ĐỀ XUẤT CÁC GIẢI PHÁP CĂN CƠ ĐỂ PHÒNG, CHỐNG VÀ KIỂM SOÁT DỊCH BỆNH COVID-19 TRONG KHU VỰC TAM GIÁC PHÁT TRIỂN

30/09/2021

Tại Hội nghị lần thứ 8 Ủy ban Đối ngoại của Quốc hội Campuchia - Lào - Việt Nam về Khu vực Tam giác phát triển, lãnh đạo và đại diện Bộ, ngành của các nước đã đưa ra nhiều giải pháp căn cơ để phòng, chống và kiểm soát dịch bệnh Covid-19 hiệu quả, góp phần phục hồi nền kinh tế-xã hội và đảm bảo cuộc sống của người dân trong khu vực.

 

Từ cuối năm 2019 đến nay, đại dịch Covid-19 diễn biến phức tạp và nguy hiểm, tác động đến mọi khía cạnh của đời sống kinh tế, xã hội, tới hành vi, thói quen sinh hoạt của người dân trên phạm vi toàn thế giới. Những tháng đầu năm 2021, đại dịch Covid-19 trên thế giới được kiểm soát khá tốt cùng với việc đẩy nhanh tiêm chủng vắc-xin phòng Covid-19 ở nhiều nước. Tuy nhiên, với sự xuất hiện các biến chủng mới có tốc độ lây lan nhanh và nguy hiểm hơn, gây tử vong cao tại nhiều nước trên thế giới, nhất là tại khu vực Đông Nam Á, đã tác động lớn đến sự phát triển kinh tế-xã hội, đời sống của người dân tại Khu vực Tam giác phát triển Campuchia-Lào-Việt Nam (LCV).

Để có những biện pháp hữu hiệu ngăn chặn, kiểm soát dịch bệnh cũng như phục hồi nền kinh tế cần sự hợp tác, đưa ra các giải pháp hữu hiệu, đồng bộ của các nước trong khu vực. Đó cũng là một trong những nội dung chính được đưa ra thảo luận tại Hội nghị lần thứ 8 Ủy ban Đối ngoại của Quốc hội Campuchia - Lào - Việt Nam về khu vực Tam giác phát triển vừa diễn ra mới đây do Vương quốc Campuchia tổ chức trực tuyến tại Thủ đô Phnôm Pênh. Đoàn Việt Nam do Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại Vũ Hải Hà làm Trưởng đoàn tham dự Hội nghị tại điểm cầu Nhà Quốc hội.


Hội nghị lần thứ 8 Ủy ban Đối ngoại của Quốc hội Campuchia - Lào - Việt Nam về Khu vực Tam giác phát triển được tổ chức theo hình thức trực tuyến tại Thủ đô Phnôm Pênh, Campuchia.

Tại Hội nghị, thay mặt Uỷ ban Điều phối Việt Nam, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Quốc Phương đã đề cập một số biện pháp căn cơ ứng phó với khủng hoảng Covid-19 của phía Việt Nam trong Khu vực Tam giác phát triển CLV. Theo đó, để ứng phó và kiểm soát dịch bệnh Covid-19, Chính Phủ Việt Nam đã ban hành các nghị quyết, chỉ thị, văn bản quan trọng để triển khai công tác phòng chống dịch bệnh Covid-19 trong phạm vi cả nước. Việt Nam hiểu rằng, không một địa phương, khu vực nào có thể tách rời khỏi nhiệm vụ phòng chống dịch chung. Tuy nhiên, với đặc trưng của Khu vực Tam giác phát triển CLV, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đề xuất với các nước trong khu vực tập trung vào một số nội dung để phòng, chống và kiểm soát dịch bệnh hiệu quả, thiết thực sau:

Thứ nhất: Thực hiện đồng bộ xét nghiệm, chăm sóc, điều trị để giảm tối đa tử vong cho bệnh nhân mắc Covid-19. Đẩy mạnh các hoạt mua vắc-xin, thuốc, trang thiết bị, sinh phẩm y tế, đào tạo, tập huấn bác sĩ, nhân viên y tế, nâng cao năng lực hệ thống y tế, kiểm soát tốt dịch bệnh.

