Trình bày báo cáo thẩm tra dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về tổ chức chính quyền đô thị tại Thành phố Hồ Chí Minh, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng nêu rõ Ủy ban Pháp luật tán thành sự cần thiết ban hành Nghị quyết để quy định về tổ chức chính quyền đô thị tại Thành phố Hồ Chí Minh nhằm cụ thể hóa các quy định mới của Luật Tổ chức chính quyền địa phương được sửa đổi, bổ sung theo Luật số 47/2019/QH14 về chính quyền địa phương ở quận, phường, tạo điều kiện thuận lợi cho sự phát triển của Thành phố.
Quốc hội thảo luận trực tuyến về dự thảo Nghị quyết về tổ chức chính quyền đô thị tại Thành phố Hồ Chí Minh.
Ủy ban Pháp luật cũng cho rằng, để triển khai thực hiện tổ chức chính quyền đô thị tại Thành phố Hồ Chí Minh từ ngày 01/7/2021, Nghị quyết của Quốc hội cần có hiệu lực thi hành từ ngày 01/01/2021. Vì vậy, việc Chính phủ trình Quốc hội ban hành Nghị quyết này tại kỳ họp thứ 10 theo trình tự, thủ tục rút gọn là phù hợp. Hồ sơ của dự thảo Nghị quyết cơ bản phù hợp với quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật về việc trình dự thảo Nghị quyết theo trình tự, thủ tục rút gọn.
Tạo cơ sở pháp lý để Thành phố có thể triển khai ngay mô hình chính quyền đô thị từ nhiệm kỳ sắp tới
Về tên gọi, phạm vi và nội dung của dự thảo Nghị quyết, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng cho biết trong quá trình thẩm tra của Ủy ban Pháp luật còn có 02 loại ý kiến khác nhau.
Theo đó, loại ý kiến thứ nhất tán thành trình Quốc hội ban hành Nghị quyết về tổ chức chính quyền đô thị tại Thành phố Hồ Chí Minh để thực hiện ngay từ ngày 01/7/2021 mà không qua thí điểm như Chính phủ trình. Nhóm ý kiến này cho rằng, việc ban hành Nghị quyết này là phù hợp với quy định của Luật Tổ chức chính quyền địa phương đã được sửa đổi, bổ sung năm 2019. Chính quyền địa phương ở quận, phường là cấp chính quyền địa phương, trừ trường hợp cụ thể Quốc hội quy định không phải là cấp chính quyền địa phương.
Mặt khác, Thành phố Hồ Chí Minh là một trong 10 địa phương trước đây đã thực hiện thí điểm không tổ chức Hội đồng nhân dân huyện, quận, phường theo Nghị quyết số 26/2008/QH12 của Quốc hội; kết quả thí điểm cho thấy việc không tổ chức Hội đồng nhân dân ở quận, phường là phù hợp với mô hình chính quyền đô thị, được Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Thành phố ủng hộ. Đây là cơ sở thực tiễn quan trọng để Quốc hội có thể cho phép Thành phố được chính thức thực hiện mô hình tổ chức chính quyền đô thị mới mà không cần phải tiếp tục thí điểm để bảo đảm tính ổn định, lâu dài, tạo sự yên tâm đối với các cấp chính quyền ở Thành phố cũng như cộng đồng doanh nghiệp, các nhà đầu tư và người dân nói chung. Điều này cũng phù hợp với chủ trương của Đảng về việc “không mở rộng thí điểm mô hình tổ chức mới và kiêm nhiệm chức danh”.
Loại ý kiến thứ hai đề nghị Quốc hội xem xét, ban hành Nghị quyết về thực hiện thí điểm tổ chức mô hình chính quyền đô thị tại Thành phố Hồ Chí Minh tương tự như đã quyết định đối với thành phố Hà Nội và Đà Nẵng. Việc thực hiện thí điểm vẫn tạo cơ sở pháp lý để Thành phố Hồ Chí Minh có thể triển khai tổ chức chính quyền đô thị ngay từ nhiệm kỳ sắp tới, đồng thời cũng thể hiện tính thận trọng khi xem xét, quyết định các vấn đề có liên quan đến tổ chức bộ máy nhà nước.
