HÌNH ẢNH PHIÊN HỌP THẨM TRA TÌNH HÌNH THỰC HIỆN NHIỆM VỤ, NGÂN SÁCH CHO KH&CN NĂM 2021...

16/10/2021

Sáng 16/10, Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường tổ chức Phiên họp toàn thể lần thứ 2 thẩm tra tình hình thực hiện nhiệm vụ, ngân sách cho khoa học và công nghệ năm 2021, dự kiến nhiệm vụ, ngân sách cho khoa học và công nghệ năm 2022. Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải dự và phát biểu chỉ đạo Phiên họp.


Thảo luận tại phiên họp, các ý kiến đánh giá cao những nội dung thẩm tra thẳng thắn của Ủy ban Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi Trường; cho rằng Ủy ban thẩm tra đã có những đánh giá rất khách quan về những kết quả đạt được, nhưng đồng thời cũng rất thẳng thắn khi chỉ ra những mặt hạn chế trong hoạt động khoa học, công nghệ trong thời gian qua.

Các đại biểu cũng chỉ rõ, công tác thẩm định, đánh giá lựa chọn công nghệ thời gian qua vẫn chưa được quan tâm đúng mức, nghiên cứu giải mã công nghệ chưa thực sự được phổ biến, do thiếu nguồn nhân lực có chuyên môn sâu, đặc biệt là thiếu các chuyên gia đầu ngành. Bên cạnh đó, các quy định về tài chính thuê chuyên gia, đặc biệt là các chuyên gia nước ngoài chưa đáp ứng yêu cầu thực tiễn. Việc đưa kết quả nghiên cứu khoa học công nghệ vào thực tế sản xuất còn gặp khó khăn ở khâu thử nghiệm.

Cổng Thông tin điện tử Quốc hội trân trọng giới thiệu một số hình ảnh tại phiên họp:

Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường tổ chức Phiên họp toàn thể lần thứ 2 thẩm tra tình hình thực hiện nhiệm vụ, ngân sách cho khoa học và công nghệ năm 2021, dự kiến nhiệm vụ, ngân sách cho khoa học và công nghệ năm 2022.

Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội Lê Quang Huy chủ trì phiên họp.

Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Lê Xuân Định trình bày Báo cáo tình hình thực hiện nhiệm vụ, phân bổ, quản lý, sử dụng ngân sách nhà nước năm 2021; dự kiến nhiệm vụ, phân bổ, quản lý, sử dụng ngân sách nhà nước năm 2022 lĩnh vực khoa học và công nghệ.

 Phó Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Nguyễn Phương Tuấn trình bày báo cáo thẩm tra của Ủy ban.

Thảo luận tại phiên họp, các ý kiến đánh giá cao những nội dung thẩm tra thẳng thắn của Ủy ban KH,CN&MT; cho rằng Ủy ban thẩm tra đã có những đánh giá rất khách quan về những kết quả đạt được, nhưng đồng thời cũng rất thẳng thắn khi chỉ ra những mặt hạn chế trong hoạt động khoa học, công nghệ trong thời gian qua.

Các đại biểu cũng chỉ rõ, công tác thẩm định, đánh giá lựa chọn công nghệ thời gian qua vẫn chưa được quan tâm đúng mức, nghiên cứu giải mã công nghệ chưa thực sự được phổ biến, do thiếu nguồn nhân lực có chuyên môn sâu, đặc biệt là thiếu các chuyên gia đầu ngành. Bên cạnh đó, các quy định về tài chính thuê chuyên gia, đặc biệt là các chuyên gia nước ngoài chưa đáp ứng yêu cầu thực tiễn. 

Đề xuất định hướng nhiệm vụ trọng tâm những tháng cuối năm 2021 và dự kiến hoạt động khoa học và công nghệ năm 2022, các đại biểu cơ bản nhất trí với định hướng nhiệm vụ trọng tâm những tháng cuối năm 2021 và dự kiến hoạt động KH&CN năm 2022 như Báo cáo thẩm tra của Ủy ban KH, CH&MT. 

Để thực hiện có hiệu quả các hoạt động KH&CN năm 2022, các đại biểu đề nghị Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương chủ động thực hiện việc rà soát các VBQPPL, chính sách trong lĩnh vực KHCN&ĐMST gửi Bộ KH&CN tổng hợp, trình Chính phủ để kịp thời sửa đổi, bổ sung theo thẩm quyền; khẩn trương hoàn thiện đánh giá kết quả Chiến lược phát triển KH&CN giai đoạn 2011-2020 làm cơ sở để xây dựng Chiến lược KHCN&ĐMST của ngành trong giai đoạn 2021-2030.

Phát biểu chỉ đạo tại phiên họp, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải cho rằng, chúng ta phải xác định đầu tư cho KH&CN là phải sẵn sàng chấp nhận rủi ro. Việc hoàn thiện thể chế phải trên cơ sở định hướng thảo gỡ những vấn đề gây cản trở, hạn chế; tạo ra sự chủ động cho KH&CN phát triển nhưng đồng thời cũng phải làm sao để nhà nước có thể quản lý được.

Nhiều ý kiến của các đại biểu cũng đề nghị Bộ Tài chính tổ chức rà soát, đề nghị sửa đổi hoặc sửa đổi theo thẩm quyền các VBQPPL liên quan đến định mức xây dựng, phân bổ dự toán và quyết toán kinh phí đối với nhiệm vụ KH&CN có sử dụng ngân sách nhà nước (NSNN); khoán chi thực hiện nhiệm vụ KH&CN sử dụng NSNN; nội dung chi và quản lý Quỹ Phát triển KH&CN của doanh nghiệp; xử lý tài sản hình thành từ việc thực hiện các nhiệm vụ KH&CN.

Các ý kiến cũng kiến nghị trong thời gian tới, cần tăng cường giám sát các chuyên đề về tình hình thực hiện chính sách pháp luật KHCN&ĐMST, trọng tâm là giám sát việc thực thi pháp luật có liên quan đến cơ chế đầu tư, tài chính, bố trí sử dụng NSNN, nguồn lực xã hội đầu tư cho KHCN&ĐMST, phát triển thị trường công nghệ, tăng cường ứng dụng và chuyển giao công nghệ nhằm khẳng định KH&CN là động lực quan trọng phát triển đất nước.

Thứ trưởng Bộ Tài chính Võ Thành Hưng báo cáo tiếp thu ý kiến của các đại biểu tại phiên họp.

Phát biểu kết thúc nội dung này, Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi Trường Lê Quang Huy cho biết, trong tình hình dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp, khó lường, nhiệm vụ của KH&CN càng đặt rất mạnh mẽ, đòi hỏi sự đầu tư cho những tiến bộ KH&CN. Do vậy, trong thời gian tới, chúng ta cần có những giải pháp khắc phục những hạn chế trong hoạt động KH&CN, phát huy hiệu quả đầu tư, tránh đầu tư dàn trải. 

Trên cơ sở các ý kiến của Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi Trường và các ý kiến thảo luận của phiên họp về nội dung này, Chủ nhiệm Lê Quang Huy đề nghị Chính phủ, Thường trực KH,CN&MT tiếp thu tối đa để bổ sung, hoàn thiện Báo cáo của mình.

Nghĩa Đức