Thứ hai: Các tỉnh biên giới thực hiện quyết liệt, đồng bộ, hiệu quả các biện pháp phòng chống dịch với phương châm “4 tại chỗ” là: Dự phòng, cách ly điều trị tại chỗ; cơ sở vật chất, trang thiết bị, thuốc men, phòng hộ tại chỗ; kinh phí tại chỗ; nhân lực tại chỗ. Phối hợp với các tỉnh giáp biên trong công tác kiểm soát, đảm bảo an ninh an toàn cho người, hàng hoá và phương tiện (hàng hoá, máy móc, thiết bị phục vụ triển khai các dự án được thông thương qua các cửa khẩu) qua lại biên giới; thực hiện khai báo và cách ly y tế, tuân thủ nghiêm các quy định phòng chống dịch Covid-19.

Thứ ba: Ưu tiên ngân sách và các nguồn lực bảo đảm kinh phí cho phòng, chống dịch. Thực hiện cắt giảm tối thiểu các chi phí không cần thiết, tập trung kinh phí cho công tác phòng, chống dịch bệnh Covid-19.

Thứ tư: Duy trì hoạt động sản xuất, tránh làm đứt gãy các chuỗi cung ứng lao động, hàng hóa, dịch vụ, vật tư, nguyên liệu phục vụ sản xuất nhưng phải bảo đảm, tạo điều kiện cao nhất các yêu cầu về phòng, chống dịch bệnh Covid-19.

Thứ năm: Chăm lo đời sống Nhân dân, đặc biệt là người có công, gia đình chính sách, hộ nghèo, phụ nữ, trẻ em, người cao tuổi, người khuyết tật, người yếu thế, người có hoàn cảnh khó khăn, người mất việc làm do dịch bệnh Covid-19 và lực lượng tuyến đầu chống dịch, bảo đảm kịp thời, thực chất, hiệu quả.

Thứ sáu: Tăng cường tìm kiếm nguồn vắc-xin để tiêm cho toàn dân, hướng tới đạt miễn dịch cộng đồng.

Về phía Campuchia, Phó Chủ tịch thứ hai của Quốc hội Vương quốc Campuchia Kittisangahakbindit Khuon Sudary khẳng định tầm quan trọng của hợp tác trong Khu vực Tam giác phát triển CLV với tầm nhìn hướng tới thịnh vượng, hợp tác cùng phát triển, đặc biệt trong việc phục vụ nền kinh tế để sớm vượt qua đại dịch Covid-19.

Phó Chủ tịch thứ hai của Quốc hội Vương quốc Campuchia Kittisangahakbindit Khuon Sudary cho rằng, cuộc chiến toàn cầu chống lại đại dịch Covid-19 yêu cầu tất cả các nước, đặc biệt là Chính phủ và Quốc hội, các tổ chức chính trị-xã hội, quốc tế cùng chung tay đối mặt với thách thức này, tạo ra những động lực để tiếp tục xử lý những tác động do đại dịch gây ra.


Phó Chủ tịch thứ hai của Quốc hội Vương quốc Campuchia Kittisangahakbindit Khuon Sudary đóng góp ý kiến tại Hội nghị.

Khẳng định vaccine là công cụ tốt nhất bảo vệ sức khỏe của người dân hiện nay, Phó Chủ tịch thứ hai của Quốc hội Vương quốc Campuchia Kittisangahakbindit Khuon Sudary kêu gọi các nước cùng nhau thiết lập những cơ chế để chia sẻ vaccine, cũng như củng cố các thể chế đa phương để đảm bảo rằng tất cả các nước đều tiếp cận được vaccine bình đẳng và minh bạch ở cấp khu vực cũng như quốc tế. Từ đây, bà Kittisangahakbindit Khuon Sudary cho rằng, mối quan hệ đối tác giữa Quốc hội ba nước cũng sẽ giúp hiện thực hóa được điều này.

