THẢO LUẬN TẠI TỔ 07: SỬA ĐỔI, BỔ SUNG MỘT SỐ ĐIỀU CỦA BỘ LUẬT TỐ TỤNG HÌNH SỰ ĐỂ GIẢI QUYẾT NGAY THỰC TIỄN CẤP BÁCH

20/10/2021

Tiếp tục chương trình kỳ họp thứ 2, Quốc hội khóa XV, chiều ngày 20/10, Quốc hội thảo luận ở tổ về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật Tố tụng hình sự. Tổ số 07 gồm Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Yên Bái, Quảng Ninh, Quảng Nam, Khánh Hòa, Bình Dương, Bến Tre.

 

Toàn cảnh phiên thảo luận

Các đại biểu Quốc hội trong Tổ nhất trí cao với sự cần thiết sửa đổi, bổ sung một số điều của bộ luật tố tụng hình sự (BLTTHS) nhằm đáp ứng yêu cầu của Hiệp định CPTPP, bảo đảm đúng lộ trình thực hiện các cam kết trong Hiệp định CPTPP tại Nghị quyết số 72/2018/QH14 và giải quyết ngay những vấn đề cấp bách phát sinh trong thực tiễn.

Hiệp định CPTPP chỉ đặt ra yêu cầu phải bỏ quy định dẫn chiếu đến hành vi xâm phạm quyền sở hữu công nghiệp đối với nhãn hiệu theo khoản 1 Điều 226 BLHS tại khoản 1 Điều 155 và khoản 8 Điều 157 BLTTHS.

Tuy nhiên, nhiều ý kiến đại biểu đề nghị thực hiện cơ chế này đối với cả chỉ dẫn địa lý để tương tự với cơ chế bảo vệ bằng thủ tục tố tụng hình sự đối với nhãn hiệu, qua đó, tăng cường bảo vệ quyền sở hữu công nghiệp đối với chỉ dẫn địa lý.

Phát biểu tại tổ, đại biểu Quốc hội Tạ Văn Hạ- Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Nam, cho biết, theo quy định của pháp luật thì nhãn hiệu và chỉ dẫn địa lý đều được sử dụng để chỉ dẫn nguồn gốc của sản phẩm, dịch vụ; việc xâm phạm đến quyền sở hữu công nghiệp đối với nhãn hiệu và chỉ dẫn địa lý đều ảnh hưởng trực tiếp đến doanh nghiệp, người tiêu dùng, trật tự thị trường. Nếu như nhãn hiệu chỉ là dấu hiệu dùng để phân biệt hàng hóa, dịch vụ của các tổ chức, cá nhân khác nhau và tổ chức, cá nhân là chủ sở hữu đối với nhãn hiệu; thì chỉ dẫn địa lý có ý nghĩa quan trọng, là dấu hiệu dùng để phân biệt sản phẩm có nguồn gốc từ các khu vực, địa phương, vùng lãnh thổ hoặc quốc gia khác nhau và thuộc sở hữu của Nhà nước. Thực tế, nước ta đã để mất rất nhiều thương hiệu trên thị trường quốc tế vì lý do này.

Các đại biểu cho rằng, việc tăng cường bảo vệ quyền sở hữu công nghiệp đối với chỉ dẫn địa lý thông qua quy định cho phép cơ quan tố tụng có thẩm quyền chủ động khởi tố vụ án liên quan, sẽ góp phần bảo vệ hiệu quả hơn tài sản quốc gia, thương hiệu sản phẩm của doanh nghiệp, địa phương, bảo đảm trật tự quản lý nhà nước trong lĩnh vực sở hữu công nghiệp và phát huy những tác động tích cực khác đến kinh tế - xã hội của đất nước. Hơn nữa, hành vi xâm phạm quyền sở hữu công nghiệp đối với nhãn hiệu hoặc chỉ dẫn địa lý đều có tính chất tương đồng, mức độ nguy hiểm như nhau, cùng được quy định tại khoản 1 của Điều 226 BLHS để xử lý ở 01 khung hình phạt. Do đó, nếu chỉ bỏ quy định khởi tố theo yêu cầu của bị hại đối với hành vi xâm phạm quyền sở hữu công nghiệp đối với nhãn hiệu mà không bỏ quy định này đối với chỉ dẫn địa lý thì sẽ không bảo đảm sự công bằng, thống nhất trong áp dụng chính sách hình sự và kỹ thuật lập pháp.

