SỬA ĐỔI LUẬT PHÒNG CHỐNG BẠO LỰC GIA ĐÌNH GÓP PHẦN XÂY DỰNG GIA ĐÌNH BÌNH ĐẲNG, TIẾN BỘ

09/07/2021

Những năm qua, Đảng và Nhà nước ta luôn dành sự quan tâm tới việc phòng, chống bạo lực gia đình. Tuy nhiên, tình trạng bạo lực gia đình vẫn còn gia tăng, làm xói mòn các giá trị văn hoá, chuẩn mực, truyền thống tốt đẹp của dân tộc, phá vỡ sự bền vững của gia đình.

Bạo lực gia đình là vấn nạn của xã hội

Gia tăng tình trạng bạo lực gia đình

Gia đình được xem là tổ ấm, nơi các thành viên gia đình tìm được sự yêu thương, chia sẻ,... Tuy nhiên, bên cạnh đó vẫn còn có rất nhiều thành viên trong gia đình thường xuyên rơi vào trạng thái bất ổn, thậm chí tử vong do bạo lực gây ra. Đơn cử, tháng 10/2020 một thanh niên ở Phú Yên cần tiền tiêu xài đã rủ bạn về giết mẹ của mình bằng hàng chục nhát dao. Trước đó, dư luận cũng phẫn nộ khi một võ sư ở Hà Nội đánh vợ đến mức phải nhập viện khi mới sinh con.

Số liệu thống kê cho thấy, từ năm 2009 - 2019, tổng số vụ bạo lực gia đình được phát hiện trên cả nước là gần 297.500 vụ. Trong đó, 32% phụ nữ từng kết hôn phải chịu bạo hành thể chất trong đời, 10% từng bị bạo hành tình dục, 54% phải chịu bạo hành tinh thần.

 Cũng theo kết quả điều tra quốc gia về bạo lực đối với phụ nữ ở Việt Nam năm 2019 trên gần 6.000 phụ nữ trong độ tuổi 15 - 64, sinh sống tại 63 tỉnh, thành phố cho thấy, gần 63% phụ nữ từng chịu ít nhất một hình thức bạo lực về thể xác, tình dục, tinh thần hay kinh tế.

Theo ông Hoa Hữu Vân, Nguyên Phó Vụ trưởng Vụ Gia đình, Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch “Ai cũng có thể trở thành nạn nhân của bạo lực gia đình và ai cũng có thể là người gây ra hành vi bạo lực gia đình đối với người là thành viên trong gia đình của mình. Gốc rễ của vấn đề này là nguyên nhân bất bình đẳng giới”.

Ông Hoa Hữu Vân, Nguyên Phó Vụ trưởng Vụ Gia đình, Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch 

 Bạo lực gia đình không chỉ nhằm vào phụ nữ mà còn nhằm vào cả trẻ em - những chủ nhân tương lai của đất nước. Năm 2020 tại Quảng Nam một bé trai mới 7 tháng tuổi đã bị người cha tàn ác ra tay đánh đến tử vong trong lúc say rượu. Tại Hà Nội, một bé gái 3 tuổi cũng bị chính mẹ đẻ và cha dượng bạo hành dã man dẫn tới tử vong. Hay một vụ việc nổi cộm khác xảy ra tại Sóc Trăng cũng khiến dư luận vô cùng phẫn nộ khi cha liên tục dùng roi vụt vào mặt bé gái 6 tuổi do bé lấy gạo đổ vào đống cát để đùa nghịch.

Số liệu thống kê cho thấy, 68,4% trẻ em trong độ tuổi từ 1-14 tuổi đã từng bị bạo hành bởi cha mẹ hoặc người chăm sóc trong gia đình. Nhiều địa phương, trẻ em bị xâm hại bởi chính người ruột thịt, người thân thích chiếm tỷ lệ cao như: Hà Tĩnh 67,6%, Hà Nội 51,9%, Bà Rịa Vũng Tàu 33%...

