CÂN NHẮC TÍNH KHẢ THI, THỰC CHẤT CỦA DỰ THẢO VĂN BẢN QUY ĐỊNH CHI TIẾT TRONG HỒ SƠ DỰ ÁN LUẬT

15/01/2020

Tại Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XIV khi thảo luận về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Ban hành băn bản quy phạm pháp luật, các đại biểu đề nghị cân nhắc việc sửa đổi, bổ sung quy định trong hồ sơ dự án luật, pháp lệnh phải có dự thảo văn bản quy định chi tiết. Một số đại biểu chỉ rõ quy định này trên thực tế được thực hiện một cách hình thức, không bảo đảm chất lượng.

Phát biểu tại hội trường, đại biểu Nguyễn Công Hồng – Đoàn ĐBQH tỉnh Đồng Nai cho biết luật hiện hành quy định khi trình dự án luật, pháp lệnh phải trình kèm theo dự thảo các văn bản quy định chi tiết. Đây là quy định mang tính ràng buộc, hạn chế việc chậm trễ, nợ đọng văn bản quy định chi tiết, ảnh hưởng đến việc thi hành luật và pháp lệnh sau này. Song đại biểu Nguyễn Công Hồng cũng đặt câu hỏi liệu quy định này có giải quyết được vấn đề hay không?

Đại biểu Nguyễn Công Hồng – Đoàn ĐBQH tỉnh Đồng Nai

Đại biểu Nguyễn Công Hồng cho rằng, quy định này của luật khó khả thi. Bởi nếu đã rõ, đã dự liệu được nội dung cần quy định chi tiết ngay khi soạn thảo luật, pháp lệnh thì tại sao lại không cân nhắc thể hiện luôn vào văn bản gốc luật, pháp lệnh mà lại phải quy định ở văn bản quy định chi tiết.

Thứ hai, đã là dự thảo trình xin ý kiến thì lẽ dĩ nhiên sẽ có vấn đề điều khoản được chấp nhận và điều khoản không được chấp nhận. Trong trường hợp này, nếu điều khoản không được chấp nhận lại phải có quy định chi tiết gửi kèm theo quy định thì quả là một sự lãng phí về nguồn lực vốn rất eo hẹp của các Ban soạn thảo.

Thứ ba, vì nhân lực và vật lực eo hẹp, để đảm bảo tiến độ trên thực tế nhiều văn bản không đảm bảo được vấn đề này thì cơ quan chủ trì soạn thảo phải tập trung để xây dựng văn bản gốc, tức là luật và pháp lệnh vì vậy không đủ thời gian và nguồn lực cần thiết cho xây dựng văn bản quy định chi tiết. Điều này sẽ dẫn đến dự thảo văn bản quy định chi tiết mang tính đối phó, hình thức, chất lượng thấp, đặc biệt đối với những văn bản lớn, có nhiều vấn đề cần quy định chi tiết thì đây quả là một gánh nặng cho Ban soạn thảo. Do vậy, sau khi các văn bản gốc được thông qua lại phải bắt tay vào xây dựng văn bản quy định chi tiết ngay từ đầu thì đấy là một sự lãng phí.

Thứ tư, về nguyên tắc, văn bản quy định chi tiết được yêu cầu trình cơ quan có thẩm quyền thì cơ quan có thẩm quyền có cần phải xem xét cho ý kiến không? Nếu có thì hết sức quá tải. Đại biểu Quốc hội chúng ta đều biết các văn bản trình kèm theo chúng ta cũng khó có đủ thời gian để có thể xem xét kỹ lưỡng và có nhiều trường hợp không đúng với thẩm quyền. Nếu không có ý kiến thì có nghĩa là đồng ý với văn bản trình kèm quy định chi tiết như thế này không? Trên thực tế, không thể nào an tâm về chất lượng với những văn bản trình kèm theo để quy định chi tiết.

Đại biểu cho biết thêm quy định này được đặt ra trong Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 1996 tại khoản 2 Điều 7. Cụ thể, khoản 2 Điều 7 Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 1996 quy định, văn bản quy định chi tiết phải thi hành phải được soạn thảo cùng với dự án luật, pháp lệnh để trình cơ quan nhà nước có thẩm quyền kịp thời ban hành khi luật, pháp lệnh có hiệu lực. Tuy nhiên, trên thực tế áp dụng, quy định này là không khả thi, còn mang tính hình thức. Chính vì vậy, trong lần sửa đổi năm 2008, quy định này đã được bãi bỏ và chỉ giữ lại nội dung, phải được ban hành để có hiệu lực cùng với thời điểm của văn bản luật, pháp lệnh.

