QUY ĐỊNH VỀ HÌNH THỨC CÔNG KHAI THÔNG TIN CẦN ĐẢM BẢO TÍNH BAO QUÁT, TRÁNH HÌNH THỨC

14/06/2022

Một trong những nội dung được nhiều đại biểu Quốc hội quan tâm thảo luận ở hội trường về dự án Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở tại Kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XV là hình thức công khai thông tin. Các ý kiến đề nghị nên quy định có tính bao quát về các hình thức, thời điểm công khai thông tin nhằm bảo đảm phù hợp theo quy định của pháp luật, giúp người dân tiếp cận dễ dàng nhất, tránh hình thức.

Toàn cảnh Quốc hội thảo luận ở hội trường về dự án Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở

Tại phiên thảo luận ở hội trường về dự án Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở, đa số các đại biểu khẳng định, việc xây dựng, ban hành Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở trong giai đoạn hiện nay là hết sức cần thiết, nhằm xây dựng cơ sở pháp lý và cơ chế để cho nhân dân thực hiện quyền làm chủ và đã được Hiến pháp năm 2013 quy định. Đồng thời, để giải quyết những hạn chế, bất cập phát sinh trong thực tiễn thi hành Pháp lệnh số 34, Nghị định số 04 và Nghị định số 145 của Chính phủ về thực hiện dân chủ ở cơ sở.

Nên quy định có tính bao quát về các hình thức, thời điểm công khai thông tin nhằm bảo đảm phù hợp theo quy định của pháp luật

Quan tâm đến hình thức công khai thông tin, đại biểu Bố Thị Xuân Linh cho biết, tại Điều 10 khoản 1 dự thảo Luật đã quy định 8 hình thức thông tin công khai để cho dân biết. Đại biểu tán thành quy định của dự thảo về hình thức công khai quy định tại điểm g khoản 10 là công khai qua mạng xã hội như là Zalo, Facebook, Viber, đây là một hình thức mới, tiến bộ và hiện đại, tuy nhiên về hình thức này chỉ áp dụng đối với người sử dụng điện thoại thông minh.

Đại biểu Bố Thị Xuân Linh - Đoàn ĐBQH tỉnh Bình Thuận

Theo đại biểu Bố Thị Xuân Linh, nên chọn hình thức công khai bắt buộc như là niêm yết công khai thông tin tại trụ sở Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân, nhà văn hóa thôn, tổ dân phố và điểm sinh hoạt cộng đồng. Đây là một hình thức cần phải bắt buộc. Ngoài ra, tùy theo điều kiện ở địa phương có thể lựa chọn hình thức để tuyên truyền công khai đến người dân cho phù hợp, có thể thông qua loa truyền thanh, thông qua các cuộc họp làm sao để cho thông tin đến người dân hiệu quả.

Đặc biệt, đại biểu nhận thấy, đối với vùng đồng bào dân tộc thiểu số, việc công khai thông tin rất cần thiết để cho đồng bào được biết, bàn, quyết định thực hiện và đồng bào giám sát việc thực hiện, tạo điều kiện thuận lợi cho đồng bào dân tộc thiểu số đọc, nghe, hiểu và nắm bắt được các thông tin, cần phải công khai thông qua như là chữ viết, tiếng nói bằng tiếng dân tộc của đồng bào để niêm yết hoặc thông qua các loa truyền thanh để thông tin những vấn đề cần phải công khai. Chính vì vậy, đại biểu Bố Thị Xuân Linh cũng đề nghị Ban soạn thảo nghiên cứu và bổ sung thêm quy định về thực hiện công khai thông tin đối với vùng đồng bào dân tộc, vùng sâu, vùng xa những nội dung cần phải cụ thể hơn.

