ĐBQH TRẦN THỊ HỒNG AN: ĐỀ NGHỊ TIẾP TỤC CẤP GIẤY PHÉP HÀNH NGHỀ ĐỐI VỚI CHỨC DANH Y SỸ

26/05/2022

Thảo luận tại tổ về dự án Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi), đại biểu Trần Thị Hồng An - Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Ngãi đề nghị Cơ quan soạn thảo tổng kết việc thực hiện quy định liên quan đến y sỹ, đánh giá rõ vị trí, vai trò, hoạt động và sự phù hợp của chức danh này trong hệ thống y tế để có quy định phù hợp, đồng thời đề nghị tiếp tục cấp giấy phép hành nghề đối với chức danh y sỹ.

Ngày 23/11/2009 Quốc hội đã thông qua Luật khám bệnh, chữa bệnh. Ngay sau khi Luật được ban hành, Chính phủ, Bộ Y tế và các bộ, ngành đã ban hành văn bản hướng dẫn thi hành luật, tạo hành lang pháp lý quan trọng cho công tác quản lý nhà nước trong lĩnh vực khám bệnh, chữa bệnh; góp phần chuẩn hóa chất lượng của hoạt động khám bệnh, chữa bệnh; tăng cường khả năng tiếp cận với dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh của người dân. Hiện nay cả nước có khoảng 52.000 cơ sở khám, chữa bệnh cả của nhà nước và tư nhân cung ứng dịch vụ.

Thực tế đã nảy sinh một số vướng mắc, bất cập, chưa có cơ chế pháp lý để giải quyết về quản lý người hành nghề, quản lý cơ sở khám bệnh, chữa bệnh, về các vấn đề chuyên môn và phân cấp, phân quyền… Để thể chế hóa quan điểm của Đảng, khắc phục những tồn tại, hạn chế của Luật khám bệnh, chữa bệnh năm 2009 và giải quyết các vấn đề về thực tiễn phát sinh chưa có cơ sở pháp lý, việc xây dựng dự án Luật khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi) là rất cần thiết.

Dự thảo Luật khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi) gồm 12 chương và 106 điều. Trong đó tập trung vào các nhóm chính sách lớn gồm: Nâng cao kỹ năng hành nghề, tăng cường quản lý hoạt động của người hành nghề; Nâng cao chất lượng cung cấp dịch vụ của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh, tăng cường khả năng tiếp cận dịch vụ của người dân với dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh; Tăng cường phân cấp, phân quyền, cải cách thủ tục hành chính trong khám bệnh, chữa bệnh; Tăng cường phát triển y học cổ truyền, kết hợp y học cổ truyền với y học hiện đại; Đổi mới một số quy định liên quan điều kiện bảo đảm thực hiện.

Đại biểu Trần Thị Hồng An -  Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Ngãi 

Thảo luận tại tổ về dự án Luật này, đại biểu Trần Thị Hồng An - Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Ngãi khẳng định, dự thảo Luật về cơ bản đã thể chế hóa chủ trương, quan điểm của Đảng trong lĩnh vực y tế liên quan đến khám bệnh, chữa bệnh. Đồng thời dự thảo Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi) được chuẩn bị công phu, kịp thời sửa đổi, bổ sung các quy định mới nhằm đảm bảo, thể chế hóa Nghị quyết số 20 của Ban chấp hành Trung ương Đảng khóa XII về tăng cường công tác bảo vệ, chăm sóc nâng cao sức khỏe nhân dân trong tình hình mới cũng như khắc phục được các hạn chế, bất cập mà thực tiễn đã phát sinh trong thời gian qua. Tuy nhiên, đại biểu đề nghị Ban soạn thảo tiếp tục rà soát để đảm bảo tính thống nhất của các quy định trong dự thảo Luật với Luật hiện hành và các văn bản quy phạm pháp luật trong cùng lĩnh vực và các lĩnh vực có liên quan.

Đề cập về thẩm quyền cấp giấy phép hành nghề (khoản 1 Điều 26), đại biểu Trần Thị Hồng An cho rằng, Tờ trình của Chính phủ đưa ra 2 phương án nhưng Chính phủ chưa thể hiện rõ quan điểm lựa chọn phương án nào. Đại biểu chọn phương án 2 để đảm bảo tính khả thi và phù hợp với bối cảnh hiện nay. Theo đó, Hội đồng Y khoa quốc gia thực hiện việc kiểm tra đánh giá năng lực hành nghề khám bệnh, chữa bệnh của người đề nghị cấp Giấy phép hành nghề và các cơ quan quản lý Nhà nước (Bộ Y tế, Bộ Quốc phòng, Bộ Công an, Sở Y tế) căn cứ kết quả kiểm tra đánh giá cũng như các điều kiện khác để cấp phép hành nghề.