Theo Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng, Ủy ban Pháp luật nhận thấy, việc đổi mới mô hình chính quyền đô thị tại Thành phố Hồ Chí Minh là vấn đề quan trọng và cấp bách, là yếu tố có thể thúc đẩy, tạo bước chuyển lớn cho sự tăng trưởng kinh tế và phát triển nói chung của Thành phố. Dù Nghị quyết của Quốc hội cho phép Thành phố thực hiện chính thức hay thí điểm thì đều là cơ sở pháp lý cần thiết để Thành phố có thể triển khai ngay mô hình chính quyền đô thị từ nhiệm kỳ sắp tới. Các ý kiến cũng cho rằng, trong trường hợp Quốc hội ban hành Nghị quyết về tổ chức chính quyền đô thị tại Thành phố Hồ Chí Minh như Chính phủ trình thì sau 03 năm triển khai (đến năm 2023), Chính phủ vẫn cần sơ kết, đánh giá kết quả thực hiện Nghị quyết để trên cơ sở đó, cùng với việc sơ kết thực hiện thí điểm tổ chức mô hình chính quyền đô thị tại thành phố Hà Nội và Đà Nẵng, tiếp tục đề xuất hoàn thiện các mô hình chính quyền đô thị nếu cần thiết và nghiên cứu, trình Quốc hội sửa đổi Luật Tổ chức chính quyền địa phương hoặc ban hành luật về tổ chức chính quyền đô thị để áp dụng chung, bảo đảm giá trị pháp lý, hiệu lực của văn bản cũng như tính đồng bộ, thống nhất của hệ thống pháp luật.
Xử lý thỏa đáng việc đổi mới phương thức hoạt động của Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân
Ủy ban Pháp luật nhận thấy, trong quá trình Quốc hội xem xét, quyết định chủ trương thí điểm tổ chức mô hình chính quyền đô thị tại thành phố Hà Nội và Đà Nẵng, một số nội dung như việc đổi mới phương thức hoạt động của Hội đồng nhân dân thành phố, tăng cường cơ chế giám sát, kiểm soát quyền lực ở những nơi không tổ chức Hội đồng nhân dân, tên gọi của cơ quan hành chính ở quận, phường (Ủy ban nhân dân hay Ủy ban hành chính), cơ quan chuyên môn thuộc Uỷ ban nhân dân quận,... chưa có phương án xử lý thật sự thuyết phục, triệt để mà vẫn cần được tiếp tục nghiên cứu, đánh giá để có những chỉnh sửa, bổ sung phù hợp sau khi thực hiện thí điểm. Do đó, khi Chính phủ đề nghị Quốc hội ban hành Nghị quyết về tổ chức chính quyền đô thị tại Thành phố Hồ Chí Minh để thực hiện ổn định, lâu dài thì cũng cần rà soát để có những quy định cụ thể hơn trong dự thảo Nghị quyết này nhằm xử lý thỏa đáng các vấn đề nói trên.
Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng trình bày báo cáo
Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng chỉ rõ, về Hội đồng nhân dân và nhiệm vụ, quyền hạn của Hội đồng nhân dân, Uỷ ban nhân dân Thành phố, dự thảo Nghị quyết chưa đề ra được những giải pháp đổi mới thiết thực liên quan đến tổ chức cũng như phương thức hoạt động của Hội đồng nhân dân Thành phố trong bối cảnh Thành phố không tổ chức Hội đồng nhân dân ở tất cả các quận, phường trực thuộc. Vì vậy, đề nghị Chính phủ cần nghiên cứu, đề xuất cụ thể việc đổi mới tổ chức và hoạt động của Hội đồng nhân dân Thành phố để nâng cao hiệu lực, hiệu quả, bảo đảm thực hiện tốt chức năng đại diện của người dân và việc kiểm soát quyền lực đối với chính quyền ở quận, phường.
Ngày 09/10/2020, Chính phủ đã có Báo cáo số 491/BC-CP sơ kết 03 năm thực hiện Nghị quyết số 54/2017/QH14 của Quốc hội về thí điểm cơ chế, chính sách đặc thù phát triển Thành phố Hồ Chí Minh, trong đó kiến nghị Quốc hội cho phép Thành phố tiếp tục thực hiện theo Nghị quyết số 54/2017/QH14. Qua rà soát, Ủy ban Pháp luật thấy rằng, trong Nghị quyết số 54/2017/QH14 có một số nội dung liên quan đến nhiệm vụ, quyền hạn của HĐND, UBND tại các đơn vị hành chính của Thành phố như việc phân quyền, phân cấp về tài chính - ngân sách, quản lý đất đai, đầu tư công… Vì vậy, nếu các chính sách trong Nghị quyết số 54/2017/QH14 thực sự có hiệu quả thì cần quy định ngay trong Nghị quyết về tổ chức chính quyền đô thị tại Thành phố Hồ Chí Minh để thực hiện ổn định, lâu dài, bảo đảm tính thống nhất, tránh mâu thuẫn, chồng chéo trong việc thực hiện các luật, nghị quyết của Quốc hội.
