BẾ MẠC HỘI NGHỊ ĐỐI TÁC NGHỊ VIỆN Á-ÂU LẦN THỨ 11 (ASEP 11)

16/11/2021

Tối ngày 16/11, Đoàn đại biểu Quốc hội Việt Nam tiếp tục tham dự Phiên Toàn thể thứ 2 và Phiên Bế mạc Hội nghị Đối tác Nghị viện Á – Âu lần thứ 11 (ASEP 11) do Quốc hội Vương quốc Campuchia chủ trì tổ chức theo hình thức trực tuyến.

 

Toàn cảnh phiên bế mạc

Tại phiên toàn thể thứ hai, hội nghị đã nghe các báo cáo viên báo cáo các nội dung chuyên đề. Theo đó, hội nghị ghi nhận bối cảnh tình hình thế giới hiện nay có những chuyến biến nhanh, phức tạp, chưa từng có tiền lệ, nhất là sự điều chỉnh chính sách và cạnh tranh chiến lược giữa các nước lớn từ tác động của đại dịch COVID-19. Trên toàn cầu, đại dịch COVID-19 liên tục diễn biến phức tạp, tác động sâu rộng về kinh tế, xã hội, y tế, tạo thách thức lớn đối với năng lực ứng phó của các nước, làm gián đoạn sản xuất và đứt gãy nhiều chuỗi cung ứng ở quy mô quốc gia, khu vực và toàn cầu. Bên cạnh đó, tình hình chính trị - an ninh toàn cầu có những chuyển động mới, phức tạp; mặc dù các nước lớn tập trung củng cố ổn định nội bộ, phục hồi kinh tế nhưng cạnh tranh chiến lược vẫn diễn ra gay gắt và là xu thế nổi trội trong quan hệ giữa các nước lớn; tranh chấp chủ quyền, lãnh thổ, biển đảo và các thách thức an ninh phi truyền thống như an ninh nguồn nước, biến đổi khí hậu và một số vấn đề khác gia tăng phức tạp.

Trong bối cảnh đó, các cơ chế hợp tác đa phương và khu vực được chú trọng đẩy mạnh nhằm thúc đẩy liên kết kinh tế thương mại, tạo động lực cho phục hồi và tăng trưởng kinh tế, đồng thời hợp tác giải quyết các thách thức phi truyền thống và các nguy cơ bất ổn mới.

Trên tinh thần hữu nghị và xây dựng, các đại biểu đã thảo luận những vấn đề khẩn cấp và những thách thức đối với khí hậu, an ninh, ổn định kinh tế-xã hội cũng như phát triển bền vững, nhằm đem lại sự phồn vinh cho các dân tộc ở hai châu lục Á và Âu. Các đoàn tham dự hội nghị bày tỏ kiên quyết ủng hộ cơ chế đa phương, mối quan hệ hợp tác Á- Âu trong phát triển và phục hồi kinh tế sau đại dịch COVID-19; ủng hộ các chiến lược ưu tiên, chính sách then chốt nhằm thúc đẩy phục hồi kinh tế - xã hội bao trùm, bền vững, tự cường hơn; đề xuất nhiều giải pháp nhằm tăng cường hợp tác liên khu vực trong nhiều lĩnh vực; đề cao cam kết thực hiện các Mục tiêu phát triển bền vững của Liên Hợp Quốc.

Đoàn đại biểu Quốc hội Việt Nam từ điểm cầu Nhà Quốc hội

Hội nghị cũng đã thông qua Tuyên bố chung của ASEP 11, trong đó nêu rõ tầm nhìn chung, tinh thần đoàn kết, trách nhiệm, hợp tác chung tay giải quyết các thách thức toàn cầu.

Trong Tuyên bố chung, ASEP 11 khẳng định sự phù hợp của ngoại giao nghị viện và quan hệ đối tác liên nghị viện trong việc thúc đẩy hòa bình, an ninh, cũng như các phát triển bền vững và bao trùm, đồng thời khuyến khích quan hệ đối tác thể chế hiệu quả giữa ASEP và ASEM. Hội nghị ASEP 11 khẳng định cam kết củng cố chủ nghĩa đa phương và trật tự quốc tế dựa trên luật lệ; đồng thời nhấn mạnh tầm quan trọng của đối thoại bao trùm, xây dựng lòng tin và sử dụng biện pháp ngoại giao mang tính xây dựng trong ngăn chặn chiến tranh và xung đột.

