TẠO CƠ SỞ PHÁP LÝ ĐỒNG BỘ ĐỂ XÂY DỰNG LỰC LƯỢNG CẢNH SÁT CƠ ĐỘNG TINH NHUỆ, HIỆN ĐẠI

06/10/2021

Dự án Luật Cảnh sát Cơ động là 1 trong 7 dự án Luật đầu tiên, dự kiến sẽ được trình Quốc hội khóa XV xem xét, cho ý kiến tại Kỳ họp thứ 2. Với tinh thần đổi mới, nâng cao chất lượng công tác lập pháp, thời gian qua, Cơ quan soạn thảo và cơ quan chủ trì thẩm tra đã rất tích cực, trách nhiệm chuẩn bị hồ sơ, tài liệu phục vụ công tác xây dựng, thẩm tra dự án Luật.

 

Cho ý kiến về dự án Luật Cảnh sát cơ động tại Phiên họp thứ 3 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội diễn ra trong tháng 9/2021, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cơ bản nhất trí với sự cần thiết ban hành luật được nêu trong Tờ trình và Báo cáo thẩm tra; đồng thời cho rằng, hồ sơ luật được Chính phủ chuẩn bị công phu, cơ bản đầy đủ, bảo đảm đúng tiến độ theo yêu cầu của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật và Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh của Quốc hội. Sau khi tiếp thu ý kiến của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, dự án Luật đủ điều kiện trình Quốc hội xem xét lần đầu tại kỳ họp thứ 2 của Quốc hội.

Lực lượng Cảnh sát cơ động trong buổi thao diễn

Về sự cần thiết ban hành luật, các đại biểu đề nghị cần làm rõ 3 nội hàm “đặc thù”, “đặc biệt” và “tinh nhuệ” của lực lượng cảnh sát cơ động, từ đó làm nổi bật sự thuyết phục cần thiết phải ban hành đạo luật riêng cho lực lượng này. Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng đề nghị chỉnh sửa nội dung để thể hiện đúng vị trí, chức năng của cảnh sát cơ động là lực lượng đặc biệt, chỉ sử dụng khi thực sự cần thiết; làm rõ vai trò nòng cốt, sử dụng biện pháp vũ trang, vai trò chuyên trách trong bảo vệ an ninh quốc gia; làm rõ quy định cảnh sát cơ động thực hiện biện pháp vũ trang là chủ yếu để tránh chồng chéo lên chức năng, nhiệm vụ của các lực lượng chuyên trách khác về bảo vệ an ninh quốc gia.

Theo Thạc sỹ Đậu Công Hiệp, Khoa Pháp luật Hành chính-Nhà nước, Trường Đại học Luật Hà Nội, việc quy định về vị trí chức năng của lực lượng Cảnh sát Cơ động trong dự thảo Luật này cần có sự đồng nhất, thống nhất với cả những đạo luật tương ứng, đặc là luật Công an nhân dân và các đạo luật khác về lực lượng vũ trang. “Khi nói về Cảnh sát cơ động, theo chúng tôi cần khẳng định đây là một lực lượng có khả năng, nhiệm vụ thực hiện các biện pháp vũ trang ở mức độ cao, mức độ đặc biệt để bảo vệ an ninh quốc gia, bảo đảm trật tự an toàn xã hội, đấu tranh phòng chống tội phạm, vi phạm pháp luật”, Thạc sỹ Đậu Công Hiệp nhấn mạnh.

Thạc sỹ Đậu Công Hiệp cũng cho rằng, lực lượng Cảnh sát cơ động là 1 thành phần rất đặc biệt trong Công an nhân dân, được coi là “lá chắn thép” để bảo vệ chế độ, bảo vệ Tổng quốc. Vì vậy, khi chúng ta đã xác điịnh là lực lượng chuyên trách, nòng cốt thì Cảnh sát cơ động còn là lực lượng được sử dụng các biện pháp vũ trang đặc biệt. Lực lượng này được xây dựng tiến lên hiện đại thì trong Luật Cảnh sát cơ động cần thể hiện được điều đó.

Thạc sỹ Đậu Công Hiệp nêu rõ: “Thứ nhất là về sử dụng các quyền hạn, nhiệm vụ, các biện pháp lớn như vậy thì phải gắn với tiêu chuẩn rất cao trong bảo đảm quyền con người, quyền công dân để tránh nguy cơ lạm quyền. Thứ 2 là luật cần có quy định để lực lượng Cảnh sát cơ động có thể phát huy hết khả năng của mình”.

Phiên họp thứ 3 của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội

Tại Phiên họp thứ 3 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng đề nghị tiếp tục rà soát các nhiệm vụ cụ thể của Cảnh sát cơ động để phù hợp với vị trí chức năng, tránh chồng chéo và thống nhất với các văn bản pháp luật có liên quan; quy định cụ thể hơn quyền hạn của cảnh sát cơ động nhất là các nội dung liên quan đến quyền con người, quyền công dân để bảo đảm chặt chẽ, phù hợp với pháp luật hiện hành. Các đại biểu cũng đề nghị cần quy định rõ hơn về phạm vi hoạt động của cảnh sát cơ động; rà soát thật kỹ để một mặt bảo đảm trang bị cho lực lượng này hoàn thành nhiệm vụ được giao, đồng thời phù hợp với thực tiễn, đúng với phạm vi, quyền hạn của chính quyền các cấp để bảo đảm tính khả thi.

