Tổ 2 gồm các Đoàn đại biểu Quốc hội: Thành phố Hồ Chí Minh, Cao Bằng, Hải Dương, Quảng Bình, Gia Lai, Vĩnh Long. Đồng chí Y Thanh Hà Nie Kđăm, Ủy viên Trung ương Đảng, Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ tịch Hội đồng Dân tộc của Quốc hội, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Gia Lai chủ trì nội dung thảo luận.
Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thống kê phải bám sát thực tiễn nhằm định hướng điều hành kịp thời, chính xác
Tại phiên thảo luận, đa số ý kiến của các đại biểu Quốc hội ở Tổ 2 cơ bản tán thành với sự cần thiết sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thống kê như các lý do đã nêu trong Tờ trình số 378/TTr-CP của Chính phủ nhằm thể chế hoá đường lối, chủ trương, chính sách pháp luật của Đảng và Nhà nước về công tác thống kê; tạo cơ sở pháp lý để thực hiện kịp thời việc thu thập, tổng hợp và bảo đảm số liệu thống kê phản ánh khách quan, chính xác, kịp thời, đầy đủ, thống nhất.
Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc đóng góp ý kiến tại phiên thảo luận ở Tổ 2
Cho ý kiến về Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thống kê, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc - Đoàn đại biểu Quốc hội Thành phố Hồ Chí Minh, cho rằng, thống kê là một ngành rất vất vả, cần nắm được các chỉ số thống kê để phục vụ Đảng, Nhà nước trong hoạch định đường lối, chính sách và điều hành phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.. Đồng thời Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc đề nghị cần nghiên cứu thống kê phải bảo đảm phù hợp với thực tiễn thống kê Việt Nam và các nguyên tắc hoạt động thống kê chính thức của Ủy ban Thống kê Liên hợp quốc; bảo đảm so sánh quốc tế. Cho rằng thống kê là một ngành độc lập, không phụ thuộc, khô khan nhưng có phần khó khăn so với tất cả các ngành, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc đề nghị cần xây dựng dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thống kê phải bám sát thực tiễn diễn ra trong cuộc sống để từ đó có những định hướng điều hành kịp thời, chính xác.
Đại biểu Nguyễn Anh Tuấn, Đoàn đại biểu Quốc hội Thành phố Hồ Chí Minh, bày tỏ đồng tình với phạm vi sửa đổi, bổ sung của Luật lần này như Tờ trình của Chính phủ. Đại biểu Nguyễn Anh Tuấn nêu rõ, Luật lần này sửa đổi, bổ sung các hệ số chỉ tiêu thống kê, còn những vấn đề lớn khác liên quan đến Luật Thống kê như tiệm cận tiêu chuẩn quốc tế, tổ chức bộ máy… đề nghị Cục Thống kê cần có tầm nhìn dài hạn và tổng thể trong thời gian tới.
Cho rằng thống kê đóng vai trò rất quan trọng trong phục vụ công việc điều hành, ra các quyết sách liên quan đến thống kê, đại biểu Nguyễn Anh Tuấn đề cập nội dung liên quan đến Bộ chỉ số thống kê. Đai biểu gợi ý thêm, ngoài việc quan tâm đến tỷ lệ cán bộ nữ tham gia đại biểu Quốc hội, Hội đồng nhân dân cấp ủy, cần quan tâm đến bình đẳng giới, quyền tham gia của phụ nữ vào hệ thống chính trị, cán bộ trẻ, cán bộ dân tộc thiểu số…
Đại biểu Nguyễn Anh Tuấn, Đoàn đại biểu Quốc hội Thành phố Hồ Chí Minh đóng góp ý kiến tại phiên thảo luận ở Tổ 2
Đại biểu Nguyễn Anh Tuấn nhận thấy, Bộ chỉ số và các chỉ số sửa đổi, bổ sung đề cập tương đối nhiều đến các lĩnh vực mới theo Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng đã đề ra như chuyển đổi số, hội nhập tương thích với những cam kết quốc tế. Tuy nhiên, đại biểu cho rằng chỉ số liên quan đến vấn đề khởi nghiệp đổi mới sáng tạo chưa tìm thấy trong các chỉ số bổ sung. Do đó, đại biểu Nguyễn Anh Tuấn đề nghị phải thống kê được số doanh nghiệp khởi nghiệp đổi mới sáng tạo ra nhập và rút lui khỏi thị trường hàng năm. Đây là một con số hết sức quan trọng, phải làm rõ được nội hàm của doanh nghiệp đổi mới sáng tạo là gì, số gia nhập là bao nhiêu, số rút lui là bao nhiêu để thấy được môi trường hoặc hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo ở nước ta qua từng năm đã thay đổi thế nào, có chiều hướng tốt hay không.