Ngoài ra, Quốc hội của ba nước cần có những giải pháp tổng thể, khuôn khổ hợp tác, quy định chung để tiếp tục cải thiện cuộc sống, sinh kế của người nhân, đặc biệt là ở các tỉnh biên giới, cũng như củng cố hệ thống y tế công cộng để chống lại đại dịch. Đồng thời, tiếp tục phối hợp, đẩy mạnh cơ chế hợp tác ba bên, giúp thuận lợi hóa thương mại, du lịch, phối hợp giữa các tỉnh biên giới, đặc biệt là duy trì ổn định chuỗi cung ứng giữa ba nước.

Phó Chủ tịch thứ hai của Quốc hội Vương quốc Campuchia Kittisangahakbindit Khuon Sudary cũng kêu gọi Quốc hội các nước trong khu vực quan tâm hỗ trợ đổi mới sáng tạo, phát triển các doanh nghiệp siêu nhỏ, nhỏ và vừa; thu hút các nhà đầu tư theo mô hình liên kết công-tư; cùng tiến trình chuyển đổi số thích nghi với điều kiên bình thường mới.

Nhấn mạnh khu vực Tam giác phát triển phải đối mặt với nhiều vấn đề, thách thức, trong đó có đại dịch Covid-19, Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại của Quốc hội Lào Sanya Praseuth ghi nhận những thành quả hợp tác của ba nước Campuchia-Lào-Việt Nam trong suốt 22 năm qua, kể từ khi khu vực Tam giác phát triển được thành lập vào năm 1999, đồng thời bày tỏ hy vọng, trong bối cảnh hiện tại, ba nước sẽ tiếp tục hợp tác chặt chẽ hơn nữa để xây dựng khu vực Tam giác phát triển ngày càng thịnh vượng.


Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại của Quốc hội Lào Sanya Praseuth nêu quan điểm.

Theo Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại của Quốc hội Lào Sanya Praseuth, trong bối cảnh đó, ba nước cần nhiều nỗ lực hơn nữa để ứng phó với khủng hoảng tại khu vực, nhất là ứng phó từ sớm, thông qua việc đưa ra các chính sách, hành lang pháp lý phù hợp, tăng cường sự tham gia của nhiều thành phần trong nền kinh tế.

Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại của Quốc hội Lào Sanya Praseuth đề xuất, sau hội nghị, ba quốc gia có thể đưa ra kế hoạch chung nhằm kiểm soát dịch bệnh tại một số địa phương trong khu vực Tam giác phát triển; nên có biện pháp khuyến khích người dân tại 13 tỉnh biên giới của ba nước tiếp cận thị trường trong khu vực Tam giác phát triển nhằm bảo đảm phục hồi sản xuất, phục vụ nhu cầu tiêu dùng trong nước và xuất khẩu. Ba nước cần tăng cường hợp tác hơn nữa trong các lĩnh vực: y tế, giáo dục, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, đẩy mạnh chuyển đổi số cho người dân.

Phát biểu kết luận về nội dung trên, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại Vũ Hải Hà đánh giá cao những đề xuất của đại diện ba nước Campuchia, Lào, Việt Nam trong đối với những giải pháp để kiểm soát dịch bệnh Covid-19 cũng như phục hồi nền kinh tế-xã hội.