Đại biểu phát biểu tại phiên họp

Bên cạnh đó, Tờ trình của Chính phủ cũng nêu rõ, trước tình hình thiên tai lũ lụt nghiêm trọng xảy ra ở một số địa phương thời gian qua và diễn biến phức tạp của đại dịch Covid-19 hiện nay, nhất là trong bối cảnh thực hiện triệt để việc giãn cách, cách ly theo Chỉ thị số 16/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ, việc khởi tố, điều tra, truy tố nhiều vụ việc, vụ án hình sự gặp khó khăn, bị trì hoãn do không thể tiến hành được các hoạt động tố tụng. Viện kiểm sát cũng không thể xử lý tình huống bằng cách ra quyết định trả hồ sơ để điều tra bổ sung hoặc đình chỉ vụ án vì không có căn cứ. Nhiều vụ án, vụ việc đã phải gia hạn thời hạn giải quyết, tuy nhiên vẫn có khả năng không thể hoàn thành hồ sơ hoặc không thể tiến hành được đầy đủ các thủ tục tố tụng để xem xét, quyết định việc khởi tố, kết luận điều tra, quyết định việc truy tố trong thời hạn luật định. Việc tống đạt các quyết định tố tụng cho người bị buộc tội hoặc chuyển hồ sơ vụ án sang các giai đoạn tố tụng tiếp theo, việc chuyển các chứng cứ, tài liệu, đồ vật cho Viện kiểm sát, Tòa án… cũng bị trì hoãn, không thể tiến hành được. Trong khi đó, khoản 1 Điều 148, khoản 1 Điều 229 và khoản 1 Điều 247 BLTTHS không có quy định cho phép tạm đình chỉ trong trường hợp “vì lý do bất khả kháng do thiên tai, dịch bệnh”. Điều này dẫn đến vụ án, vụ việc không có cách giải quyết tiếp theo đúng quy định của pháp luật.

Hơn nữa, theo quy định của pháp luật, trong giai đoạn điều tra, nếu hết thời hạn điều tra mà không thể hoàn thiện được hồ sơ và thực hiện đầy đủ các hoạt động tố tụng theo luật định để chứng minh bị can đã thực hiện tội phạm thì sẽ phải đình chỉ điều tra; điều này có thể dẫn đến bỏ lọt tội phạm, người phạm tội, phải xem xét trách nhiệm bồi thường của Nhà nước, thậm chí là xử lý trách nhiệm hình sự đối với người có thẩm quyền tiến hành tố tụng, làm ảnh hưởng đến uy tín của các cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng, giảm sút lòng tin trong Nhân dân, trong khi việc này không phải do lỗi chủ quan từ phía các cơ quan, người có thẩm quyền tiến hành tố tụng.

Các đại biểu cho rằng, đây là những trở ngại, hạn chế do khách quan đem lại, là những khó khăn, vướng mắc cấp bách từ thực tiễn cần được xem xét, tháo gỡ để giải quyết, đáp ứng yêu cầu công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm, không bỏ lọt tội phạm, người phạm tội, không làm oan người vô tội; tạo cơ sở pháp lý để các cơ quan có thẩm quyền ban hành các quyết định tố tụng có căn cứ, đúng pháp luật. Từ những lý do này, Viện Kiểm sát nhân dân tối cao thấy rằng cần thiết phải sửa đổi, bổ sung khoản 1 Điều 148, khoản 1 Điều 229, khoản 1 Điều 247 BLTTHS để giải quyết khó khăn, vướng mắc cấp bách từ thực tiễn hiện nay cũng như khả năng sẽ phát sinh trong thời gian tới.

Theo đề xuất của Viện Kiểm sát nhân dân tối cao, dự thảo Luật sẽ sửa đổi, bổ sung khoản 1 Điều 148 theo hướng bổ sung căn cứ tạm đình chỉ việc giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố vì lý do bất khả kháng do thiên tai, dịch bệnh mà cơ quan có thẩm quyền giải quyết không thể kết thúc việc kiểm tra, xác minh để quyết định khởi tố hoặc không khởi tố vụ án. Cụ thể, bổ sung điểm c vào sau điểm b khoản 1 Điều 148 như sau: “Vì lý do bất khả kháng do thiên tai, dịch bệnh mà không thể kết thúc việc kiểm tra, xác minh để quyết định khởi tố hoặc không khởi tố vụ án. Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao chủ trì, phối hợp với Bộ trưởng Bộ Công an và Bộ trưởng Bộ Quốc phòng quy định chi tiết điểm này”.

Qua thảo luận, các đại biểu cũng bày tỏ đồng tình với nội dung quy định này, Tuy nhiên, dịch bệnh khi xảy ra có thể nó sẽ rất dài nhưng có khi cũng rất ngắn, dự thảo Luật cần phải quy định rất cụ thể để đảm bảo được tính khả thi.

Theo đại biểu Quốc hội Vũ Huy Khánh – Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Bình Dương, cơ chế tạm đình chỉ vốn không được hoan nghênh trong điều tra, xét xử bởi nó ảnh hưởng đến việc bảo vệ tốt cho quyền lợi của công dân. Nhưng trong những trường hợp bất khả kháng như thiên tai, dịch bệnh thì không tạm đình chỉ lại là vi phạm quy định của pháp luật. Do vậy, việc sửa đổi nội dung này trong BLTTHS là rất cần thiết để giải quyết vấn đề mà thực tiễn đặt ra trong bối cảnh dịch COVID- 19 kéo dài. Tuy nhiên, chúng ta cần phải bổ sung quy định thật cụ thể, thật rõ ở trường hợp như thế nào thì mới được coi là “nguyên nhân bất khả kháng do thiên tai, dịch bệnh” để tránh lạm dụng, ảnh hưởng đến quyền lợi thực chất của người dân./.

Thu Phương – Minh Thành