 “Trong thời gian vừa qua vấn đề xâm hại trẻ em trong đó có bạo lực trẻ em trong gia đình nói riêng có xu hướng diễn biến ngày càng phức tạp và đặc biệt dư luận xã hội hết sức bức xúc đối với những vụ việc bạo lực trẻ em xảy ra trong gia đình. Bởi lẽ trẻ em đáng lẽ phải được những người có trách nhiệm như cha mẹ, người chăm sóc trẻ, những người thân trong gia đình chăm sóc, giáo dục, yêu thương thì chính họ đã gây ra những vụ bạo lực rất thương tâm...” Ông Đặng Hoa Nam, Cục trưởng Cục Trẻ em, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội cho biết.

Bạo lực gia đình đã để lại nhiều nỗi đau về cả vật chất lẫn tinh thần cho người vợ, trẻ em - những nạn nhân được coi là đối tượng chịu nhiều hậu quả trực tiếp và nặng nề của bạo lực gia đình. Số liệu thống kê của Toà án nhân dân cho thấy, phần lớn các vụ án ly hôn  bắt nguồn từ bạo lực gia đình. Trong số 1.384.660 vụ án ly hôn tòa án nhân dân các cấp đã giải quyết từ năm 2008 đến năm 2018 thì có 1.060.767 vụ xuất phát từ nguyên nhân bạo lực gia đình.

Bạo lực gia đình gia tăng cho thấy đang có sự xuống cấp về đạo đức và để lại những hậu quả hết sức nghiêm trọng cả về mặt thể chất lẫn tinh thần của người bị nạn. Tuy nhiên điều đáng nói, có tới 90% số người bị bạo lực không tìm đến sự trợ giúp của chính quyền cơ quan chức năng và các tổ chức đoàn thể cơ sở mỗi khi xảy ra vấn đề bạo lực. Trước thực trạng này, vai trò của các quy định pháp luật về phòng chống bạo lực gia đình đang được đặt ra, trong đó có Luật Phòng chống bạo lực gia đình được Quốc hội thông qua vào năm 2007.

Luật Phòng, chống bạo lực gia đình bộc lộ nhiều bất cập

Ngày 21 tháng 11 năm 2007, Kỳ họp thứ 2, Quốc hội khóa XII thông qua Luật Phòng, chống bạo lực gia đình và có hiệu lực thi hành từ ngày 01 tháng 7 năm 2008. Luật gồm 6 chương, 46 điều đã thể chế hóa bảo vệ các quyền cơ bản của con người trong quá trình xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa; điều chỉnh các quan hệ gia đình và trách nhiệm của cơ quan, tổ chức trong phòng chống bạo lực gia đình.

Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cho biết, sau 13 năm triển khai và thi hành Luật Phòng, chống bạo lực gia đình, bên cạnh những thành tựu đạt được, Luật cũng bộc lộ những hạn chế như:

Chưa giải thích hoặc giải thích khái niệm nhưng còn chung chung dẫn đến chưa nhận diện được đúng, đầy đủ về hành vi bạo lực gia đình. Các quy định về thông tin, tuyên truyền trong Luật còn chưa quy định rõ về nguyên tắc, đối tượng thông tin, tuyên truyền trong Luật còn chưa quy định rõ về nguyên tắc, đối tượng thông tin, tuyên truyền; nội dung, hình thức tuyên truyền chưa phù hợp với sự phát triển của khoa học, công nghệ thông tin hiện nay.

Luật quy định về hòa giải trong phòng, chống bạo lực gia đình nhưng chưa làm rõ được tính đặc thù giữa hòa giải mâu thuẫn, tranh chấp giữa các thành viên gia đình với hòa giải mâu thuẫn, tranh chấp ngoài gia đình. Thực tế, những vụ bạo lực gia đình sau khi bị xử lý hành chính hoặc hình sự thì những mâu thuẫn, tranh chấp đang tồn tại trong gia đình cơ bản chưa được giải quyết. Vì vậy, để ngăn chặn bạo lực gia đình tái diễn thì Luật cần quy định rõ việc hòa giải các vụ việc bạo lực gia đình chỉ được thực hiện sau khi đã xử lý hành chính hoặc hình sự. Mặt khác, việc hòa giải còn mang nặng thủ tục hành chính, người tham gia hòa giải trong phòng, chống bạo lực gia đình còn hạn chế về kiến thức và kỹ năng, thậm chí vẫn còn tư tưởng định kiến nên công tác hòa giải trong phòng, chống bạo lực gia đình chưa hiệu quả.

