CÂN NHẮC VIỆC ÁP DỤNG THÍ ĐIỂM HÌNH THỨC ĐẦU TƯ KINH DOANH MỚI

15/01/2020

Thảo luận về dự án Luật Đầu tư (sửa đổi) tại Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XIV, các đại biểu Quốc hội đề nghị cần nhắc việc áp dụng thí điểm các hình thức đầu tư, loại hình tổ chức kinh tế mới và chính sách ưu đãi, hỗ trợ đầu tư.

Quốc hội thảo luận về dự án Luật Đầu tư (sửa đổi) tại Kỳ họp thứ 8

Để bảo đảm thu hút đầu tư có chọn lọc, chất lượng, đồng thời tạo điều kiện để thu hút hoạt động đầu tư theo mô hình, phương thức kinh doanh mới đang phát triển nhanh chóng dưới tác động của Cách mạnh công nghiệp lần thứ 4, dự thảo Luật đã hoàn thiện quy định về ngành, nghề ưu đãi đầu tư. Trong đó có quy định giao Chính phủ quy định việc áp dụng thí điểm các hình thức đầu tư, loại hình tổ chức kinh tế mới và chính sách ưu đãi, hỗ trợ đầu tư đối với các hình thức đầu tư, loại hình tổ chức kinh tế này. Bổ sung cơ chế cho phép Chính phủ quyết định ưu đãi đầu tư cao hơn để khuyến khích phát triển một ngành, địa bàn đặc biệt hoặc dự án đặc biệt quan trọng có tác động lớn đến kinh tế - xã hội.

Qua tổng hợp thảo luận tại tổ và hội trường về dự án Luật này cho thấy, có ý kiến đề nghị không quy định cho Thủ tướng Chính phủ thẩm quyền thí điểm về ưu đãi đầu tư mở rộng, trường hợp cần thiết thì Uỷ ban Thường vụ Quốc hội quyết định để phù hợp với Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật. Đề nghị quy định yêu cầu nhà đầu tư sau khi hưởng ưu đãi thì phải cam kết thực hiện dự án trong một thời hạn nhất định.

Cũng có ý kiến đề nghị cần phải có đánh giá toàn diện đối với quy định tại khoản 4 Điều 19 về việc căn cứ vào mục tiêu yêu cầu thu hút vốn đầu tư trong từng thời kỳ và thông lệ quốc tế mà Chính phủ quy định việc áp dụng thí điểm các hình thức đầu tư, loại hình tổ chức kinh tế mới và chính sách ưu đãi, hỗ trợ đầu tư.

Trước đó, thẩm tra về nội dung này, báo cáo của Ủy ban Kinh tế của Quốc hội nêu rõ, theo quy định tại khoản 2 Điều 19 của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật, Chính phủ có thẩm quyền ban hành nghị định để quy định các biện pháp cần thiết thực hiện chính sách kinh tế - xã hội trong quá trình điều hành của mình. Tuy nhiên, theo quy định tại điểm b khoản 2 Điều 15 của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật, Quốc hội mới là cơ quan có thẩm quyền ban hành nghị quyết thí điểm với các điều kiện cụ thể như: “Thực hiện thí điểm một số chính sách mới thuộc thẩm quyền quyết định của Quốc hội nhưng chưa có luật điều chỉnh hoặc khác với quy định của luật hiện hành”. Do đó, đề nghị làm rõ về phạm vi thí điểm của Chính phủ để tránh vượt quá thẩm quyền quyết định; đồng thời chỉnh lý lại cụ thể, chặt chẽ hơn nội dung tại khoản 4 Điều 19 dự thảo Luật về phạm vi, điều kiện, thủ tục ban hành văn bản thí điểm để bảo đảm tính thống nhất của hệ thống pháp luật.

Đại biểu Trần Văn Tiến – Đoàn ĐBQH tỉnh Vĩnh Phúc

Tại phiên họp toàn thể hội trường thảo luận về dự án Luật này, đại biểu Trần Văn Tiến – Đoàn ĐBQH tỉnh Vĩnh Phúc, đề nghị không giao Chính phủ quy định áp dụng thí điểm các hình thức đầu tư, loại hình tổ chức kinh tế mới và chính sách ưu đãi đầu tư đối với các hình thức đầu tư, loại hình tổ chức kinh tế này tại khoản 4 Điều 19 bởi vi phạm về thẩm quyền theo điểm b khoản 2 Điều 15 Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật Quốc hội là cơ quan có thẩm quyền ban hành nghị quyết thí điểm. Đại biểu đề nghị làm rõ nội dung tại khoản 4 Điều 19 về phạm vi, điều kiện, thủ tục ban hành văn bản thí điểm để đảm bảo tính thống nhất của hệ thống pháp luật.

Giải trình làm rõ những vấn đề đại biểu Quốc hội quan tâm, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho biết, để đảm bảo thu hút đầu tư có chọn lọc, có chất lượng và đổi mới hình thức điều kiện cũng như là thủ tục áp dụng ưu đãi đầu tư thì dự thảo luật này đã hoàn thiện một số quy định theo hướng: Thứ nhất là bổ sung quy định khuyến khích hoạt động nghiên cứu và phát triển sản xuất kinh doanh và sản phẩm hình thành từ kết quả nghiên cứu khoa học, hoạt động đổi mới sáng tạo, sản xuất hàng hóa, cung cấp dịch vụ tạo ra hoặc là tham gia các chuỗi giá trị cụm liên kết ngành.

Thứ hai là bổ sung quy định về nguyên tắc, điều kiện áp dụng chính sách ưu đãi đầu tư để đảm bảo hiệu quả, chất lượng thuộc việc thực hiện chính sách này.

Thứ ba là bổ sung cơ chế cho phép Chính phủ quyết định ưu đãi đầu tư cao hơn để khuyến khích phát triển một số ngành trên một số địa bàn đặc biệt hoặc những dự án đặc biệt quan trọng có tác động lớn đến kinh tế - xã hội.

Cho hay đây là ba nguyên tắc để xem xét, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng khẳng định việc giao cho Chính phủ áp dụng thí điểm các hình thức đầu tư, loại hình tổ chức kinh tế mới là cần thiết, nhằm đảm bảo thích ứng với mô hình, phương thức tổ chức kinh doanh mới đang phát triển hết sức nhanh chóng dưới sự tác động của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư.

 Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng giải trình làm rõ những vấn đề đại biểu Quốc hội quan tâm

Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng chia sẻ, một số nước trong khu vực như là Thái Lan, Indonesia, Malaysia cũng đang áp dụng những chính sách này nhằm tăng sức cạnh tranh, thu hút đầu tư nước ngoài, kể cả trong bối cảnh chiến tranh thương mại Mỹ - Trung.

Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã tiến hành rà soát, đánh giá tác động và nhận thấy việc thực hiện các chính sách ưu đãi, hỗ trợ đầu tư nêu trên không trái với Luật Ngân sách nhà nước và các cam kết hội nhập của Việt Nam.

Ngoài ra, các vị đại biểu cũng có nhiều ý kiến nội dung khác, cơ quan soạn thảo sẽ tiếp tục phối hợp với cơ quan thẩm tra để tiếp tục nghiên cứu và hoàn thiện dự thảo luật./.

Bảo Yến