SẼ TỐT HƠN CHO HOẠT ĐỘNG ĐẦU TƯ, KINH DOANH

27/01/2022

“Sẽ tốt hơn cho hoạt động đầu tư, kinh doanh...” là khẳng định của Thứ trưởng Bộ Tư pháp Phan Chí Hiếu khi giới thiệu nội dung của Luật sửa đổi 9 luật, tại họp báo công bố Lệnh của Chủ tịch nước công bố Luật được Quốc hội khóa XV thông qua tại Kỳ họp bất thường lần thứ nhất.

 

Giới thiệu một số nội dung của Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đầu tư công, Luật Đầu tư, Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư, Luật Nhà ở, Luật Đấu thầu, Luật Điện lực, Luật Doanh nghiệp, Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt và Luật Thi hánh án dân sự, Thứ trưởng Bộ Tư pháp Phan Chí Hiếu cho biết, việc sửa đổi, bổ sung một số điều của 09 Luật xuất phát từ yêu cầu thể chế hóa chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách của Nhà nước về xây dựng, hoàn thiện pháp luật nhằm tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho hoạt động sản xuất, kinh doanh và đời sống xã hội, nhất là trong điều kiện vừa phòng, chống dịch COVID-19, vừa phục hồi và phát triển; đồng thời, để đáp ứng yêu cầu phát sinh từ thực tiễn liên quan đến hoạt động đầu tư, kinh doanh, quản trị doanh nghiệp, công tác bảo vệ an ninh mạng, thi hành án dân sự, thực hiện chính sách xã hội hóa đầu tư vào hệ thống truyền tải điện quốc gia, khuyến khích đầu tư sản xuất và sử dụng phương tiện giao thông thân thiện với môi trường.

Tại họp báo công bố Lệnh của Chủ tịch nước công bố Luật được Quốc hội khóa XV thông qua tại Kỳ họp bất thường lần thứ nhất, Thứ trưởng Bộ Tư pháp Phan Chí Hiếu đã giới thiệu nội dung của Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đầu tư công, Luật Đầu tư, Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư, Luật Nhà ở, Luật Đấu thầu, Luật Điện lực, Luật Doanh nghiệp, Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt và Luật Thi hánh án dân sự

Các nội dung được sửa đổi, bổ sung trong Luật là những vấn đề cấp bách, đã rõ, được thực tế kiểm nghiệm, có sự đồng thuận cao để khắc phục những khó khăn, vướng mắc trong thực tiễn, tăng cường phần quyền đồng thời bảo đảm sự kiểm soát chặt chẽ nguồn lực đất nước.

Trước những ý kiến cho rằng các chính sách được đưa vào trong luật này đều là những chính sách lớn như thẩm quyền quyết định chủ trương đầu tư, đất đai, thuế và bày tỏ băn khoăn về việc khi Luật được thông qua theo trình tự rút gọn liệu có đảm bảo đánh giá tác động đầy đủ và liệu có tình trạng tiêu cực, tham nhũng, trục lợi chính sách, Thứ trưởng Bộ Tư pháp cho biết, các nội dung chính sách lớn của dự án Luật đã được đánh giá tác động, tổ chức lấy ý kiến. Mặt khác, các nội dung được sửa đổi, bổ sung trong Luật đều nhằm tạo thuận lợi cho thực tiễn áp dụng pháp luật cho hoạt động đầu tư, kinh doanh. Do đó, Thứ trưởng Bộ Tư pháp cho rằng sẽ không có nguy cơ phát sinh trục lợi chính sách, bởi các vấn đề đã nhận diện kỹ và cụ thể. Việc áp dụng các quy định này  sẽ tốt hơn cho hoạt động đầu tư, kinh doanh.

Tăng cường phân cấp đối với sử dụng nguồn vốn ODA

Theo đó, Điều 1 của Luật quy định việc sửa đổi, bổ sung điểm b, c và d khoản 4 Điều 17, bổ sung khoản 5a vào sau khoản 5 Điều 17 và sửa đổi, bổ sung khoản 8 Điều 25, khoản 4 Điều 82, khoản 1 Điều 83 Luật Đầu tư công theo nguyên tắc phân quyền quyết định chủ trương đầu tư của Thủ tướng Chính phủ cho người đứng đầu cơ quan chủ quản đối với các dự án đầu tư nhóm B và nhóm C sử dụng vốn ODA và vốn vay ưu đãi của các nhà tài trợ nước ngoài, quyết định phê duyệt dự án hỗ trợ kỹ thuật sử dụng vốn ODA, vốn vay ưu đãi của các nhà tài trợ nước ngoài để chuẩn bị dự án đầu tư do cơ quan, tổ chức mình quản lý.