Hội thảo lấy ý kiến Hồ sơ sửa đổi Luật Phòng, chống bạo lực gia đình

Bên cạnh đó, các thủ tục hành chính và điều kiện để xử lý vụ việc bạo lực gia đình còn khá phức tạp, nhất là quy định về viết đơn, tố cáo. Nhiều nạn nhân bạo lực gia đình ngại tiếp xúc với chính quyền vì không biết phải trình bày thế nào, thậm chí bị người gây bạo lực hoặc người trong gia đình đe dọa nếu tố cáo.

Các chính sách về xã hội hóa công tác phòng, chống bạo lực gia đình chưa rõ và chưa thu hút được sự tham gia của tổ chức, cá nhân. Các quy định của Luật cũng như các văn bản dưới Luật chưa có quy định rõ những hoạt động được hỗ trợ, mức hỗ trợ, hình thức hỗ trợ nên xã hội hóa đối với công tác phòng, chống bạo lực gia đình còn yếu. Các hoạt động thu hút vốn hỗ trợ thông qua quỹ nhằm hỗ trợ khẩn cấp các trường hợp bị bạo lực gia đình là hết sức cần thiết, song hiện nay, Luật chưa có quy định này.

Chưa có quy định cụ thể về chế độ khen thưởng, đền bù thiệt hại cho những người tham gia công tác phòng, chống bạo lực gia đình. Nhiều trường hợp người tham gia can ngăn hành vi bạo lực gia đình bị thiệt hại về tài sản, thậm chí nguy hiểm tính mạng, nhưng pháp luật hiện hành chưa có quy định về hỗ trợ khiến công tác phòng, chống bạo lực gia đình khó huy động sự tham gia của toàn xã hội. Mặt khác, những tổn thương về tâm lý, sang chấn về tâm thần khi phải tiếp xúc trực tiếp hoặc thông tin về nạn nhân bạo lực gia đình; người gây bạo lực gia đình cũng cần được xem xét, đánh giá khách quan, toàn diện để có giải pháp phù hợp nhằm hạn chế những trường hợp người tham gia phòng, chống bạo lực gia đình lại là người gây bạo lực gia đình hoặc là người bị bạo lực.

Việc cập nhật số liệu, thông tin về phòng, chống bạo lực gia đình còn yếu và thiếu độ tin cậy. Quy định báo cáo số liệu về tình hình bạo lực gia đình đang được quy định tản mạn ở nhiều văn bản khác nhau, chưa có sự thống nhất quy định về tiêu chí, biểu mẫu, cách thức và cơ quan đầu mối tổng hợp số liệu. Sự phối hợp, chia sẻ số liệu giữa các ngành còn lỏng lẻo, chưa thống nhất về phương pháp, biểu mẫu.

Theo Giáo sư Tiến sĩ Phạm Hồng Tung, Viện trưởng Viện Việt Nam học và Khoa học Phát triển, Đại học Quốc gia Hà Nội, bạo lực gia đình trong thế giới hiện đại đang có nhiều hình thức tinh vi. Ngoài bạo lực về thân thể còn có các hình thức bạo lực phi hành vi. Có khi chỉ là những ánh nhìn, có khi chỉ là sự thao túng về kinh tế hay sự áp đặt ý chí một cách vô hình bằng cách tước bỏ thời gian tự do của nhau, hay tước bỏ cơ hội phát triển của nhau. Với nhiều hình thức bạo lực khác nhau, do vậy đòi hỏi hành lang pháp lý trong thời gian tới khi sửa đổi cũng phải rất đa dạng, quy định rõ ràng hơn những hành vi bị coi là bạo lực gia đình.

Cần thiết phải sửa đổi Luật Phòng, chống bạo lực gia đình

 Trước những hạn chế của Luật phòng chống bạo lực gia đình hiện hành, tại Phiên họp thứ 57 vào ngày 14/6 vừa qua, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội cho biết sẽ cho ý kiến và thông qua Luật Phòng, chống bạo lực gia đình (sửa đổi) ở nhiệm kỳ Quốc hội Khoá XV này để tiến tới Luật đi sâu vào nhận thức của người dân, và quan trọng hơn là làm thay đổi cơ bản tình hình bạo lực gia đình trong xã hội trong thời gian tới.

