HOÀN THIỆN CÁC QUY ĐỊNH VỀ THẨM QUYỀN CỦA THƯỜNG TRỰC HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN

23/02/2022

Tại Hội nghị tổng kết công tác HĐND các tỉnh, thành phố năm 2021 và triển khai nhiệm vụ năm 2022 (Khu vực phía Bắc), trao đổi về một số bất cập trong hoạt động của Thường trực HĐND, Trưởng Ban Dân tộc Hội đồng nhân dân tỉnh Lai Châu Sùng A Hồ đề nghị cần sớm có các quy định hướng dẫn cụ thể về thẩm quyền của Thường trực HĐND tỉnh trong việc quyết định các vấn đề phát sinh giữa hai kỳ họp và thẩm tra các dự thảo nghị quyết do Thường trực HĐND tỉnh trình.

Quy định về thẩm quyền của Thường trực HĐND thiếu thống nhất

Trưởng Ban Dân tộc Hội đồng nhân dân tỉnh Lai Châu Sùng A Hồ nêu rõ, theo quy định tại Nghị quyết số 629/2019/UBTVQH14 ngày 30/01/2019 của UBTVQH hướng dẫn một số hoạt động của HĐND quy định “Đối với các vấn đề thuộc thẩm quyền của HĐND có tính cấp bách, cần quyết định ngay, phát sinh trong thời gian giữa 2 kỳ họp thường lệ của HĐND thì Thường trực HĐND tự mình hoặc theo yêu cầu của Chủ tịch UBND cùng cấp hoặc ít nhất 1/3 tổng số đại biểu HĐND quyết định triệu tập kỳ họp bất thường của HĐND để xem xét, quyết định...”; tại Điều 78 Luật Tổ chức chính quyền địa phương sửa đổi, bổ sung năm 2019 quy định “HĐND họp chuyên đề hoặc họp để giải quyết công việc phát sinh đột xuất khi Thường trực HĐND, Chủ tịch UBND cùng cấp hoặc ít nhất 1/3 tổng số đại biểu HĐND yêu cầu”.

Trưởng Ban Dân tộc Hội đồng nhân dân tỉnh Lai Châu Sùng A Hồ phát biểu tại Hội nghị tổng kết công tác HĐND các tỉnh, thành phố năm 2021 và triển khai nhiệm vụ năm 2022 (Khu vực phía Bắc)

Tuy nhiên qua thực tiễn thực hiện tại địa phương phát sinh một số bất cập, Trưởng Ban Dân tộc Hội đồng nhân dân tỉnh Lai Châu Sùng A Hồ chia sẻ:

Thứ nhất, việc quy định thẩm quyền của Thường trực HĐND chưa được thống nhất trong các văn bản quy phạm pháp luật, rất khó cho việc áp dụng và thực hiện, ảnh hưởng đến tiến độ thực hiện các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, nhất là những nhiệm vụ cấp bách

Tại Điều 104 của Luật Tổ chức chính quyền địa phương; Nghị quyết số 629/2019/UBTVQH14 ngày 30/01/2019 của UBTVQH chỉ quy định nhiệm vụ, quyền hạn của Thường trực HĐND là đề xuất, chuẩn bị kỳ họp, tổ chức giám sát và một số công việc khác của Thường trực HĐND. Trong khi đó, một số văn bản Luật và dưới Luật thường quy định rất cụ thể thẩm quyền của Thường trực HĐND, đặc biệt là Luật Ngân sách nhà nước năm 2015 giao thẩm quyền cho Thường trực HĐND tỉnh về điều chỉnh dự toán ngân sách địa phương trên cơ sở trình của UBND tỉnh (Khoản 3, Điều 52 Luật Ngân sách nhà nước); Luật Tổ chức chính quyền địa phương quy định việc điều chỉnh dự toán ngân sách địa phương thuộc thẩm quyền của HĐND (Điều 19 quy định về nhiệm vụ của HĐND tỉnh)…