Đại biểu Lê Tất Hiếu - Đoàn ĐBQH tỉnh Vĩnh Phúc

Tại Điều 10, Điều 23 về các hình thức, thời điểm công khai thông tin để nhân dân biết, các hình thức nhân dân tham gia ý kiến quy định tại điểm g khoản 1 Điều 10, khoản 5 Điều 23. Điều 38 hình thức xin ý kiến tại cơ quan, đơn vị thông qua mạng xã hội như Zalo, Viber, Facebook, đại biểu Lê Tất Hiếu - Đoàn ĐBQH tỉnh Vĩnh Phúc nhận thấy, quy định như vậy vừa chưa đầy đủ, vừa chưa có tính bao quát. Vì trên thực tế còn có nhiều trang mạng xã hội khác hoặc hòm thư điện tử mà sau này còn có thể phát sinh những trang mạng khác và trên thực tế vì một lý do nào đó những trang mạng xã hội kia có thể phải dừng hoạt động và không hoạt động nữa. Vì vậy, đại biểu Lê Tất Hiếu cho rằng, không nên quy định cụ thể mà nên quy định chung là thông qua các mạng xã hội, thư điện tử, các phần mềm ứng dụng khác theo quy định của pháp luật, bảo đảm phù hợp với mức độ ứng dụng công nghệ thông tin tại cấp xã, thôn, tổ dân phố. Quy định như vậy có tính bao quát hơn.

Về hình thức công khai, niêm yết và đăng tải trên cổng thông tin điện tử của chính quyền địa phương cấp xã ở Điều 12, đại biểu Thạch Phước Bình - Đoàn ĐBQH tỉnh Trà Vinh cho rằng, dự thảo Luật lần này là phù hợp với việc hiện đại hóa, đặc biệt là công nghệ thông tin hiện nay trong thời kỳ 4.0. Tuy nhiên, ở khoản 1 Điều 12 dự thảo Luật có quy định là “tại nơi đã thiết lập trang thông tin điện tử, cổng thông tin điện tử cấp xã, chính quyền địa phương cấp xã có trách nhiệm đăng tải trên trang thông tin điện tử...”. Đại biểu Thạch Phước Bình đề nghị bổ sung “đối với những nơi chưa thiết lập trang thông tin điện tử cần áp dụng hình thức công khai khác” để đảm bảo tính phổ quát hơn của quy định.

Còn đại biểu Trương Trọng Nghĩa - Đoàn ĐBQH Tp. Hồ Chí Minh đề nghị thay cách phổ biến thông tin qua loa truyền thanh bằng cách khác, vì cách này vừa gây tiếng ồn cho cộng đồng, ảnh hưởng sức khỏe người dân và hiệu quả kém, người nghe, người không nghe. Đại biểu cho rằng, điều kiện công nghệ phát triển như hiện nay có rất nhiều cách phổ biến phù hợp hơn và hiệu quả hơn. Loa truyền thanh ở phường, nơi đông dân cư thì ảnh hưởng rất nhiều người. Nếu chúng ta áp dụng ở miền núi thì không phù hợp, bởi vì dân cư rất rải rác. Do đó, đại biểu Trương Trọng Nghĩa đề nghị không nên áp dụng phương thức phổ biến thông tin này.

Tiếp tục rà soát lại các hình thức công khai cho phù hợp với thực tiễn để người dân tiếp cận một cách dễ dàng nhất, tránh hình thức

Về hình thức công khai được quy định tại khoản 1 Điều 10 dự thảo Luật cho phép công khai bằng 1 hoặc 1 trong 8 hình thức, đại biểu Mai Văn Hải - Đoàn ĐBQH tỉnh Thanh Hoá cho rằng, có rất nhiều hình thức mới so với Pháp lệnh 34. Nhưng từ thực tế thực hiện Pháp lệnh 34, đại biểu nhận thấy, hình thức công khai là rất quan trọng để người dân nắm được những nội dung có liên quan mà chính quyền công khai. Thực hiện Pháp định 34 chỉ có 3 hình thức công khai là niêm yết công khai, thông qua họp dân và thông qua hệ thống loa truyền thanh.