Ngoài ra, đại biểu Nguyễn Anh Tuấn mong muốn có thêm những chỉ số liên quan đến thanh niên như thanh niên làm chủ doanh nghiệp. Đây cũng là số liệu quan trọng, từ đó có thêm được kiến nghị chính sách với các cơ quan có liên quan để tạo môi trường, thể chế chính sách, đặc biệt là hỗ trợ về vốn, về kỹ thuật, về phương thức kinh doanh cho các bạn trẻ khởi nghiệp.
Có ý kiến đề nghị cần rà soát, cân đối số lượng chỉ tiêu giữa các nhóm, hiện nay có 3 nhóm rất quan trọng nhưng số lượng chỉ tiêu thấp như: giáo dục (4 chỉ tiêu), khoa học và công nghệ (6 chỉ tiêu), doanh nghiệp, cơ sở kinh tế, hành chính, sự nghiệp (6 chỉ tiêu). Đồng thời đề nghị nghiên cứu bổ sung nhóm chỉ tiêu liên quan đến Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030, đồng thời tích hợp số liệu điều tra 53 dân tộc vào Hệ thống chỉ tiêu thống kê quốc gia; các chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới và giảm nghèo bền vững.
Tán thành với sự cần thiết ban hành và phạm vi sửa đổi của dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật Tố tụng hình sự
Thảo luận tại tổ 2 về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật Tố tụng hình sự (BLTTHS), đa số ý kiến đồng tình với sự cần thiết ban hành và phạm vi sửa đổi của dự án Luật với những lý do như đã nêu trong Tờ trình của Viện kiểm sát nhân dân tối cao (VKSNDTC), nhằm bảo đảm đúng lộ trình thực hiện cam kết của Việt Nam trong Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (Hiệp định CPTPP) và yêu cầu theo Nghị quyết số 72/2018/QH14 của Quốc hội.
Đa số ý kiến đề nghị chỉ sửa đổi khoản 1 Điều 155, khoản 8 Điều 157 của BLTTHS để bãi bỏ nội dung dẫn chiếu tới khoản 1 Điều 226 của BLHS về hành vi xâm phạm quyền sở hữu công nghiệp đối với nhãn hiệu, không sửa đổi quy định liên quan đến chỉ dẫn địa lý vì cho rằng:
(1) Chính sách hình sự nhất quán của Nhà nước ta từ trước đến nay: đối với hành vi xâm phạm quyền sở hữu công nghiệp về chỉ dẫn địa lý (thuộc loại tội ít nghiêm trọng) quy định tại khoản 1 các điều tương ứng của BLHS (khoản 1 Điều 171 BLHS năm 1999, khoản 1 Điều 226 BLHS 2015) thì chỉ được khởi tố khi có yêu cầu của bị hại là trên cơ sở cân nhắc lợi ích của bị hại, dành cho họ quyền lựa chọn xử lý hoặc không xử lý bằng biện pháp hình sự. Trường hợp phạm tội có mức độ nghiêm trọng hơn thuộc khoản 2 điều này thì theo quy định của pháp luật tố tụng từ trước đến nay, cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng chủ động khởi tố mà không phụ thuộc vào yêu cầu khởi tố của bị hại. Thực tiễn thực hiện các quy định này theo Báo cáo tổng kết của VKSNDTC đều thuận lợi, hiện nay chỉ phát sinh vướng mắc duy nhất là BLTTHS chưa tương thích với Hiệp định CPTPP.