Hội nghị cũng ghi nhận vai trò của các nghị viện trong việc tạo điều kiện thuận lợi cho các cuộc đối thoại và tham vấn giữa các bên liên quan, dựa trên nguyên tắc tôn trọng lẫn nhau, hiểu biết lẫn nhau, tin cậy lẫn nhau và cùng quan tâm vì hòa bình và thịnh vượng.

ASEP 11 kêu gọi các đối tác của ASEM hợp tác chặt chẽ hơn trong sản xuất và phân phối vaccine ngừa COVID-19 nhằm bảo đảm khả năng tiếp cận vaccine công bằng, phối hợp đồng bộ nhằm thúc đẩy tiêm chủng toàn diện và hiệu quả chống COVID-19 để phục hồi kinh tế - xã hội được thực hiện nhanh, mạnh mẽ và toàn diện hơn.

Nhận thấy tầm quan trọng nhất của kết nối cơ sở hạ tầng trong việc kết nối quan hệ kinh tế của hai khu vực, hội nghị ASEP 11 khẳng định tầm quan trọng của hỗ trợ lập pháp đối với chiến lược của EU về Kết nối châu Âu và châu Á, Kế hoạch tổng thể về Kết nối ASEAN 2025, nỗ lực giải quyết vấn đề thu hẹp khoảng cách phát triển và hội nhập khu vực trên cả hai khu vực và các sáng kiến kết nối có liên quan khác có khả năng mang lại lợi ích cho người dân, đóng góp vào sự thịnh vượng chung và phát triển bền vững của hai khu vực.

Phát biểu bế mạc hội nghị, Chủ tịch Quốc hội Vương quốc Campuchia, đồng Chủ tịch ASEP 11 Samdech Akka Moha Ponhea Chakrei HENG Samrin đánh giá cao các nội dung thảo luận của hội nghị hôm nay; cho rằng các ý kiến từ các quốc gia thành viên đã phản ánh được cam kết chung của hai khu vực Á - Âu trong duy trì hoà bình, an ninh thế giới, củng cố chủ nghĩa đa phương, trật tự quốc tế dựa trên luật lệ và hợp tác giải quyết thách thức chung về biến đổi khí hậu, an ninh nguồn nước, an ninh năng lượng, an ninh lương thực…trong bối cảnh mới.

Chủ tịch Samdech Akka Moha Ponhea Chakrei HENG Samrin cho rằng, những nội dung thảo luận của ASEP 11 đã giúp các nghị sĩ trao đổi ý tưởng nhằm thúc đẩy ngoại giao nghị viện, tăng cường hợp tác để đối phó với đại dịch COVID-19, phục hồi kinh tế, chống khủng bố, ứng phó với biến đổi khí hậu, giải quyết các thách thức phi truyền thống…

Nhấn mạnh Hội nghị ASEP 11 đã thành công tốt đẹp, Chủ tịch Quốc hội Vương quốc Campuchia, đồng Chủ tịch ASEP 11 Samdech Akka Moha Ponhea Chakrei HENG Samrin kêu gọi các quốc gia thành viên tiếp tục nỗ lực triển khai các mục tiêu phát triển bền vững, các cam kết của Tuyên bố chung thông qua hoạt động lập pháp, bảo đảm cân bằng giữa phát triển kinh tế và giữ gìn sự bền vững của môi trường.

Chủ tịch Quốc hội Campuchia cho biết, Tuyên bố chung của hội nghị ASEP 11 phản ánh khát vọng của Nhân dân hai khu vực Á – Âu về hoà bình, an ninh, hợp tác, phát triển. Văn kiện này sẽ được trình ra các nhà lãnh đạo tại hội nghị cấp cao Á – Âu lần thứ 13 (ASEM 13) tới./.

Thu Phương – Nghĩa Đức