Trưởng Ban Dân tộc Hội đồng nhân dân tỉnh Lai Châu Sùng A Hồ cho biết, tỉnh Lai Châu là tỉnh khó khăn, 80% ngân sách tỉnh là do Trung ương phân bổ, đối với những nội dung được ngân sách Trung ương bổ sung trong năm để thực hiện nhiệm vụ cấp bách, thường xuyên phát sinh, theo quy định của Nghị quyết số 629/2019/UBTVQH14 phải tổ chức kỳ họp để phân bổ, bổ sung kinh phí cho các đơn vị triển khai thực hiện làm chậm tiến độ thực hiện nhiệm vụ, gây khó khăn cho UBND các cấp và các ngành trong thực hiện nhiệm vụ.

Thứ hai, việc tổ chức nhiều kỳ họp chuyên đề trong một năm mang tính hình thức và gây lãng phí ngân sách

Có thể thấy, năm 2021 Hội đồng nhân dân tỉnh Lai Châu tổ chức 7 kỳ họp, trong đó có 04 kỳ họp chuyên đề. Có những kỳ họp chỉ quyết định một nội dung, ban hành 01 Nghị quyết. Mà mỗi kỳ họp đều phải đảm bảo đúng quy trình tổ chức kỳ họp như họp liên tịch, xin ý kiến Ban Thường vụ, triệu tập đại biểu, tổ chức thẩm tra,… chuẩn bị các điều kiện, cơ sở vật như kỳ họp thường lệ.

Hội nghị tổng kết công tác HĐND các tỉnh, thành phố năm 2021 và triển khai nhiệm vụ năm 2022 (Khu vực phía Bắc)

Thứ ba, nhiệm vụ của Thường trực HĐND các cấp chưa tương xứng với vị trí pháp lý.

Theo quy định của Luật Tổ chức chính quyền địa phương, Thường trực HĐND cấp tỉnh, cấp huyện, cấp xã gồm Chủ tịch, các Phó Chủ tịch HĐND, các ủy viên là Trưởng ban của HĐND. Tại khoản 3, Điều 6 quy định “Thường trực HĐND là cơ quan thường trực của HĐND, thực hiện những nhiệm vụ, quyền hạn theo quy định của Luật Tổ chức chính quyền địa phương và các quy định khác của pháp luật liên quan; chịu trách nhiệm và báo cáo công tác trước HĐND” và quy định cụ thể nhiệm vụ, quyền hạn của Thường trực tại Điều 104. Điều này thể hiện mong muốn của Luật Tổ chức chính quyền địa phương là tăng cường vai trò của Thường trực HĐND, tương xứng với cơ cấu của Thường trực HĐND.

Tuy nhiên, Nghị quyết số 629/2019/UBTVQH14 của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội ngày 30/01/2019 quy định đối với các vấn đề thuộc thẩm quyền của HĐND có tính cấp bách, cần quyết định ngay, phát sinh trong thời gian giữa 2 kỳ họp thường lệ của HĐND thì tổ chức kỳ họp bất thường (theo Luật sửa đổi bổ sung là kỳ họp chuyên đề hoặc họp để giải quyết các nhiệm vụ phát sinh đột xuất) của HĐND để xem xét, quyết định. Với quy định này thì Thường trực HĐND chỉ thực hiện các nhiệm vụ được quy định tại Điều 104 Luật Tổ chức chính quyền địa phương chưa thể hiện rõ việc thực hiện “các quy định khác của pháp luật liên quan; chịu trách nhiệm và báo cáo công tác trước HĐND”.

Như vậy, nếu so sánh giữa các quy định về vị trí pháp lý tại Khoản 3, Điều 6 và Điều 104 thì chưa phản ánh hết vị trí, vai trò là cơ quan thường trực của HĐND; mà các nhiệm vụ của Thường trực HĐND chủ yếu là bảo đảm, duy trì để HĐND thực hiện chức năng, nhiệm vụ, trong khi đó hầu hết các thành viên của Thường trực HĐND là lãnh đạo chủ chốt của tỉnh, là các Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy- những người có vai trò tham mưu quyết định mọi quyết sách về kinh tế - xã hội, an ninh, quốc phòng tại địa phương.

