Tham dự buổi gặp mặt còn có Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Tòng Thị Phóng; Tổng thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc; Chủ tịch Hội đồng Dân tộc của Quốc hội Hà Ngọc Chiến; Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Đỗ Văn Chiến; đại diện lãnh đạo các cơ quan hữu quan, cùng 100 đại biểu tiêu biểu dự Đại hội đại biểu toàn quốc các dân tộc thiểu số lần thứ II.
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân gặp mặt Đoàn đại biểu tiêu biểu dự Đại hội đại biểu toàn quốc các dân tộc thiểu số lần thứ II
Đại hội đại biểu toàn quốc các dân tộc thiểu số Việt Nam lần thứ II năm 2020 diễn ra từ ngày 2-4/12/2020 với sự tham gia của 1592 đại biểu chính thức đại diện đủ 54 dân tộc, cùng 280 đại biểu khách mời. Đây là sự kiện chính trị quan trọng, là ngày hội lớn mang tính chính trị, xã hội sâu sắc, kết nối, lan tỏa sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc.
Với chủ đề: "Dưới lá cờ vẻ vang của Đảng, các dân tộc bình đẳng, đoàn kết, tôn trọng, giúp đỡ nhau, phát huy nội lực cùng phát triển với đất nước", Đại hội đánh giá những thành tựu, kết quả thực hiện chính sách dân tộc, công tác dân tộc giai đoạn 2010-2020, từ đó rút ra những bài học kinh nghiệm, tiếp tục hoàn thiện chính sách dân tộc, đề xuất phương hướng, mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp trong công tác dân tộc giai đoạn 2021 - 2030. Đại hội là diễn đàn giao lưu, học tập, trao đổi kinh nghiệm giữa các dân tộc, đồng thời là đợt sinh hoạt chính trị, xã hội sâu rộng nhằm nâng cao nhận thức, củng cố niềm tin, sự đồng thuận của đồng bào các dân tộc dưới sự lãnh đạo của Đảng. Đây cũng là cơ hội ghi nhận công lao đóng góp to lớn của đồng bào các dân tộc thiểu số trong công cuộc xóa đói giảm nghèo, xây dựng nông thôn mới, phát triển cơ sở hạ tầng, thực hiện chính sách dân tộc, xây dựng, bảo vệ Tổ quốc, hội nhập quốc tế.
Phát biểu tại buổi gặp mặt, thay mặt Lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Ủy ban Thường vụ Quốc hội và với tình cảm cá nhân, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đã gửi lời thăm hỏi ân cần và tình cảm thân thiết nhất tới các vị đại biểu ưu tú của 54 dân tộc; lời chúc Đại hội đại biểu dân tộc thiểu số toàn quốc lần thứ II và hơn 14,2 triệu đồng bào các dân tộc thiểu số trên phạm vi cả nước sức khỏe, hạnh phúc và thành công.
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân khẳng định chủ trương nhất quán của Đảng, Nhà nước ta là: Công tác dân tộc là vấn đề chiến lược cơ bản, lâu dài; cấp bách; là nhiệm vụ của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân, của cả hệ thống chính trị. Nguyên tắc căn bản nhất của công tác dân tộc là: Các dân tộc bình đẳng, đoàn kết, tôn trọng và giúp nhau cùng phát triển; nghiêm cấm mọi hành vi kỳ thị, chia rẽ dân tộc. Nhà nước thực hiện chính sách phát triển toàn diện và tạo điều kiện để tất cả các dân tộc thiểu số phát huy nội lực, cùng phát triển với đất nước. Đây là nguyên tắc được quy định tại Điều 5 Hiến pháp năm 2013.