Trước đó, Luật Đầu tư công năm 2019 quy định Thủ tướng Chính phủ quyết định chủ trương đầu tư đối với tất cả các dự án ODA để nhằm quản lý, kiểm soát chặt chẽ việc vay, sử dụng nguồn vốn ODA, vốn vay ưu đãi nước ngoài. Tuy nhiên, quy định này đã dẫn đến phát sinh nhiều thủ tục hành chính liên quan đến thực hiện phê duyệt, điều chỉnh chủ trương đầu tư, quyết định đầu tư của các dự án nhóm A, nhóm B, nhóm C, phải trình Thủ tướng Chính phủ nhiều lần.

Trong khi đó, các Chương trình, dự án nhóm B và C sử dụng vốn ODA và vốn vay ưu đãi nước ngoài thường có số lượng nhiều, quy mô không lớn, chủ yếu do các địa phương là cơ quan chủ quản và thường có đề xuất điều chỉnh chủ trương đầu tư trong quá trình thực hiện (như gia hạn thời gian thực hiện, giải ngân) nếu thực hiện quy trình trên thì sẽ phải trình Thủ tướng Chính phủ 03 lần (tính cả điều chỉnh) dẫn đến nhiều dự án bị chậm tiến độ thực hiện và giải ngân, không hoàn thành theo đúng cam kết với nhà tài trợ dẫn đến việc phải gia hạn hiệp định.

Do vậy, quy định mới sửa đổi theo hướng tăng cường phân cấp đối với sử dụng nguồn vốn này sẽ làm giảm thủ tục hành chính, góp phần đẩy nhanh tiến độ giải ngân, nâng cao hiệu quả sử dụng nguồn vốn ODA. Điều này sẽ góp phần đảm bảo tiến độ thực hiện và giải ngân các dự án sử dụng vốn vay ODA, vốn vay ưu đãi của các nhà tài trợ nước ngoài, đồng thời tăng cường vai trò, trách nhiệm của cơ quan chủ quản trong việc thẩm định, phê duyệt báo cáo đề xuất chủ trương.

Thứ trưởng Bộ Tư pháp Phan Chí Hiếu khẳng định những tác động tích cực của các nội dung mới được sửa đổi, bổ sung trong 9 luật

Điều 2 của Luật sửa đổi, bổ sung điểm b khoản 2 Điều 12 Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư tương tự về phân quyền quyết định chủ trương đầu tư theo quy định của Luật Đầu tư công, việc đẩy mạnh phân quyền quyết định chủ trương đầu tư đối với các dự án đầu tư theo phương thức đối tác công tư có sử dụng vốn vay ODA và vốn vay ưu đãi của nhà tài trợ nước ngoài là cần thiết, nhằm đảm bảo đồng bộ với đề xuất sửa đổi quy định của Luật Đầu tư công.

Với mục tiêu tăng cường phân quyền chấp thuận chủ trương đầu tư đối với dự án xây dựng nhà ở, khu đô thị cho các địa phương, Điều 3 của Luật sửa đổi, bổ sung điểm g và bổ sung điểm g1 vào sau điểm g khoản 1 Điều 31 để thực hiện phân quyền cho Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quyết định chủ trương đầu tư dự án đầu tư xây dựng nhà ở, khu đô thị. Sửa đổi, bổ sung điểm b và bổ sung điểm b1 vào sau điểm b khoản 1 Điều 32 để phân quyền cho Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh chấp thuận chủ trương đầu tư đối với các dự án đầu tư xây dựng nhà ở (để bán, cho thuê, cho thuê mua), khu đô thị có quy mô sử dụng đất dưới 300 ha và quy mô dân số dưới 50.000 người…

Tăng cường quản lý sản phẩm, dịch vụ an ninh mạng

Luật đã bổ sung số thứ tự 132a vào sau số thứ tự 132 Phụ lục IV Danh mục ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện: “Kinh doanh sản phẩm, dịch vụ an ninh mạng (trừ kinh doanh sản phẩm, dịch vụ an toàn thông tin mạng và kinh doanh sản phẩm, dịch vụ mật mã dân sự)”.

