THẨM TRA ĐỀ NGHỊ CỦA CHÍNH PHỦ VỀ MỨC PHẠT TIỀN TỐI ĐA TRONG XỬ LÝ VI PHẠM HÀNH CHÍNH ĐỐI VỚI MỘT SỐ LĨNH VỰC VỀ NÔNG NGHIỆP

01/09/2020

Theo chương trình phiên họp toàn thể lần thứ 29, sáng 01/9, dưới sự chủ trì của Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng, Ủy ban Pháp luật thẩm tra đề nghị của Chính phủ về mức phạt tiền tối đa trong xử phạt vi phạm hành chính đối với một số lĩnh vực về nông nghiệp và phát triển nông thôn.

Tham dự phiên họp còn có Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Phùng Đức Tiến, các Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật, Ủy viên thường trực Ủy ban Pháp luật tham dự phiên họp từ Nhà Quốc hội; các thành viên khác của Ủy ban Pháp luật, đại diện Thường trực Hội đồng Dân tộc và các Ủy ban của Quốc hội tham dự phiên họp trực tuyến.

Đề nghị quy định mức phạt tiền tối đa ở các lĩnh vực mới chưa có quy định

Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Phùng Đức Tiến cho biết, thực hiện Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật, Luật Trồng trọt, Luật Chăn nuôi, Chính phủ đã giao Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì xây dựng Nghị định quy định xử phạt vi phạm hành chính về chăn nuôi và Nghị định quy định xử phạt vi phạm hành chính về trồng trọt. Tuy nhiên, trong quá trình xây dựng các Nghị định trên, một số lĩnh vực như hoạt động chăn nuôi; sản xuất, kinh doanh sản phẩm xử lý chất thải chăn nuôi trong lĩnh vực chăn nuôi; canh tác trong lĩnh vực trồng trọt chưa có quy định mức phạt tiền tối đa tại Luật Xử lý vi phạm hành chính. Do đó Chính phủ trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho phép quy định mức phạt tiền tối đa đối với các lĩnh vực mới chưa được quy định.

Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Phùng Đức Tiến phát biểu tại phiên họp

Theo đó, Chính phủ xin ý kiến Ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc quy định mức phạt tiền tối đa đối với cá nhân trong 03 lĩnh vực mới về chăn nuôi và trồng trọt, cụ thể gồm: “hoạt động chăn nuôi” với mức phạt tối đa là 50 triệu đồng, “sản xuất, kinh doanh sản phẩm xử lý chất thải chăn nuôi” với mức phạt tối đa là 100 triệu đồng và  “canh tác” với mức phạt tối đa là 50 triệu đồng.

Lý giải cho các đề xuất của Chính phủ, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Phùng Đức Tiến nêu rõ, hoạt động chăn nuôi liên quan chặt chẽ với hoạt động sản xuất, kinh doanh giống vật nuôi. Điều 22, Điều 23 Luật Chăn nuôi quy định tổ chức, cá nhân sản xuất, mua bán giống vật nuôi phải đáp ứng các điều kiện của hoạt động chăn nuôi. Theo đó, một số hành vi vi phạm trong sản xuất, kinh doanh giống vật nuôi được điều chỉnh tương ứng với hành vi trong hoạt động chăn nuôi như chuồng trại, trang thiết bị phù hợp với từng loại vật nuôi; không được sử dụng chất cấm trong chăn nuôi; phải lưu giữ, cập nhật đầy đủ hồ sơ để bảo đảm truy xuất nguồn gốc...Do đó, Chính phủ đề nghị quy định mức phạt tiền tối đa lĩnh vực hoạt động chăn nuôi đối với cá nhân như mức xử phạt tiền tối đa đối với lĩnh vực giống vật nuôi đã được quy định tại điểm c khoản 1 Điều 24 Luật Xử lý vi phạm hành chính.

Trong lĩnh vực về sản xuất, kinh doanh sản phẩm xử lý chất thải chăn nuôi, sản phẩm xử lý chất thải chăn nuôi trong nhiều trường hợp được bổ sung vào thức ăn, nước uống của vật nuôi và tác động trực tiếp lên hệ tiêu hóa, bài tiết của vật nuôi để hạn chế chất thải của vật nuôi ra ngoài môi trường. Cách thức quản lý sản phẩm xử lý chất thải chăn nuôi cũng tương tự như đối với thức ăn chăn nuôi. Do đó, Chính phủ đề nghị quy định mức phạt tiền tối đa lĩnh vực sản phẩm xử lý chất thải chăn nuôi đối với cá nhân như mức phạt tiền tối đa đối với lĩnh vực thức ăn chăn nuôi đã được quy định tại điểm đ khoản 1 Điều 24 Luật Xử lý vi phạm hành chính.

Trong lĩnh vực canh tác trong trồng trọt, hoạt động canh tác gắn chặt chẽ với hoạt động sản xuất, kinh doanh giống cây trồng; cùng phải tuân thủ nguyên tắc hoạt động trồng trọt hiệu quả, tiết kiệm, an toàn, bảo vệ môi trường...Giống cây trồng là một yếu tố để thực hiện hoạt động canh tác, có những đặc điểm tương đồng với hoạt động canh tác. Do đó, Chính phủ đề nghị quy định mức phạt tiền tối đa lĩnh vực canh tác đối với cá nhân như mức xử phạt tiền tối đa đối với lĩnh vực sản xuất, kinh doanh giống cây trồng đã được quy định tại điểm c khoản 1 Điều 24 Luật Xử lý vi phạm hành chính.

