BỘ TRƯỞNG BỘ TÀI NGUYÊN VÀ MÔI TRƯỜNG TRẢ LỜI CHẤT VẤN VỀ VIỆC THỰC HIỆN QUY HOẠCH SỬ DỤNG ĐẤT

21/03/2022

Tại phiên họp thứ 9 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, trả lời chất vấn của các đại biểu Quốc hội về vấn đề quy hoạch, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà cho biết, thời gian tới sẽ tiếp tục quản lý chặt chẽ và sử dụng có hiệu quả các chỉ tiêu sử dụng đất đã được Quốc hội phân bổ; đồng thời rà soát để có điều tiết giữa các địa phương để phù hợp với tình hình thực tế, đáp ứng nhu cầu phát triển.

 

Sửa đổi Luật Đất đai mở ra cơ hội phát triển đa mục tiêu

Đại biểu Lê Đào An Xuân – Đoàn ĐBQH tỉnh Phú Yên nêu vấn đề, nông nghiệp là một thế mạnh của Việt Nam và du lịch nông nghiệp hay du lịch dựa vào hệ sinh thái nông nghiệp đang là xu thế. Đây cũng là lĩnh vực sẽ tạo thêm nhiều cơ hội việc làm, trong đó có việc làm cho lực lượng lao động nữ ở nông thôn. Tuy nhiên, việc sử dụng đất nông nghiệp để phát triển nông nghiệp kết hợp với du lịch hiện vẫn đang rất lúng túng và gây hạn chế cho sự phát triển của lĩnh vực này. Do đó, đại biểu Lê Đào An Xuân đã đề nghị Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường cho biết các định hướng, giải pháp nhằm tháo gỡ các vướng mắc nêu trên.

Trả lời đại biểu, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà nêu rõ, trong lần sửa đổi Luật Đất đai lần này không chỉ lĩnh vực nông nghiệp mà lĩnh vực lâm nghiệp cũng sẽ tận dụng phát triển kinh tế dựa trên sinh thái nông nghiệp, lấy tài nguyên nông nghiệp và tài nguyên phát triển du lịch sinh thái của lâm nghiệp để phát triển.

Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà trả lời chất vấn tại phiên họp thứ 9 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội

Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường cho biết đây là vấn đề trong  Luật Nông nghiệp và lâm nghiệp đã mở ra, tuy nhiên trong vấn đề sử dụng đất cần phải làm rõ hơn việc sử dụng đất đa mục đích, đặc biệt là đất nông nghiệp có thể sử dụng để kết hợp thành các không gian triển lãm và các không gian tham quan…phục vụ cho sản phẩm du lịch nông nghiệp hấp dẫn hơn và hoàn thiện hơn. Tương tự đối với lâm nghiệp, chúng ta phải có nghỉ dưỡng và du lịch liên quan đến nghiên cứu khoa học, sinh thái cảnh quan. Đây là những vấn đề Bộ đã đề ra và có tính đến trong quy hoạch đất đai, bên cạnh quy hoạch đất đai những khu vực về lâm nghiệp, rừng đặc dụng, rừng tự nhiên, nông nghiệp cần được bảo đảm nhưng cũng mở ra những phát triển dựa trên sự cân bằng sinh thái.

Rà soát điều tiết phân bổ đất cho các địa phương thực sự có nhu cầu

Đại biểu Nguyễn Thành Nam – Đoàn ĐBQH tỉnh Phú Thọ

Liên quan đến điều chỉnh quy hoạch đất, đại biểu Nguyễn Thành Nam – Đoàn ĐBQH tỉnh Phú Thọ cho biết, tại tỉnh Phú Thọ, trong năm 2021 đã tiếp nhận 3.028 hecta đất từ các nông, lâm trường về quản lý, vì vậy, thực tiễn đặt ra cần phải bổ sung điều chỉnh kế hoạch sử dụng đất giai đoạn 2021-2025 cho phù hợp. Do đó cần có giải pháp nào để tạo điều kiện cho địa phương thực hiện điều chỉnh, bổ sung quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất được kịp thời, nhằm đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương.

