ỦY BAN PHÁP LUẬT THẨM TRA ĐỀ ÁN THÀNH LẬP CÁC PHƯỜNG THUỘC THỊ XÃ HỒNG NGỰ VÀ THÀNH PHỐ HỒNG NGỰ, TỈNH ĐỒNG THÁP

01/09/2020

Sáng 01/9, tiếp tục chương trình phiên họp toàn thể lần thứ 29 của Ủy ban Pháp luật, dưới sự chủ trì của Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng, Ủy ban Pháp luật thẩm tra Tờ trình và Đề án của Chính phủ về việc thành lập phường An Bình A, phường An Bình B thuộc thị xã Hồng Ngự và thành lập thành phố Hồng Ngự, tỉnh Đồng Tháp.

Tham dự phiên họp còn có Thứ trưởng Bộ Nội vụ Trần Anh Tuấn, các Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật, Ủy viên thường trực Ủy ban Pháp luật tham dự phiên họp từ Nhà Quốc hội, các thành viên khác của Ủy ban Pháp luật, đại diện Thường trực Hội đồng Dân tộc và các Ủy ban của Quốc hội tham dự phiên họp trực tuyến.

Ủy ban Pháp luật họp phiên toàn thể lần thứ 29 theo hình thức trực tuyến để chuẩn bị các nội dung cho phiên họp thứ 48 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội

Trình bày tóm tắt Tờ trình của Chính phủ về việc thành lập phường An Bình A, phường An Bình B thuộc thị xã Hồng Ngự và thành phố Hồng Ngự, tỉnh Đồng Tháp, Thứ trưởng Bộ Nội vụ Trần Anh Tuấn cho biết, trong những năm qua, các xã An Bình A, An Bình B thuộc thị xã Hồng Ngự đã có sự phát triển mạnh mẽ về kinh tế - xã hội, hạ tầng đô thị ngày càng được đầu tư xây dựng đồng bộ và hoàn chỉnh. Cơ cấu kinh tế chuyển dịch tích cực theo hướng tăng tỷ trọng các ngành công nghiệp, thương mại - dịch vụ; phát triển mạnh các ngành nghề kinh doanh thương mại, sản xuất công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp, giảm dần tỷ trọng ngành nông nghiệp; tỷ lệ lao động phi nông nghiệp trong các ngành kinh tế trên địa bàn các xã chiếm tỷ lệ cao (trên 80%). Tổng thu ngân sách hàng năm của các xã đều đạt và vượt chỉ tiêu của thị xã giao, góp phần bổ sung ngân sách cho thị xã; đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân không ngừng được nâng cao. Cả hai xã đã được đánh giá đạt 12/12 tiêu chuẩn phường của đô thị loại III tại Văn bản số 347/BXD-PTĐT ngày 03/2/2020 của Bộ xây dựng.

Cùng với sự phát triển về kinh tế xã hội, đô thị của 02 xã thì tại đây cũng nảy sinh nhiều vấn đề khó khăn trong công tác quản lý kinh tế, quy hoạch, xây dựng, kiến trúc, kết cấu hạ tầng kỹ thuật, quản lý dân cư, phòng chống tệ nạn xã hội, bảo đảm trật tự công cộng, cảnh quan môi trường do bộ máy quản lý hành chính nhà nước vẫn được tổ chức theo mô hình chính quyền nông thôn. Từ thực tế đó, việc thành lập các phường trên cơ sở nguyên trạng diện tích tự nhiên và quy mô dân số của 02 xã là yêu cầu tất yêu và cần thiết nhằm tổ chức bộ máy chính quyền phù hợp để quản lý điều hành, phát huy tiềm năng, lợi thế vốn có của địa phương, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, đồng thời phù hợp với quy hoạch chung; đáp ứng tâm tư, nguyện vọng của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân địa phương.

Thứ trưởng Bộ Nội vụ Trần Anh Tuấn trình bày Tờ trình của Chính phủ tại phiên họp

Cùng với đó, thị xã Hồng Ngự nằm trong vùng kinh tế trọng điểm  phía Bắc, có vai trò trung tâm kinh tế, khoa học kĩ thuật – văn hóa, hành lang kinh tế biên giới của tỉnh Đồng Tháp. Những năm qua, nền kinh tế của thị xã có mức tăng trưởng ổn định, cơ cấu kinh tế chuyển biến tích cực, đời sống nhân dân từng bước được nâng cao, phúc lợi xã hội được chủ trọng, tốc độ đô thị hóa nhanh. Ngoài thế mạnh về sản xuất nông nghiệp và nuôi trồng thủy sản, thị xã Hồng Ngự còn là trung tâm đô thị lớn ở vùng biên giới, tập trung nhiều cơ sở sản xuất công nghiệp và dịch vụ phát triển.

Việc thành lập thành phố Hồng Ngự thuộc tỉnh Đồng Tháp phù hợp với Quy hoạch tổng thể phát triển đô thị Việt Nam đến năm 2025 tầm nhìn đến năm 2050; Chương trình phát triển đô thị thị xã Hồng Ngự, tỉnh Đồng Tháp đến năm 2030, là tâm nguyện của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân địa phương, đồng thời, góp phần giải quyết những khó khăn, bất cập trong công tác lãnh đạo, điều hành phát triển kinh tế - xã hội, quản lý trật tự xây dựng đô thị, quản lý quy hoạch, quản lý sử dụng tài nguyên đất và bảo đảm quốc phòng, an ninh ở địa phương.