Quy định này đã tạo căn cứ pháp lý để Chính phủ xây dựng “Nghị định quy định về điều kiện kinh doanh sản phẩm, dịch vụ an ninh mạng”, góp phần hoàn thiện hành lang pháp lý về bảo vệ an ninh mạng. Đồng thời, đáp ứng yêu cầu cấp thiết về quản lý sản phẩm, dịch vụ an ninh mạng là, góp phần tăng cường hiệu lực quản lý nhà nước về an ninh mạng, hiệu quả trong công tác bảo vệ an ninh mạng. Thực tế, hiện nay có nhiều doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân kinh doanh các sản phẩm, dịch vụ an ninh mạng nhưng không có sự quản lý, dẫn tới tình trạng các sản phẩm, dịch vụ an ninh mạng bán tràn lan trên thị trường, thiếu định hướng và thiếu kiểm soát.

Quốc hội khóa XV đã thông qua Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đầu tư công, Luật Đầu tư, Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư, Luật Nhà ở, Luật Đấu thầu, Luật Điện lực, Luật Doanh nghiệp, Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt và Luật Thi hánh án dân sự theo quy trình rút gọn tại một kỳ họp

Với việc công nhận về mặt pháp lý đối với sản phẩm, dịch vụ an ninh mạng, hiện đã và đang được kinh doanh trên thị trường, là một ngành nghề để quản lý sẽ giúp quản lý, kiểm soát về chất lượng sản phẩm, dịch vụ an ninh mạng khi đưa vào các hệ thống thông tin quan trọng về an ninh quốc gia, các mục tiêu trọng yếu quốc gia; góp phần quản lý, kiểm soát các sản phẩm, dịch vụ an ninh mạng của nước ngoài đưa vào Việt Nam và đáp ứng yêu cầu, xu thế phát triển công nghệ của thế giới.

Điều 4 của Luật sửa đổi, bổ sung khoản 1 Điều 23 Luật Nhà ở, theo hướng quy định về hình thức sử dụng đất để đầu tư xây dựng dự án nhà ở thương mại là nhà đầu tư có quyền sử dụng đất thuộc một trong các trường hợp (i) có quyền sử dụng đất hợp pháp; (ii) có quyền sử dụng đất ở và đất khác không phải là đất ở đáp ứng điều kiện cho phép chuyển mục đích sử dụng đất để thực hiện dự án đầu tư. Việc sử dụng đất để thực hiện dự án đầu tư xây dựng nhà ở thương mại phù hợp với quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất đã được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt theo quy định của pháp luật về đất đai, trừ trường hợp thuộc diện Nhà nước thu hồi đất vì mục đích quốc phòng, an ninh, thu hồi đất để phát triển kinh tế - xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng và các trường hợp thu hồi khác theo quy định của pháp luật.

Tháo gỡ vướng mắc về mặt thủ tục triển khai dự án đầu tư

Điều 5 của Luật sửa đổi, bổ sung 02 sửa đổi, bổ sung điểm c khoản 1 Điều 34 và bổ sung Điều 33a Luật Đấu thầu để quy định các hoạt động thực hiện trước đối với dự án sử dụng vốn ODA, vốn vay ưu đãi theo hướng: việc lập, trình duyệt, thẩm định, phê duyệt kế hoạch lựa chọn nhà thầu, hồ sơ mời thầu, hồ sơ yêu cầu, xác định danh sách ngắn đối với các hoạt động mua sắm của các dự án sử dụng vốn ODA, vốn vay ưu đãi được thực hiện trước khi ký kết điều ước quốc tế, thỏa thuận về vốn ODA, vốn vay ưu đãi. Đồng thời giao Chính phủ quy định chi tiết Điều này.

