Ông Trần Đình Văn - Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Lâm Đồng tham gia góp ý về các vấn đề nóng, được cử tri quan tâm tại kỳ họp Quốc hội khóa XV
Năm 2021 mở ra không khí toàn Đảng, toàn quân và toàn dân ta đang ra sức thi đua, nỗ lực phấn đấu đưa Nghị quyết của Đại hội Đảng vào cuộc sống; triển khai nhiệm vụ phát triển kinh tế, xã hội 5 năm (2021 - 2025) và xây dựng nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa thực sự là của dân, do dân, vì dân; niềm tin của Nhân dân đối với Đảng, Nhà nước được củng cố và tăng cường, tạo nền tảng, tiền đề vững chắc để phát triển đất nước ta nhanh và bền vững. Trong cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021 - 2026 vào ngày 23/5/2021, đã có 499 người trúng cử đại biểu Quốc hội khóa XV (đạt 99,8%). Riêng tại Lâm Đồng, tỷ lệ cử tri đi bầu cử đạt 99,94%, đã bầu ra 7 đại biểu Quốc hội (ĐBQH) khóa XV, 66 đại biểu HĐND tỉnh, 396 đại biểu HĐND cấp huyện và 3.350 đại biểu HĐND cấp xã. Đây là những người tiêu biểu, xứng đáng đại diện cho ý chí và nguyện vọng của Nhân dân Lâm Đồng.
Ngay sau kỳ bầu cử, dưới sự điều hành, chỉ đạo chung của Quốc hội, các ĐBQH Lâm Đồng đã nhanh chóng bắt tay vào hành động trong vai trò của người đại biểu dân cử.
Tham gia tại kỳ họp thứ nhất, Quốc hội khóa XV vừa qua tại Hà Nội, với tinh thần trách nhiệm trước cử tri tỉnh Lâm Đồng, trên tinh thần dân chủ, thẳng thắn, nhiều ĐBQH đã nghiên cứu đóng góp những ý kiến, nội dung thiết thực, góp phần vào công tác xây dựng pháp luật của đất nước có chất lượng và đề xuất, kiến nghị, đảm bảo lợi ích cho Nhân dân Lâm Đồng.
Tham gia thảo luận tình hình, kết quả thực hiện Kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016 - 2020 và dự kiến Kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 - 2025; ông Nguyễn Tạo - Phó Trưởng Đoàn ĐBQH Lâm Đồng đã đề cập nội dung đáng quan tâm, được cử tri và Nhân dân theo dõi, đồng tình, đánh giá cao.
Đối với khu vực Tây Nguyên và Nam Trung Bộ, cử tri tỉnh Lâm Đồng một lần nữa đề nghị quan tâm đưa 2 dự án đầu tư nâng cấp, mở rộng Quốc lộ 27 và Quốc lộ 28B vào kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 - 2025. Đối với Quốc lộ 27, đoạn từ cầu Krông Nô (Đắk Lắk) đến huyện Lâm Hà (Lâm Đồng) với khoảng 100 km đã xuống cấp nghiêm trọng hơn 10 năm nay chưa được xem xét, trong khi đó 2 đầu của quốc lộ này qua tỉnh Ninh Thuận và tỉnh Đắk Lắk đã được triển khai thực hiện từ lâu. Đối với Quốc lộ 28B có đoạn đầu từ tỉnh Đắk Nông qua tỉnh Lâm Đồng và đoạn cuối tại tỉnh Bình Thuận, đây là tuyến liên kết vùng quan trọng theo Nghị quyết 88 đã đề ra, rút ngắn khoảng cách vận chuyển hàng hóa (đặc biệt là việc vận chuyển khoảng 2 triệu tấn Alumin từ 2 nhà máy Nhân Cơ, Tân Rai và khoảng 2 triệu tấn nông sản xuất khẩu mỗi năm) tới cảng biển Vĩnh Tân - Bình Thuận (đã được đầu tư cảng nước sâu) thay vì phải di chuyển đến cảng Cát Lái, Gò Dầu, giảm ùn tắc giao thông cục bộ ở các tỉnh Nam Trung Bộ… Vì vậy, việc đầu tư nâng cấp Quốc lộ 28B góp phần phát triển mạnh mẽ kinh tế - xã hội vùng Tây Nguyên, đảm bảo an ninh, quốc phòng của khu vực; tạo mối liên kết và phát huy tác dụng của 667 km đường Trường Sơn Đông đi qua 7 tỉnh với điểm đầu tại Quảng Nam và điểm cuối tại Lâm Đồng đã được phân bổ vốn do Bộ Quốc phòng làm chủ đầu tư và sắp hoàn thành. Ông Trần Đình Văn - Trưởng Đoàn ĐBQH đơn vị tỉnh Lâm Đồng tham gia thảo luận về kết quả phòng, chống dịch COVID-19 và góp ý những ý kiến rất sâu sát, mang tầm chiến lược.Trưởng Đoàn ĐBQH Lâm Đồng đề xuất: Chúng ta không thể phong tỏa và đóng cửa mãi. Biện pháp này không còn hiệu quả và