HUYỆN NGHĨA LỘ - TỈNH YÊN BÁI PHÁT HUY QUYỀN LÀM CHỦ, TRÁCH NHIỆM CỦA NHÂN DÂN

02/06/2021

Những nội dung “dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra” ở H. Nghĩa Lộ (tỉnh Yên Bái) được thực hiện bằng nhiều hình thức công khai, thông qua các kỳ họp HĐND, UBND, loa truyền thanh, niêm yết tại trụ sở UBND các xã, phường, nhà họp thôn, tổ dân phố...

 

Lãnh đạo xã Thạch Lương, thị xã Nghĩa Lộ tìm hiểu hoàn cảnh và tặng quà cho hộ nghèo thôn Nà Bàn.

Đồng chí Lò Văn Vy - Trưởng ban Dân vận, Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam thị xã Nghĩa Lộ cho biết: "Công tác lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Quy chế dân chủ (QCDC) ở cơ sở luôn được gắn với việc thực hiện các nhiệm vụ chính trị của địa phương, đơn vị; phát huy vai trò của nhân dân trong đấu tranh ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái, "tự diễn biến”, "tự chuyển hóa” trong nội bộ; nêu cao vai trò trách nhiệm của người đứng đầu cấp ủy trong tiếp dân, đối thoại trực tiếp với dân và xử lý những phản ánh, kiến nghị của nhân dân.

Đặc biệt, với 511 mô hình "dân vận khéo” được duy trì từ năm 2019 trở về trước và 310 mô hình được đăng ký xây mới trong năm 2020 được cán bộ, đảng viên, đoàn viên, hội viên, nhân dân... tham gia xây dựng sôi nổi trên các lĩnh vực, góp phần quan trọng để thị xã có sự chuyến biến tích cực trong thời gian qua”.

Nổi bật là việc thực hiện QCDC ở cơ sở tại các xã, phường. Bám sát nội dung Pháp lệnh số 34/2007/PL-UBTVQH11 về thực hiện QCDC ở xã, phường, thị trấn, các xã, phường đã quan tâm thực hiện việc phát huy quyền làm chủ của nhân dân, các nội dung dân được biết, được bàn, được kiểm tra, giám sát nhiều hơn và cụ thể hơn.

Những nội dung "dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra” được thực hiện bằng nhiều hình thức công khai, thông qua các kỳ họp HĐND, UBND, loa truyền thanh, niêm yết tại trụ sở UBND các xã, phường, nhà họp thôn, tổ dân phố... về các kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, công trình đầu tư, quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, chủ trương, kế hoạch vay vốn, phương thức, kết quả bình xét hộ nghèo, trợ cấp xã hội; mức thu các loại phí... đều được triển khai thực hiện nghiêm túc.

Những nội dung dân được bàn, biểu quyết như: hương ước, quy ước của thôn, bầu, miễn nhiệm, bãi nhiệm trưởng thôn, ban thanh tra nhân dân, ban giám sát đầu tư cộng đồng được đặc biệt quan tâm... Đến nay, các thôn, tổ dân phố xây dựng hương ước, quy ước và được UBND thị xã công nhận. Qua đó, phát huy quyền làm chủ và trách nhiệm của nhân dân trong tham gia bàn bạc, quyết định trực tiếp các chính sách an sinh xã hội.

Cùng với đó, UBND các xã, phường tiếp tục đẩy mạnh cải cách hành chính đồng bộ trên nhiều lĩnh vực theo hướng dân chủ, công khai, minh bạch, từng bước phát huy vai trò của nhân dân tham gia quản lý xã hội.

Thông qua các buổi tiếp xúc cử tri, các buổi họp thôn, tổ dân phố..., cấp ủy, chính quyền cơ sở đã tổ chức đối thoại trực tiếp với nhân dân và trả lời những kiến nghị, thắc mắc của người dân. Việc giải quyết đơn thư khiếu nại, tố cáo của công dân được quan tâm lãnh đạo, giải quyết kịp thời, thực hiện tốt việc tiếp nhận, xử lý phản ánh, kiến nghị của nhân dân; tích cực tham gia công tác hòa giải các tranh chấp, khiếu kiện của công dân tại cơ sở.

Đồng chí Bùi Đình Vượng - Bí thư Đảng ủy xã Thạch Lương cho biết: "Từ thực hiện tốt QCDC ở cơ sở, nên tình hình nhân dân ổn định, chấp hành tốt các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, các quy định của địa phương. Trong 4 tháng năm 2021, không có đơn thư khiếu nại, tố cáo của tổ chức, cá nhân gửi đến cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương và không có đơn thư khiếu nại, tố cáo vượt cấp”.

Cũng từ thực hiện nghiêm túc QCDC ở cơ sở, nên các xã, phường thực hiện các chính sách an sinh xã hội đảm bảo nghiêm túc, đầy đủ. Qua việc thực hiện Nghị quyết số 42/NQ-CP ngày 9/4/2020 của Chính phủ về các biện pháp hỗ trợ người dân gặp khó khăn do dịch Covid-19, các xã, phường đã phối hợp với Phòng Lao động - Thương binh & Xã hội thị xã rà soát các đối tượng bị mất việc làm, hộ nghèo, hộ cận nghèo bị ảnh hưởng trên toàn thị xã và hỗ trợ trên 471 triệu đồng cho người có công, trên 2,3 tỷ đồng cho đối tượng bảo trợ xã hội; trên 7,7 tỷ đồng cho người thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo; 145 triệu đồng cho lao động mất việc làm với tổng kinh phí trên 10,6 tỷ đồng.

Qua thực hiện QCDC ở các xã, phường, tính công khai, dân chủ được thể hiện rõ trong huy động sự đóng góp tích cực của nhân dân tham gia các hoạt động, các phong trào thi đua yêu nước và phát huy dân chủ, trí tuệ nội lực của nhân dân vào phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo an ninh trật tự, an toàn xã hội các xã, phường. Đặc biệt, các chương trình xây dựng nông thôn mới, "Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”... đã góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng - an ninh; nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân./.

Theo Báo điện tử Yên Bái