ĐẠI BIỂU QUỐC HỘI THÍCH NỮ TÍN LIÊN: CHẤT VẤN CHÁNH ÁN TÒA ÁN NHÂN DÂN TỐI CAO VỀ GIẢI PHÁP KHẮC PHỤC VIỆC XÉT XỬ CHẬM VÀ TUYÊN ÁN KHÔNG RÕ RÀNG

31/03/2020

Đại biểu Thích nữ Tín Liên (Đoàn Đại biểu Quốc hội Tp. Hồ Chí Minh) đề nghị Chánh án Tòa án nhân dân tối cao đưa ra giải pháp khắc phục việc xét xử chậm và tuyên án không rõ ràng.

Đại biểu Thích nữ Tín Liên, Đoàn Đại biểu Quốc hội Tp. Hồ Chí Minh

Đại biểu Ni sư Thích nữ Tín Liên cho rằng, chúng ta phải xử theo trình tự tính cấp thiết của sự kiện, hoặc vụ án đã kéo dài rất lâu rồi, hoặc sau tác hại càng lớn nếu kéo dài; hoặc cấp thiết nếu không giải quyết gấp thì hậu quả khôn lường. Ngoài những trường hợp này việc đem bản án ra xét xử sẽ theo trình tự thời gian nhận đơn trước hoặc sau. Có như vậy mới công bằng. Ngoài ra trong thực tế còn tồn tại việc Tòa án các cấp xét xử châm và tuyên án không rõ ràng. Vậy Chánh án có những giải pháp hữu hiệu nào để giải quyết thực trạng này trong thời gian tới ?.

Trả lời vấn đề đại biểu quan tâm, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao cho biết, về việc đơn gửi sau được xem xét, giải quyết trước, còn đơn nộp trước lại chưa được đưa ra, có phải do thân quen ? Chánh án Tòa án nhân dân tối cao xin khẳng định, việc xem xét, giải quyết đơn là khách quan, không phải do thân quen. Trong công tác xem xét, giải quyết đơn đề nghị giảm đốc thám, tái thẩm, Lãnh đạo Tòa án nhân dân tối cao luôn chỉ đạo, quán triệt các đơn vị chức năng phải thường xuyên rà soát về thời hạn để đảm bảo nguyên tắc tất cả các đơn đề nghị của công dân phải được giải quyết trong thời hạn theo quy định của pháp luật.

Theo quy chế giải quyết đơn đề nghị giám đốc thẩm, tái thẩm, về nguyên tắc, đơn gửi trước được xem xét, giải quyết trước, đơn gửi sau xem xét, giải quyết sau. Tuy nhiên, trên thực tế, có một số trường hợp bản án mới có hiệu lực pháp luật đã bị kháng nghị giám đốc thẩm với lý do sau khi xét xử vụ án, dư luận xã hội quan tâm, bức xúc với việc xét xử của Tòa án; đồng thời, qua nghiên cứu hồ sơ vụ án xét thấy bản án có sai lầm nghiêm trọng rõ ràng, nên người có thẩm quyền đã ra quyết định kháng nghị theo thủ tục giám đốc thẩm đối với bản án đó để kịp thời khắc phục sai sót của bản án. Một số trường hợp đương sự gửi đơm đề nghị sau nhưng lại được xem xét, giải quyết trước là do vụ án đó sắp hết thời hạn kháng nghị. Như vậy, việc xem xét giải quyết đơn nào trước, đơn nào sau của các Tòa án được quy định và thực hiện đúng như quan điểm của đại biểu nêu là: “Phải xử theo trình tự tính cấp thiết của sự kiện hoặc vụ án đã kéo dài rất lâu rồi, hoặc sự tác hại càng lớn nếu kéo dài hoặc cấp thiết nếu không giải quyết gấp thì hậu quả khôn lường”. Trên tinh thần đó, qua công tác rà soát, kiểm tra cho thấy, trong những năm gần đây, Tòa án nhân dân tối cao không để trường hợp nào để hết thời hạn giám đốc thẩm mà đơn đề nghị giám đốc thẩm của đương sự chưa được xem xét, giải quyết.

Về giải pháp khắc phục tình trạng xét xử chậm và án tuyên không rõ ràng, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao cho biết, trong những năm gần đây, thực hiện chỉ đạo của Tòa án nhân dân tối cao, các Tòa án đã tăng cường phối hợp với Viện kiểm sát và Cơ quan thi hành án dân sự cùng cấp rà soát, có giải pháp xử lý ngay đối với các bản án dân sự chưa được thi hành vì bản án tuyên không rõ ràng, thiếu khả thi , đã phối hợp với Viện kiểm sát nhân dân tối cao và Bộ Tư pháp ban hành Quy chế phối hợp trong công tác thi hành án dân sự, trong đó có các quy định phối hợp trong giải thích, sửa chữa, bổ sung bản án, quyết định, trả lời kiến nghị, thụ lý giải quyết yêu cầu cuả cơ quan thi hành án dân sự; ban hành Thông tư liên tịch số 06/ 2016/TTLT – BTP- VKSNDTC - TANDTC ngày 31/5/2016 của Bộ Tư pháp, Viện kiểm sát nhân dân tối cao và Tòa án nhân dân tối cao về hướng dẫn phối hợp thống kê thi hành án dân sự.