Đại biểu Mai Văn Hải - Đoàn ĐBQH tỉnh Thanh Hoá

Đại biểu Mai Văn Hải nhận thấy, cũng có nhiều nội dung công khai đã đến được với người dân để người dân biết và thực hiện tốt các chủ trương, chính sách, pháp luật của Đảng và Nhà nước, các chủ trương, nhiệm vụ của cấp ủy, chính quyền địa phương ở cơ sở. Nhưng bên cạnh đó, vẫn còn tình trạng cung cấp một số nội dung, hình thức công khai chưa phù hợp, người dân khó tiếp cận, đôi khi còn hình thức. Để tránh việc công khai hình thức, đại biểu đề nghị tiếp tục rà soát lại các hình thức công khai cho phù hợp với thực tiễn để người dân tiếp cận một cách dễ dàng nhất, tránh hình thức.

Tại điểm e khoản 1 quy định hình thức thông qua việc tiếp công dân, họp báo, thông cáo báo chí, hoạt động của người phát ngôn của Ủy ban nhân dân xã. Theo đại biểu, hình thức này trên thực tế không phù hợp và khó có thể thực hiện được đối với cấp xã.

Đề cập đến việc đa dạng hóa các hình thức công khai thông tin của chính quyền địa phương cấp xã được quy định tại Điều 10 đến Điều 12 của dự thảo luật, đại biểu Sùng A Lềnh - Đoàn ĐBQH tỉnh Lào Cai cho rằng, quy định như dự thảo chưa thực hiện đổi mới, chưa đầy đủ, chưa chủ động tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong thực hiện dân chủ ở cơ sở. Thực tế cho thấy, không phải địa phương nào cũng có điều kiện để xây dựng cổng thông tin điện tử, trang thông tin điện tử mà tổ chức thông cáo báo chí, bố trí người phát ngôn.

Ngoài ra, việc tổ chức thực hiện công khai thông tin của chính quyền cho các đối tượng là đồng bào dân tộc thiểu số miền núi, vùng cao, vùng đặc biệt khó khăn đòi hỏi nguồn lực kinh phí không nhỏ, trong khi nguồn lực ngân sách nhà nước còn hạn chế, phải tập trung cho những nhiệm vụ quan trọng và cấp bách khác, như là phòng, chống thiên tai, bão lũ, dịch bệnh. Vì vậy, đại biểu đề nghị cơ quan soạn thảo tiếp tục nghiên cứu, rà soát các hình thức công khai thông tin để vừa đảm bảo đa dạng, đổi mới, tiệm cận với tiến bộ khoa học kỹ thuật, công nghệ, vừa đảm bảo tính khả thi trong thực tiễn áp dụng, tránh lãng phí nguồn lực, nghiên cứu bổ sung công khai trên các mạng xã hội chính thống được pháp luật cho phép.

Đại biểu Sùng A Lềnh - Đoàn ĐBQH tỉnh Lào Cai 

Đại biểu Sùng A Lềnh chỉ rõ, hiện nay pháp luật chỉ quy định về nội dung, hình thức công khai mà thiếu quy định về tính minh bạch trong công khai của chính quyền cấp xã. Vì vậy, nhiều địa phương thực hiện công khai một cách chiếu lệ, nếu công khai không kèm theo sự minh bạch thì sẽ không đảm bảo được quyền lợi của người dân. Đại biểu Sùng A Lềnh đề nghị nghiên cứu quy định một số hình thức công khai bắt buộc đang thực hiện có hiệu quả trong thực tiễn để có cơ sở tổ chức thực hiện và kiểm tra, giám sát đối với trách nhiệm công khai, minh bạch thông tin của cơ quan, đơn vị.

