Ủy ban Quốc phòng và An ninh vừa tổ chức Phiên họp toàn thể lần thứ 2 với việc cho ý kiến về dự án Luật Cảnh sát cơ động. Dự thảo Luật gồm 05 chương, 31 điều. Nội dung cơ bản của dự thảo Luật được xây dựng trên cơ sở bám sát các giải pháp của 04 chính sách đã được Quốc hội, Chính phủ thông qua; kế thừa các quy định còn phù hợp của Pháp lệnh Cảnh sát cơ động năm 2013, bổ sung những quy định mới phù hợp với yêu cầu thực tiễn hoạt động của Cảnh sát cơ động.
Một trong những nội dung nhận được sự quan tâm của các đại biểu là Điều 23 đề cập chế độ, chính sách đối với cán bộ, chiến sĩ Cảnh sát cơ động. Theo đó, cán bộ, chiến sĩ Cảnh sát cơ động được hưởng chế độ, chính sách theo quy định của pháp luật đối với cán bộ, chiến sĩ Công an nhân dân. Cán bộ, chiến sĩ Cảnh sát cơ động khi phục vụ tại ngũ được hưởng các chính sách ưu đãi và chế độ đặc thù phù hợp với tính chất nhiệm vụ và địa bàn hoạt động. Sĩ quan Cảnh sát cơ động công tác ổn định lâu dài được bố trí nhà ở công vụ.
Ủy viên Thường trực Ủy ban Xã hội của Quốc hội Nguyễn Thanh Cầm đóng góp ý kiến.
Nêu quan điểm về vấn đề trên, Ủy viên Thường trực Ủy ban Xã hội của Quốc hội Nguyễn Thanh Cầm cho rằng, Điều 23 về chế độ, chính sách đối với cán bộ, chiến sĩ cảnh sát cơ động tại khoản 3 quy định: Sĩ quan cảnh sát cơ động công tác ổn định lâu dài được bố trí nhà ở công vụ. Tuy nhiên, tại khoản 1 của Điều này đã quy định rõ: Cán bộ, chiến sĩ cảnh sát cơ động được hưởng chế độ, chính sách theo quy định của pháp luật đối với cán bộ, chiến sĩ Công an nhân dân. Tại điều 38 về tiền lương, phụ cấp, nhà ở và điều kiện làm việc đối với sĩ quan, hạ sĩ quan, chiến sĩ công an Nhân dân tại Luật Công an nhân dân đã nêu rõ: Sĩ quan nghiệp vụ và sĩ quan chuyên môn kỹ thuật được hưởng phụ cấp nhà, được bảo đảm nhà ở công vụ; sĩ quan, hạ sĩ quan, chiến sĩ công an Nhân dân được hưởng chính sách hỗ trợ về nhà ở xã hội theo quy định của pháp luật. Do vậy, không cần thiết phải quy định lại chính sách này trong Luật Cảnh sát cơ động.
Theo Ủy viên Thường trực Ủy ban Xã hội của Quốc hội Nguyễn Thanh Cầm, cần bổ sung vào điều 23 về chính sách cho cảnh sát cơ động như được chăm lo đời sống văn hóa tinh thần. Vì đặc thù của cảnh sát cơ động chủ yếu là nam giới, hoạt động trong môi trường đơn vị trực tiếp chiến đấu, ăn, ở tập trung, đóng quân ở những địa bàn trọng yếu chiến lược, vùng sâu, vùng xa làm giảm cơ hội giao lưu, tiếp xúc với văn hóa, xã hội, ảnh hưởng một phần đến sự phát triển toàn diện, cơ hội tìm kiếm việc làm khác để xây dựng kinh tế, ít có điều kiện chăm sóc, củng cố và xây dựng hạnh phúc gia đình. Mặt khác, nam công dân phục vụ trong cảnh sát cơ động thường xuyên phải ứng trực, thực hiện nhiệm vụ huấn luyện, diễn tập, sẵn sàng chiến đấu khi xảy ra các tình huống phức tạp về an ninh, trật tự trong điều kiện vất vả, gian khổ, thậm chí nguy hiểm nên dẫn đến nguy cơ bị thương, hy sinh rất cao. Do đó, việc chăm lo đời sống văn hóa, tinh thần, cơ chế chính sách, tư vấn tâm lý, giảm tải stress, căng thẳng là việc hết sức cần thiết.
Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Nguyễn Trường Giang nêu quan điểm tại Phiên họp.
Đóng góp ý kiến vào chế độ, chính sách đối với cán bộ, chiến sĩ Cảnh sát cơ động, thay mặt Thường trực Ủy ban Pháp luật, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Nguyễn Trường Giang đề nghị bỏ khoản 3 về “Sĩ quan Cảnh sát cơ động công tác ổn định lâu dài được bố trí nhà ở công vụ”. Bởi vì khoản 1 Điều này đã quy định “Cán bộ, chiến sĩ được hưởng chế độ, chính sách theo quy định của pháp luật đối với cán bộ, chiến sĩ Công an nhân dân”; đồng thời, theo quy định tại khoản 6 Điều 38 của Luật Công an nhân dân thì “Sĩ quan nghiệp vụ và sĩ quan chuyên môn kỹ thuật được hưởng phụ cấp nhà ở, được bảo đảm nhà ở công vụ...”. Quy định như khoản 3 Điều 23 của dự thảo Luật sẽ hạn chế hơn so với quy định của Luật Công an nhân dân hiện hành (đòi hỏi phải có thêm điều kiện là công tác ổn định lâu dài).
Phát biểu Kết luận nội dung trên, Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương đánh giá cao ý kiến đóng góp của các thành viên Ủy ban Quốc phòng và An ninh, đại diện các Ủy ban của Quốc hội và các đại biểu tham dự Phiên họp và cho rằng, những ý kiến nêu ra đều trên tinh thần xây dựng, trách nhiệm cao.
Theo Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương, việc ban hành Luật Cảnh sát cơ động là cần thiết để tạo cơ sở hành lang pháp lý chặt chẽ cho hoạt động của Cảnh sát cơ động, qua đó nâng cao chất lượng, hiệu quả và trách nhiệm của các cơ quan, đơn vị trong công tác này. Việc nâng Pháp lệnh Cảnh sát cơ động thành Luật Cảnh sát sơ động cũng cần được nghiên cứu kỹ lưỡng, phải bám vào Điều 14 của Hiến pháp.
Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương phát biểu Kết luận tại Phiên họp.
Đối với các chính chế độ, chính sách; vị trí, chức năng; nhiệm vụ, quyền hạn đối với cán bộ, chiến sĩ Cảnh sát cơ động và các nội dung khác, Ban soạn thảo vẫn cần tiếp thu, nghiên cứu để quy định chặt chẽ ngay trong dự thảo Luật và phù hợp với các quy định pháp luật có liên quan, tránh mâu thuẫn, chồng chéo với các luật khác.
Để đảm bảo cho dự án Luật Cảnh sát cơ động đảm bảo chất lượng, Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương đề nghị cơ quan soạn thảo, thẩm tra dự án Luật cần lắng nghe, tiếp thu ý kiến của các thành viên Ủy ban Quốc phòng và An ninh, các Ủy ban của Quốc hội, các đại biểu tham dự Phiên họp để tổng hợp lại trước khi trình Quốc hội xem xét, cho ý kiến tại Kỳ họp thứ 2 tới./.