PGS.TS BÙI HOÀI SƠN: VĂN HÓA DƯỚI GÓC NHÌN LẬP PHÁP TRONG BÀI VIẾT CỦA CHỦ TỊCH QUỐC HỘI VƯƠNG ĐÌNH HUỆ

01/01/2022

Chia sẻ về bài viết “Vận dụng tư tưởng Hồ Chí Minh, thực hiện đường lối, chủ trương của Đảng, Quốc hội nêu cao vai trò, trách nhiệm chăm lo công tác xây dựng văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển đất nước nhanh, bền vững” của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, PGS.TS. Bùi Hoài Sơn bày tỏ sự tâm đắc về cách thức tiếp cận mới và thể hiện sâu sắc văn hóa dưới góc nhìn lập pháp

 

Hội nghị Văn hoá toàn quốc ngày 24/11/2021

Tại Hội nghị Văn hoá toàn quốc triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đã có bài viết với chủ đề “Vận dụng tư tưởng Hồ Chí Minh, thực hiện đường lối, chủ trương của Đảng, Quốc hội nêu cao vai trò, trách nhiệm chăm lo công tác xây dựng văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển đất nước nhanh, bền vững”. Rất tâm đắc về nhiều ý tưởng trong bài viết này, PGS.TS Bùi Hoài Sơn, ĐBQH Tp. Hà Nội, Ủy viên Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục cho rằng, tác giả đã có cách thức tiếp cận mới và thể hiện sâu sắc văn hóa dưới góc nhìn lập pháp.

Sau đây là một số chia sẻ của PGS.TS. Bùi Hoài Sơn.

Phóng viên: Tại Hội nghị Văn hoá toàn quốc triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đã có bài viết với chủ đề “Vận dụng tư tưởng Hồ Chí Minh, thực hiện đường lối, chủ trương của Đảng, Quốc hội nêu cao vai trò, trách nhiệm chăm lo công tác xây dựng văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển đất nước nhanh, bền vững”. Qua bài viết, đại biểu đánh giá thế nào về góc tiếp cận mới của tác giả trong việc vận dụng tư tưởng Hồ Chí Minh, thực hiện đường lối, chủ trương của Đảng, trong công tác xây dựng văn hóa, con người Việt Nam?

PGS.TS Bùi Hoài Sơn: Tôi đánh giá rất cao về cách tiếp cận và nội dung bài viết của Chủ tịch Quốc hội cho Hội nghị văn hóa toàn quốc năm 2021. Bài viết không chỉ thể hiện nội dung bao quát, sâu sắc về văn hóa, quan điểm của Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh, cũng như của Quốc hội về văn hóa mà đặc biệt quan trọng ở cách tiếp cận văn hóa pháp luật, góc nhìn của Quốc hội đối với quá trình xây dựng pháp luật trên nền tảng văn hóa, xây dựng pháp luật về văn hóa, bằng văn hóa và cho văn hóa. Đây là một thông điệp hết sức quan trọng trong bối cảnh chúng ta xây dựng Nhà nước pháp quyền mà yếu tố văn hóa phải là một bộ phận cấu thành hữu cơ để tạo nên Nhà nước của dân, do dân, vì dân.

Công ước 2005 của UNESCO về bảo vệ và phát huy các biểu đạt đa dạng của văn hóa đã ra tuyên bố các quốc gia có quyền chủ quyền văn hóa của mình. Sự độc lập, tự chủ, tự quyết về văn hóa quan trọng không kém so với các chủ quyền quốc gia khác. Tại Hội nghị, Tổng Bí thư đã nói: “Văn hóa là hồn cốt của dân tộc, nói lên bản sắc của dân tộc. Văn hóa còn thì dân tộc còn”. Bài viết của Chủ tịch Quốc hội cũng nhấn mạnh lấy văn hóa để xác định chủ quyền quốc gia qua việc xây dựng và thực thi Hiến pháp. Một trong những ví dụ tiêu biểu là trong Hiến pháp năm 1946 đã hiến định về: Cờ của nước Việt Nam dân chủ cộng hoà nền đỏ, giữa có sao vàng năm cánh, Quốc ca là bài Tiến quân ca, Thủ đô đặt ở Hà Nội (Điều thứ 3), và quyền văn hóa của người dân: Tất cả công dân Việt Nam đều ngang quyền về mọi phương diện: chính trị, kinh tế, văn hoá (Điều thứ 6), Công dân Việt Nam có quyền tự do tín ngưỡng (Điều thứ 10).