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân khẳng định chủ trương nhất quán của Đảng, Nhà nước ta là Công tác dân tộc là vấn đề chiến lược cơ bản, lâu dài; cấp bách
Với tinh thần đó, trong giai đoạn vừa qua mặc dù đất nước còn gặp nhiều khó khăn nhưng Trung ương Đảng, Quốc hội, Chính phủ; các cấp, các ngành từ trung ương đến cơ sở đã dành nguồn lực đầu tư phát triển kinh tế, xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi. Đã đạt được nhiều kết quả quan trọng, toàn diện trên các lĩnh vực, một số kết quả nổi bật. Kết cấu hạ tầng kinh tế, xã hội ở địa bàn đặc biệt khó khăn được quan tâm đầu tư đồng bộ hơn. Công cuộc xóa đói giảm nghèo đạt kết quả ấn tượng, là một điểm sáng được dư luận trong nước và quốc tế đánh giá cao. Sự nghiệp giáo dục, đào tạo và dạy nghề ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi đã đạt được kết quả đáng khích lệ cả về quy mô, mạng lưới và chất lượng. Công tác xóa mù chữ, chống tái mù chữ đạt kết quả tốt. Sự nghiệp y tế, chăm sóc sức khỏe Nhân dân được chú trọng, phát triển cả về mạng lưới, trang thiết bị và đội ngũ; chất lượng khám chữa bệnh đáp ứng ngày càng tốt hơn nhu cầu của Nhân dân. Công tác bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa tốt đẹp của các dân tộc thiểu số đạt được kết quả rõ nét hơn; bản sắc văn hóa truyền thống của các dân tộc ngày càng được bảo toàn và phát triển.
Cùng với đó, quốc phòng, an ninh được tăng cường, không để xảy ra các điểm nóng về an ninh trật tự. Đồng bào tích cực tham gia các phong trào giữ gìn an ninh trật tự, xây dựng nếp sống mới ở các buôn làng. Vai trò của các già làng trưởng bản ngày càng được phát huy. Phát triển đảng viên là người dân tộc thiểu số được quan tâm; đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức là người dân tộc thiểu số phát triển cả số lượng và chất lượng, đáp ứng ngày càng tốt hơn yêu cầu của thực tiễn.
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cho biết, sức mạnh đại đoàn kết các dân tộc không ngừng được củng cố và tăng cường, niềm tin của đồng bào đối với Đảng và Nhà nước được nâng lên rõ rệt. Việc phòng chống đại dịch Covid-19 và khắc phục hậu quả thảm họa thiên tai, bão lũ, sạt lở đất vừa qua, trong hoạn nạn, đau thương, mất mát, hơn bao giờ hết chúng ta càng trân quý sức mạnh đoàn kết, chia sẻ, đùm bọc, tình đồng chí, nghĩa đồng bào.
Chủ tịch Quốc hội dẫn lại lời của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng đã đúc rút ra từ thực tiễn: Đất nước ta chưa bao giờ có được cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín như ngày nay. Đó là công lao của toàn Đảng, toàn quân, toàn dân ta. Trong đó, có sự đóng góp không nhỏ của cán bộ, đảng viên và đồng bào dân tộc thiểu số. Chủ tịch Quốc hội ghi nhận, biểu dương và đánh giá cao đồng bào các dân tộc thiểu số cả nước đã đóng góp xứng đáng công sức của mình vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc giai đoạn vừa qua.
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cùng Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Tòng Thị Phóng trao quà tặng các đại biểu
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cho biết, vừa qua, Đại hội Đảng bộ các cấp đã thành công rất tốt đẹp, Bộ Chính trị đã chỉ đạo tổng kết, đánh giá đúng đắn kết quả đạt được, nguyên nhân và bài học kinh nghiệm. Đồng thời, tập trung chỉ đạo chuẩn bị thật tốt để Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng sẽ đưa ra chủ trương, đường lối lớn, mở ra một thời kỳ phát triển mới của đất nước.
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đề nghị trong thời gian tới cần triển khai thực hiện tốt hơn nữa một số nhiệm vụ:
Thứ nhất, các đại biểu ưu tú sẽ là hạt nhân tích cực lan tỏa, truyền cảm hứng để xây dựng khối đại đoàn kết các dân tộc vững mạnh hơn. Đó là cội nguồn sức mạnh, là truyền thống quý báu của dân tộc ta, được bao thế hệ cha anh bền bỉ vun đắp; từ đó khơi dậy khát vọng xây dựng đất nước ta phát triển phồn thịnh, hạnh phúc.
