ĐBQH TÔ THỊ BÍCH CHÂU GÓP Ý VỀ DỰ ÁN LUẬT THỎA THUẬN QUỐC TẾ

01/07/2020

Tại Kỳ họp thứ 9 Quốc hội Khóa XIV, bàn về Dự án Luật Thỏa thuận quốc tế, đại biểu Tô Thị Bích Châu – Đoàn ĐBQH Tp. Hồ Chí Minh đề nghị Ban soạn thảo cân nhắc viêc mở rộng thẩm quyền ký các thỏa thuận quốc tế đến Ủy ban nhân dân cấp huyện, cấp xã và các cơ quan cấp tỉnh, đặc biệt cần xem xét kỹ Ủy ban nhân dân cấp xã về năng lực tổ chức thực hiện.

Đại biểu Tô Thị Bích Châu - Đoàn ĐBQH Tp. Hồ Chí Minh, phát biểu tại phiên thảo luận

Phát biểu tại phiên thảo luận về Dự án Luật Thỏa thuận quốc tế trong kỳ họp thứ 9 Quốc hội khóa XIV, đại biểu Tô Thị Bích Châu bày tỏ thống nhất về sự cần thiết để ban hành luật Thỏa thuận quốc tế. Bày tỏ băn khoăn về việc các bên ký kết ở khoản 2 Điều 2, đại biểu Tô Thị Bích Châu đề nghị Ban soạn thảo cân nhắc viêc mở rộng thẩm quyền ký các thỏa thuận quốc tế đến Ủy ban nhân dân cấp huyện, cấp xã và các cơ quan cấp tỉnh, đặc biệt cần xem xét kỹ Ủy ban nhân dân cấp xã về năng lực tổ chức thực hiện.

Về quy định chi tiết, tổ chức thực hiện ký kết thỏa thuận quốc tế ở Chương II và Chương V, đại biểu đề nghị luật phải giao cho Chính phủ để ban hành nghị định hướng dẫn chi tiết về vấn đề này để tạo sự thống nhất, đồng bộ chặt chẽ của hệ thống pháp luật.

Đóng góp ý kiến về Điều 33 của dự thảo về trách nhiệm của cơ quan liên quan trong việc cho ý kiến về đề xuất ký kết thỏa thuận quốc tế, đại biểu cho rằng quy định này là quy định về trách nhiệm của các cơ quan liên quan trong việc cho ý kiến về đề xuất ký kết thỏa thuận quốc tế, trong đó có đặt ra các tiêu chuẩn khung mà các cơ quan này khi có văn bản góp ý phải tuân theo. Đây là một quy định rất mới và hay, nhằm tránh sự sơ sài, qua loa khi nhận được các hồ sơ đề nghị cho ý kiến. Tuy nhiên luật cũng chỉ quy định chung về cơ quan tổ chức liên quan dễ dẫn đến các chủ thể cần thiết, khi ký kết thỏa thuận quốc tế có thể gửi hồ sơ để xin ý kiến rất nhiều cơ quan, tổ chức mà không có sự chọn lọc. Việc này sẽ làm lãng phí rất là nhiều thời gian, công sức và kể cả kinh phí để nghiên cứu và có bản ý kiến sẽ theo chuẩn nếu như các cơ quan tổ chức được lấy ý kiến liên quan mà không có sự liên quan nhiều hoặc là không có liên quan đến thỏa thuận cần ký kết.

Bên cạnh đó, về việc chấm dứt hiệu lực tạm đình chỉ thực hiện thỏa thuận quốc tế tại Điều 37, đại biểu đề nghị bổ sung các trường hợp về chấm dứt hiệu lực và tạm đình chỉ thực hiện thỏa thuận quốc tế ở một số trường hợp là theo quy định của thỏa thuận quốc tế hoặc theo thỏa thuận giữa bên Việt Nam và bên ký kết nước ngoài. Ngoài ra, trong quá trình thực hiện thỏa thuận quốc tế có sự vi phạm một trong các nguyên tắc quy định tại Điều 4 của luật này./.

Bùi Hùng