Hội nghị nhằm giới thiệu cho các ĐBQH, đại biểu về vai trò của cơ quan báo chí đối với hoạt động của cơ quan dân cử và đại biểu dân cử; các kỹ năng cơ bản khi trả lời phỏng vấn; kỹ năng viết bài phục vụ hoạt động của đại biểu… Hội nghị còn là diễn đàn để các ĐBQH, đại biểu HĐND trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm trong công tác báo chí.
Các đại biểu tham dự hội nghị đã tập trung thảo luận vào 4 chuyên đề: Tổng quan về công tác báo chí của cơ quan dân cử; xây dựng, phát triển mối quan hệ giữa đại biểu dân cử với báo chí; kỹ năng trả lời phỏng vấn của đại biểu dân cử với các phương tiện truyền thông; kỹ năng viết bài đăng trên các phương tiện thông tin đại chúng.
Cùng với tiến trình đổi mới và dân chủ, báo chí nghị trường ngày càng có vai trò quan trọng, góp phần tăng cường mối quan hệ hai chiều, sự gắn kết giữa QH, HĐND với cử tri. Thông qua báo chí có thể gợi mở cho đại biểu dân cử những vấn đề của cuộc sống đang đặt ra cần đưa ra nghị trường. Báo chí cũng là kênh cung cấp nhiều thông tin, tri thức tạo độ lan tỏa cho các kiến nghị, hành động của đại biểu, đồng thời cũng là công cụ để người dân giám sát ĐBQH và đại biểu HĐND.
Qua thực tế cho thấy, vai trò của báo chí đối với hoạt động dân cử còn một số hạn chế: báo chí phản ảnh thông tin về hoạt động giữa hai kỳ họp QH, HĐND chưa nhiều; ít thông tin về hoạt động của Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban, các ban, Đoàn ĐBQH, ít thông tin về HĐND, nhất là ngoài kỳ họp… Do đó, để tăng cường mối quan hệ hai chiều giữa đại biểu dân cử với báo chí, các ý kiến tại hội thảo đề nghị: QH, các cơ quan của QH và HĐND cần chủ động cung cấp nhiều thông tin hơn cho các cơ quan báo chí. Bên cạnh đó, nhiều ý kiến cũng đề nghị báo chí cần đưa tin bài phản ánh trung thực, khách quan, đa chiều; khai thác “trúng” những vấn đề cần ưu tiên ở QH, HĐND và được nhân dân quan tâm.