DỰ ÁN LUẬT THI ĐUA, KHEN THƯỞNG (SỬA ĐỔI) ĐẢM BẢO TÍNH HỢP HIẾN, HỢP PHÁP VÀ ĐỒNG BỘ VỚI HỆ THỐNG PHÁP LUẬT HIỆN HÀNH

03/09/2021

Trong Hồ sơ dự án Luật Thi đua, khen thưởng (sửa đổi) trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội vừa qua, đại diện Cơ quan soạn thảo- Bộ Nội vụ cho biết, Bộ đã tiến hành rà soát các nội dung của dự án Luật, đảm bảo tính hợp hiến, hợp pháp và tính thống nhất, đồng bộ với hệ thống pháp luật hiện hành.

 

Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến vè Dự án Luật

Theo Cơ quan soạn thảo- Bội Nội vụ, căn cứ Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2020; Căn cứ Luật Thi đua, khen thưởng, Bộ đã rà soát các văn bản quy phạm pháp luật có liên quan đến dự án Luật Thi đua, khen thưởng sửa đổi. Cụ thể:

Về tính hợp hiến, hợp pháp, tính thống nhất của dự án Luật với hệ thống pháp luật,  Bộ Nội vụ đã tiến hành rà soát các nội dung của dự án Luật, về cơ bản nội dung dự án Luật phù hợp với quy định và tinh thần Hiến pháp năm 2013, Luật Khoa học và Công nghệ và đảm bảo tính hợp hiến, hợp pháp và tính thống nhất, đồng bộ với hệ thống pháp luật hiện hành.

Về các nội dung Bộ Nội vụ rà soát tiếp thu vào dự án Luật để đảm bảo tính hợp pháp, tính thống nhất, đồng bộ với hệ thống pháp luật hiện hành,  theo Luật di sản văn hóa năm 2001 (sửa đổi, bổ sung năm 2009), di sản văn hóa bao gồm di sản văn hóa vật thể và di sản văn hóa phi vật thể. Điều 26 Luật di sản văn hóa quy định: Nhà nước tôn vinh và có chính sách đãi ngộ đối với nghệ nhân có tài năng xuất sắc, nắm giữ và có công bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể thông qua tặng, truy tặng Huân chương, danh hiệu vinh dự Nhà nước. Điều 65 dự thảo Luật quy định: Danh hiệu “Nghệ nhân nhân dân, Nghệ nhân ưu tú” để tặng hoặc truy tặng cho cá nhân có công bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể. Sửa đổi, bổ sung các tiêu chuẩn một số danh hiệu thi đua, hình thức khen thưởng: Danh hiệu Lao động tiên tiến, Chiến sĩ thi đua cơ sở, Huân chương Lao động (hạng Nhì, hạng Ba), Huân chương bảo vệ Tổ quốc (hạng Nhì, hạng Ba), Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ, Bằng khen cấp bộ, ban, ngành, tỉnh để phù hợp với Điều 27 Luật Cán bộ, công chức năm 2008 (được sửa đổi, bổ sung năm 2019).

Bên cạnh đó, trong việc lồng ghép các quy định về tổ chức bộ máy vào trong dự án Luật, theo quy định tại Điều 2 Nghị quyết số 56/2017/QH14 ngày 24/11/2017 của Quốc hội về tiếp tục cải cách tổ chức bộ máy hành chính Nhà nước tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả quy định không lồng ghép các quy định về tổ chức bộ máy, biên chế vào các luật, pháp lệnh, nghị quyết của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội không thuộc lĩnh vực tổ chức bộ máy nhà nước.

Luật Thi đua, khen thưởng hiện hành và Dự thảo Luật Thi đua, khen thưởng (sửa đổi) không có quy định về tổ chức bộ máy làm công tác thi đua, khen thưởng, chỉ quy định chức năng quản lý nhà nước về thi đua, khen thưởng của các bộ, cơ quan ngang bộ, Ủy ban nhân dân các cấp (Điều 89 dự thảo luật) và quy định về Hội đồng Thi đua - Khen thưởng các cấp  là cơ quan có chức năng tham mưu, tư vấn cho cấp ủy đảng, chính quyền về công tác thi đua, khen thưởng (Điều 90 dự thảo luật).