(2) Xuất phát từ mục đích xây dựng dự án Luật là bảo đảm cam kết của Việt Nam trong Hiệp định CPTPP, do đó, chỉ thực hiện đúng phạm vi yêu cầu của Hiệp định về hành vi xâm phạm quyền sở hữu công nghiệp đối với nhãn hiệu, không đặt vấn đề đối với chỉ dẫn địa lý. Ý kiến của Chính phủ, Bộ Công Thương, Bộ Khoa học và Công nghệ; ý kiến tham gia thẩm tra của Ủy ban Pháp luật, Ủy ban Đối ngoại đều đề nghị cân nhắc kỹ việc sửa đổi này.
Bên cạnh đó, có ý kiến tán thành đề nghị của VKSNDTC vì cho rằng, BLHS quy định hành vi xâm phạm quyền sở hữu công nghiệp đối với cả nhãn hiệu và chỉ dẫn địa lý trên cơ sở xác định các hành vi này có đặc điểm, tính chất, mức độ nguy hiểm tương đồng, do đó, cần được áp dụng thống nhất về chính sách xử lý.
Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tối cao Lê Minh Trí đóng góp ý kiến tại phiên thảo luận ở Tổ 2
Liên quan đến nội dung này, Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tối cao Lê Minh Trí cho rằng, việc sửa luật phải có kế hoạch, có thời hạn, phải đặt lợi ích chung lên trên hết và bảo vệ lợi ích quốc gia, bảo vệ nhu cầu về quyền sở hữu công nghiệp đối với nhãn hiệu. Đề cập đến chủ trương bổ sung trách nhiệm cho Công an xã trong tiếp nhận tố giác, tin báo về tội phạm, Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tối cao Lê Minh Trí nêu rõ, Bộ luật Tố tụng hình sự trước đây không nói đến công an xã, khi chuyển công an chính quy về công an xã thì lực lượng này sẽ thay đổi về chất. Cho rằng tất cả những chuyển biến phức tạp về tội phạm thường diễn ra ở cơ sở, ở xã, Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tối cao Lê Minh Trí mong muốn, nếu giải quyết được vấn đề tội phạm này ở cấp xã thì sẽ giúp tránh oan sai, giải quyết được bức xúc cho người dân ngay tại cơ sở, qua đó thể hiện hiệu quả sử dụng nguồn lực.
Nhìn chung, đa số ý kiến tán thành chủ trương bổ sung trách nhiệm cho Công an xã trong tiếp nhận tố giác, tin báo về tội phạm với những lý do như đã nêu trong Tờ trình của VKSNDTC.
Tuy nhiên, về thời điểm sửa đổi, bổ sung quy định này, đa số ý kiến tán thành việc sửa đổi khoản 3 Điều 146 của BLTTHS ngay trong lần sửa đổi này để đáp ứng yêu cầu thực tiễn, phát huy nguồn lực của Công an xã để kịp thời xử lý các vụ việc tại địa bàn cơ sở ngay khi tiếp nhận tố giác, tin báo, đồng thời giúp giảm tải cho Cơ quan cảnh sát điều tra Công an cấp huyện khi đã thực hiện việc điều động số lượng lớn cán bộ, chiến sỹ xuống cấp xã.
Có ý kiến đề nghị chưa sửa đổi khoản 3 Điều 146 của BLTTHS trong lần sửa đổi này vì cần được xem xét, đánh giá kỹ hơn năng lực đội ngũ cán bộ, điều kiện cơ sở vật chất kỹ thuật để bảo đảm tính khả thi./.