Thứ hai, phải tập trung cao độ, triển khai thực hiện thật tốt Đề án tổng thể và Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế, xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, giai đoạn 2021-2030. Qua đó, góp phần giải quyết căn cơ yêu cầu bức thiết về đời sống của đồng bào dân tộc thiểu số. Đẩy mạnh phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo, tạo sinh kế, nâng cao thu nhập cho người dân; thu hẹp dần khoảng cách về mức sống và trình độ phát triển so với những vùng khác; phấn đấu giảm dần tiến tới không còn địa bàn đặc biệt khó khăn vào năm 2030.
Thứ ba, phải cùng nhau làm tốt hơn nữa phong trào toàn dân bảo vệ an ninh tổ quốc, cùng với các cơ quan chức năng giữ vững chủ quyền an ninh biên giới quốc gia, xây dựng biên giới hòa bình, hữu nghị, hợp tác phát triển; cùng nhau lên án và chặn đứng tệ nạn khai thác, chặt phá rừng trái phép. Đảng và Nhà nước sẽ tiếp tục chỉ đạo nghiên cứu để ban hành cơ chế, chính sách phù hợp hơn với thực tế; từng bước để đồng bào có thu nhập tốt hơn, đảm bảo lợi ích nhiều mặt từ bảo vệ và phát triển rừng.
Thứ tư, cùng với phát triển kinh tế, xã hội, xóa đói giảm nghèo, phải đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa mới, xóa bỏ các hủ tục lạc hậu, mê tín dị đoan. Đặc biệt phải kiên quyết bài trừ nạn tảo hôn và hôn nhân cận huyết, phòng chống bệnh tật để nâng cao thể trạng, trí tuệ và tầm vóc con cháu chúng ta.
Thứ năm, bảo tồn, phát triển văn hóa của các dân tộc kết hợp với phát triển du lịch cộng đồng để tạo động lực cho phát triển kinh tế - xã hội, góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống của đồng bào.
Thứ sáu, phải thường xuyên nhắc nhớ lời dạy thiêng liêng của Bác Hồ muôn vàn kính yêu: “Đồng bào Kinh hay Thổ, Mường hay Mán, Jrai hay Ê đê, Xơ đăng hay Ba na và các dân tộc thiểu số khác đều là con cháu Việt Nam, đều là anh em ruột thịt. Chúng ta sống chết có nhau, sướng khổ cùng nhau, no đói giúp nhau... chúng ta phải thương yêu nhau, kính trọng nhau, phải giúp đỡ nhau để mưu cầu hạnh phúc. Sông có thể cạn, núi có thể mòn, nhưng lòng đoàn kết của chúng ta không bao giờ giảm bớt”. Từ đó, mỗi một suy nghĩ, hành động của chúng ta đều phải hướng tới củng cố, tăng cường khối đại đoàn kết các dân tộc, nâng lên tầm cao mới; kết nối đồng bào các dân tộc trên mọi miền đất nước, cùng với toàn Đảng, toàn quân, toàn dân xây dựng đất nước ta ngày càng phát triển vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh.
Tại buổi gặp mặt, các đại biểu bày tỏ vui mừng được về Thủ đô dự Đại hội, cảm kích trước tình cảm của lãnh đạo Đảng, Nhà nước, lãnh đạo Quốc hội đã dành thời gian gặp mặt Đoàn, thể hiện sự quan tâm đặc biệt của lãnh đạo Đảng, Nhà nước đối với đồng bào các dân tộc thiểu số trên mọi miền Tổ quốc.
Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Đỗ Văn Chiến phát biểu tại buổi gặp mặt
Các đại biểu cũng chia sẻ Đại hội đại biểu toàn quốc các dân tộc thiểu số Việt Nam là sự kiện chính trị lớn, quan trọng trong đời sống đồng bào các dân tộc. Đại hội lần này càng có ý nghĩa khi được tổ chức đúng thời điểm Quốc hội vừa ban hành Nghị quyết số 88/2019/QH14 về Phê duyệt Đề án tổng thể phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030 và Nghị quyết số 120/2020/QH14 về Phê duyệt chủ trương đầu tư Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2030 và càng đặc biệt hơn khi đồng bào các dân tộc thiểu số, miền núi chuẩn bị cho Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ 13 của Đảng.
