Trả lời câu hỏi của các phóng viên về các giải pháp tiền tệ, tài khóa, các chính sách trong Chương trình tổng thể phục hồi kinh tế - xã hội về đối tượng, phạm vi và quy mô, nguồn lực thực hiện, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh cho biết Đề án xây dựng cơ chế, chính sách tài khóa, tiền tệ để hỗ trợ kịp thời triển khai Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội là một trong những nội dung dự kiến của chương trình kỳ họp bất thường của Quốc hội. Đây cũng là một trong những nội dung trọng tâm của Diễn đàn.
Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh trả lời câu hỏi tại họp báo
Theo Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh, gần 2 năm qua, do tác động của đại dịch COVID-19 đến kinh tế toàn cầu và trong nước sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn, chuỗi cung ứng đứt gãy, đời sống Nhân dân bị ảnh hưởng nặng nề. Thời gian qua, Đảng và Nhà nước đã có nhiều cơ chế, chính sách để kịp thời, linh hoạt hỗ trợ doanh nghiệp, người dân vượt qua khó khăn, tuy nhiên, dịch bệnh vẫn còn diễn biến phức tạp, đòi hỏi cần phải có các gói hỗ trợ tiếp theo để phục hồi và phát triển kinh tế.
Đến nay, Chính phủ chưa trình nội dung này sang Quốc hội, song với tinh thần chủ động từ sớm, từ xa, Chủ tịch Quốc hội đã cùng với các cơ quan của Quốc hội và Chính phủ, các chuyên gia, nhà khoa học bàn bạc, thảo luận về nội dung này và mục đích của Diễn đàn Kinh tế Việt Nam 2021 diễn ra và ngày 5/12/2021 tới cũng không nằm ngoài mục đích này, để nghe ý kiến chuyên gia trong nước và quốc tế về thiết kế gói hỗ trợ để phù hợp, đáp ứng yêu cầu phục hồi và phát triển kinh tế, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh nhấn mạnh.
Trước ý kiến lo ngại về gói hỗ trợ lần này sẽ ảnh hưởng đến nợ công, bội chi, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh cho rằng, bối cảnh đặc biệt cần cơ chế, chính sách đặc biệt. Gói hỗ trợ này sẽ nằm ngoài các chính sách đã được Quốc hội thông qua như kế hoạch tài chính, ngân sách, đầu tư công trung hạn, cơ cấu lại nền kinh tế, kế hoạch vay và trả nợ công giai đoạn 5 năm. Nhiều chuyên gia cho rằng gói này chỉ tập trung thực hiện nhanh, lan tỏa, tích cực trong 2 năm tới (2022 – 2023), và mỗi năm bội chi có thể tăng thêm 1% GDP và theo tính toán với mức tăng này sẽ vẫn bảo đảm an toàn nợ công, nợ Chính phủ.
Cùng với đó, cũng cần bảo đảm yêu cầu kết hợp các chính sách tài khóa, chính sách tiền tệ gắn với các kế hoạch vay trả nợ công, kế hoạch tài chính ngân sách giai đoạn 5 năm, kế hoạch đầu tư công trung hạn, cơ cấu lại nền kinh tế để phục hồi, phát triển kinh tế; nhấn mạnh, yêu cầu bảo đảm kinh tế vĩ mô, có trọng tâm, trọng điểm, tập trung cả cung và cầu, và các ngành, lĩnh vực cấp bách, cần thiết, có tác động lan tỏa.
Về độ lớn, độ dài của gói hỗ trợ, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế chia sẻ, tại Diễn đàn Kinh tế Việt Nam lần này cũng nhằm xác định sẽ sử dụng tài khoá bao nhiêu và tiền tệ bao nhiêu. Kinh nghiệm quốc tế thì tài khoá 65%, còn tiền tệ 35%, ở Việt Nam thì chính sách vừa qua với tổng quy mô khoảng 4%GDP có cơ cấu tài khoá 72% và tiền tệ 28%, như vậy cũng gần với quốc tế. Theo các chuyên gia, dư địa về chính sách tài khóa của nước ta còn nhiều hơn so với chính sách tiền tệ.
Về nguồn của gói hỗ trợ, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh nhấn mạnh, đây là vấn đề phải cân nhắc, trên cơ sở vay và có khả năng trả nợ, đảm bảo tính khả thi và đảm bảo cả sức hấp thụ của nền kinh tế. Không sợ tăng trần nợ công, quan trọng là sử dụng hiệu quả, đưa vào đâu, mục đích gì, hiệu quả ra sao mới là vấn đề quan trọng, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế nêu rõ. Quốc hội cũng đã yêu cầu trong quá trình huy động, quản lý, sử dụng chính sách tài khóa, chính sách tiền tệ phải có chương trình quản lý rủi ro, phải có quản lý, giám sát, công khai, minh bạch, tránh trục lợi chính sách, chống tham nhũng, lãng phí, lợi ích nhóm ở gói hỗ trợ này.
