ĐOÀN ĐBQH THÀNH PHỐ ĐÀ NẴNG TỔ CHỨC HỘI NGHỊ LẤY Ý KIẾN DỰ ÁN LUẬT THI ĐUA, KHEN THƯỞNG (SỬA ĐỔI)

06/10/2021

Nhằm chuẩn bị các nội dung cho Kỳ họp thứ 2, Quốc hội khoá XV, sáng ngày 06/10, Đoàn đại biểu Quốc hội Thành phố Đà Nẵng đã tổ chức Hội nghị lấy ý kiến góp ý Dự án Luật Thi đua, khen thưởng (sửa đổi). Nhiều ý kiến cho rằng dự án Luật cần khắc phục triệt để tính hình thức trong thi đua, khen thưởng.

 

Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn đại biểu Quốc hội Tp. Đà Nẵng Trần Chí Cường chủ trì hội nghị

Tại buổi góp ý, một số ý kiến đề nghị trong lần sửa đổi này, Luật Thi đua khen thưởng cần quan tâm hơn đến các đối tượng là nông dân, công nhân, người lao động của các doanh nghiệp. Trên thực tế, nhu cầu về khen thưởng là rất nhiều và bằng nhiều hình thức. Điều 80 của dự án Luật có quy định về thẩm quyền của cơ quan, tổ chức, cá nhân đối với các hình thức khen thưởng khác. Tuy nhiên tại Điều 8 về Hình thức khen thưởng thì chỉ quy định 7 hình thức khen thưởng mà không có điều khoản về hình thức khen thưởng khác. Do vậy, cần nghiên cứu điều chỉnh cho có sự thống nhất giữa Điều 8 và Điều 80 của dự thảo Luật này.

Về quy định danh hiệu chiến sĩ thi đua toàn quốc tại điểm 2, Điều 18 có sử dụng cụm từ “có phạm vi ảnh hưởng toàn quốc”, trên thực tế vẫn còn khó áp dụng. Theo Trưởng Ban thi đua khen thưởng TP. Đà Nẵng Đỗ Thị Nguyệt Minh, trong quá trình xét và đạt danh hiệu chiến sĩ thi đua toàn quốc tại Đà Nẵng thì rất ít, hầu như trong 5 năm vừa rồi thì chỉ 4-5 trường hợp. Thì trong thực tế có ít sáng kiến, đề tài được áp dụng có phạm vi ảnh hưởng toàn quốc. Đồng thời cũng chưa có cơ sở, quy chế nào xác định sáng kiến đề tài này có phạm vi ảnh hưởng toàn quốc.

Nhiều ý kiến góp ý đi sâu vào thực tế, đơn cử như khi quy định mức chi khen thưởng, vẫn chưa có căn cứ là khen thưởng “gia đình” thì chi theo mức “tập thể” hay “cá nhân”; có ý kiến đề nghị bổ sung thêm vào Điều 93, khoản 9 các quy định về xin cấp đổi, cấp lại hiện vật đã được khen thưởng nhưng bị mất hoặc bị hỏng.

Phó Giám đốc Sở Tư pháp Tp. Đà Nẵng Châu Thanh Việt phát biểu tại hội nghị

Phó Giám đốc Sở Tư pháp Tp. Đà Nẵng Châu Thanh Việt cho rằng, khoản 2 Điều 58 dự thảo quy định tiêu chuẩn thành phố anh hùng, tỉnh anh hùng là phải năng động, sáng tạo, là trung tâm văn hoá kinh tế văn hoá giáo dục… Tuy nhiên đặt tiêu chuẩn là trung tâm kinh tế văn hoá giáo dục, là động lực thúc đẩy khu vực và cả nước thì đương nhiên sẽ giới hạn đối tượng được xem xét bởi không phải tỉnh thành nào cũng là trung tâm cả.

Trao đổi về các nội dung của dự án Luật, Uỷ viên Thường trực Uỷ ban Xã hội của Quốc hội Nguyễn Thị Kim Thúy cho biết, điều khiến các nhà làm luật trăn trở ở dự án luật này là có khắc phục được bệnh thành tích hay không. Bởi vì thực tế bệnh thành tích trở thành căn bệnh của xã hội. Điều này được thể hiện qua tổng kết phong trào thi đua của những năm trước cũng có những câu chuyện tưởng vui nhưng lại có thật. Đó là diện tích rừng trồng được nó lại lớn hơn diện tích đất có để trồng rừng, hay số lượng phụ nữ đặt vòng tránh thai lớn hơn số lượng phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ…

Uỷ viên Thường trực Uỷ ban Xã hội của Quốc hội Nguyễn Thị Kim Thúy  phát biểu tại hội nghị

Ngoài ra, cũng có ý kiến cho rằng, trong quá trình thực hiện, có trường hợp các đối tượng trung gian gây cản trở, nhũng nhiễu trong quá trình chuẩn bị hồ sơ thi đua khen thưởng. Vì vậy hành vi này cần được quy định thêm vào Điều 12 của dự án Luật về các hành vi bị nghiêm cấm./.

Mỹ Phượng