

Giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sở hữu trí tuệ, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng cho biết, về yêu cầu đối với đơn đăng ký kiểu dáng công nghiệp, có ý kiến đề nghị bổ sung quy định về công khai các đơn đăng ký nhãn hiệu ngay khi Cục Sở hữu trí tuệ nhận được đơn đăng ký. Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho rằng, việc công khai các đơn đăng ký nhãn hiệu ngay khi Cục Sở hữu trí tuệ nhận được đơn đăng ký là cần thiết để vừa thể hiện sự công khai, minh bạch trong hoạt động xác lập quyền sở hữu trí tuệ, mặt khác tạo điều kiện thuận lợi cho các chủ đơn, tránh trường hợp nộp đơn trùng lặp. Vì vậy, tiếp thu ý kiến của đại biểu Quốc hội, tại Điều 110 đã bổ sung khoản 1a như sau: “1a. Đơn đăng ký nhãn hiệu chưa được cơ quan quản lý nhà nước về sở hữu công nghiệp chấp nhận hợp lệ được công khai ngay sau khi được tiếp nhận.”.

Về ý kiến của người thứ ba về việc cấp văn bằng bảo hộ, Có ý kiến cho rằng quy định về ý kiến của người thứ ba là ý kiến mang tính chất nguồn thông tin tham khảo là chưa phù hợp, cần quy định ý kiến người thứ ba như thủ tục phản đối, có tính độc lập và tính pháp lý nhất định, đề nghị bổ sung quy định về việc hoàn trả phí đã nộp cho người đã có đơn phản đối trong trường hợp đơn đó phản ánh chính xác.

Toàn cảnh phiên họp

Giải trình nội dung này, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật cho biết, để xác định tính chất và quy trình xử lý đối với ý kiến của các tổ chức, cá nhân trong quá trình xử lý đơn đăng ký sở hữu công nghiệp, bên cạnh quy định tại Điều 112 về Ý kiến của người thứ ba trong Luật hiện hành, dự thảo Luật đã bổ sung Điều 112a về thủ tục Phản đối đơn đăng ký sở hữu công nghiệp, trong đó đã thể hiện các nội dung cần xử lý như ý kiến đề nghị của đại biểu Quốc hội. Tại Điều 112a cũng đã bổ sung, làm rõ thêm quy định đặc thù về thủ tục xử lý phản đối đơn đăng ký sở hữu công nghiệp, cụ thể là “Cơ quan quản lý nhà nước về quyền sở hữu công nghiệp có trách nhiệm xử lý ý kiến phản đối quy định tại khoản 2 Điều này theo trình tự, thủ tục do Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ quy định”.

Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật nêu rõ, việc thu phí đối với thủ tục này là phù hợp với yêu cầu thực tiễn là phải đầu tư nguồn lực cho việc thực hiện các bước như tra cứu, thẩm định thông tin phản đối, tổ chức trao đổi, đối chất giữa các bên trong quá trình xử lý đơn phản đối. Bên cạnh đó, việc phân chia ý kiến người thứ ba thành ý kiến đối với đơn (Điều 112) và phản đối đơn (Điều 112a) nhằm mục đích phân luồng để đẩy nhanh tiến độ thẩm định, xử lý đơn chứ không phải bổ sung một thủ tục độc lập như thủ tục chấm dứt hiệu lực, hủy bỏ hiệu lực hoặc khiếu nại. Điều này cũng phù hợp với thực tiễn là việc xem xét ý kiến phản đối đơn không thể tách rời quá trình xử lý đơn, do đó, đề nghị Quốc hội cho giữ nội dung này như quy định của dự thảo Luật.

Về từ chối cấp văn bằng bảo hộ; thời hạn xử lý đơn đăng ký sở hữu công nghiệp, có ý kiến đề nghị chỉnh lý lại nội dung Điều 117 về từ chối cấp văn bằng bảo hộ để tạo thuận lợi trong triển khai thực hiện. Tiếp thu ý kiến đại biểu Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã chỉnh lý lại theo hướng chuyển các quy định về cấp văn bằng bảo hộ nếu phản hồi xác đáng hoặc do kết quả từ một thủ tục khác, thẩm định lại nếu dự định cấp văn bằng bảo hộ bị phản đối tại điểm c khoản 3 và khoản 4 Điều 117 về Điều 118 (Cấp văn bằng bảo hộ, đăng bạ) để bảo đảm phù hợp về nội dung cần điều chỉnh, thuận lợi trong triển khai thực hiện.

Ngoài ra, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật cho biết, có ý kiến cho rằng thời hạn xử lý đơn đăng ký sở hữu công nghiệp tại Điều 119 là quá dài, dẫn đến mất lợi thế cạnh tranh và khả năng bảo vệ của chủ thể quyền. Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho rằng, việc tổ chức, cá nhân mong muốn sớm được cấp văn bằng bảo hộ là chính đáng. Tuy nhiên, việc cấp văn bằng bảo hộ khi chưa có đủ thông tin, đặc biệt là về quyền ưu tiên sẽ dẫn đến nguy cơ gây tranh chấp về quyền ưu tiên và khả năng văn bằng bảo hộ bị hủy bỏ sau đó, gây phiền hà, tốn kém cho các chủ thể được cấp văn bằng bảo hộ, tạo thêm gánh nặng công việc cho các cơ quan nhà nước có liên quan. Quy định về thời hạn xử lý đơn đăng ký sở hữu công nghiệp tại dự thảo Luật đã được cân nhắc kỹ lưỡng trên cơ sở quy định tại Công ước Paris, Hiệp định TRIPS và thực tiễn thời gian cần thiết để triển khai trình tự chặt chẽ về thẩm định đơn đăng ký sở hữu công nghiệp ở Việt Nam cũng như năng lực (về nhân lực, hệ thống thông tin...) của cơ quan xử lý đơn. Do đó, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị Quốc hội cho giữ nội dung này như quy định của dự thảo Luật.

Minh Hùng