Trong khi đó, đại biểu Lê Thị Song An – Đoàn ĐBQH tỉnh Long An đề nghị Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường cho biết giải pháp giải quyết tình trạng mất cân đối trong việc phân bổ các loại đất, nhất là quỹ đất dành cho các công trình công cộng như giao thông, y tế, giáo dục, văn hóa, thể thao, sinh hoạt cộng đồng..

Đại biểu Trần Kim Yến – Đoàn ĐBQH TP.Hồ Chí Minh phản ánh các địa phương đang có sự lúng túng trong công tác lập quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất hằng năm. Theo Luật Đất đai, quận đã có quy hoạch đô thị thì không lập kế hoạch sử dụng đất hằng năm, do đó, kế hoạch sử dụng đất ở quận hiện nay chủ yếu theo quy hoạch xây dựng đô thị đối với hộ gia đình và cá nhân và quy hoạch của thành phố đối với các dự án. Trong khi đó, mối quan hệ giữa các loại quy hoạch hiện nay chưa được quy định rõ ràng. Quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất còn bị chồng chéo và mâu thuẫn với các quy hoạch vùng, quy hoạch ngành, quy hoạch xây dựng. Có quá nhiều quy hoạch, kế hoạch được phê duyệt, nhưng những kế hoạch này lại chồng chéo mục đích sử dụng đất, chính vì vậy làm giảm đi hiệu suất sử dụng đất cũng như hiệu quả quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, cũng có thể nói là lãng phí.

Đại biểu đề nghị Bộ trưởng cho biết phương hướng khắc phục các bất cập liên quan đến quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, trong thời gian tới nhằm tạo sự đồng bộ, thống nhất và khả thi cho các địa phương trong công tác tổ chức và triển khai thực hiện.

Đại biểu Trần Kim Yến – Đoàn ĐBQH TP.Hồ Chí Minh

Trả lời chất vấn của các đại biểu liên quan đến công tác quy hoạch, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà nêu rõ, về quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, Quốc hội đã xem xét và phải dựa trên những tiêu chí khoa học, cơ sở kinh tế và phương pháp tính toán. Quỹ đất chúng ta cũng là hữu hạn, phải giữ những chỉ tiêu về rừng, rừng tự nhiên, rừng đặc dụng, chỉ tiêu đất lúa.

Việc xem xét thông qua quy hoạch sử dụng đất quốc gia giai đoạn 10 năm là đều hết sức khó khăn bởi phải xem xét nhiều yếu tố trong 10 năm tới điều kiện thuận lợi, đầu tư hạ tầng, đầu tư xã hội, dùng kinh tế lượng để tính toán. Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường cho biết trong quy hoạch sử dụng đất đã bao gồm các quy hoạch về phát triển kinh tế hạ tầng, quy hoạch về giao thông, quốc phòng, an ninh, năng lượng. Đây là quy hoạch tổng hợp của các quy hoạch.

Bộ trưởng cũng cho hay, bất cập hiện nay do thực hiện đồng thời các loại quy hoạch, chấp nhận quy hoạch ở dưới như là quy hoạch cấp huyện, cấp quận sau đó quy hoạch cấp tỉnh phải tổng hợp lại, tích hợp lại. Khi đó, quy hoạch cấp tỉnh phải chữa sai quy hoạch của cấp quận, cấp huyện. Bộ trưởng nhấn mạnh tinh thần của Luật Quy hoạch là phải cùng nhau thực hiện cùng với Nghị quyết 19 đã đề cập theo hướng quy hoạch đất đai là không gian, là những vấn đề lớn, là phân bổ chỉ tiêu và những quy hoạch cụ thể, các quy hoạch sử dụng đất phải thành một chỉnh thể đồng bộ.

Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường cho biết thêm, đất đai chỉ có vậy, không thể có thêm để phân bổ. Vấn đề hiện nay là tỉnh nào thu hút đầu tư thật sự hiệu quả, có tiềm năng thì Chính phủ sẽ trên kế hoạch, có thể báo cáo Quốc hội trên quy hoạch là 10 năm về đất đai để điều tiết cho các địa phương đó. Trong quá trình thực hiện thời gian qua, Chính phủ đã thấy vấn đề này và dự kiến năm 2023, 2024 sẽ xem xét lại toàn bộ sử dụng đất. Vấn đề ở đây là điều tiết và cùng với đó là dự báo, Bộ trưởng nhấn mạnh./.

Bảo Yến