Nhiều ý kiến đại biểu cho rằng việc sửa đổi bổ sung Luật Phòng, chống bạo lực gia đình sau 13 năm thi hành là hết sức cần thiết. Điều này sẽ khắc phục những hạn chế, bất cập của Luật hiện hành, đặc biệt là xử lý nghiêm người có hành vi bạo lực gia đình, người vi phạm pháp luật trong phòng, chống bạo lực gia đình. Đồng thời tăng cường các biện pháp bảo vệ, hỗ trợ nạn nhân bạo lực gia đình từ đó góp phần phát triển con người toàn diện hơn, xây dựng gia đình bình đẳng, tiến bộ, hạnh phúc.

Theo đại biểu Y Khút Niê, Đoàn ĐBQH tỉnh Đắk Lắk, để ngăn chặn bạo lực gia đình tái diễn thì Luật sửa đổi trong thời gian tới cần quy định rõ hơn việc hòa giải các vụ việc bạo lực gia đình, kể cả các vụ bạo lực gia đình đã được xử lý hành chính hoặc hình sự. Đồng thời tăng chế tài xử phạt để bảo đảm đủ tính răn đe, giáo dục người có hành vi bạo lực gia đình.

 Nhiều ý kiến cho rằng, việc sửa đổi Luật Phòng, chống bạo lực gia đình đòi hỏi Ban soạn thảo cần nghiên cứu kỹ để tránh chồng chéo hoặc không đồng nhất với các văn bản pháp Luật như Luật Bình đẳng giới và Bộ Luật hình sự. Đặc biệt, Luật chú trọng hơn đến sự phối hợp liên ngành, sự kết hợp đồng bộ của các cơ quan hữu quan để đảm bảo phòng chống bạo lực gia đình một cách hiệu quả.

Đại biểu Hoàng Thị Hoa, Đoàn ĐBQH tỉnh Bắc Giang

Đại biểu Hoàng Thị Hoa, Đoàn ĐBQH tỉnh Bắc Giang đề nghị, Luật phòng chống bạo lực gia đình đã ban hành năm 2007 tới đây cần xem xét sửa đổi, bổ sung để cho phù hợp với thực tiễn hiện nay. Cơ quan soạn thảo cần tiếp tục ra soát nội dung nào chưa phù hợp để chỉnh sửa, đặc biệt rất lưu ý là phải có sự phối hợp liên ngành, các ngành. Đây là nội dung cần phải tiếp tục thực hiện tốt hơn và tiếp tục rà soát cơ chế chính sách để có cơ chế giải pháp phù hợp nhất.

 Gia đình là tế bào của xã hội, thế nhưng trong xã hội hiện đại, những vụ bạo lực gia đình xảy ra phổ biến với nhiều hình thức tinh vi, làm xói mòn các giá trị văn hoá, chuẩn mực, truyền thống tốt đẹp của dân tộc, phá vỡ sự phát triển bền vững của gia đình. Do vậy, đại biểu Đỗ Đức Hồng Hà, Đoàn ĐBQH Tp. Hà Nội kiến nghị, việc sửa đổi, bổ sung và thông qua Luật Phòng, chống bạo lực gia đình (sửa đổi) ở nhiệm kỳ Quốc hội Khoá XV là hết sức cần thiết, phù hợp với yêu cầu của thực tiễn để tiến tới gia đình thực sự là tế bào lành mạnh của xã hội, là tổ ấm của mỗi thành viên trong gia đình. Đại biểu nhấn mạnh, cơ quan soạn thảo cần nghiên cứu đánh giá tác động một cách kỹ lưỡng; tập trung làm rõ mục đích của việc xây dựng luật; những chính sách cơ bản trong luật sửa đổi, trong đó làm rõ  việc ngăn ngừa hành vi bạo lực trong gia đình; … Đồng thời, cũng cần tiếp tục đẩy mạnh, đề cao vai trò của công tác tuyên truyền phòng, chống bạo lực gia đình trên phương tiện truyền thông đại chúng nhằm nâng cao nhận thức người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đặc biệt là người đứng đầu chính quyền cơ sở về phòng, chống bạo lực gia đình.../.

 

Lê Anh - Lê Phương