Từ những lý do nêu trên, đại biểu đề nghị Quốc hội cân nhắc kỹ quy định này. Theo đai biểu, chỉ nên quy định văn bản quyết định chi tiết phải được ban hành để có hiệu lực cùng thời điểm có hiệu lực của văn bản hoặc điều khoản được quy định chi tiết.

Có cùng nhận định, đại biểu Nguyễn Mai Bộ - Đoàn ĐBQH tỉnh An Giang cho rằng thực tế, dự thảo nghị định kèm theo hồ sơ luật gần như là sơ thảo theo dự thảo. Đến lúc Quốc hội thông qua luật, dự thảo này lại lạc hậu đi hoàn toàn. Việc có dự thảo nghị định trong hồ sơ luật, pháp lệnh gần như là hình thức. Do đó, đại biểu nghị trong hồ sơ dự thảo luật không nên có dự thảo nghị định đi kèm, thay vì soạn thảo dự thảo nghị định đi kèm đó thì Ban soạn thảo tập trung vào để xây dựng dự án luật.

Đại biểu Nguyễn Mai Bộ - Đoàn ĐBQH tỉnh An Giang

Trước đó, báo cáo thẩm tra về dự án Luật của Ủy ban Pháp luật cũng cho rằng dự thảo văn bản quy định chi tiết trình kèm trong hồ sơ dự án mới chỉ thể hiện ý chí chủ quan của cơ quan chủ trì soạn thảo và nặng về hình thức; trong quá trình xem xét, hoàn thiện dự thảo luật, pháp lệnh, các chính sách, nội dung cần quy định chi tiết còn có thể tiếp tục chỉnh sửa, thay đổi. Việc soạn thảo văn bản quy định chi tiết cũng phải thực hiện đầy đủ các bước theo quy định của Luật năm 2015, làm tăng đáng kể khối lượng công việc cho cơ quan soạn thảo, ảnh hưởng đến tiến độ chuẩn bị dự án. Đối với những trường hợp việc chuẩn bị dự thảo văn bản quy định chi tiết thuộc thẩm quyền của nhiều cơ quan khác nhau hoặc có nhiều văn bản quy định chi tiết (ví dụ Luật Xử lý vi phạm hành chính) thực tế là không khả thi.

Do đó, không nên tiếp tục quy định trong hồ sơ của dự án luật, pháp lệnh phải có dự thảo văn bản quy định chi tiết mà cần đổi mới cách làm để cơ quan soạn thảo tập trung thời gian cho việc soạn thảo luật, pháp lệnh bảo đảm chất lượng, đúng tiến độ. Cụ thể, trong hồ sơ cần kèm theo danh mục văn bản quy định chi tiết; đề cương nội dung quy định chi tiết; kế hoạch xây dựng, ban hành văn bản quy định chi tiết, trong đó dự kiến cụ thể thời gian có hiệu lực của từng văn bản; trên cơ sở đó, Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ xem xét, quyết định thời gian có hiệu lực của luật, pháp lệnh, tránh việc luật, pháp lệnh được ban hành phải chờ văn bản quy định chi tiết.

Tuy nhiên, một số ý kiến đề nghị giữ quy định phải có dự thảo văn bản quy định chi tiết trong hồ sơ dự án luật, pháp lệnh như hiện nay và cho rằng, việc phải trình kèm theo dự thảo văn bản quy định chi tiết có tác dụng giúp cho cơ quan soạn thảo, cơ quan trình cũng như các cơ quan của Quốc hội, các đại biểu Quốc hội có sự đánh giá, định hướng trước một cách tổng thể về những vấn đề dự kiến điều chỉnh và áp dụng khi luật, pháp lệnh được ban hành. Hơn nữa, việc chuẩn bị trước dự thảo văn bản quy định chi tiết nếu được thực hiện tốt sẽ góp phần sớm đưa luật, pháp lệnh đi vào cuộc sống, vì sau khi luật, pháp lệnh được thông qua thì cơ quan soạn thảo chỉ cần tiếp tục chỉnh sửa, hoàn thiện những vấn đề có sự điều chỉnh, thay đổi so với luật, pháp lệnh. Nếu bỏ quy định về vấn đề này thì thời gian chuẩn bị văn bản quy định chi tiết vốn đã chậm như trong thời gian qua sẽ còn chậm hơn, gây ách tắc, cản trở thực hiện trong thực tiễn, làm giảm tính hiệu lực, hiệu quả của luật, pháp lệnh./.

Bảo Yến