Đại biểu Quốc hội tỉnh Hà Giang Hoàng Ngọc Định phát biểu thảo luận trong phiên họp chiều 27/10
Nêu thực tế từ địa phương, đại biểu Quốc hội tỉnh Hà Giang Hoàng Ngọc Định cho rằng, khi dịch bệnh diễn biến phức tạp, kéo dài đã ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống, thu nhập của người dân. Đời sống của người dân còn gặp nhiều khó khăn, trong khi thời gian tham gia bảo hiểm xã hội dài. Một trong những điều kiện hưởng lương hưu của người lao động là đủ 20 năm đóng bảo hiểm xã hội trở lên. Theo Điều 73 của Luật Bảo hiểm xã hội năm 2014, tăng tuổi nghỉ hưu kể từ ngày 1/1/2021, tuổi nghỉ hưu của người lao động trong điều kiện lao động bình thường là đủ 60 tuổi, 3 tháng đối với lao động nam và đủ 55 tuổi 4 tháng đối với lao động nữ, sau đó cứ mỗi một năm tăng thêm 3 tháng đối với lao động nam cho đến khi đủ 62 tuổi vào năm 2028 và cứ mỗi năm tăng thêm 4 tháng đối với lao động nữ cho đến khi đủ 60 tuổi vào năm 2035 theo Nghị định số 135 của Chính phủ. Hiện nay, tâm lý của người dân không muốn tham gia và khi đã tham gia thì có tâm lý muốn thôi không tham gia nữa để giải quyết hưởng chế độ bảo hiểm xã hội một lần, do vậy, dẫn đến tình trạng hưởng bảo hiểm xã hội một lần có xu hướng gia tăng, điều này tác động rất lớn đến chính sách an sinh xã hội của Nhà nước. Do vậy, đại biểu kiến nghị Chính phủ xem xét có phương án linh hoạt trong việc quy định thời gian tham gia đối với người tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện, mức hưởng được tính toán phù hợp nhằm tạo điều kiện cho người lao động được tiếp cận và thụ hưởng quyền lợi bảo hiểm xã hội. Điều này cũng phù hợp với tinh thần Nghị quyết số 28 ngày 23/5/2018 của Ban Chấp hành Trung ương về cải cách chính sách bảo hiểm xã hội.
Về chế độ bảo hiểm đối với người hoạt động không chuyên trách tại cấp xã, đại biểu nêu dẫn chứng, Điều 85 Luật Bảo hiểm xã hội, người hoạt động không chuyên trách tại cấp xã hàng tháng chỉ đóng bằng 8% mức lương cơ sở và quỹ hưu trí và tử tuất, đối với Ủy ban nhân dân xã đóng 14%. Đồng thời, căn cứ theo Điều 24, Điều 30, Điều 42 Luật Bảo hiểm xã hội năm 2014 về đối tượng được hưởng chế độ bảo hiểm xã hội đối với người hoạt động không chuyên trách tại cấp xã chỉ được hưởng chế độ hưu trí, tử tuất mà không được hưởng chế độ ốm đau, thai sản, chế độ tai nạn nghề nghiệp, điều này là một thiệt thòi đối với họ. Trong khi đó, căn cứ để thu bảo hiểm xã hội bằng mức lương cơ sở là thấp so với mặt bằng chung của người tham gia bảo hiểm xã hội, dẫn đến mức hưởng lương hưu sẽ không bảo đảm cho mức sống tối thiểu khi về già. Đại biểu kiến nghị tăng mức tham gia bảo hiểm xã hội từ lương cơ sở thành tiền lương tháng đóng bảo hiểm xã hội là mức lương, phụ cấp lương và các khoản bổ sung khác theo quy định của pháp luật về lao động ghi trong hợp đồng lao động. Bổ sung quy định cho người hoạt động không chuyên trách cấp xã được tham gia đầy đủ năm chế độ là: hưu trí, tử tuất, ốm đau, thai sản, tai nạn, bệnh nghề nghiệp.
Về tỷ lệ bao phủ bảo hiểm y tế, đối với vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi sinh sống ở vùng có điều kiện kinh tế đặc biệt khó khăn được Nhà nước đóng 100% kinh phí bảo hiểm y tế và không phải cùng chi trả chi phí khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế. Chính sách này đã góp phần giảm bớt gánh nặng chi phí khám, chữa bệnh cho người dân tộc thiểu số, bảo đảm an sinh xã hội, từng bước xóa đói, giảm nghèo. Sau khi Quyết định 861 ngày 04/6/2021 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt danh sách các xã khu vực III, khu vực II, khu vực I và Quyết định 612 ngày 16/9/2021 của Ủy ban Dân tộc phê duyệt các thôn đặc biệt khó khăn, vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2025 có hiệu lực thi hành thì số đối tượng là người dân tộc thiểu số thôi không hưởng các chính sách áp dụng cho địa bàn đặc biệt khó khăn khoảng 2,3 triệu người, tương đương khoảng 620.000 hộ. Đại biểu cho rằng, có một thực tế, đa số các tỉnh có xã, thôn từ vùng III chuyển về vùng I thì tỷ lệ bao phủ bảo hiểm y tế có xu hướng giảm. Hiện nay, do tác động của dịch COVID đã và đang ảnh hưởng lớn đến sản xuất kinh doanh, đặc biệt với những người mắc bệnh cần điều trị dài ngày, bệnh hiểm nghèo mà không có thẻ bảo hiểm y tế thì người dân đã khó khăn lại càng thêm khó khăn chồng chất, ảnh hưởng rất lớn đến an sinh xã hội. Trường hợp không may xảy ra ốm đau không được Quỹ bảo hiểm y tế chi trả, nguy cơ tái nghèo sẽ rất cao. Cùng với đó, một thực tế dễ nhận thấy đối với tỉnh miền núi là một bộ phận không nhỏ người dân, chủ yếu là dân tộc thiểu số dù điều kiện kinh tế đã được cải thiện nhưng vẫn còn gặp nhiều khó khăn, khả năng tài chính để mua thẻ một lần cho tất cả mọi người trong gia đình là khó thực hiện. Khả năng tự tham gia chính sách bảo hiểm y tế rất thấp với giá viện phí như hiện nay. Một người ốm không có bảo hiểm y tế là cả gia đình có nguy cơ rơi vào bẫy nghèo. Do đó, đại biểu kiến nghị tiếp tục kéo dài thời gian cho người dân thuộc các xã khu vực II, khu vực III giai đoạn 2016-2020 hiện nay đã chuyển về xã khu vực I theo Quyết định số 861 được tiếp tục thụ hưởng chính sách bảo hiểm y tế đến hết ngày 31/12/2021. Do vậy, đại biểu đề nghị nghiên cứu bổ sung chính sách từ năm 2022 trở đi các xã đặc biệt khó khăn vùng dân tộc thiểu số, miền núi sau khi được địa phương công nhận đạt chuẩn nông thôn mới, tức là chuyển sang vùng I thì được tiếp tục kéo dài thời gian thực hiện chính sách bảo hiểm y tế ít nhất 1 năm./.