ĐH Đảng X: Trước giờ G

17/04/2006

Đại hội X chuẩn bị khai mạc. Cùng với mọi người, tôi mong và tin rằng ĐH sẽ thành công. Một cá nhân có thể thiếu sáng suốt, nhưng một tập thể được chọn lọc nhất định sẽ có những quyết định đúng đắn.

Trước giờ G, tôi chỉ xin có một ý kiến như sau: thời gian họp ĐH là quá ngắn để có thể bàn bạc đến nơi đến chốn mọi vấn đề nêu ra trong chương trình nghị sự, mặc dù công việc chuẩn bị đã rất công phu. Vì vậy, nên chăng tập trung trí tuệ tập thể vào vấn đề quan trọng nhất đối với Đảng hiện nay là "vai trò và phương thức lãnh đạo của Đảng", gắn liền với công tác xây dựng Đảng. 

Theo tôi, nhận thức về vai trò và phương thức lãnh đạo của Đảng hiện nay chưa phải đã rõ ràng và thống nhất.  

..."Nếu như người lãnh đạo biết điều hoà các lợi ích theo hướng "tiên thiên hạ chi ưu, hậu thiên hạ chi lạc", thì chắc chắn sẽ giành được sự tin yêu của quần chúng"...

Ai cũng nói Đảng lãnh đạo. Nhưng "Lãnh đạo là gì" thì có nhiều định nghĩa không hoàn toàn giống nhau. Có gì khác giữa Đảng lãnh đạo thời kỳ đấu tranh giải phóng dân tộc trước đây so với Đảng lãnh đạo thời kỳ xây dựng và bảo vệ Tổ quốc hiện nay, giữa Đảng lãnh đạo giành chính quyền trước đây so với sự lãnh đạo của Đảng cầm quyền hiện nay? Đâu là ranh giới giữa vai trò lãnh đạo của tổ chức Đảng và vai trò quản lý Nhà nước của chính quyền các cấp? Sự lãnh đạo của Đảng đối với Mặt trận và các đoàn thể nhân dân trong Mặt trận nên như thế nào để Mặt trận và các đoàn thể phát huy được vai trò của mình?. 

Ta thường nói "Lãnh đạo toàn diện" nhưng như thế nào là lãnh đạo toàn diện để tránh tình trạng bao biện, làm thay khá phổ biến hiện nay. 

Trong các định nghĩa thuật ngữ "LÃNH ĐẠO", tôi tâm đắc nhất với định nghĩa sau đây: "Lãnh đạo là biết điều hoà các lợi ích". Hiểu theo nghĩa trên thì Lãnh đạo (của Đảng) trong thời kỳ cách mạng giải phóng dân tộc trước đây có phần đơn giản hơn Lãnh đạo (của Đảng) hiện nay. Trước đây, trong cuộc đấu tranh giành độc lập, lợi ích vật chất không có gì nhiều. Trái lại, cuộc chiến đấu đòi hỏi người đảng viên phải biết hy sinh.  

Bây giờ, trong điều kiện hoà bình phải nói rằng có quá nhiều lợi ích (cả vật chất và phi vật chất) cám dỗ người đảng viên của Đảng cầm quyền.  Cho nên, có nơi, có lúc, không ít đảng viên đã tìm cách thu vén cho lợi ích cá nhân mình. Đó là nguyên nhân dẫn đến thoái hoá biến chất của một bộ phận cán bộ đảng viên, làm giảm sút lòng tin của quần chúng đối với Đảng.  

Ở tầm vĩ mô cũng như vi mô, trên phạm vi cả nước cũng như trong một tập thể nhỏ, nếu như người lãnh đạo biết điều hoà các lợi ích theo hướng "tiên thiên hạ chi ưu, hậu thiên hạ chi lạc", thì chắc chắn sẽ giành được sự tin yêu của quần chúng