Quy định cụ thể về thẩm quyền của Thường trực HĐND các cấp

Từ những vướng mắc, bất cập trên, Thường trực Hội đồng nhân dân tỉnh Lai Châu đề nghị:

Một là, trong quá trình xây dựng và thông qua các dự án Luật chuyên ngành Quốc hội cần quy định cụ thể về thẩm quyền của Thường trực HĐND các cấp để đảm bảo sự linh hoạt, kịp thời hiệu quả trong giải quyết các công việc cấp bách phát sinh của chính quyền địa phương giữa hai kỳ họp HĐND.

Hai là, Luật Tổ chức chính quyền địa phương và các luật khác chưa có quy định cụ thể về thẩm quyền của Thường trực HĐND tỉnh trong việc quyết định các vấn đề phát sinh giữa hai kỳ họp. Trong thực tiễn hoạt động của HĐND, có nhiều vấn đề quan trọng hoặc cấp bách, phát sinh giữa hai kỳ họp liên quan tới việc thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh ở địa phương cần quyết định ngay. Trong khi đó, theo quy định của các luật và văn bản dưới luật, nhiệm vụ này thuộc thẩm quyền quyết định của HĐND, thì phải đợi đến kỳ họp của HĐND tỉnh mới xem xét, quyết định. Sự chậm trễ này sẽ ảnh hưởng đến công tác chỉ đạo, điều hành, triển khai nhiệm vụ của các cấp, các ngành, các địa phương trong tỉnh.

Thường trực HĐND tỉnh Lai Châu tổ chức phiên họp đánh giá kết quả tổ chức kỳ họp thứ năm HĐND tỉnh khóa XV

Do đó, Quốc hội, Chính phủ cần nghiên cứu ban hành văn bản quy định rõ thẩm quyền của Thường trực HĐND tỉnh liên quan đến việc xem xét, quyết định các vấn đề phát sinh giữa hai kỳ họp HĐND. Rà soát, quy định cụ thể hơn các nội dung cần thiết phải có sự phân quyền hoặc ủy quyền cho Thường trực HĐND xem xét, quyết định giữa hai kỳ họp, nhất là các nội dung liên quan đến chủ trương đầu tư, quản lý đất đai tài chính, các vấn đề cấp bách phát sinh; quy định cụ thể cách thức, trình tự thực hiện nhiệm vụ được HĐND ủy quyền giải quyết giữa hai kỳ họp và trách nhiệm của Thường trực HĐND khi quyết định các vấn đề đó... tạo cơ sở pháp lý cần thiết để Thường trực HĐND tỉnh thực hiện chức năng, nhiệm vụ, đồng thời cũng tạo thuận lợi cho công tác chỉ đạo, điều hành, tổ chức thực hiện nhiệm vụ của UBND và các cấp, các ngành trong tỉnh, đáp ứng kịp thời yêu cầu nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội chung của địa phương.

Ba là, nếu không thể quy định cho Thường trực HĐND xử lý các vấn đề phát sinh giữa 2 kỳ họp thường lệ thì cần nghiên cứu, sửa đổi một số nội dung của các Luật liên quan, nhất là sửa đổi khoản 4 Điều 45, khoản 3 Điều 52 và điểm e, khoản 2 Điều 59 Luật Ngân sách nhà nước cho phù hợp, thống nhất trong hệ thống pháp luật, tránh chồng chéo, gây khó khăn cho địa phương trong quá trình triển khai thực hiện.

Bốn là, việc thẩm tra các dự thảo nghị quyết do Thường trực HĐND tỉnh trình tại kỳ họp, hiện nay chưa có quy định cụ thể do vậy đề nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội có hướng dẫn cụ thể việc thẩm tra các dự thảo nghị quyết do Thường trực HĐND tỉnh trình để áp dụng thống nhất trong cả nước./.

Bảo Yến