Bên cạnh đó, Ủy ban Pháp luật cũng đề nghị xem xét lại quy định về thẩm quyền quyết định về ngân sách nhà nước của Hội đồng nhân dân Thành phố để bảo đảm tính chính xác; việc giao Uỷ ban nhân dân Thành phố quyết định một số nội dung liên quan đến đầu tư công để bảo đảm tính thống nhất với Luật Đầu tư công.
Đổi tên Ủy ban nhân dân thành Ủy ban hành chính để bảo đảm đúng tính chất
Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng cho biết, nhiều ý kiến thành viên Ủy ban Pháp luật cho rằng, Ủy ban nhân dân theo quy định của Hiến pháp và Luật Tổ chức chính quyền địa phương có sự khác biệt cơ bản về địa vị pháp lý, tính chất, cơ cấu tổ chức và phương thức hoạt động so với cơ quan hành chính trong trường hợp không tổ chức Hội đồng nhân dân. Do đó, loại ý kiến này đề nghị đổi tên gọi của Ủy ban nhân dân quận, phường trong dự thảo Nghị quyết thành Ủy ban hành chính để phù hợp với tính chất của cơ quan này. Bên cạnh đó, một số ý kiến tán thành việc giữ tên gọi của cơ quan hành chính ở quận, phường là Ủy ban nhân dân để bảo đảm tính ổn định, không làm phát sinh thủ tục, chi phí liên quan đến việc thay đổi tên gọi.
Một số ý kiến trong Ủy ban Pháp luật đề nghị rà soát lại một số nội dung liên quan đến nhiệm vụ, quyền hạn của Chủ tịch Uỷ ban nhân dân quận trong việc quyết định chủ trương đầu tư chương trình, dự án nhóm B, nhóm C sử dụng vốn ngân sách của quận, phường trực thuộc; phê duyệt kế hoạch đầu tư công trung hạn và hằng năm, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của Uỷ ban nhân dân phường trực thuộc cũng như cách thức quy định về nhiệm vụ của Uỷ ban nhân dân và Chủ tịch Uỷ ban nhân dân quận, phường.
Đề nghị bổ sung cơ chế, chính sách đặc thù, vượt trội hơn cho chính quyền thành phố
Hiện nay Chính phủ đã đồng ý về chủ trương xây dựng Đề án thành lập thành phố Thủ Đức là thành phố thuộc Thành phố Hồ Chí Minh với mục tiêu tạo bước đột phá, làm hạt nhân, cực tăng trưởng mới thúc đẩy phát triển kinh tế Thành phố Hồ Chí Minh và vùng kinh tế trọng điểm phía Nam; Hội đồng nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh đã biểu quyết thông qua chủ trương này. Vì vậy, việc dự thảo Nghị quyết quy định về nhiệm vụ, quyền hạn của chính quyền thành phố thuộc Thành phố Hồ Chí Minh là phù hợp, tạo cơ sở pháp lý để khi Thành phố Hồ Chí Minh được cấp có thẩm quyền thành lập thành phố trực thuộc có cơ sở xem xét, áp dụng. Tuy nhiên, phần liên quan đến tổ chức chính quyền tại thành phố thuộc Thành phố Hồ Chí Minh trong dự thảo Nghị quyết vẫn chưa có sự khác biệt so với các đơn vị hành chính cấp huyện hiện nay, chưa có sự đổi mới để nâng cao hơn nữa vị thế, thẩm quyền của chính quyền thành phố trực thuộc để có thể đáp ứng được yêu cầu, mục tiêu nói trên. Do đó, đề nghị Chính phủ nghiên cứu, bổ sung những quy định mới, cơ chế, chính sách đặc thù, vượt trội hơn cho chính quyền thành phố trực thuộc so với chính quyền ở các quận để có thể đáp ứng được mục tiêu và kỳ vọng đã đặt ra.
Sau khi nghe trình bày báo cáo, Quốc hội tiến hành thảo luận trực tuyến về nội dung này./.