ĐÁNH GIÁ TÁC ĐỘNG XÃ HỘI, TÁC ĐỘNG VỀ GIỚI CỦA CÁC CHÍNH SÁCH TRONG XÂY DỰNG DỰ ÁN LUẬT GIAO THÔNG ĐƯỜNG BỘ (SỬA ĐỔI)

30/04/2020

Trong xây dựng dự án Luật Giao thông đường bộ (sửa đổi), Bộ Giao thông vận tải đã có báo cáo đánh giá tác động xã hội, tác động về giới của các chính sách đã được Chính phủ thông qua và thống nhất 04 chính sách cơ bản.

 

Ảnh minh hoạ

1. Chính sách về hoàn thiện khung pháp lý quy tắc giao thông đường bộ

Đối với chính sách này, Bộ Giao thông vận tải đã có những đánh giá tác động cụ thể về xã hội, bao gồm:

Đối với nhà nước, đây là công cụ điều chỉnh thống nhất, rõ ràng đối với các hành vi tham gia giao thông như lùi xe, vượt xe, chuyển hướng xe, các quy tắc giao thông trên đường cao tốc, hầm đường bộ, các quy tắc giao thông cho xe được quyền ưu tiên, quy tắc không sử dụng điện thoại di động khi điều khiển ô tô, quy tắc thắt dây an toàn đối với người lái xe, người ngồi trên xe ô tô có trang bị dây an toàn.

Ngoài ra, việc hoàn thiện khung pháp lý quy tắc giao thông đường bộ còn có vai trò hỗ trợ công tác tổ chức, điều hành, giám sát, phòng ngừa vi phạm pháp luật về giao thông đường bộ hiệu quả hơn; Có cơ chế để thực thi, giám sát các quy tắc giao thông tốt hơn; Góp phần đảm bảo trật tự an toàn giao thông đường bộ, giảm thiểu tai nạn giao thông; Giảm tai nạn giao thông, ùn tắc giao thông, giảm ô nhiễm môi trường do các tác động của ùn tắc giao thông; Thực hiện được các nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm liên quan đến công tác bảo đảm trật tự an toàn giao thông đường bộ, khắc phục ùn tắc giao thông đã được chỉ ra tại Chỉ thị số 18- CT/TW ngày 4/9/2012 của Ban Bí Thư, Kết luận số 45-KL/TW ngày 01/02/2019 của Ban Bí Thư.

Bên cạnh đó, việc hoàn thiện khung pháp lý quy tắc giao thông đường bộ còn giúp cho việc tuân thủ Công ước Viên 1968 về giao thông đường bộ, Công ước Viên 1968 về biển báo, tín hiệu đường bộ.

Đối với người dân, dự án Giao thông đường bộ (sửa đổi) ra đời đảm bảo an toàn giao thông hơn do có cơ chế thực thi, giám sát việc thực hiện các quy tắc giao thông, do việc tổ chức, điều hành giao thông hợp lý, hiệu quả hơn.

Đối với doanh nghiệp cung cấp ứng dụng khoa học công nghệ, dự án Luật giúp tăng doanh thu từ việc cung cấp giải pháp công nghệ cho điều hành, giám sát, phòng ngừa vi phạm quy tắc giao thông.

Về tác động về giới, chính sách không làm ảnh hưởng đến cơ hội, điều kiện, năng lực thực hiện và thụ hưởng các quyền, lợi ích của mỗi giới do chính sách được áp dụng chung, không phân biệt.

