Theo đó, các đại biểu tại Tổ 8 đã cho ý kiến về chủ trương đầu tư dự án đường Vành đai 4 vùng Thủ đô Hà Nội; Dự án đường Vành đai 3 Thành phố Hồ Chí Minh; Chủ trương đầu tư các dự án xây dựng công trình đường bộ cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng (giai đoạn 1); Khánh Hòa - Buôn Ma Thuột (giai đoạn 1); Biên Hòa – Vũng Tàu (giai đoạn 1).
Tại Phiên họp Tổ, đa số các đại biểu Quốc hội (ĐBQH) đều tán thành với Báo cáo thẩm đối với các dự án đường giao của Ủy ban Kinh tế, khẳng định tầm quan trọng của việc tiến hành xây dựng các dự án giao thông trên; đồng thời nhấn mạnh đến việc cho ý kiến đến một số nội dung: đẩy mạnh triển khai tốc độ thực hiện các dự án; đảm bảo tính toán nguyên vật liệu không bị đội giá; công tác giải phóng mặt bằng, tái định cư cho người dân ở nơi có tuyến đường đi qua...
Toàn cảnh Phiên thảo luận ở Tổ sáng ngày 06/6/2022.
Cho ý kiến về chủ trương đầu tư các dự án xây dựng công trình đường bộ cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng (giai đoạn 1); Khánh Hòa - Buôn Ma Thuột (giai đoạn 1); Biên Hòa – Vũng Tàu (giai đoạn 1), đại biểu Lê Minh Nam- Đoàn ĐBQH tỉnh Hậu Giang khẳng định, việc xây dựng các công trình giao thông này rất cần thiết do đầu tư hạ tầng gia thông là đầu tư phát triển để phục hồi và phát triển kinh tế. Việc làm này nhằm đáp ứng yêu cầu liên kết vùng, tạo điều kiện hỗ trợ phát triển chuỗi cung ứng và phân bổ các nguồn lực giữa các vùng miền theo cơ chế thị trường, tạo động lực phát triển kinh tế theo vùng, khu vực và lan toả toàn quốc, tạo điều kiện thúc đẩy tiêu thụ và khai thác thế mạnh của cả các địa phương có tiềm năng nhưng chưa có điều kiện để kết nối với thị trường rộng hơn. Đây là chủ trương đầu tư cho tăng trưởng, cho tương lai, cho tổng thể và phù hợp với chiến lược phát triển kinh tế xã hội nên tôi nhiệt liệt ủng hộ chủ trương này.
Đặc biệt với dự án xây dựng đường bộ cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng là một trong những dự án quan trọng để thúc đẩy phát triển kinh tế nông nghiệp cho khu vực đồng bằng sông Cửu Long, phù hợp với Nghị quyết Trung ương 5 và Nghị quyết 13 của Bộ Chính trị về phương hướng phát triển kinh tế-xã hội và đảm bảo an ninh quốc phòng khu vực Đồng bằng sông Cưu Long, cơ bản phù hợp với quy hoạch giao thông quốc gia. Vì vậy, đại biểu Lê Minh Nam cần đẩy mạnh và nhanh chóng triển khai dự án; đồng thời, lưu ý các địa phương có cao tốc đi qua ngoài nỗ lực phối hợp tổ chức thực hiện cũng cần xây dựng lộ trình và phương án của địa phương mình để tích hợp đồng bộ với cao tốc, tránh tình trạng đến khi có cao tốc lại chưa khai thác được tối ưu hiệu quả của cao tốc đã được đầu tư.
Đối với chủ trương đầu tư vành đai 4 Hà Nội và vành đai 3 Tp.Hồ Chí Minh, đại biểu Lê Minh Nam nêu quan điểm, cần tính toán, đánh giá một cách kỹ lưỡng, toàn diện hơn, đặc biệt là những yếu tố tác động ngoại lai tiêu cực và những tình huống không mong đợi như về thủ tục quy trình, về cân đối vốn, về biến động giá cả thị trường trong bối cảnh khủng hoảng năng lượng, lương thực, suy thoái kinh tế toàn cầu chưa biết khi nào được kiểm soát và phục hồi. Có tính kỹ thì việc triển khai mới đảm bảo đúng tiến độ, kế hoạch, tránh kéo dài, đội vốn, phát sinh tăng nguồn lực đầu tư.
Để bảo đảm tính khả thi và tiến độ của các dự án, đại biểu Lê Minh Nam cho biết, Chính phủ đã trình Quốc hội cơ chế chính sách đặc thù về vật liệu xây dựng dựa trên cơ sở vận dụng cơ chế đã được Quốc hội thông qua tại Nghị quyết số 43/2022/QH15 ngày 11/1/2022. Tuy nhiên, thực trạng khan hiếm và tăng giá nguồn nguyên vật liệu hiện nay đã và đang xảy ra trong quá trình triển khai các dự án. Đây là khó khăn thực tiễn cần quan tâm nỗ lực kiểm soát và có giải pháp toàn diện, đồng bộ hơn chứ không chỉ dựa vào cơ chế chính sách đặc thù đã được duyệt. Vì cơ chế đặc thù cũng chỉ giải quyết được một số khó khăn chứ không thể giải quyết triệt để các khó khăn, vướng mắc phải đối mặt.
