Đoàn Đại biểu Quốc hội khóa XIV của tỉnh giám sát việc thực hiện pháp luật về phòng cháy, chữa cháy trong bảo quản, kinh doanh xăng dầu trên địa bàn tỉnh (Ảnh tư liệu)
Trong khoa học pháp lý, Quốc hội và HĐND được nhìn nhận trong cùng một hệ thống, với nhiều tính chất gần gũi và tương tự với nhau, nhưng có sự độc lập nhất định để bảo đảm sự tôn nghiêm của vị trí cơ quan dân cử.
Nhìn ngược lại, cũng cần thấy rằng phải củng cố lại mối liên hệ giữa Quốc hội và HĐND để tạo sự thống nhất trong cùng một hệ thống cơ quan, đặc biệt là tránh hiện tượng “cát cứ”, cục bộ địa phương. Nhìn từ góc độ hoạt động giám sát, chúng ta lại càng thấy được tầm quan trọng của Quốc hội, với tư cách cơ quan quyền lực nhà nước cao nhất, có chức năng giám sát tối cao đối với hoạt động của các cơ quan nhà nước trong đó có HĐND.
Chính vì vậy, trong phần phát biểu tại Lễ Tuyên thệ nhậm chức, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đã khẳng định yêu cầu: “Tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác tham mưu, giúp việc, phục vụ hoạt động của Quốc hội; công tác chỉ đạo, hướng dẫn, giám sát hoạt động của HĐND”. Bài viết này sẽ góp phần làm rõ cả về lý luận, thực trạng cũng như phương hướng thực hiện yêu cầu trên.
Cơ sở lý luận trong mối quan hệ giữa hoạt động giám sát của Quốc hội và giám sát của HĐND
Theo quy định của Hiến pháp, trong khi Quốc hội là cơ quan đại biểu cao nhất của nhân dân, cơ quan quyền lực nhà nước cao nhất của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam thì HĐND là cơ quan quyền lực nhà nước ở địa phương, đại diện cho ý chí, nguyện vọng và quyền làm chủ của nhân dân địa phương.
Nếu Quốc hội nhận quyền lực từ toàn bộ nhân dân cả nước thì HĐND chỉ nhận quyền lực từ nhân dân ở địa phương bầu ra mình. Do đó, khác với việc thẩm quyền chỉ dừng lại trong phạm vi địa phương như đối với HĐND, Quốc hội có thẩm quyền giám sát tối cao đối với mọi hoạt động của cơ quan nhà nước.
Tuy vậy, chức năng giám sát của Quốc hội lại được thực hiện không chỉ qua các hình thức giám sát tối cao thuộc thẩm quyền riêng của Quốc hội mà còn nằm trong cả các hình thức giám sát do các cơ quan của Quốc hội và cá nhân đại biểu Quốc hội thực hiện. Đối với HĐND, quy định của pháp luật hiện hành không đặt ra vấn đề giám sát tối cao của Quốc hội hay giám sát của Hội đồng Dân tộc và các Ủy ban của Quốc hội mà trực tiếp giao Ủy ban Thường vụ Quốc hội thẩm quyền giám sát, hướng dẫn hoạt động. Cơ sở lý luận cho điều này là ở chỗ:
Thứ nhất, đối tượng giám sát tối cao của Quốc hội là tầng cao nhất của bộ máy Nhà nước bao gồm Chủ tịch nước, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội, Chính phủ, Toà án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao, những người đứng đầu các cơ quan này và các thành viên của Chính phủ;
Thứ hai, Ủy ban Thường vụ Quốc hội giúp Quốc hội tổ chức thực hiện quyền giám sát tối cao theo sự phân công của Quốc hội;
Thứ ba, Hội đồng Dân tộc và các Ủy ban của Quốc hội không giám sát tới chính quyền địa phương mà chỉ nắm bắt, khảo sát, nghiên cứu tình hình và kiến nghị, yêu cầu; đồng thời xem xét báo cáo hoạt động của HĐND cấp tỉnh theo sự phân công của Ủy ban Thường vụ Quốc hội
Để cụ thể hóa thẩm quyền giám sát HĐND cấp tỉnh của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, mục 2, chương 2, Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và HĐND đã quy định các hình thức giám sát như: Xem xét báo cáo hoạt động của HĐND cấp tỉnh và xem xét nghị quyết của HĐND cấp tỉnh có dấu hiệu trái với Hiến pháp, luật, văn bản quy phạm pháp luật của cơ quan nhà nước cấp trên. Đối với việc giải quyết khiếu nại, tố cáo của HĐND, Ủy ban Thường vụ Quốc hội căn cứ vào Luật Khiếu nại, tố cáo.
Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh giám sát việc xử lý chất thải, rác thải y tế tại Bệnh viện Đa khoa huyện Bình Giang năm 2017 (Ảnh tư liệu)
Thực tiễn giám sát của Quốc hội đối với HĐND và kiến nghị
Như đã trình bày, hoạt động giám sát của Quốc hội đối với HĐND được thực hiện chủ yếu thông qua Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Trong nhiệm kỳ Quốc hội thứ XIV, đây là một công tác rất được quan tâm và đã đạt được tương đối nhiều thành tựu.
Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã ban hành Nghị quyết số 335/NQ-UBTVQH14 và Nghị quyết số 485/NQ-UBTVQH14 để triển khai công tác giám sát việc ban hành nghị quyết và hoạt động của HĐND cấp tỉnh từ đầu nhiệm kỳ (2016-2021) đến hết tháng 6.2017.
