BẢO ĐẢM CÔNG NGHỆ SỐ GẮN LIỀN VỚI CUỘC SỐNG CỦA NGƯỜI DÂN

17/03/2022

Nhằm thực hiện có hiệu quả Nghị quyết số 32/2021/QH15 của Quốc hội về Kế hoạch phát triển KT-XH năm 2022, đặc biệt về nôi dung đẩy mạnh ứng dụng công nghệ, đổi mới sáng tạo, Bộ Thông tin và Truyền thông đã ra văn bản hướng dẫn thí điểm triển khai Tổ công nghệ số cộng đồng tại các địa phương để đưa công nghệ số đến từng cộng đồng, gắn với cuộc sống của người dân.

 

Chuyển đổi số bắt đầu từ người dân, lấy người dân làm trung tâm

Nghị quyết số 32/2021/QH15 về kế hoạch phát triển kinh tế- xã hội năm 2022 đã được Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đã ký ban hành ngày 12/11/2021. Nghị quyết nêu rõ mục tiêu đặt ra cho năm 2022 là thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19, bảo vệ tối đa sức khỏe, tính mạng của nhân dân cùng với tập trung tháo gỡ khó khăn cho sản xuất, kinh doanh, hỗ trợ hiệu quả người dân và doanh nghiệp; tận dụng mọi cơ hội để thúc đẩy phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội trên cả nước, trong từng ngành, lĩnh vực, địa phương và duy trì các động lực tăng trưởng trong dài hạn; kiên trì giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, nâng cao tính tự chủ, khả năng chống chịu, thích ứng của nền kinh tế.

Bên cạnh đó, tiếp tục ưu tiên hoàn thiện đồng bộ thể chế phát triển và nâng cao hiệu quả thi hành pháp luật, xây dựng xã hội trật tự, kỷ cương, an toàn, lành mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh; đẩy nhanh tiến độ xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ, hiện đại, nhất là một số công trình trọng điểm quốc gia; nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, đẩy mạnh ứng dụng và phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo; chú trọng phát triển văn hóa, bảo đảm an sinh xã hội và không ngừng cải thiện đời sống nhân dân.

Các đại biểu Quốc hội biểu quyết thông qua Nghị quyết số 32/2021/QH15 về kế hoạch phát triển kinh tế- xã hội năm 2022

Đặc biệt, về nội dung đẩy mạnh nghiên cứu khoa học, ứng dụng công nghệ, đổi mới sáng tạo, Nghị quyết xác định rõ cần thực hiện có hiệu quả chính sách đào tạo, bồi dưỡng nhân tài, thu hút nguồn nhân lực khoa học công nghệ chất lượng cao; đẩy nhanh thành lập các trung tâm đổi mới sáng tạo, khởi nghiệp sáng tạo, phát triển phong trào đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp trên phạm vi toàn quốc, lấy doanh nghiệp làm trung tâm; xây dựng cơ chế thúc đẩy thương mại hóa kết quả nghiên cứu khoa học công nghệ.

Để triển khai thực hiện có hiệu quả nội dung này, Bộ Thông tin và Truyền thông đã thực hiện nhiều giải pháp nhằm tăng cường sự phát triển công nghệ thông tin, đẩy mạnh công cuộc chuyển đổi số và đổi mới sáng tạo, gia tăng khả năng tiếp cận những thành tựu khoa học công nghệ đối với đại chúng.

Với quan điểm chuyển đổi số bắt đầu từ người dân, lấy người dân làm trung tâm, Bộ Thông tin và Truyền thông xác định rõ cần làm cho người dân thấy công nghệ là thứ dễ dàng, thiết thực. Khi chuyển đổi số nếu tạo giá trị cho người dân, được người dân hưởng ứng, sử dụng thì chuyển đổi số sẽ đi vào cuộc sống, tạo nên cộng đồng số, phát triển chính phủ số, kinh tế số và xã hội số.

