ĐOÀN ĐBQH TỈNH HÀ NAM THẢO LUẬN TỔ VỀ DỰ ÁN LUẬT KINH DOANH BẢO HIỂM (SỬA ĐỔI)

25/10/2021

Theo chương trình Kỳ họp thứ hai, Quốc hội khóa XV, ngày 25/10, Quốc hội thảo luận trực tuyến về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật Tố tụng hình sự và dự án Luật Kinh doanh bảo hiểm (sửa đổi).


Trong phiên họp buổi sáng, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định, các ĐBQH thảo luận trực tuyến về Luật sửa đổi bổ sung một số điều của Bộ Luật Tố tụng hình sự. Đoàn ĐBQH tỉnh Hà Nam tham dự trực tuyến tại điểm cầu tỉnh. 

Đoàn ĐBQH tỉnh Hà  Nam tham gia phiên họp buổi sáng 25/10 tại điểm cầu Hà Nam.

Phiên thảo luận trực tuyến về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật Tố tụng hình sự đã có 17 ý kiến phát biểu đóng góp vào dự án Luật, 2 ý kiến tranh luận của các ĐBQH. 

Tiếp đó, Quốc hội nghe Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tối cao Lê Minh Trí phát biểu giải trình, làm rõ một số vấn đề ĐBQH nêu. 

Cuối phiên họp buổi sáng, Quốc hội thảo luận ở tổ về dự án Luật Kinh doanh bảo hiểm (sửa đổi).

Tham gia thảo luận tại Tổ về dự án Luật này, các ĐBQH tỉnh Hà Nam đã tập trung đóng góp ý kiến vào một số nội dung: sự cần thiết sửa đổi luật kinh doanh bảo hiểm, phạm vi điều chỉnh và đối tượng áp dụng; tính thống nhất của dự thảo Luật với hệ thống pháp luật, tính tương thích với các điều ước quốc tế có liên quan mà nước Cộng hòa XHCN Việt Nam là thành viên; về hợp đồng bảo hiểm; Về doanh nghiệp bảo hiểm, doanh nghiệp tái bảo hiểm: mô hình tổ chức, điều kiện thành lập và hoạt động; Về ứng dụng CNTT trong hoạt động kinh doanh bảo hiểm; Bảo hiểm vi mô; Về đại lý Bảo hiểm, DN môi giới bảo hiểm, dịch vụ phụ trợ bảo hiểm; Về tài chính, hạch toán, kế toán và báo cáo tài chính của DN Bảo hiểm, DN tái bảo hiểm; Về quản lý nhà nước về hoạt động kinh doanh bảo hiểm và một số nội dung khác…

Đại biểu Nguyễn Quốc Hùng phát biểu ý kiến tại buổi thảo luận tổ.

Cụ thể, đại biểu Nguyễn Quốc Hùng nêu ý kiến: Việc sửa đổi, hoàn thiện Luật Kinh doanh bảo hiểm là phù hợp hơn với thực tiễn, sẽ hoàn thiện quy định pháp luật về kinh doanh bảo hiểm; xử lý những mâu thuẫn, chồng chéo, bất cập của Luật Kinh doanh bảo hiểm với các văn bản quy phạm pháp luật được Quốc hội ban hành, đảm bảo tính thống nhất, đồng bộ của hệ thống pháp luật, đồng thời cải cách mạnh mẽ thủ tục hành chính trong hoạt động kinh doanh bảo hiểm; bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của nhà đầu tư, khách hàng, sự an toàn của cả hệ thống, tiết giảm chi phí xã hội.

Đối với các nội dung liên quan đến việc “bảo đảm huy động được nguồn lực từ kinh doanh bảo hiểm cháy nổ bắt buộc để đầu tư cho cơ sở hạ tầng, phương tiện phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn cứu hộ” sẽ được kiến nghị, điều chỉnh trong quá trình tham gia xây dựng dự thảo Nghị định thay thế Nghị định số 23/2018/NĐ CP ngày 23/02/2018 quy định về bảo hiểm cháy, nổ bắt buộc. Theo đó, đại biểu kiến nghị đề xuất tại dự thảo Nghị định nội dung điều chỉnh danh mục cơ sở thuộc diện phải mua bảo hiểm cháy nổ bắt buộc từ “cơ sở có nguy hiểm về cháy, nổ” thành “cơ sở thuộc diện quản lý về phòng cháy, chữa cháy” để tăng số lượng cơ sở mua bảo hiểm cháy nổ bắt buộc và tăng số trích phí bảo hiểm cháy nổ bắt buộc về tài khoản của Cục Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy phù hợp với từng loại hình, quy mô cơ sở; quy định rõ trách nhiệm, quyền lợi của doanh nghiệp bảo hiểm, bên mua bảo hiểm, cơ quan quản lý nhà nước về phòng cháy, chữa cháy và bảo hiểm.

Đại biểu Trần Thị Hiền phát biểu tại buổi thảo luận tổ sáng 25/10.