sẽ vô cùng tốn kém. Mỗi lần chúng ta siết chặt biện pháp phòng dịch, thì hoạt động kinh doanh bị gián đoạn, hơn nữa, người lao động mất việc, trẻ em không được đến trường, các gia đình bị chia cách lâu hơn. Tất cả sẽ gây ra áp lực tâm lý và khiến chúng ta kiệt quệ về tinh thần. Vì vậy, chúng ta cần phải thay đổi sang chiến lược “sống chung với COVID-19”, vẫn sẽ tiếp tục thực hiện các hoạt động thường nhật bình thường nhất có thể, thực hiện các biện pháp phòng dịch và tuân thủ các quy định kiểm soát an toàn. Nhờ có vắcxin, COVID-19 trở thành căn bệnh nhẹ và có thể điều trị được. Điều này đặc biệt đúng khi đã được tiêm vắc xin đầy đủ. Vì vậy, cần nâng cao nhận thức, ý thức phòng, chống dịch của người dân, nếu bị nhiễm COVID-19, có thể tự điều trị tại nhà, nhưng y tế địa phương phải tạo sự yên tâm cho người dân bằng cách thiết lập đường dây liên lạc thông suốt với nhân viên y tế, thành lập các trạm y tế lưu động, tổ COVID cộng đồng, đội cấp cứu lưu động, hướng dẫn dùng túi thuốc cho F0 tại nhà. Mặt khác, chúng ta cần thay đổi về nhận thức, bên cạnh xem COVID-19 là thách thức, khó khăn khi mà các mắt xích phát triển kinh tế - xã hội bị đứt gãy, thì COVID-19 cũng là cơ hội để nhìn nhận thực trạng nền kinh tế, công tác chỉ đạo, điều hành, sức chống chịu của nền kinh tế, coi đây là cơ hội để thúc đẩy chuyển đổi số trên tất cả các lĩnh vực của đời sống xã hội; đánh giá kỹ hơn những mặt được, những tồn tại, hạn chế, vấn đề phân cấp, phân quyền, trách nhiệm của người đứng đầu, quan hệ phối hợp giữa các bộ, ngành và các địa phương trong công tác phòng, chống dịch. Một số tỉnh có tiềm năng du lịch, tôi đề nghị cần xây dựng môi trường du lịch an toàn, giải pháp ưu tiên là các bộ, ngành liên quan (ngành du lịch, y tế) cần phối hợp chặt chẽ, sớm ban hành chính sách và triển khai các biện pháp bảo đảm an toàn cho khách du lịch tại các điểm đến du lịch để tạo được sự tin tưởng của khách du lịch…
Kỳ họp thứ hai Quốc hội khóa XV.
Năm 2021 là năm chuyển giao giữa hai nhiệm kỳ Quốc hội; thực hiện Nghị quyết số 78/2019/QH14, ngày 11/6/2019 và Nghị quyết số 106/2020/QH14, ngày 10/6/2020 của Quốc hội về Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2020, 2021; Đoàn ĐBQH tỉnh Lâm Đồng đã tổ chức lấy ý kiến đối với tất cả dự án luật trình ra kỳ họp thứ 11 Quốc hội khóa XIV và kỳ họp thứ nhất, thứ hai Quốc hội khóa XV với tổng cộng 11 lượt dự án luật được tổ chức lấy ý kiến. Mặc dù tình hình dịch bệnh COVID-19 diễn biến phức tạp, nhưng Đoàn ĐBQH tỉnh đã chú trọng tổ chức các hội nghị tiếp xúc cử tri chuyên đề lấy ý kiến đối với các đối tượng có liên quan trực tiếp đến phạm vi điều chỉnh của một số dự án luật như: Cán bộ, chiến sĩ của Công an tỉnh góp ý Dự án Luật Cảnh sát cơ động; cán bộ, chức danh tư pháp của Tòa án Nhân dân tỉnh, Viện Kiểm sát Nhân dân tỉnh góp ý Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật Tố tụng hình sự và Nghị quyết về tổ chức phiên tòa trực tuyến... Đặc biệt, theo Chương trình giám sát của Quốc hội và Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Đoàn ĐBQH tỉnh Lâm Đồng đã xây dựng kế hoạch giám sát hai chuyên đề “Việc thực hiện các nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã trong giai đoạn 2019 - 2021” và “Việc thực hiện chính sách, pháp luật về công tác quy hoạch kể từ Luật Quy hoạch có hiệu lực trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng”. Đây là những vấn đề được dư luận đặc biệt quan tâm, qua giám sát đã nêu lên những bất cập, tồn tại, hạn chế và đề xuất cơ quan chức năng sớm điều chỉnh, thực thi, đảm bảo đúng quy định của pháp luật hiện hành.