Trên tinh thần đó, ngày 09/3/2022, Bộ Thông tin và Truyền thông ban hành Công văn 820/BTTTT-THH về việc hướng dẫn thí điểm triển khai Tổ công nghệ số cộng đồng tại các địa phương. Theo đó, Tổ công nghệ số cộng đồng là lực lượng mang tính huy động sức mạnh toàn dân, ở gần dân, sát dân và là cánh tay nối dài của Ban Chỉ đạo chuyển đổi số từ tỉnh, huyện đến xã, phường, thị trấn, tổ, đội, làm nhiệm vụ đưa nền tảng số, công nghệ số, kỹ năng số đến người dân để thúc đẩy chuyển đổi số, đưa người dân lên môi trường số, người dân tiên phong sử dụng nền tảng số, công nghệ số, qua đó, trở thành tác nhân thúc đẩy chính quyền chuyển đổi số mạnh mẽ hơn.

Đưa nền tảng số, công nghệ số đến từng ngõ ngách, gắn với cuộc sống của người dân

Công văn 820/BTTTT-THH của Bộ Thông tin và Truyền thông nêu rõ, Tổ công nghệ số cộng đồng sẽ thực hiện theo sự hướng dẫn, điều phối chung của Sở Thông tin và Truyền thông, huy động sự tham gia của các doanh nghiệp bưu chính, viễn thông, công nghệ thông tin tại địa bàn trong việc hỗ trợ triển khai nền tảng số, công nghệ số, hướng dẫn kỹ năng số đến với người dân, triển khai có hiệu quả nền tảng số, công nghệ số đến từng ngõ ngách, gắn với cuộc sống của người dân. Đồng thời, tham gia hiệu quả vào Mạng lưới công nghệ số cộng đồng trên phạm vi toàn quốc do Bộ Thông tin và Truyền thông điều phối chung.

Theo Công văn, Bộ Thông tin và Truyền thông hướng dẫn Tổ công nghệ số cộng đồng tại địa phương thực hiện hoạt động tuyên truyền đến người dân về các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của nhà nước về chuyển đổi số đến các hộ gia đình, người dân trong thôn, bản, khu phố; hướng dẫn người dân sử dụng dịch vụ công trực tuyến, sử dụng các dịch vụ số và tương tác với chính quyền qua các nền tảng số được đánh giá và lựa chọn; hướng dẫn người dân tiếp cận, cài đặt, sử dụng các dịch vụ số phục vụ cho các nhu cầu thiết yếu như y tế, giáo dục, chính sách xã hội, phòng chống dịch… thông qua các nền tảng số.

Tổ công nghệ số cộng đồng hướng dẫn kỹ năng số đến với người dân

Bên cạnh đó, Tổ công nghệ số cộng đồng sẽ tham gia hướng dẫn doanh nghiệp, hộ kinh doanh, người dân trên địa bàn đăng ký tham gia các sàn thương mại điện tử như “voso.vn”, “postmart.vn”,…; mở tài khoản thanh toán điện tử; hướng dẫn người dân sử dụng nền tảng số, công nghệ số để đăng ảnh, quảng bá sản phẩm, tạo gian hàng, nhận đơn, đóng gói sản phẩm và quan trọng nhất là cam kết cung cấp sản phẩm đúng chất lượng cho khách hàng; hướng dẫn ứng dụng công nghệ số trong các hoạt động sản xuất, kinh doanh phù hợp với điều kiện kinh tế - xã hội của địa phương.

Về phương thức triển khai, Tổ công nghệ số cộng đồng nhận chỉ tiêu về triển khai các nền tảng số và trực tiếp làm mẫu, bồi dưỡng, tập huấn, hướng dẫn lại cho cá nhân, hộ gia đình trong thôn, bản, tổ dân phố (ví dụ như: Mở gian hàng số, cài ứng dụng sổ sức khỏe điện tử, ứng dụng PC - COVID, ứng dụng phản ánh hiện trường, dịch vụ công, thông tin đất đai,…). Đồng thời, Tổ công nghệ số cộng đồng sẽ tiến hành tạo nhóm mạng xã hội Việt Nam (ví dụ: lập nhóm Zalo, Mocha, Gapo hoặc các mạng xã hội Việt Nam phổ biến khác) gồm tất cả các hộ gia đình/người dân trong thôn, bản, tổ dân phố để hỗ trợ, tương tác, hướng dẫn thường xuyên, góp phần giúp người dân tiếp cận dễ dàng hơn với các nền tảng số và tiến bộ khoa học công nghệ hiện đại./.

Minh Hùng