Tại Hội nghị, các cơ quan của Chính phủ, các địa phương cùng Ủy ban Đối ngoại ba nước đã trao đổi thẳng thắn, thảo luận sôi nổi, phân tích sâu sắc về những thuận lợi và khó khăn, thời cơ và thách thức, nỗ lực thực hiện kế hoạch phát triển, đề ra các kiến nghị và đề xuất các pháp hợp tác vì sự phát triển bền vững của Khu vực Tam giác phát triển thời gian tới, các biện pháp ứng phó với khủng hoảng của đại dịch Covid-19, vì sức khỏe, tính mạng và sự an toàn của người dân, vì lợi ích phát triển bền vững của khu vực. Các nước đánh giá cao những sáng kiến, giải pháp được đưa ra tại Hội nghị về hoàn thiện thể chế và các giải pháp hỗ trợ, đồng hành cùng Chính phủ ba nước tiếp tục hoàn thiện cơ chế hợp tác cho Khu vực Tam giác phát triển; các giải pháp đưa quan hệ ba nước, ba Quốc hội đi vào chiều sâu, thiết thực và hiệu quả.


Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại Vũ Hải Hà phát biểu Kết luận tại Hội nghị.

Hội nghị lần thứ 8 với chủ đề “Tăng cường quan hệ đối tác nghị viện vì sự phát triển bền vững và ứng phó với khủng hoảng Covid-19 ở khu vực Tam giác Phát triển” đòi hỏi sự nỗ lực của các bên trong tổ chức triển khai thực hiện các cam kết nhằm phát triển toàn diện nền kinh tế - xã hội trong khu vực Tam giác phát triển một cách bền vững; đồng thời đề ra các giải pháp ứng phó có hiệu quả với tình hình dịch Covid-19 đang diễn biến phức tạp hiện nay; góp phần thúc đẩy mối quan hệ hữu nghị truyền thống và đoàn kết giữa ba nước ngày càng phát triển. Hội nghị đã khẳng định sau hơn 20 năm, cơ chế hợp tác hiện hành cùng các văn kiện đã ký kết góp phần duy trì môi trường hòa bình, ổn định, đem lại lợi ích kinh tế, xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh tại khu vực 13 tỉnh chiến lược biên giới ba nước.

Hệ thống cơ sở hạ tầng trong khu vực từng bước phát triển, nhất là giao thông, cấp điện, tạo điều kiện qua lại thuận lợi cho hàng hóa và công dân qua lại mỗi nước. Hợp tác đầu tư được đẩy mạnh trong các lĩnh vực như thủy điện, khai thác, chế biến khoáng sản, trồng và chế biến sản phẩm một số cây công nghiệp. Nhân dân tại khu vực Tam giác phát triển đã và đang được trực tiếp hưởng lợi từ các chính sách ưu tiên, sự đầu tư và hỗ trợ của ba Chính phủ cũng như các tổ chức quốc tế; diện mạo kinh tế - xã hội, cơ sở hạ tầng, đời sống người dân tại các địa phương trong khu vực đã có nhiều khởi sắc. Trong tiến trình đó, Quốc hội ba nước có vai trò quan trọng trong việc hỗ trợ Chính phủ ba nước tiếp tục xây dựng cơ chế, chính sách cho Khu vực Tam giác phát triển nhằm phát huy hơn nữa tiềm năng của khu vực này và góp phần giữ vững an ninh, xây dựng đường biên giới hòa bình, hữu nghị và phát triển của ba nước.

Để phát huy những thành tựu đạt được thời gian qua và thành công Hội nghị lần thứ 8 này, Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại Vũ Hải Hà đề nghị ba Ủy ban Đối ngoại của 3 nước triển khai thực hiện những định hướng trong Tuyên bố chung mà Hội nghị đã thống nhất thông qua; tích cực phối hợp đồng hành cùng Chính phủ mỗi nước trong thực hiện các thỏa thuận chung, hỗ trợ cho Khu vực Tam giác phát triển, góp phần đưa quan hệ giữa ba nước, ba Quốc hội ngày càng đi vào chiều sâu, thực chất và hiệu quả./.

Bích Lan

Các bài viết khác