Quang cảnh buổi làm việc.
Theo báo cáo của Sở KH & CN, ngay sau khi Luật SHTT có hiệu lực thi hành, Sở đã chỉ đạo, đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến kiến thức, chính sách và pháp luật về SHTT; tham mưu cho UBND tỉnh ban hành văn bản thi hành Luật SHTT.
Triển khai đồng bộ hoạt động hỗ trợ đăng ký xác lập quyền sở hữu công nghiệp đối với sáng chế, nhãn hiệu, kiểu dáng công nghiệp. Thống kê từ ngày 1/1/2016 đến ngày 30/6/2021, tỉnh Ninh Bình nộp hồ sơ về Cục Sở hữu trí tuệ tiếp nhận 923 đơn đăng ký các loại và đã có 416 văn bằng được cấp.
Cùng với đó, Sở đã thực hiện tư vấn, hỗ trợ xác lập quyền sở hữu công nghiệp đối với 1 sáng chế, 24 kiểu dáng công nghiệp, 180 nhãn hiệu và phát triển nhãn hiệu cho trên 30 tổ chức, cá nhân...
Kết quả thi hành Luật SHTT phát huy tác dụng tích cực trong việc thúc đẩy, hỗ trợ các hoạt động sáng tạo, khai thác và bảo vệ các tài sản trí tuệ, khuyến khích cạnh tranh lành mạnh; từng bước thúc đẩy các hoạt động đầu tư kinh doanh, khai thác, góp vốn, liên doanh liên kết, chuyển giao chuyển nhượng các tài sản trí tuệ... qua đó góp phần quan trọng vào việc xây dựng môi trường đầu tư, kinh doanh lành mạnh, ổn định tình hình kinh tế - xã hội, đáp ứng các đòi hỏi của quá trình hội nhập kinh tế quốc tế của đất nước.
Tuy nhiên trong quá trình thực thi Luật và các văn bản hướng dẫn thi hành, đã có những bất cập, hạn chế cần được sửa đổi như: Bất cập về quyền đăng ký các đối tượng sở hữu công nghiệp (Điều 86) được tạo ra trên cơ sở Nhà nước đầu tư kinh phí; bất cập về thủ tục trong việc xác lập, bảo hộ quyền SHCN (theo quy định tại Điều 103 Luật SHTT, các quy định về bản mô tả đặt ra quá nhiều yêu cầu, khó đáp ứng, đặc biệt là yêu cầu liệt kê các kiểu dáng công nghiệp cùng loại, chỉ ra các điểm khác biệt...).
Bất cập, hạn chế trong công tác triển khai thi hành Luật đó là: Vai trò cơ quan đầu mối của hệ thống SHTT chưa thể hiện rõ nét; công tác xử lý đơn đăng ký xác lập quyền SHCN dù đã có nhiều cố gắng nhưng vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu của thực tiễn, vẫn còn tình trạng đơn tồn đọng; hoạt động bảo vệ quyền SHTT thiên về áp dụng biện pháp hành chính, hệ thống các cơ quan có thẩm quyền xử phạt hành chính trong lĩnh vực SHCN còn nhiều đầu mối.
Tại buổi làm việc, các thành viên trong Đoàn đã trao đổi làm rõ thêm về một số kết quả đạt được cũng như những hạn chế, khó khăn trong thực hiện Luật SHTT, đặc biệt là đặt trong bối cảnh nền công nghiệp 4.0 phát triển mạnh mẽ, qua đó đưa ra những đề xuất, kiến nghị cụ thể về các quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực SHTT; quy định về phân cấp quản lý; cải cách thủ tục hành chính, chuyển đổi số trong SHTT; những nội dung mới như quy định bảo hộ âm thanh...
Phát biểu tại buổi làm việc, đồng chí Trần Thị Hồng Thanh, TUV, Phó Trưởng Đoàn ĐBQH trân trọng cảm ơn sự quan tâm, phối hợp của Sở KH&CN đã cung cấp thông tin giúp Đoàn nắm bắt tổng thể, nhất là những khó khăn, bất cập trong quá trình triển khai thực hiện Luật SHTT.
Tiếp thu những kiến nghị của Sở KH&CN trong thực Luật SHTT, đồng chí Phó trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh cho biết: Đoàn ĐBQH tỉnh sẽ nghiên cứu, tổng hợp để tham gia, góp ý vào công tác xây dựng, sửa đổi, bổ sung Luật trong kỳ họp tới. Với những kiến nghị cụ thể, Đoàn sẽ kiến nghị với Quốc hội, Chính phủ và các bộ, ngành quan tâm giải quyết.