Trong bài viết của Chủ tịch Quốc hội, chúng ta cũng thấy sự đồng hành của Quốc hội trong sự nghiệp xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam. Quốc hội đã chú trọng xây dựng pháp luật, thực hiện hoạt động giám sát và ban hành những quyết sách lớn để tạo điều kiện cho văn hóa thực sự là nền tảng tinh thần, vừa là mục tiêu, vừa là động lực cho sự phát triển kinh tế - xã hội. Hệ thống pháp luật về văn hóa và liên quan đến văn hóa ngày càng hoàn thiện hơn, thể hiện vai trò then chốt của Quốc hội trong việc thể chế hóa Hiến pháp, quan điểm phát triển văn hóa trong các Nghị quyết đại hội Đảng, nhất là trong các nhiệm kỳ gần đây như Đại hội Đảng lần thứ XI, XII, XIII, hay các nghị quyết chuyên đề về văn hóa như Nghị quyết Hội nghị lần thứ năm (Ban chấp hành Trung ương Khóa VIII) về xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, Nghị quyết Hội nghị lần thứ chín (Ban Chấp hành Trung ương Khóa XI) về xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước.

Trong những năm vừa qua, sự phát triển kinh tế - xã hội, cùng với sự phát triển mạnh mẽ của khoa học công nghệ và quá trình hội nhập quốc tế sâu rộng đã tác động rất lớn đến nước ta, đặt ra nhiều thách thức, cũng như thời cơ cho sự phát triển đất nước nói chung, văn hóa nói riêng. Vì vậy, phát triển văn hóa, con người Việt Nam, khơi dậy khát vọng phát triển đất nước hùng cường trở thành một nhiệm vụ trọng tâm, có tính đột phá. Thông điệp quan trọng trong bài viết của Chủ tịch Quốc hội cho thấy, thực hiện sự lãnh đạo của Đảng, Quốc hội với tư cách là cơ quan quyền lực cao nhất, đại diện cho ý chí và nguyện vọng của nhân dân, luôn tập trung thể chế hóa, tăng cường hoạt động giám sát và thông qua các quyết sách quan trọng nhằm phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước, coi đây là mục tiêu cao nhất  của sự nghiệp Đổi mới và xây dựng đất nước Việt Nam xã hội chủ nghĩa. Những kết quả này đã đóng góp một phần quan trọng vào những thành tựu trong việc xây dựng văn hóa, con người Việt Nam trong những năm vừa qua, và có thể tạo ra những nền tảng vững chắc cho những năm sắp tới.

Phóng viên: Liên quan đến bài viết, đâu là nội dung để lại ấn tượng sâu sắc nhất cho đại biểu?

PGS.TS Bùi Hoài Sơn: Tôi tâm đắc nhất đoạn viết của Chủ tịch Quốc hội rằng: “Cơ sở để văn hóa thấm sâu vào các lĩnh vực của đời sống xã hội là việc xây dựng và ban hành các văn bản pháp luật phải được thực thi trên tinh thần gìn giữ, đề cao giá trị tốt đẹp, bền vững trong dòng chảy truyền thống của văn hóa dân tộc. Bất cứ đạo luật nào cũng đều chú trọng sự phù hợp với bản sắc văn hóa dân tộc, hướng tới mục tiêu xây dựng, phát triển văn hóa, con người Việt Nam. Thiếu đi những giá trị ấy, pháp luật không chỉ thiếu đi tính dân chủ, tính nhân văn, mà còn không phù hợp với truyền thống văn hóa Việt Nam được xây dựng, bồi đắp qua hàng ngàn năm lịch sử”. Đây là quan điểm hết sức quan trọng khi chúng ta biết được rằng, văn hóa là nền tảng tinh thần của xã hội, có mối quan hệ chặt chẽ với các lĩnh vực khác của đời sống xã hội; chịu sự tác động của các lĩnh vực chính trị, kinh tế, xã hội và ảnh hưởng trở lại đối với các lĩnh vực này. Chính vì thế, Quốc hội luôn phải xem xét sự phát triển văn hóa trong quá trình hoàn thiện môi trường và thể chế chung, theo hướng tạo hành lang pháp lý và môi trường thể chế đồng bộ, thuận lợi cho sự phát triển văn hóa. Việc sửa đổi, bổ sung, ban hành các bộ luật, từ Hiến pháp tới các luật chuyên ngành khác đều hướng tới mục tiêu bảo đảm cho sự phát triển văn hóa để tạo ra sự phát triển bền vững cho đất nước.