Trên cơ sở đề nghị của Ủy ban nhân dân tỉnh Đồng Tháp, căn cứ quy định của Luật Tổ chức chính quyền địa phương, Nghị quyết số 1211/2016/UBTVQH13, Chính phủ thống nhất với đề nghị về việc thành lập phường An Bình A, phường An Bình B thuộc thị xã Hồng Ngự và thành lập thành phố Hồng Ngự thuộc tỉnh Đồng Tháp trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, quyết định.

Thảo luận tại phiên họp, các thành viên Ủy ban Pháp luật cơ bản tán thành với sự cần thiết thành lập phường An Bình A, phường An Bình B thuộc thị xã Hồng Ngự và thành lập thành phố Hồng Ngự thuộc tỉnh Đồng Tháp; nhận thấy rằng các đơn vị cơ bản đạt các điều kiện và tiêu chuẩn về diện tích tự nhiên, quy mô dân số, số đơn vị hành chính trực thuộc, phân loại đô thị và tiêu chuẩn về cơ cấ và trình độ phát triển kinh tế - xã hội theo quy định.

Các đại biểu tham dự phiên họp trực tuyến

Bên cạnh đó một số ý kiến còn băn khoăn khi trên địa bàn tỉnh Đồng Tháp tồn tại 02 đơn vị hành chính cấp huyện cùng tên gọi là huyện Hồng Ngự (thành lập năm 1813) và thị xã Hồng Ngự (thành lập năm 2008 trên cơ sở tách một phần từ huyện Hồng Ngự) và theo Tờ trình, Đề án của Chính phủ sau khi nâng cấp lên thành phố vẫn lấy tên gọi thành phố Hồng Ngự. Trong khi theo quy định tại khoản 2 Điều 20 Nghị quyết số 1211 thì “Tên của đơn vị hành chính cấp huyện thành lập mới không được trùng tên đơn vị hành chính cùng cấp trong cùng một đơn vị hành chính cấp tỉnh”. Về vấn đề này, Ủy viên Thường trực Ủy ban Pháp luật Bùi văn Xuyền đề nghị cần làm rõ thêm việc trùng tên thị xã và huyện thì có ảnh hưởng đến việc thực hiện chính sách pháp luật, ảnh hưởng đến giấy tờ, thủ tục hộ tịch, hộ khẩu của người dân địa phương hay không.

Làm rõ vấn đề một số đại biểu quan tâm, chia sẻ thực tiễn địa phương, Ủy viên Ủy ban Pháp luật, Phó trưởng đoàn chuyên trách Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Đồng Tháp Phạm Văn Hòa  cho biết tên gọi Hồng Ngự đã có trong lịch sử hơn 200 năm (bắt đầu được sử dụng từ năm 1813), gắn liền lịch sử kháng chiến chống giặc ngoại xâm, giải phóng dân tộc. Thực tiễn địa phương năm 2008 khi thành lập thị xã Hồng Ngự, người dân vẫn có nguyện vọng được giữ tên địa danh và từ đó đến nay việc trùng tên không ảnh hưởng đến đời sống hay việc thực hiện các thủ tục hành chính, công tác quản lý của chính quyền địa phương. Hơn nữa, tên gọi Hồng Ngự còn gắn liền với công tác xác định chủ quyền lãnh thổ, biên giới quốc gia giữa nước Việt Nam và Campuchia tại các văn bản hoạch định đường biên giới quốc gia và trên hệ thống bản đồ thế giới, nên nếu đổi tên sẽ làm ảnh hưởng rất lớn.

Cùng quan điểm, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Ngô Trung Thành và Phó trưởng đoàn chuyên trách Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Nam Phan Thái Bình nhấn mạnh tên gọi Hồng Ngự gắn với phân định biên giới quốc gia giữa Việt Nam và Campuchia trong thực địa và các văn bên thỏa thuận giữa hai bên. Liên quan đến chủ quyền quốc gia cần phải có đánh giá tác động kỹ do đó không nên thay đổi tên này.

Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng kết luận nội dung thảo luận

Kết luận nội dung thảo luận, Chủ nhiệm Ủy ban pháp luật Hoàng Thanh Tùng nêu rõ, qua thảo luận, Ủy ban Pháp luật thấy rằng, việc thành lập 02 phường thuộc thị xã Hồng Ngự và thành lập thành phố Hồng Ngự, tỉnh Đồng Tháp là cần thiết, các đơn vị đề nghị thành lập phường và thành phố đều đáp ứng các tiêu chuẩn và điều kiện thành lập theo quy định của pháp luật; hồ sơ Đề án, trình tự, thủ tục lập Đề án đều đáp ứng đủ quy định của pháp luật.

Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng cũng đề nghị Chính phủ, Bộ Nội vụ có giải trình bổ sung về các vấn đề các đại biểu đặt ra tại phiên họp như các chỉ tiêu chưa đạt, lý giải diện tích đất nông nghiệp lớn và tỉ lệ lao động phi nông nghiệp cũng lớn, làm rõ việc bảo đảm đầu tư, khả năng bố trí vốn, năng lực cán bộ quản lý, tên gọi…để trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội./.

Bảo Yến - Trọng Quỳnh