Tiến sỹ Nguyễn Quang Đức, Khoa Luật Đại học Quốc gia Hà Nội phân tích: “Hai luật liên quan là Luật Công an nhân dân và Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ đã được ban hành vào các năm 2018, 2019. Để bảo đảm tính tương thích, theo tôi cần luật hóa hoạt động của Cảnh sát cơ động nói chung và việc sử dụng vũ trang nói riêng để bảo đảm tính tương thích, chặt chẽ giữa Luật Cảnh sát Cơ động với 2 văn bản pháp lý nêu trên. Thứ hai, việc luật hóa cũng nhằm bảo đảm trật tự pháp quyền, bảo vệ bảo đảm tốt nhất quyền con người, quyền công dân đã được ghi nhận trong Hiến pháp”.

Trong những năm qua, Cảnh sát cơ động phải tham gia giải quyết nhiều vụ việc phức tạp, tụ tập đông người, kích động, phá hoại gây rối an ninh trật tự, sử dụng dùng vũ khí để tấn công lực lượng chức năng. Đối tượng đấu tranh rất đa dạng, phức tạp. Nhiệm vụ lại liên quan đến nhiều cấp, nhiều ngành. Cảnh sát cơ động được tổ chức theo mô hình vũ trang chiến đấu tập trung, được trang bị nhiều vũ khí công cụ hỗ trợ, phương tiện kỹ thuật đặc chủng. Vì vậy xây dựng Luật Cảnh sát cơ động sẽ đáp ứng yêu cầu phù hợp với tính chất đặc thù của lực lượng này.

Tiến sỹ Nguyễn Thành Đông, Học viện Cảnh sát nhân dân cho rằng, qua thực tiễn hơn 7 năm thực hiện Pháp lệnh Cảnh sát cơ động đã bộ lộ những hạn chế, bất cập làm ảnh hưởng đến hiệu quả thực hiện nhiệm vụ của Cảnh sát cơ động. Tình hình thế giới, khu vực và trong nước dự báo rất phức tạp, khó lường đặt ra yêu cầu phải xây dựng lực lượng Cảnh sát cơ động xứng tầm với nhiệm vụ được giao, đảm bảo các điều kiện để Cảnh sát cơ động bảo đảm năng lực, sức chiến đấu cao.

Lực lượng Cảnh sát cơ động thực hiện tuần tra, kiểm soát

Nhiệm vụ bảo vệ an ninh quốc gia, bảo đảm trật tự, an toàn xã hội của CSCĐ rất nặng nề. Vì vậy, lực lượng này cần có cơ sở pháp lý đủ mạnh để thực thi tốt mọi nhiệm vụ được giao. Theo chủ trương, quản điểm của Đảng, Nhà nước ta, xây dựng Công an nhân dân cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại, “ưu tiên hiện đại hóa một số lực lượng”, trong đó có lực lượng Cảnh sát cơ động.

 Ông Lê Việt Trường, nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội khóa XIII nêu rõ: “Các văn bản của Đảng ủy Công an Trung ương đã xác định lực lượng tình báo, an ninh và Cảnh sát Cơ động sẽ là những lực lượng ưu tiên trong lãnh đạo, chỉ đạo và tập trung đầu tư xây dựng để tiến thẳng lên chính quy, hiện đại. Cho nên tôi cho rằng đến thời điểm hiện nay, đặt vấn đề xây dựng Luật Cảnh sát cơ động đã hội đủ các điều kiện về cơ sở chính trị, đó là các Nghị quyết của Đảng, bảo đảm cho đạo luật được xây dựng công phu, chuẩn bị với điều kiện tốt nhất để đưa ra Quốc hội”.

Hiến pháp năm 2013 quy định “Quyền con người, quyền công dân chỉ bị hạn chế theo quy định của luật trong trường hợp cần thiết vì lý do quốc phòng, an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội, đạo đức xã hội, cộng đồng xã hội”. Trong khi đó, các Luật có nội dung liên quan đến nhiệm vụ, quyền hạn của Cảnh sát Cơ động hiện nay mới chỉ dừng lại ở nguyên tắc chung. Như vậy, Pháp lệnh Cảnh sát Cơ động đã như tấm áo “chật”, không đủ giá trị pháp lý, cần phải nới rộng lên thành Luật.

Theo Tiến sỹ Mai Thị Mai, Phó trưởng Bộ môn Luật Hiến pháp, Trường Đại học Luật Hà Nội, lực lượng Cảnh sát cơ động trong quá trình thực hiện nhiệm vụ có sự ảnh hưởng hoặc tác động đến quyền con người, quyền công dân. Vì vậy khi nâng Pháp lệnh Cảnh sát cơ động lên thành Luật sẽ tạo ra sự chuẩn chỉ, sự thống nhất trong quy định của Hiến pháp so với các quy định của pháp luật, cũng như tạo hành lang pháp lý, tạo ra độ hiệu quả tốt hơn cho việc đảm bảo quyền con người, quyền công dân.

Như vậy, việc xây dựng và ban hành Luật Cảnh sát cơ động trên cơ sở kế thừa và khắc phục những bất cập, hạn chế của Pháp lệnh Cảnh sát cơ động năm 2013 sẽ bảo đảm sự thống nhất, đồng bộ trên cả 3 phương diện pháp lý, lý luận và thực tiễn trong thực hiện chức năng, nhiệm vụ của Cảnh sát cơ động tới đây. Việc ban hành Luật Cảnh sát cơ động sẽ tạo cơ sở pháp lý đồng bộ góp phần xây dựng Cảnh sát cơ động cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, hiện đại, đáp ứng yêu cầu bảo đảm an ninh, trật tự trong tình hình mới, góp phần thực hiện nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc từ sớm, từ xa./.

Khắc Phục