ĐBQH NGUYỄN VĂN THI: GIAO BỘ TƯ PHÁP QUẢN LÝ VÀ CẤP CHỨNG CHỈ HÀNH NGHỀ ĐÀO TẠO PHÁP LUẬT VỀ SỞ HỮU CÔNG NGHIỆP

18/06/2022

Tham gia đóng góp ý kiến về Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sở hữu trí tuệ, đại biểu Nguyễn Văn Thi- Đoàn ĐBQH tỉnh Bắc Giang đề nghị giao Bộ trưởng Bộ Tư pháp quy định chi tiết về tổ chức đào tạo, cấp chứng chỉ khóa đào tạo pháp luật về sở hữu công nghiệp theo khoản 2a của dự thảo luật, tránh tình trạng tranh chấp chồng lấn hoặc thoái thác trách nhiệm dẫn đến quy định khó thực hiện trên thực tế.

 

Đóng góp ý kiến về Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sở hữu trí tuệ, đại biểu Nguyễn Văn Thi- Đoàn ĐBQH tỉnh Bắc Giang bày tỏ sự nhất trí cơ bản đối với dự thảo luật đã được cơ quan soạn thảo tiếp thu, chỉnh lý và trình tại kỳ họp và báo cáo của Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Về cơ chế giao quyền đăng ký sáng chế kiểu dáng công nghiệp, thiết kế, bố trí giống cây trồng là kết quả của nhiệm vụ nghiên cứu khoa học và công nghệ sử dụng ngân sách nhà nước, đại biểu bày tỏ quan điểm đồng tình với phương án giao quyền đăng ký sáng chế kiểu dáng công nghiệp, thiết kế, bố trí giống cây trồng là kết quả của nhiệm vụ nghiên cứu khoa học và công nghệ sử dụng ngân sách nhà nước một cách tự động và không bồi hoàn cho tổ chức chủ trì, đồng thời quy định cơ chế phân chia hợp lý lợi ích giữa Nhà nước, tác giả và tổ chức chủ trì. Việc này sẽ vừa tạo điều kiện đẩy nhanh việc đưa các kết quả nghiên cứu khoa học vào thực tiễn sản xuất và đời sống, vừa vẫn đảm bảo được lợi ích của Nhà nước, của tổ chức chủ trì và của tác giả.

Về việc thu hẹp đối tượng xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực sở hữu trí tuệ, đại biểu nhất trí việc giữ nguyên như luật hiện hành, không thu hẹp đối tượng xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực sở hữu trí tuệ. Theo đại biểu, việc áp dụng biện pháp xử phạt hành chính đối với tất cả các hành vi xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ là hợp lý, vì biện pháp xử lý hành chính thủ tục đơn giản, nhanh, kịp thời ngăn chặn các hành vi xâm phạm sở hữu trí tuệ. Việc này không những đảm bảo, bảo vệ được quyền của chủ sở hữu mà còn kịp thời bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng và đảm bảo trật tự quản lý hành chính. Việc xử lý hành chính cũng không loại trừ quyền khởi kiện ra tòa theo thủ tục tố tụng dân sự nên vẫn đảm bảo được quyền của các bên khi có tranh chấp về sở hữu trí tuệ.

Đại biểu Nguyễn Văn Thi- Đoàn ĐBQH tỉnh Bắc Giang

Về nội dung sửa đổi, bổ sung khoản 2 và bổ sung khoản 2a vào sau khoản 2 Điều 155 về điều kiện hành nghề dịch vụ đại diện sở hữu công nghiệp, đại biểu cho rằng cần quy định cụ thể đơn vị đầu mối quản lý và cấp chứng chỉ hành nghề đào tạo pháp luật về sở hữu công nghiệp để tránh tình trạng tranh chấp chồng lấn hoặc thoái thác trách nhiệm dẫn đến quy định khó thực hiện trên thực tế. Đại biểu đề nghị giao Bộ trưởng Bộ Tư pháp quy định chi tiết về tổ chức đào tạo, cấp chứng chỉ khóa đào tạo pháp luật về sở hữu công nghiệp theo khoản 2a của dự thảo luật. Bộ Tư pháp là đơn vị quản lý nhà nước về luật sư nên giao nhiệm vụ này cho Bộ Tư pháp là phù hợp.

Đối với điều kiện kinh doanh dịch vụ đại diện sở hữu công nghiệp, đại biểu cho biết, tại khoản 1 Điều 154 dự thảo sửa đổi có quy định: "Doanh nghiệp, hợp tác xã, tổ chức hành nghề luật sư, tổ chức dịch vụ khoa học và công nghệ được thành lập và hoạt động theo quy định của pháp luật. Có ít nhất một cá nhân có chứng chỉ hành nghề dịch vụ đại diện sở hữu công nghiệp được kinh doanh dịch vụ đại diện sở hữu công nghiệp". Đại biểu cho rằng, kinh doanh dịch vụ đại diện sở hữu công nghiệp đòi hỏi kiến thức pháp luật rất chuyên sâu, có ảnh hưởng rất lớn đến quyền và lợi ích của các chủ thể. Việc quy định như trên sẽ xảy ra tình trạng tổ chức dịch vụ đại diện sở hữu công nghiệp chỉ cần có hợp đồng lao động ngắn hạn là người có chứng chỉ là đã có nhân sự đủ điều kiện. Hợp đồng lao động ngắn hạn thì dễ biến động, không ổn định và khi chấm dứt hợp đồng lao động thì ai sẽ chịu trách nhiệm đối với dịch vụ mà người này đã đại diện cung cấp hoặc đang thực hiện, ảnh hưởng tới quyền và lợi ích của tổ chức, cá nhân được cung cấp dịch vụ đại diện sở hữu công nghiệp.

Đại biểu cũng nêu rõ, luật hiện hành cũng đã quy định điều kiện là tổ chức phải có người đứng đầu hoặc người đứng đầu tổ chức được ủy quyền phải có chứng chỉ hành nghề dịch vụ đại diện sở hữu công nghiệp mới đủ điều kiện. Vậy nên, đại biểu đề nghị nội dung này giữ nguyên như dự thảo luật hiện hành và viết lại là: "Doanh nghiệp, hợp tác xã, tổ chức hành nghề luật sư, tổ chức dịch vụ khoa học và công nghệ được thành lập và hoạt động theo quy định của pháp luật. Có người đứng đầu hoặc người đứng đầu tổ chức được ủy quyền có chứng chỉ hành nghề dịch vụ đại diện sở hữu công nghiệp được kinh doanh dịch vụ đại diện sở hữu công nghiệp.”

Ngoài ra, về hạn chế quyền của chủ bằng bảo hộ giống cây trồng, đại biểu đồng tình với quan điểm của Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã được trình bày trong báo cáo, đề nghị giữ nguyên như luật hiện hành. Bởi hiện nay còn một bộ phận rất lớn nông dân, nhất là người nông dân miền núi vùng cao, vùng đồng bào dân tộc thiểu số sản xuất với quy mô nhỏ và tự giữ giống từ vụ này sang vụ sau, nhất là một số loại giống cây trồng như giống lúa, giống lạc, giống đậu, một số giống cây ăn quả. Việc nông dân miền núi tự giữ giống, nhân giống là việc phổ biến. Việc quy định giới hạn nông dân giữ giống cây trồng cần được tổng kết, đánh giá tác động nhiều mặt trên phạm vi quy mô cả nước để đảm bảo không ảnh hưởng đến sản xuất nông nghiệp của nông dân và đảm bảo an ninh lương thực, đời sống của nông dân.

Hồ Hương