Quy định này sẽ tháo gỡ vướng mắc trước đây khi việc phê duyệt kế hoạch lựa chọn nhà thầu và hồ sơ nêu trên thường mất tối thiểu từ 4 - 6 tháng đối với gói thầu quốc tế theo yêu cầu của nhà tài trợ. Trên thực tế, tùy theo từng dự án cụ thể (như dự án xây dựng hệ thống đường sắt đô thị tại thành phố Hồ Chí Minh), thời gian lập kế hoạch lựa chọn nhà thầu và chuẩn bị hồ sơ mời thầu kéo dài hàng năm. Các hoạt động này phải triển khai sau khi điều ước, thỏa thuận quốc tế đã được ký kết và có hiệu lực dẫn đến thời gian dành cho việc triển khai thi công xây lắp, cung cấp hàng hóa, dịch vụ bị rút ngắn. Chính vì vậy, phần lớn các dự án phải xin gia hạn thời gian thực hiện và gia hạn hiệp định, dẫn đến phải điều chỉnh tổng mức đầu tư do trượt giá, thay đổi tỷ giá và các tác động khác do thay đổi chính sách (như chính sách về lương nhân công…). Ngoài ra, dự án chậm thực hiện cũng ảnh hưởng lớn đến hiệu quả đầu tư, đó là chưa kể chi phí cam kết phát sinh mà Việt Nam phải trả.

Tăng cường nguồn lực đầu tư tư nhân

Điều 6 của Luật đã sửa đổi, bổ sung khoản 2 và bổ sung khoản 2a vào sau khoản 2 Điều 4 Luật Điện lực để quy định các thành phần kinh tế ngoài nhà nước được vận hành lưới điện truyền tải do mình đầu tư xây dựng.. cơ chế khuyến khích thu hút vốn đầu tư tư nhân vào lưới điện truyền tải. Để giải quyết vấn đề thực tiễn và luật hóa chủ trương, chính sách của Đảng tại Nghị quyết số 55-NQ/TW, cần thiết phải sửa Luật Điện lực về chính sách độc quyền trong hoạt động truyền tải điện, hướng tới khuyến khích tư nhân tham gia đầu tư lưới điện, làm rõ hoạt động truyền tải và phạm vi lưới điện truyền tải mà nhà nước cần độc quyền.

Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long trình bày Tờ trình dự án Luật tại Kỳ họp bất thường lần thứ nhất, Quốc hội khóa XV

Trong bối cảnh các nước trên thế giới cam kết về việc sẽ chấm dứt tài trợ cho tất cả các dự án nhiên liệu hóa thạch ở nước ngoài vào cuối năm 2022 chuyển hướng đầu tư vào năng lượng sạch; cam kết của Chính phủ Việt Nam tại Hội nghị COP26 về đạt mức phát thải ròng bằng “0” vào năm 2050 thể hiện quyết tâm và cam kết chính trị của Đảng, Nhà nước trong việc đẩy mạnh chuyển đổi kinh tế nhằm góp phần giải quyết khủng hoảng khí hậu thì Việt Nam cần tiếp tục phát triển mạnh mẽ các nguồn năng lượng mới, năng lượng tái tạo trong thời gian tới.

Điều 8 của Luật bổ sung điểm i khoản 4 Mục I Điều 7 về Biểu thuế tiêu thụ đặc biệt của Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt theo hướng giảm thuế suất thuế tiêu thụ đặc biệt so với mức hiện hành trong 05 năm đầu, kể từ khi Luật sửa đổi, bổ sung một số điều có hiệu lực thi hành; từ năm thứ 6 trở đi, điều chỉnh tăng mức thuế suất đối với xe ô tô điện chạy pin (áp dụng cả đối với xe nhập khẩu và xe sản xuất, lắp ráp trong nước). Quy định này cũng sẽ mở ra cơ hội để thu hút các dự án đầu tư sản xuất lắp ráp xe ô tô điện chạy pin của Việt Nam là rất tiềm năng nếu Quốc hội sớm ban hành các chính sách ưu đãi, hỗ trợ hơn nữa cho ngành này phát triển. Nếu chính sách ban hành chậm một vài năm, các nước ASEAN khác đã hoàn thiện khung chính sách và hình thành chuỗi cung ứng vững chắc thì sẽ không có cơ hội cho các doanh nghiệp tại Việt Nam sản xuất xe ô tô điện chạy pin sử dụng trong nước và xuất khẩu.

Ngoài ra, tại khoản 1, 2, 3, 4, 6 và 7 Điều 7 của Luật đã sửa đổi, bổ sung Điều 49, 50, 60, 148 và 158 Luật Doanh nghiệp để tiếp tục hoàn thiện khung pháp lý về quản trị doanh nghiệp, tháo gỡ một số khó khăn, vướng mắc trong thực tiễn, tạo thuận lợi cho hoạt động các doanh nghiệp./.

Bảo Yến