Cùng dự có các ĐBQH: Phạm Văn Thịnh, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Trưởng Ban Dân vận Tỉnh ủy; Trần Văn Lâm, Ủy viên Thường trực Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội; Leo Thị Lịch, Ủy viên Thường trực Hội đồng Dân tộc của Quốc hội; Đỗ Thị Việt Hà, Giám đốc Sở Tư pháp và đại diện một số sở, ngành tỉnh Bắc Giang.
Quang cảnh buổi giám sát.
Theo báo cáo của UBND huyện Lạng Giang, giai đoạn 2016-2021, tổng kinh phí THTK, chống lãng phí trong quản lý, sử dụng ngân sách nhà nước và đầu tư xây dựng cơ bản được hơn 256 tỷ đồng, trong đó tiết kiệm chi thường xuyên gần 93 tỷ đồng, còn lại ở lĩnh vực đầu tư xây dựng cơ bản.
Cùng thời gian, UBND huyện tiến hành 34 cuộc thanh tra, qua đó kiến nghị thu hồi hơn 366 triệu đồng nộp ngân sách nhà nước; thực hiện 8 cuộc kiểm tra chuyên ngành trên các lĩnh vực quản lý ngân sách, tài chính, đất đai.
Đồng chí Trần Văn Lâm trao đổi tại buổi giám sát.
Trao đổi tại buổi giám sát, các ĐBQH đề nghị huyện làm rõ một số nội dung như việc ban hành chương trình, kế hoạch, chỉ tiêu, công tác kiểm tra của địa phương; việc kiểm tra, xử lý các dự án chậm triển khai.
Đồng chí Phạm Văn Thịnh nêu một số vấn đề liên quan đến áp dụng thiết kế mẫu để giảm chi phí trong thực hiện các công trình; việc lãng phí nguồn lực đầu tư ở những công trình nước sạch nông thôn không phát huy hiệu quả.
Theo đồng chí Trần Văn Lâm, để THTK, chống lãng phí hiệu quả, huyện cần chủ động xây dựng dự toán thu, chi ngân sách, bảo đảm sát thực tế, tránh tình trạng phải chuyển nguồn. Cùng đó cần siết chặt quản lý tài sản công; xây dựng quy chế quản lý tài chính, tài sản, chi tiêu nội bộ...
Chủ tịch UBND huyện Lạng Giang Nguyễn Văn Bằng làm rõ một số nội dung Đoàn giám sát yêu cầu.
Trao đổi làm rõ một số nội dung, đại diện một số phòng chuyên môn của huyện cho biết việc giao dự toán không sát chủ yếu xảy ra ở nguồn thu sử dụng đất. Về thất thu trong kinh doanh, chuyển nhượng bất động sản, đại diện Phòng Tài chính - Kế hoạch huyện cho biết, trong các hợp đồng mua bán, chuyển nhượng cơ bản không ghi giá tiền nên cơ quan chuyên môn phải áp theo giá quy định (thường thấp hơn nhiều so với giá thực tế) dẫn đến thất thu. Đồng thời đề nghị cần phải có quy định, yêu cầu trong các hợp động cần ghi rõ số tiền để làm căn cứ thu thuế.
Thành viên Đoàn giám sát kiểm tra thực tế tại Trụ sở Trạm Y tế xã Phi Mô (cũ).
Đối với việc quản lý, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất tại Nông trường Cam Bố Hạ, đại diện Phòng Tài nguyên và Môi trường cho biết, diện tích nhận bàn giao là 121 ha, trong đó có 20 ha đất ở, còn lại đất nông nghiệp, đất trồng cây lâu năm. Đến nay, UBND xã Quang Thịnh đã thiết lập hồ sơ cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho 140/268 hộ; số còn lại chưa cấp do các hộ này phải nộp tiền song chưa thực hiện.
Về thiết kế mẫu thực hiện các công trình, theo đại diện Phòng Kinh tế - Hạ tầng huyện, hiện địa phương đã thực hiện song chủ yếu ở các dự án liên quan đến công trình trường học, giao thông nông thôn.
