CẦN KẾ HOẠCH CỤ THỂ ĐỂ HỖ TRỢ ĐỒNG BÀO VÙNG DÂN TỘC THIỂU SỐ, MIỀN NÚI TIẾP CẬN THÔNG TIN

13/04/2022

Thảo luận về việc ban hành văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến công tác dân tộc trong lĩnh vực thông tin và truyền thông giai đoạn 2016-2021, thành viên Đoàn Giám sát của Hội đồng Dân tộc cho rằng Bộ Thông tin và Truyền thông cần có giải pháp căn cơ, kế hoạch cụ thể để hỗ trợ đồng bào vùng dân tộc thiểu số, miền núi trong việc tiếp cận thông tin.

 

Đại diện Bộ Thông tin và Truyền thông báo cáo tại buổi làm việc

Báo cáo về việc ban hành văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến công tác dân tộc giai đoạn 2016-2021 với Đoàn Giám sát của Hội đồng Dân tộc, đại diện Bộ Thông tin và Truyền thông nêu rõ, triển khai tổ chức thực hiện các quy định của Hiến pháp năm 2013, Luật, Nghị quyết của Quốc hội, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội về công tác dân tộc, giai đoạn 2016-2021, trong quá trình thực hiện chức năng nhiệm vụ, Bộ Thông tin và Truyền thông đã chủ trì soạn thảo, ban hành một số văn bản có nội dung liên quan đến công tác dân tộc gồm lĩnh vực báo chí, bưu chính và thông tư hướng dẫn triển khai đề án liên quan đến công tác dân tộc.

Bộ Thông tin và Truyền thông không được giao xây dựng văn bản quy định chi tiết các điều, khoản, điểm của Luật, Pháp lệnh có nội dung liên quan đến công tác dân tộc. Tuy nhiên, Bộ Thông tin và Truyền thông đã có chính sách ưu tiên về bưu chính cho vùng dân tộc thiểu số và miền núi, thực hiện chương trình cung cấp viễn thông cho vùng dân tộc thiểu số và miền núi, hỗ trợ thuê bao cho hộ nghèo, hộ cận nghèo sử dụng viễn thông di động (đối với tượng thụ hưởng nhiều là đồng bào dân tộc thiểu số), hỗ trợ 13 nghìn hộ dân tộc thiểu số và miền núi có phương tiện nghe và xem nhằm giảm nghèo về thông tin…

Đại diện Bộ Thông tin và Truyền thông cũng nêu rõ, quan điểm của Bộ trong hướng dẫn là tuyên truyền về dân tộc Việt Nam nói chung chứ không riêng dân tộc thiểu số. Tuy nhiên, trong định hướng nội dung tuyên truyền và giao kế hoạch cho các cơ quan báo chí, Bộ cũng định hướng tuyên truyền về truyền thống lịch sử văn hoá của các dân tộc thiểu số, nâng cao nhận thức cũng như kỹ năng cho đồng bào dân tộc thiểu số. Đặc biệt, Đề án còn tuyên truyền về truyền thống anh hùng của dân tộc Việt Nam trong các thời kỳ để hun đúc tinh thần ấy trong thời kỳ xây dựng và bảo vệ Tổ quốc hiện nay.

Uỷ viên Chuyên trách Hội đồng Dân tộc Tráng A Dương

Thảo luận về nội dung này, PGS.TS Nguyễn Quốc Sửu – Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Nội vụ Hà Nội nhấn mạnh, báo cáo của Bộ vẫn chưa rõ những nội dung, chính sách đã ban hành có tác động như nào đến đời sống người dân vùng dân tộc thiểu số, miền núi để từ đó có cơ sở đánh giá, đề xuất ý tưởng tháo gỡ vướng mắc. Chuyên gia cũng mong muốn, trong quá trình thực hiện chính sách và đưa chính sách vào thực tiễn, đặc biệt là trong quá trình thay đổi liên tục tại những vùng khó khăn, Bộ Thông tin và Truyền thông cần nhìn nhận rõ hơn những vấn đề phát sinh để có những kiến nghị sát với thực tiễn.

Bên cạnh đó, dẫn chứng việc Bộ Thông tin và Truyền thông đã có quyết định quan trọng về ứng dụng công nghệ thông tin cho vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi nhưng “không nhớ”, Uỷ viên Thường trực Hội đồng Dân tộc Bế Trung Anh cho rằng, đối với công tác dân tộc, Bộ Thông tin và Truyền thông không nên làm theo cách “làm từ thiện”, bởi “làm từ thiện” là không có kế hoạch, có điều kiện thì làm mà không có thì không nhớ.

Khẳng định đồng bào dân tộc thiểu số là đối tượng dễ bị tổn thương và có nhiều thiệt thòi trong việc tiếp cận thông tin so với các vùng khác trên cả nước, đại biểu Bế Trung Anh đề nghị Bộ Thông tin và Truyền thông rà soát lại các chính sách, từ đó có những giải pháp căn cơ, kế hoạch cụ thể để hỗ trợ đồng bào vùng dân tộc thiểu số, miền núi trong vấn đề tiếp cận thông tin để đồng bào được là một “thực thể sống” chứ không chỉ là “tồn tại”.

Toàn cảnh buổi làm việc

Cùng với đó, Uỷ viên Chuyên trách Hội đồng Dân tộc Tráng A Dương chia sẻ, Thủ tướng Chính phủ đã có Quyết định 45/QĐ-Ttg về việc cấp một số ấn phẩm báo, tạp chí cho vùng dân tộc thiểu số và miền núi, vùng đặc biệt khó khăn giai đoạn 2019-2021. Tuy nhiên, trên thực tế tại các cuộc giám sát của đại biểu Quốc hội, ấn phẩm báo, tạp chí khi được chuyển về đến vùng dân tộc thiểu số, miền núi rất muộn, về đến tay đồng bào không còn tính thời sự. Do đó đề nghị Bộ Thông tin và Truyền thông làm rõ việc tổ chức triển khai thực hiện Quyết định 45/QĐ-Ttg của Thủ tướng Chính phủ. Đồng thời đánh giá tác động, sự ảnh hưởng của việc chậm vận chuyển các ấn phẩm, đầu báo đến vùng dân tộc thiểu số.

Nhấn mạnh trong quá trình rà soát thành viên Đoàn Giám sát và các chuyên gia đã chỉ ra nhiều vấn đề liên quan đến trách nhiệm của Bộ Thông tin và Truyền thông, Phó Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Trần Thị Hoa Ry đề nghị Bộ rà soát, đánh giá nghiêm túc quá trình ban hành văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến công tác dân tộc cũng như việc tổ chức triển khai thực hiện các chính sách. Bên cạnh đó, nêu rõ các kiến nghị theo đúng chức năng, nhiệm vụ; đề xuất các giải pháp căn cơ, kế hoạch cụ thể; đồng thời làm rõ nguyên nhân, bất cập để làm rõ trách nhiệm có liên quan./.

Minh Thành