2 Chính sách về hoàn thiện khung pháp lý kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ

Về tác động về xã hội, Bộ Giao thông vận tải đã có những đánh giá tác động cụ thể như:

Đối với nhà nước, việc hoàn thiện khung pháp lý kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ giúp cho:

Đảm bảo sự kết nối liên thông về giao thông, kinh tế - xã hội từ nông thôn đến thành thị, giữa các miền trong cả nước; có cơ chế để bảo vệ kết cấu hạ tầng giao thông nông thôn, làm tăng hiệu quả và nguồn lực của xã hội trong việc phát triển kinh tế xã hội của hơn 193.155,6 tỷ đồng được đầu tư từ ngân sách nhà nước cho mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới;

Đảm bảo tính đồng bộ giữa hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông nông thôn nói riêng và hạ tầng giao thông đường bộ nói chung;

Làm rõ được trách nhiệm của các cơ quan quản lý nhà nước trong việc phát triển đồng bộ hệ thống giao thông nông thôn, trong việc phân loại, điều chỉnh, đấu nối đường bộ để đảm bảo nguyên tắc vận hành thông suốt và an toàn, giảm chi phí vận chuyển;

Tạo sự minh bạch về trách nhiệm của các chủ thể liên quan đến công tác quản lý, đầu tư, khai thác, bảo trì, bảo vệ kết cấu hạ tầng đường bộ;

Huy động được mọi nguồn lực xã hội cho việc đầu tư, phát triển kết cấu hạ tầng giao thông, giảm gánh nặng cho ngân sách nhà nước;

Đáp ứng được yêu cầu hiện đại hóa công tác quản lý, điều hành giao thông vận tải;

Bảo đảm các yếu tố kỹ thuật và an toàn giao thông của công trình đường bộ cho người và phương tiện tham gia giao thông từ quy trình lập dự án, thiết kế, thi công trước và trong quá trình khai thác. Mạng lưới giao thông đường bộ được quản lý thống nhất từ trung ương đến từng thôn, làng, ngõ xóm;

Khuyến khích được người dân, doanh nghiệp sử dụng các phương tiện giao thông sử dụng năng lượng sạch, năng lượng tái tạo, giảm ô nhiễm môi trường do số lượng phương tiện sử dụng động cơ đốt trong giảm;

Không cần phải thực hiện việc rà soát, điều chỉnh, phân loại lại các hệ thống đường bộ;

Việc đầu tư, quản lý, bảo trì, phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng được thực hiện theo cơ chế đầu tư công là chủ yếu.

Đối với doanh nghiệp, việc hoàn thiện khung pháp lý kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ tạo điều kiện doanh nghiệp được vận hành trên hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông đồng bộ, hiện đại, có hạ tầng kỹ thuật sẵn sàng đáp ứng cho các phương tiện hiện đại, sử dụng năng lượng sạch, năng lượng tái tạo; Tiết kiệm chi phí về nhiên liệu, về thời gian, tăng hiệu quả kinh doanh của doanh nghiệp.

Ngoài ra, doanh nghiệp có nhiều cơ hội để đầu tư vào hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ như đầu tư, khai thác, vận hành đường bộ, đầu tư bến xe, bãi đỗ xe, trạm dừng nghỉ đường bộ, tạo nên những doanh nghiệp kinh doanh kết cấu hạ tầng lớn mạnh, có sức mạnh và kinh nghiệm để vươn ra đầu tư quốc tế trong lĩnh vực này.

Về tác động giới, chính sách không ảnh hưởng đến cơ hội, điều kiện, năng lực thực hiện và thụ hưởng các quyền, lợi ích của mỗi giới do chính sách được áp dụng chung, không phân biệt.

3. Chính sách về hoàn thiện khung pháp lý đối với phương tiện, người điều khiển phương tiện tham gia giao thông đường bộ

Về tác động về xã hội, Bộ Giao thông vận tải đánh giá có những tác động tích cực như:

Đối với nhà nước, việc hoàn thiện khung pháp lý đối với phương tiện, người điều khiển phương tiện tham gia giao thông đường bộ hỗ trợ:

Quản lý các hoạt động của phương tiện giao thông thông minh một cách phù hợp;

Kiểm tra, kiểm soát khí thải của phương tiện tham gia giao thông, giảm lượng khí thải phát sinh, gây ô nhiễm không khí, giảm chi phí cho những vấn đề về bảo vệ sức khỏe của người dân, bảo vệ môi trường, đặc biệt tại các đô thị lớn;

