ĐOÀN ĐBQH TỈNH HÀ GIANG GÓP Ý KIẾN VÀO DỰ ÁN LUẬT SỬA ĐỔI, BỔ SUNG MỘT SỐ ĐIỀU CỦA LUẬT THỐNG KÊ

25/10/2021

Chiều 25/10, tại phiên thảo luận trực tuyến về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thống kê; tại điểm cầu tỉnh Hà Giang, dưới sự chủ trì của đồng chí Đặng Quốc Khánh, Ủy viên BCH T.Ư Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng đoàn ĐBQH khóa XV đơn vị tỉnh Hà Giang, Đoàn ĐBQH tỉnh Hà Giang tham gia góp ý một số nội dung.


Đoàn ĐBQH đơn vị tỉnh Hà Giang dự tại điểm cầu tỉnh

Theo đó, Đoàn ĐBQH tỉnh Hà Giang cho rằng quá trình triển khai xây dựng luật bảo đảm kịp thời, phù hợp với tình hình phát triển của đất nước; các nội dung sửa đổi, bổ sung vào các vấn đề lớn nhằm làm rõ quy trình biên soạn các chỉ tiêu thống kê quốc gia; không ảnh hưởng, tác động đến các nội dung trong các điều, khoản khác của Luật Thống kê hiện hành. Đoàn ĐBQH nhất trí cao với sự cần thiết phải xây dựng Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thống kê. Việc thông qua dự án Luật này là cơ sở bảo đảm cho việc thu thập, cung cấp thông tin thống kê chính xác, khách quan, kịp thời, phản ánh đúng, đầy đủ tình hình KT-XH của đất nước giai đoạn 2021-2030; đồng thời, tạo cơ sở pháp lý để xây dựng hệ thống chỉ tiêu thống kê cấp tỉnh, cấp huyện, cấp xã. Đây là công cụ quan trọng cung cấp thông tin thống kê phục vụ quản lý điều hành của các cấp chính quyền địa phương.

Đoàn ĐBQH tỉnh Hà Giang đề nghị: Đối với việc sửa đổi, bổ sung Khoản 6 Điều 17 theo hướng giao “Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với bộ, ngành và địa phương trình Chính phủ ban hành quy trình biên soạn chỉ tiêu Tổng sản phẩm trong nước (GDP), chỉ tiêu Tổng sản phẩm trên địa bàn tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương (GRDP)”, sau khi Luật được thông qua, Chính phủ cần khẩn trương ban hành nghị định điều chỉnh quy trình biên soạn GDP và GRDP. Đối với quy định “2. Sửa đổi, bổ sung Điểm d Khoản 2 Điều 48: Người đứng đầu cơ quan thống kê cấp tỉnh công bố thông tin thống kê thuộc hệ thống chỉ tiêu thống kê cấp tỉnh, cấp huyện, cấp xã. Đối với thông tin thống kê của chỉ tiêu thống kê cấp tỉnh là phân tổ của chỉ tiêu thống kê quốc gia phải thống nhất với cơ quan thống kê T.Ư trước khi công bố”. Nội hàm “Phải thống nhất” ở đây là cần phải quy định rõ là thống nhất về chuyên môn nghiệp vụ (trong đó là sự thống nhất về quy trình biên soạn, thời gian, phương pháp tính...”. Cùng với đó, Ban soạn thảo cần nghiên cứu, bổ sung thêm nhóm chỉ tiêu liên quan đến Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển KT-XH vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 – 2030 như: Tỷ lệ nông dân người dân tộc thiểu số làm kinh tế nông – lâm nghiệp hàng hoá; tỷ lệ lao động người dân tộc thiểu số chuyển sang làm các ngành nghề công nghiệp, dịch vụ, du lịch. Vì đây là chủ trương lớn của Đảng và Nhà nước trong một giai đoạn dài (đến năm 2030) nhằm thu hẹp dần khoảng cách về mức sống, thu nhập của vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi so với bình quân chung của cả nước.

Đối với Phụ lục - danh mục chỉ tiêu thống kê quốc gia ban hành kèm theo Luật này với 20 nhóm với 222 chỉ tiêu đã cập nhật, phản ánh, đánh giá một số chính sách pháp luật, mục tiêu đường lối đổi mới trong thời gian gần đây như: Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm 2021-2030... Danh mục chỉ tiêu đã cập nhật, quy định đầy đủ các chỉ tiêu thống kê phản ánh quan hệ hội nhập quốc tế; các chỉ tiêu thống kê về bảo vệ môi trường, biến đổi khí hậu, logistics; các chỉ tiêu thống kê phản ánh liên kết vùng và nhóm yếu thế.

(Theo Báo điện tử Hà Giang)