Bộ Nội vụ phân tích, trong nhiều năm qua, tổ chức bộ máy làm công tác thi đua, khen thưởng được Đảng và Nhà nước đặc biệt quan tâm. Bộ Chính trị đã ban hành các chỉ thị: Chỉ thị số 35 -CT/TW ngày 03/6/1998 “Về đổi mới công tác thi đua, khen thưởng trong giai đoạn mới” trong đó nêu: Kiện toàn và đổi mới tổ chức, cán bộ của các cơ quan tham mưu thi đua, khen thưởng; Chỉ thị số 39/CT-TW ngày 21/5/2004 “Về tiếp tục đổi mới, đẩy mạnh phong trào thi đua yêu nước, phát hiện, bồi dưỡng, tổng kết và nhân điển hình tiên tiến” yêu cầu: “Củng cố hệ thống tổ chức bộ máy và cán bộ làm công tác thi đua, khen thưởng theo hướng thành lập Ban Thi đua - Khen thưởng Trung ương (là cơ quan thường trực, giúp việc cho Hội đồng Thi đua - Khen thưởng Trung ương) và Ban Thi đua - Khen thưởng ở các bộ, ngành, tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, phù hợp quy định của Luật Thi đua, khen thưởng với bộ máy tinh gọn, có khả năng thực hiện tốt nhiệm vụ trong tình hình mới”; Chỉ thị 34-CT/TW ngày 07/4/2014 “Về tiếp tục đổi mới công tác thi đua, khen thưởng” trong đó nêu rõ: “Ban Cán sự Đảng Chính phủ chỉ đạo các bộ, ban, ngành, đoàn thể trung ương khẩn trương kiện toàn bộ máy làm công tác thi đua, khen thưởng các cấp nhằm tạo sự thống nhất, ổn định từ trung ương đến địa phương”. Tại Đại hội Thi đua yêu nước toàn quốc lần thứ X, Tổng Bí thư - Chủ tịch nước chỉ đạo: “Tiếp tục củng cố tổ chức, bộ máy theo hướng tinh, gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả, thống nhất từ Trung ương đến địa phương, cơ sở. Đây là nhân tố quan trọng quyết định chất lượng công tác tham mưu và kết quả triển khai tổ chức thực hiện có hiệu quả  phong trào thi đua và công tác khen thưởng trong phạm vi cả nước, góp phần thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng”.

Hiện nay, bộ máy tổ chức làm công tác thi đua, khen thưởng mặc dù đã được quan tâm nhưng thiếu ổn định, luôn có sự thay đổi, không thống nhất. Ở cấp tỉnh: Có 59/63 tỉnh, thành phố có Ban TĐKT trực thuộc Sở Nội vụ; có con dấu và tài khoản riêng; Có 04/63 tỉnh, thành phố thành lập Phòng TĐKT trực thuộc Sở Nội vụ (Đồng Tháp, Sơn La, Bắc Giang, Kon Tum); có 09/63 tỉnh, thành phố Phó Giám đốc Sở Nội kiêm Trưởng ban Thi đua - Khen thưởng tỉnh; Có 40/63 tỉnh, thành phố có Trưởng ban chuyên trách (giao phụ trách và Quyền Trưởng ban). Ở cấp bộ, ban, ngành, đoàn thể Trung ương: có 06 bộ, ngành thành lập Ban Thi đua - Khen thưởng; có 12 bộ, ngành thành lập Vụ Thi đua - Khen thưởng; có 33 bộ, ngành thành lập Phòng Thi đua - Khen thưởng; có 12 bộ, ngành bố trí cán bộ chuyên trách; có 18 bộ, ngành bố trí cán bộ kiêm nhiệm.

Trong hơn 70 năm qua, Ban Thi đua - Khen thưởng Trung ương là cơ quan tham mưu, giúp việc cho Chủ tịch nước, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Hội đồng Thi đua - Khen thưởng Trung ương về công tác thi đua, khen thưởng: Tham mưu ban hành nhiều chủ trương, chính sách quan trọng về công tác thi đua, khen thưởng; tham mưu tổ chức phát động các phong trào thi đua thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ trong thời kỳ kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ và trong thời kỳ đổi mới; tham mưu thực hiện khen thưởng thành tích kháng chiến và kinh tế, xã hội cho các tập thể, cá nhân. Từ năm 2007, Ban Thi đua - Khen thưởng Trung ương trực thuộc Bộ Nội vụ, có nhiệm vụ giúp Bộ trưởng Bộ Nội vụ quản lý nhà nước về thi đua, khen thưởng. Cơ quan làm công tác thi đua, khen thưởng ở các bộ, ngành, địa phương hoạt động còn nhiều khó khăn, bất cập. Công tác kiện toàn tổ chức chưa đi đôi với việc bố trí, phân công cán bộ và xây dựng chức danh, tiêu chuẩn cán bộ. Do bộ máy tổ chức và cán bộ làm công tác thi đua, khen thưởng thường xuyên thay đổi, không ổn định, nên việc tham mưu với cấp ủy, chính quyền về công tác thi đua, khen thưởng còn hạn chế.

Trên cơ sở các quan điểm, chủ trương của Đảng về công tác thi đua, khen thưởng (trong đó các chủ trương về tổ chức bộ máy), Bộ Nội vụ đề nghị giữ nguyên các quy định đối với cơ quan quản lý về thi đua, khen thưởng và Hội đồng Thi đua - Khen thưởng các cấp như quy định của Luật Thi đua, khen thưởng hiện hành.

Ngoài ra, về tính tương thích của nội dung dự án Luật với Điều ước quốc tế có liên quan mà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên, Bộ Nội vụ nêu rõ, Dự án Luật không có nội dung trái với điều ước quốc tế mà Nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên./.

Vũ Hà - Hồ Hương