Cần thống nhất với các nội dung dự kiến sửa đổi, bổ sung của Luật Xử lý vi phạm hành chính

Thảo luận tại phiên họp, các thành viên Ủy ban Pháp luật cơ bản tán thành với sự cần thiết quy định mức phạt tiền tối đa ở các lĩnh vực mới; đồng thời nhấn mạnh việc Chính phủ xây dựng Nghị định xử phạt vi phạm hành chính về chăn nuôi và Nghị định xử phạt vi phạm hành chính về trồng trọt là cơ sở pháp lý để xử phạt vi phạm hành chính trong chăn nuôi và trồng trọt nhằm đáp ứng yêu cầu quản lý nhà nước, góp phần bảo đảm tính khả thi của Luật Chăn nuôi và Luật Trồng trọt đã có hiệu lực thi hành từ ngày 01/01/2020. Để có cơ sở quy định mức phạt tiền cụ thể cho từng hành vi vi phạm trong các lĩnh vực mới thì việc Chính phủ quy định mức phạt tiền tối đa đối với những lĩnh vực này sau khi được sự đồng ý của Ủy ban Thường vụ Quốc hội là cần thiết.

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Trần Thị Dung băn khoăn về tính ổn định của các nghị định 

Bên cạnh đó, các thành viên Ủy ban Pháp luật cũng đề nghị có giải trình bổ sung làm rõ các lĩnh vực mới về chăn nuôi mà Chính phủ dự kiến quy định bảo đảm tính khái quát, không trùng lặp và đúng thẩm quyền (chỉ quy định mức phạt tiền tối đa cho lĩnh vực mới, chưa được Luật Xử lý vi phạm hành chính quy định), làm rõ nội hàm của lĩnh vực “hoạt động chăn nuôi” hay về “sản xuất, kinh doanh sản phẩm xử lý chất thải chăn nuôi”.

Các đại biểu cũng cho rằng, trong dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xử lý vi phạm hành chính dự kiến trình Quốc hội xem xét, thông qua tại Kỳ họp thứ 10 tới, Chính phủ đề xuất quy định mức phạt tiền tối đa đối với lĩnh vực “chăn nuôi” là 100 triệu đồng. Tuy nhiên, trong đề nghị lần này, Chính phủ đề xuất mức phạt tiền tối đa là 50 triệu đồng đối với lĩnh vực “hoạt động chăn nuôi” là chưa thực sự thống nhất. Do vậy, đề nghị giải trình, làm rõ hơn về vấn đề này.

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Trần Thị Dung bày tỏ băn khoăn về “tuổi thọ” của các nghị định tới đây của Chính phủ ban hành quy định chi tiết về xử phạt vi phạm hành chính về chăn nuôi và về trồng trọt. Các quy định này không chỉ nhằm cụ thể hóa quy định của Luật Chăn nuôi và Luật Trồng trọt mà cũng cần phù hợp với Luật Xử lý vi phạm hành chính đang được xem xét sửa đổi, bổ sung một số điều. Nếu các nghị định của Chính phủ không tính đến các nội dung mới của Luật Xử lý vi phạm hành chính thì sẽ lại phải sớm sửa đổi.

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Ngô Trung Thành đề nghị làm rõ việc chia nhỏ lĩnh vực sản xuất, kinh doanh sản phẩm xử lý chất thải chăn nuôi có thực sự cần thiết, đề nghị làm rõ để tránh trùng lắp trong xử lý vi phạm hành chính ở lĩnh vực thức ăn chăn nuôi hay xử lý chất thải trong bảo vệ môi trường.

Kết luận nội dung thảo luận, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng nêu rõ, đây là lĩnh vực chuyên môn sâu do đó đề nghị Chính phủ quan tâm cũng cấp thêm thông tin và làm rõ thêm các vấn đề mà Ủy ban Pháp luật đã nêu tại phiên họp; lưu ý đến tính ổn định của nghị định, bảo đảm việc Chính phủ báo cáo xin ý kiến Ủy ban Thường vụ Quốc hội về mức phạt tối đa trong các lĩnh vực mới này là cần thiết và có cơ sở pháp lý.

Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng kết luận nội dung thảo luận tại phiên họp trực tuyến

Đồng thời, lưu ý Chính phủ cần có văn bản giải trình bổ sung làm rõ lĩnh vực mới cần có mức phạt tối đa là lĩnh vực gì để tránh chồng lấn nếu chỉ quy định “lĩnh vực chăn nuôi” còn chung chung; làm rõ mức phạt tối đa là bao nhiêu để đảm bảo tính đồng bộ giữa các Nghị định này với Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xử lý vi phạm hành chính dự kiến sẽ thông qua tại Kỳ họp thứ 10 tới, cũng như thống nhất với Luật Chăn nuôi, Luật Trồng trọt mới được ban hành. Đề nghị các cơ quan hữu quan sớm hoàn thiện các văn bản, báo cáo để trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, quyết định./.

Bảo Yến - Trọng Quỳnh