Tạo hành lang pháp lý cho việc sản xuất, sử dụng các phương tiện giao thông chạy bằng năng lượng sạch, các phương tiện sử dụng năng lượng tái tạo. Khuyến khích, thúc đẩy các doanh nghiệp nghiên cứu, ứng dụng các công nghệ không gây ô nhiễm môi trường, tạo nên các doanh nghiệp và nền công nghiệp xanh trong môi trường sản xuất phương tiện giao thông cơ giới;

Khuyến khích được người dân sử dụng các phương tiện sạch, phương tiện giao thông công cộng, giảm thải ô nhiễm môi trường;

Nâng cao hiệu lực quản lý nhà nước đối với công tác kiểm tra, thử nghiệm, đánh giá đối với linh kiện, phụ tùng phương tiện sản suất, lắp ráp, nhập khẩu;

Phát triển được vận tải công cộng, phát triển ngành du lịch do tạo được môi trường giao thông xanh, hiện đại;

Giảm tai nạn giao thông do kiểm soát được phương tiện giao thông hết niên hạn sử dụng;

Thực hiện được các nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm liên quan đến “nâng cao chất lượng đăng ký, đăng kiểm phương tiện giao thông đường bộ”, “đảm bảo phương tiện tham gia giao thông phải đáp ứng các tiêu chuẩn về an toàn kỹ thuật”, “đăng ký, đăng kiểm đến quá trình hoạt động của phương tiện” được chỉ ra tại Chỉ thị số 18- CT/TW ngày 4/9/2012 của Ban Bí Thư, Kết luận số 45-KL/TW ngày 01/02/2019 của Ban Bí Thư.

Đối với người dân, việc hoàn thiện khung pháp lý đối với phương tiện, người điều khiển phương tiện tham gia giao thông đường bộ có tác động trực tiếp như: Sử dụng các phương tiện giao thông thông minh một cách hợp pháp; Thực hiện được trách nhiệm của chủ phương tiện trong việc bảo dưỡng kỹ thuật, sửa chữa phương tiện giữa hai kỳ kiểm định để đảm bảo chất lượng, an toàn kỹ thuật và môi trường của phương tiện tham gia giao thông, tăng tuổi thọ của phương tiện, giảm chi phí cho việc sửa chữa lớn, tiết kiệm được chi phí dành cho nhiên liệu; Tiết giảm được thời gian lao động trong việc sử dụng, điều khiển các phương tiện giao thông thông minh (phương tiện không người lái); Tiết giảm được chi phí đầu tư, chi phí nhiên liệu, chi phí bảo dưỡng phương tiện khi tham gia giao thông công cộng.

Ngoài ra, chính sách còn có những tác động cụ thể như: Kiểm tra, giám sát việc thực hiện công tác kiểm tra, thử nghiệm, đánh giá phương tiện giao thông của các cơ quan, đơn vị; Tuổi thọ phương tiện kéo dài, người sử dụng an toàn hơn khi tham gia giao thông.

Đối với doanh nghiệp, chính sách này tạo điều kiện cho các doanh nghiệp  yên tâm đầu tư vào sản xuất, sử dụng các phương tiện có tính năng mới, tính năng đặc biệt, đặc biệt là các phương tiện giao thông thông minh; Giảm chi phí sửa chữa lớn do thực kiểm tra, bảo dưỡng sửa chữa phương tiện trước, trong, sau mỗi hành trình và không đúng quy định của nhà sản xuất, giảm nguy cơ gây ra các vụ tai nạn giao thông; Giảm được thời gian lao động, thời gian vận hành trong việc sử dụng, điều khiển các phương tiện giao thông thông minh (phương tiện không người lái); Tiết kiệm được chi phí nhiện liệu của doanh nghiệp trong việc sử dụng các phương tiện giao thông thông minh, phương tiện sử dụng năng lượng tái tạo, phương tiện đảm bảo an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường; Kiểm tra, giám sát việc thực hiện công tác kiểm tra, thử nghiệm, đánh giá phương tiện giao thông của các cơ quan, đơn vị đăng kiểm.