Kết quả giám sát rất khả quan, trong đó nêu lên được tình hình chung của HĐND cũng như những vấn đề còn tồn đọng như: việc ban hành nghị quyết và hoạt động của HĐND các cấp, trong quá trình thực hiện chức năng, nhiệm vụ của HĐND các cấp có lúc, có việc còn hình thức, vẫn còn những tồn tại, hạn chế như: việc tuân thủ quy trình ban hành nghị quyết chưa bảo đảm chặt chẽ theo trình tự luật định; việc tổ chức lấy ý kiến và đánh giá tác động của một số dự thảo nghị quyết còn mang tính hình thức; vẫn còn tình trạng chưa thống nhất cách hiểu về nghị quyết quy phạm pháp luật và nghị quyết cá biệt nên còn lúng túng trong xây dựng nội dung nghị quyết quy phạm pháp luật dẫn đến gửi hồ sơ đến các Ban của HĐND cấp thẩm tra còn chậm; hoạt động giám sát chuyên đề giữa hai kỳ họp, hoạt động tái giám sát của Thường trực và các ban HĐND cấp, việc theo dõi, đôn đốc thực hiện kết luận giám sát chưa được thực hiện thường xuyên.
Đồng chí Nguyễn Thị Ngọc Bích, Uỷ viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực HĐND tỉnh kiểm tra công tác phòng chống dịch tại xã Tân Tiến (Gia Lộc)
Ngoài ra, thông qua các Hội nghị Thường trực HĐND 6 khu vực trên toàn quốc thường xuyên được Ban Công tác đại biểu tổ chức; các vấn đề còn tồn tại của các địa phương đã có cơ hội được đưa ra diễn đàn để cùng trao đổi, lắng nghe ý kiến và lĩnh hội chỉ đạo từ lãnh đạo Quốc hội.
Bên cạnh đó, Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội luôn duy trì mối quan hệ chặt chẽ với HĐND, các Ban của HĐND cấp tỉnh, coi các Ban của HĐND “như cánh tay nối dài” của mình tại địa phương qua việc phối hợp tổ chức các hoạt động giám sát, khảo sát, hội nghị lấy ý kiến, tham vấn tại địa phương.
Tuy nhiên, theo chúng tôi, vẫn còn những vấn đề cần được giải quyết trong thời gian tới để tăng cường hơn nữa mối liên hệ, nhất là trong hoạt động giám sát của Quốc hội đối với HĐND:
Về hoàn thiện cơ sở pháp lý, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cần có hướng dẫn chi tiết đối với hoạt động giám sát của HĐND, tạo sự thống nhất, đồng bộ, khoa học trong hoạt động giám sát của HĐND các cấp; đồng thời xây dựng cơ chế phối hợp giám sát giữa các cơ quan của Quốc hội, Đoàn đại biểu Quốc hội và đại biểu Quốc hội với HĐND và đại biểu HĐND khi cùng thực hiện giám sát vấn đề nóng tại địa phương.
Bên cạnh việc chỉ xem xét báo cáo một cách thông thường như quy định tại khoản 2, điều 55, Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và HĐND, cần phối hợp với các hoạt động giám sát khác của MTTQ theo đúng tinh thần của Nghị quyết Đại hội XIII về việc Quốc hội cần “Thiết lập đồng bộ, gắn kết cơ chế giám sát, phản biện xã hội của MTTQ, các tổ chức chính trị - xã hội và nhân dân”.
Ngoài ra, trong trường hợp HĐND chưa làm tốt chức năng, nhiệm vụ của mình khi giám sát các vấn đề phát sinh tại địa phương, Ủy ban thường vụ Quốc hội cần có biện pháp hướng dẫn, yêu cầu báo cáo và kể cả xem xét trách nhiệm nếu có dấu hiệu bao che, buông lỏng dẫn đến hậu quả nghiêm trọng.
Công tác giám sát HĐND còn chưa thường xuyên. Trong nhiệm kỳ Quốc hội khóa XIV có một điểm nổi bật là đã tổ chức nhiều Hội nghị Thường trực HĐND các khu vực. Tuy vậy, tính chất của hội nghị không trực tiếp gắn với giám sát mà mang tính trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm và hướng dẫn nhiều hơn. Việc lập đoàn giám sát HĐND chỉ được tổ chức một lần theo Nghị quyết 335/NQ-UBTVQH14 và tới đây cần phải thực hiện thường xuyên hơn, thậm chí là định kỳ 1 năm 1 lần.
Vai trò của Đoàn đại biểu Quốc hội còn hạn chế, nhất là trong việc chủ động phối hợp với HĐND trong thực hiện quyền giám sát; nhiều đại biểu Quốc hội còn ngại va chạm khi thực hiện các thẩm quyền của mình về giám sát việc thi hành pháp luật ở địa phương, giám sát văn bản quy phạm pháp luật theo mục 4, chương II, Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và HĐND. Vì vậy, cần phải tạo ra các cơ chế thích hợp để phát huy vai trò này của các Đoàn đại biểu Quốc hội và cá nhân đại biểu Quốc hội.
Tăng cường giám sát HĐND chính là cách thức để Quốc hội có thể bảo đảm sự thống nhất trong nhận thức, hành động của các cơ quan quyền lực nhà nước; ngăn ngừa tình trạng cục bộ, sự khác nhau trong cách hiểu về pháp luật ở các địa phương. Để có thể làm được điều này, bên cạnh việc hoàn thiện cơ sở pháp lý, cần tiến hành việc giám sát một cách thường xuyên, liên tục; kết hợp nhiều hình thức giám sát cũng như phát huy vai trò tối đa của các chủ thể giám sát khác bên cạnh Ủy ban Thường vụ Quốc hội.
|
TS.NGUYỄN NGỌC SƠN
Ủy viên Thường trực, Ủy ban Khoa học - Công nghệ và Môi trường của Quốc hội |