Về phía Tòa án, để khắc phục triệt để tình trạng án tuyên không rõ ràng, hàng năm, Tòa án nhân dân tối cao đều chỉ đạo tập trung thực hiện các giải pháp nâng cao chất lượng xét xử, giải quyết các loại án; đặc biệt năm 2017, CHánh án Tòa án nhân dân tối cao đã ban hành chỉ thị số 05/2017/CT - CA ngày 16/10/2017 về việc giải quyết các bản án, quyết định tuyên không rõ, khó thi hành.

Theo đó, tại Chỉ thị nói trên Chánh án Tòa án nhân dân tối cao đã yêu cầu Chánh án Tòa án nhân dân các cấp cần mở đợt cao điểm rà soát, giải quyết dứt điểm các kiến nghi của cơ quan thi hành án cho rằng bản án, quyết định của Toà án tuyên không rõ, khó thi hành đến nay chưa được giải quyết. Đồng thời, trên cơ sở tổng rà soát số lượng các bản án, quyết định tuyên không rõ, khó thi hành Chánh án Tòa ân nhân dân tối cao đã giao cho Thủ trưởng các đơn vị thuộc Tòa án nhân dân tối cao, các đồng chí Chánh án Tòa án nhân dân cấp cao và Chánh án Tòa án nhân dân địa phương triển khai thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp để khẩn trương có biện pháp khắc phục đối với những bản án, quyết định tuyên án không rõ, gây khó khăn cho công tác thi hành án, nhất là đối với những vụ việc đã có kiến nghị của cơ quan thi hành án. Đối với những trường hợp quà rà soát liên ngành thấy rằng bản án chưa rõ thì Tòa án đã kịp thời giải thích hoặc để xuất với người có thẩm quyền kháng nghị để giải quyết vụ án theo thủ tục giám đốc thẩm.

Chánh án Tòa án nhân dân tối cao Nguyễn Hòa Bình

Chánh án Tòa án nhân dân tối cao nêu rõ, để khắc phục triệt để tình trạng án tuyên không rõ ràng, các giải pháp đã được Tòa án nhân dân tối cao đề ra và tổ chức thực hiện trong thời gian tới là: Tập trung thực hiện các nội dung Chỉ thị của Chánh án tòa án nhân dân tối cao về giải quyết các bản án tuyến không rõ, khó thi hành; chỉ đạo các Toà án địa phương chủ động phối hợp với Cơ quan thi hành án dân sự, Viện kiểm sát nhân dân xây dựng quy chế phối hợp trong rà soát, kiểm tra đối với các bản án tuyên không rõ, khó thi hành ; xác định rõ trách nhiên và giải pháp xử lý đối với các trường hợp chưa được thi hành vi các lý do khác nhau, trong đó có việc tuyên án không rõ ràng , gây khó khăn cho công tác thi hành án dân sự.

Đồng thời, tập trung triển khai thực hiện tốt 14 giải pháp nhằm nâng cao chất lượng xét xử, trong đó, đẩy mạnh việc thực hiện các giải pháp nâng cao chất lượng bản án, quyết định của Tòa án đã, đang và tiếp tục triển khai, như: Tiếp tục tổ chức tập huấn chuyên sâu nghiệp vụ, kỹ năng viết bản án cho các Thẩm phán, công khai bản án trên Cổng thông tin điện tử của Toà án để nâng cao ý thức, trách nhiệm của Thẩm phán, tăng cường công tác bảo đảm áp dụng thống nhất pháp luật làm tốt công tác phát triển án lệ ; nâng cao hiệu quả công tác hòa giải trong giải quyết các vụ án dân sự, đối thoại trong giải quyết các vụ án hình chính; chú trọng việc tổ chức phiên tòa rút kinh nghiệm, tăng cường công tác kiểm tra, giám đốc việc xét xử nâng cao chất lượng đội ngũ Thẩm phán, Thẩm tra viên và Thư ký tòa; nêu cao vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu, đổi mới thủ tục hành chính tư pháp tại Tòa án; tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động của Tòa án; làm tốt công tác thi đua khen thưởng nêu gương các cá nhân, tập thể tiêu biểu…

Bên cạnh đó, tiếp tục phối hợp với Viện kiểm sát, Cơ quan thi hành án dân sự cùng rà soát, làm rõ những trường hợp thuộc trách thiệm của mình để giải thích, đính chính hoặc đề xuất kháng nghị đối với những bản án có sai lầm nghiêm trọng, đảm bảo cho các bản án, quyết định của Tòa án đúng pháp luật. Đồng thời, Tòa án nhân dân tối cao sẽ tích cực phối hợp với các cơ quan Tư pháp ở Trung ương nghiên cứu để sửa đổi, hoàn thiện các quy định liên quan đến công tác tổ chức thi hành bản án, quyết định của Tòa án, đảm bảo các bản án, quyết định của Tòa án đã có hiệu lực pháp luật phải được nghiêm chỉnh thi hành./.

Hồ Hương

Các bài viết khác