Các đại biểu khẳng định Đại hội đại biểu toàn quốc các dân tộc thiểu số Việt Nam lần này là cơ hội tốt, 10 năm mới tổ chức một lần để các dân tộc thiểu số trong cả nước được giao lưu học hỏi về kinh nghiệm trong tập hợp, xây dựng khối đại đoàn kết các dân tộc, trong xây dựng và phát triển ở mỗi địa phương. Đây cũng là dịp để cộng đồng các dân tộc thiểu số thể hiện tinh thần đoàn kết keo sơn trong đại gia đình 54 dân tộc anh em; thể hiện niềm tin son sắc với Đảng, tin tưởng tuyệt đối vào sự lãnh đạo của Đảng, Nhà nước, sự nghiệp cách mạng mà Đảng, Bác Hồ và Nhân dân ta đã lựa chọn; thể hiện quyết tâm chính trị cao nhất cùng với Đảng, Nhà nước, cấp ủy chính quyền địa phương triển khai thực hiện tốt nhất, hiệu quả nhất Nghị quyết của Quốc hội và Nghị quyết của Đảng đem lại cuộc sống ấm no cho đồng bào, giữ vững biên cương.
Bên cạnh đó, các đại biểu cho rằng Nghị quyết số 88/2019/QH14 và Nghị quyết số 120/2020/QH14 của Quốc hội là chương trình lớn và toàn diện, thể hiện rõ nét tính tập trung, căn cơ và không dàn trải, phù hợp với tâm nguyện của đồng bào. Quốc hội, Chính phủ đang dự kiến nguồn vốn lớn nhất từ trước đến nay để đầu tư thực hiện chương trình để thúc đẩy phát triển mạnh mẽ hơn và bền vững cho vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi trong 10 năm tới. Đây thực sự là cơ hội lớn cho vùng đồng bào dân tộc và miền núi phát triển. Các đại biểu biểu cũng cam kết sẽ chủ động quyết tâm quyết liệt tận dụng tốt cơ hội thực hiện tốt hiệu quả Chương trình ở mỗi địa phương.
Thay mặt các đại biểu, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Đỗ Văn Chiến bày tỏ trân trọng tình cảm của lãnh đạo Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội; đồng thời tiếp thu ý kiến và cho biết Ban tổ chức đại hội sẽ triển khai cụ thể để cùng đồng bào gắng sức thực hiện, hiện thực hóa chỉ đạo vừa mang tầm chiến lược vừa cụ thể sát thực tiễn của Chủ tịch Quốc hội. Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Đỗ Văn Chiến cho biết sẽ tổ chức thành công Đại hội đại biểu toàn quốc các dân tộc thiểu số Việt Nam lần thứ II, qua đó, vun đắp tinh thần đại đoàn kết dân tộc lên tầm cao mới; khẳng định 14,2 triệu đồng bào nguyện siết chặt tay nhau một lòng một dạ theo Đảng cùng quân và dân cả nước đồng lòng chung sức xây dựng Tổ quốc ngày càng phát triển vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng văn minh.
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cùng các đại biểu dự Đại hội đại biểu toàn quốc các dân tộc thiểu số lần thứ II
Trước đó, trong sáng ngày 03/12, Đoàn 100 đại biểu dự Đại hội do Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình làm Trưởng đoàn đã dâng hương tại Đền thờ các Vua Hùng tại tỉnh Phú Thọ. Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Tòng Thị Phóng dẫn đầu Đoàn đại biểu Đại hội toàn quốc các dân tộc thiểu số Việt Nam lần thứ II đã đặt vòng hoa và vào Lăng viếng Chủ tịch Hồ Chí Minh, viếng Đài tưởng niệm Anh hùng Liệt sỹ Bắc Sơn, thăm nhà sàn Bác Hồ, thăm Phủ Chủ tịch./.