Về sử dụng ngôn ngữ trong khám bệnh, chữa bệnh của người nước ngoài, người Việt Nam định cư ở nước ngoài tại Việt Nam (Điều 24), Chính phủ đưa ra 2 phương án. Đại biểu Trần Thị Hồng An lựa chọn phương án 2 là giữ như Luật hiện hành. Bởi đảm bảo các quy định của dự thảo Luật phù hợp với các luật quốc tế, tranh thủ thu hút được các lực lượng nước ngoài tham gia vào hoạt động khám, chữa bệnh và đảm bảo mục tiêu hội nhập quốc tế. Tuy nhiên để khắc phục hạn chế trong phương án 2, đại biểu Trần Thị Hồng An đề nghị bổ sung quy định theo hướng nâng cao chất lượng cho đội ngũ phiên dịch viên cũng như xác định trách nhiệm của những sự cố y khoa do sử dụng phiên dịch viên. Đồng thời đề nghị cơ quan soạn thảo bổ sung quy định về việc sử dụng ngôn ngữ trong khám, chữa bệnh cho người dân tộc thiểu số và hành nghề khám, chữa bệnh là người dân tộc thiểu số để nâng cao hơn nữa năng lực y tế ở vùng biên giới, miền núi, vùng sâu vùng xa, hải đảo.

Về chức danh nghề nghiệp phải có giấy phép hành nghề, đại biểu Trần Thị Hồng An đồng tình với Báo cáo của Ủy ban Xã hội đề nghị bổ sung 3 chức danh là: dinh dưỡng, y sỹ lực lượng vũ trang nhân dân, cấp cứu ngoại viện cần được đánh giá tác động kỹ hơn. Đồng thời đề nghị Cơ quan soạn thảo tổng kết việc thực hiện quy định liên quan đến y sỹ, đánh giá rõ vị trí, vai trò, hoạt động và sự phù hợp của chức danh này trong hệ thống y tế để có quy định phù hợp. Khẳng định vai trò, sự cần thiết của lực lượng y sỹ trong phòng chống dịch, đại biểu đề nghị tiếp tục cấp giấy phép hành nghề đối với chức danh y sỹ.

Đề cập đến giấy phép hành nghề được quy định tại Điều 27 của dự thảo Luật, đại biểu đề nghị Ban soạn thảo giải thích rõ lí do tại sao chuyển khái niệm “chứng chỉ hành nghề” sang “giấy phép hành nghề”, cần đánh giá tác động việc thay đổi khái niệm “chứng chỉ hành nghề” sang “giấy phép hành nghề” có làm lãng phí và phát sinh thủ tục hành chính khi thay đổi mẫu giấy phép hành nghề này không?

Liên quan đến nguồn tài chính cho khám, chữa bệnh (Điều 88, 89,90), đại biểu đề nghị Ban soạn thảo làm rõ làm sao phát huy được cơ chế huy động, thu hút mạnh mẽ mọi nguồn lực cho hoạt động khám, chữa bệnh. Đặc biệt phải có chính sách đột phá trong triển khai nhiệm vụ, giải pháp về việc đổi mới mạnh mẽ tài chính, kinh tế theo Nghị quyết số 20. Đồng thời đề nghị các bộ ngành rà soát các văn bản để sửa đổi các thủ tục, kịp thời tạo điều kiện thuận lợi thu hút các nguồn lực.

Cho rằng dự án Luật này là những chính sách lớn, ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe người dân và là lĩnh vực dễ phát sinh tiêu cực, đại biểu đề nghị cơ quan soạn thảo tiếp tục rà soát các quy định được sửa đổi, đặc biệt là việc tổng kết 11 năm thi hành Luật, từ đó phát huy kết quả đạt được, đề ra những giải pháp lớn, khắc phục những bất cập, khó khăn trong thời gian qua để đạt được mục tiêu nâng cao sức khỏe đời sống và tinh thần, tầm vóc, tuổi thọ và chất lượng sống của người Việt Nam. Đặc biệt với quan điểm lấy người dân làm trung tâm, đại biểu Trần Thị Hồng An đề nghị tiếp tục lấy ý kiến rộng rãi của người trước khi ban hành Luật để đảm bảo tính khả thi và luật đi vào cuộc sống./.

Bích Ngọc