Riêng đối với dự án Trung tâm thương mại thị trấn Vôi của Công ty cổ phần tập đoàn HDB Việt Nam, đồng chí Nguyễn Văn Bằng, Chủ tịch UBND huyện Lạng Giang thông tin, dự án được giao đất từ năm 2016, đến năm 2018 thực hiện xong giai đoạn 1. Theo kế hoạch, giai đoạn 2 sẽ xây Trung tâm thương mại 7 sàn, mỗi sàn 2 nghìn m2 song đến nay Công ty cổ phần tập đoàn HDB Việt Nam chưa triển khai xây dựng. Để bảo đảm tiến độ, UBND huyện nhiều lần làm việc, đôn đốc, đồng thời đề xuất bàn giao lại cho huyện để đấu thầu, đấu giá thu hút các dự án khác, tránh lãng phí.
Đồng chí Trần Văn Tuấn kết luận buổi giám sát.
Kết luận buổi giám sát, đồng chí Trần Văn Tuấn đề nghị UBND huyện Lạng Giang tiếp thu các ý kiến của đoàn giám sát để tập hợp, bổ sung hoàn thiện báo cáo. Đối với việc lập, thẩm định, phê duyệt dự toán, quyết toán, quản lý, sử dụng ngân sách nhà nước cần làm rõ số tiền sai phạm do lập dự toán sai chế độ, tiêu chí, định mức, đối tượng; số tiền tiết kiệm được cũng như số tiền sai phạm trong thanh, quyết toán ngân sách nhà nước.
Trong thực hiện các dự án sử dụng vốn đầu tư công phải làm rõ nguyên nhân số dự án năm trước chuyển năm sau nhiều, số dự án giai đoạn trước chuyển sang giai đoạn sau chưa được bố trí vốn, số dự án hoàn thành thanh quyết toán không đúng thời hạn... Về quản lý tài nguyên, làm rõ việc thu tiền đất đối với các dự án đã hết thời hạn sử dụng đất, dự án chậm đầu tư, dự án gây ô nhiễm môi trường, nguyên nhân diện tích đất đã xây dựng, đã được phân lô, bán nền theo quy hoạch ở các đô thị còn thấp.
Đối với các đề xuất, kiến nghị của huyện, đồng chí ghi nhận, đồng thời đề nghị huyện nghiên cứu có thể thêm các kiến nghị cụ thể với Quốc hội, Chính phủ, các bộ, ngành và tỉnh.
Để thực hiện tốt hơn việc THTK, chống lãng phí, đồng chí đề nghị Huyện ủy, HĐND, UBND huyện tiếp tục quan tâm, tăng cường công tác lãnh đạo, chỉ đạo, nâng cao hiệu quả việc thực hiện chính sách, pháp luật về THTK, chống lãng phí. Xác định đây là nhiệm vụ quan trọng, thường xuyên; phải căn cứ vào tiêu chuẩn, định mức, chế độ và gắn với cải cách hành chính; thực hiện việc phân cấp quản lý, phối hợp chặt chẽ trong thực hiện, gắn với trách nhiệm người đứng đầu; bảo đảm dân chủ, công khai minh bạch...
Đặc biệt cần đề cao trách nhiệm của HĐND, UBND huyện trong tổ chức thực hiện, nhất là trong việc ban hành các quyết định, chủ trương, nhiệm vụ, giải pháp thực hiện; tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, giải quyết khiếu nại tố cáo, khen thưởng, xử lý vi phạm liên quan đến THTK, chống lãng phí…
Đoàn giám sát khảo sát thực tế tại dự án Trung tâm thương mại thị trấn Vôi của Công ty cổ phần tập đoàn HDB Việt Nam
Trước đó, Đoàn giám sát khảo sát tại dự án Trung tâm thương mại thị trấn Vôi của Công ty cổ phần tập đoàn HDB Việt Nam và trụ sở Trạm Y tế xã Phi Mô (cũ).