TIẾP TỤC NGHIÊN CỨU ĐỂ QUY ĐỊNH VỀ THẨM QUYỀN THẨM ĐỊNH BÁO CÁO ĐÁNH GIÁ TÁC ĐỘNG MÔI TRƯỜNG

18/08/2020

Cho ý kiến về một số vấn đề còn ý kiến khác nhau của dự án Luật Bảo vệ môi trường (sửa đổi) tại phiên họp thứ 47, do còn ý kiến khác nhau trong việc quy định thẩm quyền thẩm định báo cáo đánh giá tác động môi trường, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị các cơ quan tiếp tục nghiên cứu cân nhắc và thể hiện theo hai phương án để tiếp tục thảo luận.

Qua tổng hợp ý kiến đại biểu Quốc hội thảo luận về dự án Luật Bảo vệ môi trường (sửa đổi) tại Kỳ họp thứ 9 Quốc hội khóa XIV vừa qua cho thấy, nhiều ý kiến tán thành phương án giao thẩm quyền cho Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh thẩm định báo cáo đánh giá tác động môi trường để quản lý thống nhất và gắn với trách nhiệm theo dõi, cấp phép giám sát, thanh tra, kiểm tra việc triển khai dự án trên địa bàn quản lý của địa phương. Tán thành việc phân cấp theo cấp độ dự án, gắn liền trách nhiệm của địa phương, cần có cơ chế kiểm soát chặt chẽ. Một số ý kiến thống nhất với giao thẩm quyền thẩm định đánh giá tác động môi trường cho các Bộ quản lý công trình xây dựng chuyên ngành, quá trình thẩm định phải lấy ý kiến và phải có sự thống nhất của Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh nơi đặt dự án. Một số ý kiến đề nghị kết hợp giữa 2 phương án giao thẩm định báo cáo đánh giá tác động môi trường, trong đó quy định rõ vai trò tham gia đánh giá, thẩm định, cấp phép của Ủy ban nhân dân ở các địa phương đối với các dự án thuộc thẩm quyền quyết định đầu tư của các bộ, ngành từ khi lập hồ sơ dự án cho đến khi triển khai thực hiện để đảm bảo sự thuận lợi hơn trong công tác quản lý về môi trường trên địa bàn. Ý kiến khác phân tích cho rằng chỉ nên giao cho Ủy ban nhân dân cấp tỉnh và giao cho Bộ Tài nguyên – Môi trường những dự án mang tính liên tỉnh, liên vùng, liên quốc gia và những vấn đề phức tạp.  

Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về một số vấn đề còn ý kiến khác nhau của dự án Luật Bảo vệ môi trường (sửa đổi) 

Ngay sau kì họp, thực hiện sự chỉ đạo của Ủy ban thường vụ Quốc hội, Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường phối hợp với Bộ Tài nguyên - Môi trường và các cơ quan hữu quan đã nghiêm túc nghiên cứu, tiếp thu ý kiến của các vị đại biểu Quốc hội. Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Phan Xuân Dũng cho biết, về thẩm quyền thẩm định báo cáo đánh giá tác động môi trường, hiện có 2 nhóm ý kiến khác nhau. Nhóm ý kiến thứ nhất nhất trí với phương án của Chính phủ giao Bộ quản lý công trình xây dựng chuyên ngành theo quy định của pháp luật về xây dựng (Bộ Xây dựng, Bộ Giao thông vận tải, Bộ Công Thương, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) chủ trì, phối hợp với Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh tổ chức thẩm định báo cáo đánh giá tác động môi trường đối với dự án thuộc thẩm quyền quyết định chủ trương đầu tư, quyết định đầu tư của mình nhằm thuận lợi cho việc thực hiện thủ tục hành chính liên thông.

Nhóm ý kiến thứ hai cho rằng, không nên giao các Bộ quản lý công trình xây dựng chuyên ngành thẩm định báo cáo đánh giá tác động môi trường mà chỉ giao cho Bộ Tài nguyên – Môi trường và Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh, Bộ Quốc phòng, Bộ Công an đối với dự án thuộc thẩm quyền quyết định chủ trương đầu tư, quyết định đầu tư và dự án thuộc bí mật quốc phòng, an ninh. Đối với các dự án thuộc thẩm quyền phê duyệt chủ trương đầu tư, quyết định đầu tư của các Bộ, cơ quan ngang bộ (trừ Bộ Tài nguyên – Môi trường, Bộ Quốc phòng, Bộ Công an), Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh phải phối hợp với các Bộ, cơ quan ngang bộ trong quá trình thẩm định báo cáo đánh giá tác động môi trường.