Về hồ sơ dự án Luật, đại biểu Trần Thị Hiền cho rằng: Nội dung báo cáo lồng ghép vấn đề bình đẳng giới trong Hồ sơ dự án hiện mới chỉ nêu vấn đề mà chưa phân tích rõ tác động về giới, chủ yếu là nhận định mang tính định tính. Báo cáo số 73/BCTĐ-BTP ngày 25/6/2021 của Bộ Tư pháp cũng nêu rõ: “Dự thảo Luật đã được cơ quan chủ trì soạn thảo rà soát, đánh giá tác động đến vấn đề giới và có giải pháp về vấn đề này” là chưa thuyết phục. Do đó, đề nghị Ban soạn thảo cần đánh giá, phân tích tác động giới, nghiên cứu lồng ghép giới vào các quy định cụ thể và bổ sung các số liệu có liên quan như tỷ lệ về giới tính trong việc tham gia các hoạt động kinh doanh bảo hiểm, nhất là người được bảo hiểm, người thụ hưởng... cần làm rõ hơn để xác định được độ chênh lệch giới tính, các vấn đề giới trong hoạt động này, từ đó có giải pháp điều chỉnh bằng việc bổ sung các quy định của luật phù hợp.

Về quy định liên quan đến Bảo hiểm vi mô của dự án Luật (Chương IV – Điều 114 và Điều 115), đại biểu Trần Thị Hiền tán thành quan điểm bổ sung quy định về Bảo hiểm vi mô vào dự thảo Luật lần này. Việc này cũng đã được Ủy ban Thường vụ Quốc hội từ cuối nhiệm kỳ khóa XIV cho ý kiến và đề nghị theo hướng này và cơ quan chủ trì soạn thảo đã nghiên cứu, tổng kết, đánh giá để đưa vào dự thảo Luật Kinh doanh bảo hiểm (sửa đổi) trình Quốc hội.

Có thể nói, bảo hiểm vi mô hướng tới các đối tượng có thu nhập thấp nhằm hỗ trợ, bảo vệ họ trước những khó khăn là hoạt động góp phần bảo đảm an sinh xã hội và có nhiều đặc thù khác với bảo hiểm thương mại. Mặc dù vậy, phương thức vận hành, cách thức hoạt động của loại hình bảo hiểm này trên nền tảng của bảo hiểm thương mại. Nhưng, việc quy định như dự thảo Luật dường như chưa thực sự thúc đẩy, khích lệ được các doanh nghiệp kinh doanh bảo hiểm để phát triển lĩnh vực này. Chưa quy định cụ thể các chế độ, ưu đãi đối với các doanh nghiệp kinh doanh bảo hiểm tham gia, triển khai sản phẩm bảo hiểm vi mô, ví dụ có thể bổ sung thêm ưu đãi về thuế đối với phần doanh thu, lợi nhuận từ hoạt động bảo hiểm vi mô của doanh nghiệp kinh doanh bảo hiểm.

Về một số ý kiến khác, các ĐBQH tỉnh đề nghị: rà soát và bổ sung cụm từ “bảo hiểm thất nghiệp, bảo hiểm tai nạn lao động - bệnh nghề nghiệp” vào khoản 2 Điều 1, điểm b khoản 3 Điều 103 và khoản 3 Điều 152 của dự thảo Luật. Về các hành vi bị nghiêm cấm (Điều 10): Đề nghị bổ sung hành vi so sánh giữa bảo hiểm thương mại với các loại hình bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp, bảo hiểm tai nạn lao động - bệnh nghề nghiệp, bảo hiểm y tế và các loại hình bảo hiểm khác do nhà nước triển khai thực hiện vì thực tế có dư luận về tình trạng, nhân viên kinh doanh bảo hiểm đã so sánh bảo hiểm thương mại với bảo hiểm xã hội, khuyên người dân hưởng bảo hiểm xã hội một lần để mua bảo hiểm thương mại làm ảnh hưởng lớn tới chính sách an sinh xã hội của Nhà nước.

Về hợp đồng bảo hiểm trùng (Điều 48): việc quy định đối với tất cả các trường hợp là chưa phù hợp, chưa đúng với bản chất của việc kinh doanh bảo hiểm (mua bán rủi ro). Khi sự kiện bảo hiểm xảy ra là điều không mong muốn của tất cả các bên, không ai lường trước được sự việc xảy ra. Việc quy định như dự thảo chỉ phù hợp với việc bồi thường thiệt hại đối với bên thứ ba, do đó đề nghị Ban soạn thảo nghiên cứu, cân nhắc điều chỉnh quy định cho phù hợp hơn.

Buổi chiều, Quốc hội thảo luận trực tuyến về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thống kê. Sau đó, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch đầu tư phát biểu giải trình, làm rõ một số vấn đề ĐBQH nêu tại phiên thảo luận trực tuyến./.

(Theo Báo điện tử Hà Nam)