Về tác động về giới, chính sách không ảnh hưởng đến cơ hội, điều kiện, năng lực thực hiện và thụ hưởng các quyền, lợi ích của mỗi giới do chính sách được áp dụng chung, không phân biệt.

4. Chính sách về hoàn thiện khung pháp lý trong hoạt động vận tải đường bộ

Về tác động về xã hội, theo Bộ Giao thông vận tải, chính sách có những tác động như:

 Đối với nhà nước, việc hoàn thiện khung pháp lý trong hoạt động vận tải đường bộ hỗ trợ nhà nước như:

Bảo đảm cho hoạt động vận tải được linh hoạt hơn, đáp ứng được yêu cầu thực tiễn phát sinh đối với các loại hình kinh doanh vận tải mới. Chính phủ có thể ban hành các chính sách mới để kiểm soát các hình thức kinh doanh vận tải mới phù hợp với thực tiễn  phát sinh mà không cần phải chờ sửa Luật như hiện nay;

Cắt giảm các điều kiện kinh doanh không cần thiết, không phù hợp với thực tiễn và thiếu tính khả thi;

Tạo điệu kiện cho thị trường vận tải đường bộ được phát triển hiện đại, phù hợp và đáp ứng với xu thế phát triển của quốc tế. Thúc đẩy được các nguồn lực của xã hội trong việc phát triển thị trường vận tải theo xu hướng quy mô, hiện đại;

Tạo môi trường cạnh tranh lành mạnh, công bằng và bình đẳng giữa các loại hình vận tải, khi đó các đơn vị kinh doanh vận tải sẽ tập trung hơn vào công tác quản lý an toàn giao thông và chất lượng dịch vụ, hạn chế được các vụ tai nạn giao thông, giảm được số người chết và bị thương, giảm chi phí xã hội.

Đối với người dân, việc hoàn thiện khung pháp lý trong hoạt động vận tải đường bộ tạo điều kiện cho người dân được thụ hưởng những dịch vụ vận tải chất lượng, phù hợp với nhu cầu của cá nhân; An toàn hơn khi sử dụng các loại hình vận tải mới được nhà nước thừa nhận;Tiết giảm được chi phí đi lại, tiết kiệm được thời gian vận chuyển.

Đối với doanh nghiệp, chính sách này thể hiện những tác động ưu việt đối với các doanh nghiệp như: Thuận lợi khi thực hiện các hoạt động kinh doanh vận tải đường bộ do các điều kiện kinh doanh được quy định linh hoạt, phù hợp với thực tế; Tạo điều kiện cho các doanh nghiệp nhỏ và vừagia nhập thị trường vận tải đường bộ; Tạo điều kiện cho các doanh nghiệp cung cấp hỗ trợ dịch vụ vận tải, cung cấp giải pháp phần mềm hoạt động hiệu quả; Cắt giảm được các chi phí về nhân lực điều hành, bộ máy tổ chức cơ cấu gọn nhẹ do ứng dụng các trí tuệ nhân tạo trong hoạt động điều hành vận tải; Kết nối với khách hàng nhanh hơn, thuận tiện hơn thông qua việc ứng khoa học, công nghệ, các đơn vị cung cấp dịch vụ hỗ trợ vận tải.

Về tác động về giới, chính sách không ảnh hưởng đến cơ hội, điều kiện, năng lực thực hiện và thụ hưởng các quyền, lợi ích của mỗi giới do chính sách được áp dụng chung, không phân biệt.

04 chính sách này đã được Bộ Giao thông vận tải đánh giá cụ thể về những tác động xã hội, tác động về giới, thiết lập trong hồ sơ dự án Luật Giao thông đường bộ (sửa đổi) trình Chính phủ và đã được thông qua./.

Phong Anh