Ở các địa phương, nếu các chương trình, kế hoạch, dự án đầu tư phát triển kinh tế - xã hội được triển khai, lấy ý kiến đông đảo của người dân đến tận thôn, bản, tổ dân phố để phát huy được trí tuệ và sự đồng thuận của nhân dân thì chính quyền cấp xã cũng xác định được những đề án, dự án, kế hoạch nào là bức xúc cần triển khai làm trước, những nội dung nào chưa cấp bách, những nội dung nào cần điều chỉnh, bổ sung để hoàn thiện và cân nhắc kỹ lưỡng hơn trước khi triển khai thực hiện. Tuy nhiên, thực tế ở các địa phương thực hiện nội dung này còn mang tính hình thức để khép kín thủ tục, hồ sơ, không đảm bảo thực chất hoặc lấy ý kiến thiếu trọng tâm, trọng điểm. Vì vậy, đại biểu Sùng A Lềnh đề nghị cơ quan soạn thảo cần quy định rõ hơn về trách nhiệm của cơ quan nhà nước trong việc lấy ý kiến nhân dân về các lĩnh vực đầu tư phát triển kinh tế - xã hội, đồng thời, quy định về cơ chế đảm bảo việc lấy ý kiến nhân dân được tiến hành thực chất và hiệu quả hơn.

Đại biểu Hoàng Văn Cường - Đoàn ĐBQH Tp.Hà Nội

Thảo luận tại hội trường về dự án Luật này, đại biểu Hoàng Văn Cường - Đoàn ĐBQH Tp.Hà Nội nêu dẫn chứng và nhìn lại tất cả những cái vụ án tham nhũng như vụ việc đặt máy xét nghiệm trong bệnh viện, mua bán, đấu thầu thiết bị y tế, việc mua bán tài sản công hoặc vụ mua bán Mobifone… Tất cả những vụ này đều có điểm chung thực hiện rất đúng, các quy trình rất đầy đủ. Tuy nhiên cũng có điều giống nhau nữa là không được minh bạch, không được công khai, không được thông tin để cho người dân biết.

Đại biểu Hoàng Văn Cường cho rằng, nếu chúng ta công khai dân chủ để mọi người đều biết thì tất cả những vụ này đều được ngăn chặn trước. “Qua đó cho thấy, nếu thực hiện tốt dân chủ cơ sở, công khai, minh bạch để người dân biết được thông tin, nắm được mọi hoạt động của cơ quan quản lý nhà nước trong việc sử dụng các nguồn lực công trong các quyết định có liên quan đến người dân, đến cộng đồng thì chắc chắn rằng chúng ta sẽ nhận được rất nhiều ý kiến tham gia đóng góp của người dân để mang lại kết quả quyết định đó tốt hơn. Đồng thời cũng sẽ tránh được những sai phạm như thời gian vừa qua.”, đại biểu nêu rõ.

Từ thực tế trên, đại biểu Hoàng Văn Cường đề xuất 2 nội dung liên quan đến công khai và phương thức công khai. Về công khai, đại biểu cho biết, về nguyên lý bất kể điều gì liên quan đến quản lý các nguồn lực công, liên quan đến người dân thì cần phải công khai, trừ những gì thuộc về bí mật nhà nước. Do đó, đại biểu đề nghị không nên quy định cứng trong luật này vì trên thực tế, cuộc sống sẽ thay đổi rất nhiều, phát sinh nhiều vấn đề mới. “Chỉ không công khai những gì thuộc về bí mật nhà nước, thuộc về quy định cấm không được công khai, trường hợp còn lại như tất cả các quyết định có liên quan đến nguồn lực công, liên quan đến người dân đều phải thực hiện công khai”, đại biểu nhấn mạnh.

Liên quan đến phương thức thực hiện công khai, dự thảo quy định thông qua 8 kênh. Đại biểu Hoàng Văn Cường cho rằng, quy định như vậy thì rõ ràng chúng ta không bao giờ đuổi theo kịp được sự phát triển của xã hội. Do vậy, đại biểu Hoàng Văn Cường đề nghị không nên quy định cụ thể như vậy mà nên quy định theo phương thức chọn - bỏ. “Chỉ quy định mục tiêu là những người quản lý có trách nhiệm phải lựa chọn một phương thức thông tin để đảm bảo rằng tối thiểu có tỷ lệ bao nhiêu phần trăm người dân biết, chẳng hạn như 50% người dân biết”, đại biểu giải thích thêm./.

Bích Ngọc