Trong Kỳ họp thứ 2 vừa qua, tại phiên tranh luận của Quốc hội, tôi đã chất vấn Bộ trưởng Bộ Kế hoạch - Đầu tư Nguyễn Chí Dũng về việc thiếu chữ văn hóa trong Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội hay Đánh giá tác động xã hội. Tôi hoàn toàn hiểu rằng lúc này văn hóa là một bộ phận của xã hội, vì thế, các nhà hoạch định chính sách không nhất thiết phải đưa từ “văn hóa” vào trong Kế hoạch hay Đánh giá này. Tuy nhiên, như Chủ tịch Quốc hội đã nhấn mạnh phải “xác định các mục tiêu văn hóa cần đạt được và đánh giá đầy đủ tác động văn hóa trước khi ban hành các chính sách, pháp luật, cũng như quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước”. Nếu chúng ta thiếu chữ “văn hóa” trong các văn bản đó, rất dễ chúng ta bỏ quên, thiếu quan tâm đầy đủ đến khía cạnh văn hóa. Hình thức cũng ảnh hưởng rất nhiều đến nội dung. Điều đó rất nguy hại đối với sự phát triển văn hóa và sự phát triển bền vững đất nước.

Thông điệp trên của Chủ tịch Quốc hội cũng thể hiện rằng: văn hóa là nguồn lực quan trọng cho sự phát triển kinh tế - xã hội; quan tâm đầu tư cho văn hóa chính là quan tâm đầu tư cho con người, cho sự phát triển bền vững đất nước. Với tư cách là cơ quan quyền lực cao nhất, đại diện cho ý chí, nguyện vọng của Nhân dân, Quốc hội đã, đang và sẽ thể chế hóa quyền và nghĩa vụ của công dân về văn hóa, tạo điều kiện cho nhân dân tham gia tích cực vào hoạt động sáng tạo và hưởng thụ văn hóa; ban hành các nghị quyết về văn hóa, tổ chức thường xuyên các hoạt động giám sát, chất vấn xoay quanh những vấn đề lớn, nóng về văn hóa để tạo ra những tác động tích cực, chuyển biến đáng kể cho việc phát triển văn hóa. Đây chắc chắn là những tín hiệu đáng mừng, đáp ứng được kỳ vọng của những người yêu văn hóa đất nước.

Phóng viên: Để thực hiện mục tiêu phát triển con người toàn diện, xây dựng nền văn hoá tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, để văn hoá thật sự trở thành sức mạnh nội sinh, động lực phát triển đất nước và bảo vệ Tổ quốc, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đã nêu rõ 06 giải pháp mà Đảng đoàn Quốc hội sẽ tập trung lãnh đạo, chỉ đạo triển khai trong thời gian tới. Đại biểu có nhận định gì về những giải pháp này?

PGS.TS Bùi Hoài Sơn: Tôi cho rằng 6 giải pháp trên thực sự đã bám sát với chức năng, nhiệm vụ của Quốc hội, theo sát diễn biến của cuộc sống, đáp ứng yêu cầu của cử tri cả nước đối với việc xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước.

Trong bài phát biểu tại Hội nghị Văn hóa toàn quốc triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã nhấn mạnh: “Đối với công tác quản lý Nhà nước, cần sớm khắc phục tình trạng chậm thể chế hóa đường lối, quan điểm, chủ trương của Đảng thành luật pháp và các chính sách cụ thể, khả thi về phát triển văn hóa, xây dựng con người.” Chính vì thế, chú trọng nâng cao nhận thức, năng lực, chất lượng lập pháp của Quốc hội về văn hóa hết sức quan trọng. Trên cơ sở đó, chúng ta có cơ sở, nền tảng nhận thức về văn hóa để tổ chức thực hiện “Chiến lược xây dựng, hoàn thiện hệ thống pháp luật và tổ chức thi hành pháp luật đến năm 2030, định hướng đến năm 2045 đáp ứng yêu cầu xây dựng, hoàn thiện Nhà nước pháp quyền XHCN Việt Nam” cũng như thể chế hoá các quan điểm, chủ trương của Đảng, quán triệt và triển khai các ý kiến chỉ đạo của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại Hội nghị Văn hóa toàn quốc.

Bên cạnh việc ban hành chính sách về/cho/liên quan đến văn hóa, hoạt động giám sát, chất vấn về văn hóa hay ngoại giao nghị viện về đối ngoại văn hóa, cũng như quan tâm hơn nữa việc đầu tư cho văn hóa trở thành nguồn lực cho phát triển kinh tế xã hội, đặt văn hóa trong bối cảnh hoàn thiện nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, theo đó, phát triển các lĩnh vực văn hóa theo cách tiếp cận vừa chủ trọng bảo tồn, phát huy nền văn hoá đậm đà bản sắc dân tộc, vừa xây dựng và phát triển các ngành công nghiệp văn hóa, sẽ hình thành nên những nền tảng vững chắc cho sự nghiệp phát triển văn hóa, con người Việt Nam trong giai đoạn tới.

Phóng viên: Trân trọng cảm ơn Đại biểu!

Lan Anh

Các bài viết khác