Đại biểu Nguyễn Ngọc Sơn – Đoàn ĐBQH tỉnh Hải dương đóng góp ý kiến tại Phiên thảo luận.
Đồng thuận với quan điểm trên, đại biểu Nguyễn Ngọc Sơn – Đoàn ĐBQH tỉnh Hải dương cho rằng, khi triển khai các dự án giao thông trên, các cơ quan của Chính phủ cần tính đến nguồn nguyên vật liệu khi tăng giá, đặc biệt là tránh tăng giá đột biến từ 30-40%. Mặt khác, quá trình đấu thầu cũng cần đảm bảo đúng quy định giá nguyên vật liệu, thiết bị thi công trên thị trường. Ngoài ra, các Bộ ngành cũng nên có sự đánh giá về tác động môi trường như khi khai thác cát, đá sỏi, việc đào sâu dưới lòng đất trong quá trình triển khai các dự án giao thông.
Cho rằng về việc triển khai các dự án giao thông nói trên là cần thiết, Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn nêu quan điểm, để thực dự án đầu tư một số dự án đường giao thông của Hà Nội và các tỉnh phía Nam hiệu quả thì năng lực của các nhà thầu rất quan trọng. Theo đó, các địa phương cần phối hợp với các Bộ, ngành, cơ quan hữu quan trong việc giám sát quá trình triển khai dự án của nhà thầu; cân đối nguồn vốn để thực hiện các dự án, tuyến đường lớn giữa các tỉnh, thành ở Trung ương với các địa phương.
Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn chỉ đạo các địa phương cần tránh tình trạng “xe chờ đường, đường chờ xe”.
Để triển khai các dự án đúng tiến độ, các địa phương cần chú trọng đến công tác đền bù, giải phóng mặt bằng, thu hồi đất và tái định cư cho người dân có đường giao thông đi qua nhằm làm sao cho việc đầu tư thực sự hiệu quả.
Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn chỉ đạo, để tránh tình trạng “xe chờ đường, đường chờ xe” thì các địa phương cần nêu cao tinh thần trách nhiệm việc giám sát các đơn vị triển khai dự án theo đúng tiến độ đề ra cũng như sử dụng kinh phí đầu tư hiệu quả nhất nhằm góp phần đảm bảo giao thông, kinh tế-xã hội của các địa phương.
Cũng tại Phiên thảo luận, các đại biểu Quốc hội cũng cho ý kiến về lưu lượng giao thông khi triển khai các tuyến đường; Nguồn vốn cho đến khi hoàn thành dự án và phương hướng tạo nguồn vốn có khả thi để tránh dự án phải làm nửa chừng. Khi hoàn thành dự án giao thông thì sẽ mang lại lợi ích gì cho người dân có con đường, cho địa phương, liên vùng...
Đại biểu Đặng Quốc Khánh - Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Hà Giang kết luận tại Phiên thảo luận.
Kết luận Phiên thảo luận, đại biểu Đặng Quốc Khánh - Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Hà Giang đánh giá cao những ý kiến đóng góp của các ĐBQH đối với một số đường vành đai của Hà Nội và dự án đường giao thông của các tỉnh phía Nam.
Trong Phiên thảo luận, có 09 ĐBQH cho ý kiến, đa số các đại biểu đều tập trung nhấn mạnh đến các vấn đề về trách nhiệm của nhà thầu trong việc bảo đảm đúng tiến độ thực hiện dự án; công tác giải phóng mặt bằng, bồi thường, tái định cư cho người dân trong khu vực thực hiện các tuyến đường giao thông cũng như việc cân đối nguồn vốn thi công, đảm bảo thi công dự án hiệu quả... Tất cả những ý kiến đóng góp, đề xuất của các đại biểu Quốc hội sẽ được tổng hợp trước khi trình ra Quốc hội xem xét, đóng góp./.
Một số hình ảnh tại Phiên thảo luận:
Các đại biểu thảo luận tại Tổ 8.
Đoàn ĐBQH tỉnh Thừa Thiên-Huế tham gia thảo luận ở Tổ.
Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường (trái) nghiên cứu tài liệu tại Phiên họp Tổ.
Đại biểu Nguyễn Văn Quân- Đoàn ĐBQH tỉnh Hà Giang lưu ý việc xây dựng dự án Châu Đốc-Cần Thơ-Sóc Trăng cần chú ý đến lưu lượng giao thông.
Đại biểu Tráng A Dương- Đoàn ĐBQH tỉnh Hà Giang nhấn mạnh đến việc đảm bảo ổn đời sống cho bà con vùng Đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi tái định cư khi phải chuyển đến nơi ở khác để dành đất cho việc triển khai dự án giao thông.
Đại biểu Lê Trường Lưu- Đoàn ĐBQH tỉnh Thừa Thiên-Huế nêu quan điểm về việc sử dụng hiệu quả nguồn kinh phí đầu tư khi thực hiện các dự án giao thông.
Đại biểu Đặng Quốc Khánh - Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Hà Giang kết luận tại Phiên thảo luận, khẳng định cần bảo đảm đúng tiến độ, hiệu quả thực hiện các dự án giao thông.