Tổng thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc

Phát biểu tại phiên họp Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Tổng thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc bày tỏ tán thành nhóm ý kiến thứ 2; đồng thời đề nghị phải trên cơ sở đánh giá về việc lựa chọn, nhấn mạnh việc lựa chọn phải đảm bảo tính chuyên sâu, chuyên ngành về lĩnh vực như lĩnh vực môi trường, xây dựng. Tổng thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc cho rằng nếu quy định tràn lan thì mỗi bộ, ngành lại đầu tư riêng thiết bị để giúp việc đánh giá tác động môi trường. Do đó đã có bộ chuyên ngành đầu tư thiết bị chuyên sâu để giúp cho các lĩnh vực, như nói đến môi trường do Bộ Tài nguyên – Môi trường chịu trách nhiệm trước Chính phủ thì sẽ rất gọn, không dàn trải. Điều này vừa đảm bảo được thời gian, vừa đảm bảo một việc chỉ giao cho một bộ, một việc giao cho một người chịu trách nhiệm.

Tổng thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc cũng đề nghị giao Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Công an, Bộ Quốc phòng, đồng thời phân cấp cho địa phương, giao cho Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh; cùng với đó Thanh tra Bộ Tài nguyên và Môi trường phải trách nhiệm thanh tra, rà soát thường xuyên.

Cùng quan điểm, Trưởng Ban công tác đại biểu Trần Văn Túy cũng cho rằng chỉ nên giao cho Bộ Tài nguyên và Môi trường cùng Ủy ban nhân dân cấp tỉnh thẩm định, đồng thời lưu ý cần làm rõ thêm phân cấp loại dự án nào. Theo Trưởng Ban công tác đại biểu Trần Văn Túy, cấp tỉnh dưới sức ép của nhân dân mặc dù rất mong muốn đầu tư nhưng cũng rất quan tâm đến môi trường. Do đó, cần tin tưởng để đảm bảo tính thống nhất, trên cơ sở tiêu chuẩn và quy chuẩn.

Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng làm rõ phân định thẩm quyền thẩm định báo cáo đánh giá tác động môi trường chủ yếu theo 3 nhóm đối tượng. Đối tượng thứ nhất là Bộ Tài nguyên và Môi trường thẩm định đối những dự án nhóm 1 và nhóm 2, cũng như những dự án thuộc thẩm quyền quyết định chủ trương đầu tư của Quốc hội và Thủ tướng Chính phủ. Đối tượng thứ hai là những dự án trên địa bàn nhiều tỉnh.Đối tượng thứ ba là những dự án đặc thù thì thẩm quyền là của Bộ Quốc phòng, Bộ Bộ Công an đối với dự án có bí mật nhà nước trong các lĩnh vực các bộ đó quản lý.

Đối với các dự án khác đầu tư trên địa bàn một tỉnh, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng cho rằng nên gắn thẩm quyền phê duyệt, thẩm định báo cáo tác động môi trường cho tỉnh cụ thể đó, vừa đảm bảo tính khách quan, vừa đảm bảo gắn với địa bàn thực hiện dự án. Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng cũng lưu ý ở đây cần sự quan tâm của Bộ Tài nguyên và Môi trường để tăng cường năng lực cho các Sở Tài nguyên, môi trường để có đủ năng lực để đánh giá tác động môi trường đối với những dự án triển khai trên địa bàn.

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân phát biểu tại phiên họp

Trong khi đó, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân bày tỏ thống nhất với nhóm ý kiến thứ nhất và cho biết Bộ Tài nguyên và Môi trường không thể đánh giá hết tất cả những dự án đầu tư, mà nên phân công, phân cấp giao quyền trong luật này. Theo đó quy định cho các bộ quản lý công trình trực tiếp theo chuyên ngành phối hợp với Ủy ban nhân dân tỉnh tổ chức thẩm định báo cáo đánh giá tác động môi trường như Bộ Xây dựng, Bộ Giao thông vận tải, Bộ Công Thương, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn có chuyên ngành để phối hợp. Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân lưu ý, Bộ Tài nguyên và Môi trường làm chức năng quản lý nhà nước nhưng không có nghĩa là việc gì cũng làm mà có thể do các bộ khác phải làm nhưng việc gì cũng phải biết để quản lý nhà nước.

Kết luận nội dung thảo luận, Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển nêu rõ, về thẩm quyền đánh giá tác động môi trường còn có hai quan điểm do đó cần cân nhắc, phân tích và thể hiện theo 2 phương án để tiếp tục cho ý kiến./.

Bảo Yến

Các bài viết khác