Cần xác định rõ đối tượng ưu tiên của gói hỗ trợ
Làm rõ hơn về trọng tâm, trọng điểm đối tượng của gói hỗ trợ mới, Viện trưởng Viện kinh tế Việt Nam Bùi Quang Tuấn cho biết, gói hỗ trợ phải có đủ quy mô mới đủ tác dụng, đủ lượng mới đạt mục tiêu về chất; song quy mô ở mức độ nào cần phải tính toán thêm.
Theo Viện trưởng Viện kinh tế Việt Nam, hiện nay nước ta còn một số lĩnh vực còn không gian để tận dụng phát triển như trần nợ công và qua tính toán, quy mô gói hỗ trợ có thể từ 6-8% GDP.
Về đối tượng thụ hưởng, Viện trưởng Viện kinh tế Việt Nam Bùi Quang Tuấn cho rằng cần phải xác định đối tượng ưu tiên; đồng thời làm rõ, khủng hoảng lần này xuất phát từ nguyên nhân y tế, tức là phi kinh tế, do đó, cần có giải pháp cho các nguyên nhân này, tập trung cho vấn đề của y tế, phòng chống dịch bệnh, nâng cao năng lực y tế dự phòng, y tế cơ sở cho đến các vấn đề của người lao động và doanh nghiệp.
Viện trưởng Viện kinh tế Việt Nam Bùi Quang Tuấn trả lời tại họp báo
Nhấn mạnh những vấn đề xã hội phải tính đến là rất nhiều, không thể chỉ xác định khủng hoảng kinh tế thì chỉ có giải pháp kinh tế mà phải là kinh tế và xã hội. Do đó, Viện trưởng Viện kinh tế Việt Nam Bùi Quang Tuấn cho rằng, cần rà soát lại các trọng tâm và xác định các mục tiêu trong ngắn hạn để giải quyết trước mắt và mục tiêu trung và dài hạn, rà soát các trụ cột, động lực cho tăng trưởng bảo đảm khôi phục tăng trưởng.
Viện trưởng Viện kinh tế Việt Nam Bùi Quang Tuấn làm rõ, trong ngắn hạn cần hỗ trợ doanh nghiệp là trước nhất. Trong đó có hỗ trợ bằng công cụ tài chính, giảm thuế, phí, giảm các nghĩa vụ cho doanh nghiệp hoặc cơ cấu lại nợ, tái cơ cấu các trách nhiệm tài chính để doanh nghiệp có thể phục hồi. Bên cạnh đó, làm thế nào hỗ trợ doanh nghiệp tiếp cận nguồn vốn, tiếp cận tín dụng là rất quan trọng. Đồng thời, tạo môi trường kinh doanh, đầu tư thuận lợi và hỗ trợ chuyển đổi số, tiếp cận thông tin và thị trường lao động, các yếu tố đầu vào của doanh nghiệp…
Đối tượng cần hỗ trợ thứ hai là người lao động bởi người lao động chịu ảnh hưởng trực tiếp và nặng nề nên cần phải có chính sách hỗ trợ. Về mặt kinh tế, lao động là một trong những nguồn lực đóng góp cho tăng trưởng. Trong bối cảnh dịch bệnh, người lao động chuyển dịch, trở về quê làm đứt gãy các chuỗi cung ứng thì cần phải phục hồi. Vì vậy cần hỗ trợ doanh nghiệp tiếp cận thị trường lao động, tuyển dụng lao động, đảm bảo các điều kiện cho người lao động quay trở lại làm việc. Ngoài ra cũng cần chú ý đến đào tạo lại.
Trong bối cảnh dịch bệnh cũng đặt ra nhiều cơ hội về chuyển đổi số, cơ hội cho doanh nghiệp xây dựng nền tảng tốt cho chuyển đổi, do đó, cần phải hỗ trợ doanh nghiệp trong cách thức tiệp cận, cách thức triển khai.
Về mục tiêu trung hạn và dài hạn, Viện trưởng Viện kinh tế Việt Nam Bùi Quang Tuấn cho rằng, cần quan tâm đến các trụ cột của tăng trưởng, bảo đảm về vốn, công nghệ cao gắn với kinh tế số. Đây là những đột phá có thể sử dụng trong bối cảnh phục hồi. Lưu ý rằng cần sử dụng nguồn lực để giúp vận hành nền kinh tế tăng trưởng cao, thu hẹp và bắt kịp khoảng cách tăng trưởng của thế giới. Theo Viện trưởng Viện kinh tế Việt Nam, cần rà soát các động lực của tăng trưởng như khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số, kinh tế số bởi đây là cơ hội để tăng trưởng nhanh./.