VẪN CẦN QUY ĐỊNH DỰ THẢO VĂN BẢN QUY ĐỊNH CHI TIẾT TRONG HỒ SƠ DỰ ÁN LUẬT, PHÁP LỆNH

13/01/2020

Tại Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XIV, cho ý kiến về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật, nhiều đại biểu Quốc hội cho rằng việc thực hiện quy định về dự thảo văn bản hướng dẫn thi hành kèm hồ sơ dự án luật, pháp lệnh còn mang tính hình thức nhưng vẫn cần thiết giữ nguyên quy định này đồng thời tăng cường kỷ luật, kỹ cương trong xây dựng văn bản quy phạm pháp luật.

Quốc hội thảo luận về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật

Về dự thảo văn bản quy định chi tiết trong hồ sơ dự án luật, pháp lệnh, một số ý kiến đề nghị giữ nguyên như quy định hiện hành là phải có văn bản quy định chi tiết kèm theo hồ sơ dự án để góp phần bảo đảm thể hiện một cách chặt chẽ, khả thi, cụ thể các chính sách đề ra khi xây dựng luật. Bên cạnh đó, một số ý kiến đề nghị trong hồ sơ dự án luật, pháp lệnh không nên có dự thảo văn bản quy định chi tiết kèm theo để cơ quan soạn thảo tập trung cho việc xây dựng dự án luật.

Cũng có ý kiến đề nghị bổ sung quy định trường hợp luật giao chính quyền địa phương ban hành văn bản quy định chi tiết thì phải kéo dài thời gian từ thời điểm ban hành luật đến thời điểm luật có hiệu lực để tạo điều kiện cho chính quyền địa phương có đủ thời gian ban hành văn bản quy định chi tiết bảo đảm có hiệu lực cùng thời điểm với văn bản phân cấp.

Hồ sơ dự án luật vẫn cần dự thảo văn bản quy định chi tiết kèm theo

Đại biểu Phan Thị Mỹ Dung – Đoàn ĐBQH tỉnh Long An đề nghị giữ nguyên quy định về dự thảo văn bản quy định chi tiết trong hồ sơ dự án luật, pháp lệnh theo Luật hiện hành. Đại biểu nhấn mạnh hồ sơ dự án luật, pháp lệnh cần phải có quy định chi tiết kèm theo.

Đại biểu Phan Thị Mỹ Dung cho biết, trong thời gian qua việc tuân thủ quy định này là chưa triệt để, có dự án trình có kèm theo dự thảo văn bản quy định chi tiết, có dự án có dự thảo văn bản kèm theo nhưng còn mang tính chất hình thức như nội dung của dự thảo thì sơ sài, có thể khác nhiều khi được ban hành, sau khi dự án luật hoặc pháp lệnh được thông qua. Nhưng có quy định này sẽ dần hoàn thiện cũng như khắc phục được những hạn chế trong xây dựng ban hành văn bản quy phạm pháp luật hiện nay.

Các luật còn mang tính luật khung, nhiều nội dung giao cho Chính phủ, bộ, ngành quy định chi tiết luật có hiệu lực rồi mà văn bản chi tiết thì chưa có. Do đó, nhiều quy định của luật chưa triển khai thực hiện được. Đại biểu Phan Thị Mỹ Dung dẫn chứng, vừa qua việc chậm ban hành các văn bản thi hành Luật sửa đổi, bổ sung 11 luật và 37 luật liên quan đến quy hoạch và tại kỳ họp thứ tám này, Quốc hội đã phải thảo luận để quyết định cho lùi thời gian thu tiền cấp quyền khai thác khoáng sản và khai thác tài nguyên nước chỉ vì hai luật đã có hiệu lực mà hai nghị định quy định chi tiết thì chưa có. Một nghị định thì trễ 2 năm 6 tháng còn một nghị định thì trễ 4 năm 8 tháng.

Đại biểu Phan Thị Mỹ Dung – Đoàn ĐBQH tỉnh Long An 

Đại biểu chỉ rõ, trong thời gian qua có nhiều trường hợp việc triển khai thi hành luật thì không bị vướng nhưng lại vướng ở triển khai văn bản dưới luật. Do đó việc yêu cầu có dự thảo hướng dẫn chi tiết trong hồ sơ dự án luật, pháp lệnh có tác dụng tích cực, tạo sự chủ động của các cơ quan trình dự án cũng như đại biểu Quốc hội có điều kiện nghiên cứu, xem xét nội dung của dự án, có đánh giá tổng thể những vấn đề được điều chỉnh và thực thi của luật khi ban hành như nội dung này giao cho Chính phủ, cho bộ, ngành có khả thi không, đúng thẩm quyền không? Định hình chung được là dự kiến chi tiết nội dung này như thế nào? Nhấn mạnh, điều này rất quan trọng, nếu bỏ những quy định này thì việc ban hành văn bản quy định chi tiết vốn đã chậm như thời gian qua sẽ còn có thể chậm hơn nữa.

Quy định chặt hơn trong việc ban hành thông tư

Đại biểu Phan Thị Mỹ Dung cũng đề nghị cần xem xét bổ sung quy định chặt chẽ hơn trong việc ban hành thông tư của các bộ, ngành theo quy định của luật và Nghị định số 34 thì tổ chức pháp chế của các bộ, ngành, cơ quan ngang bộ sẽ có trách nhiệm thẩm định các dự thảo thông tư của bộ, ngành mình. Các trường hợp ban hành thông tư theo khoản 1 Điều 102 của Luật thì thành lập Hội đồng tư vấn thẩm định và quy định chung thành phần của Hội đồng là đại diện các cơ quan, chuyên gia, nhà khoa học. Với cách thức "vừa đá bóng vừa thổi còi" trong thời gian qua đã có vấn đề, thông tư ban hành ra thì sai sót, thậm chí trái luật. Vấn đề này được báo chí, doanh nghiệp, nhân dân phản ứng thì mới được sửa đổi, đình chỉ, bãi bỏ. Có trường hợp thông tư đã bị bãi bỏ ngay khi chưa đến ngày có hiệu lực. Đại biểu đề nghị bổ sung trong quy trình ban hành thông tư đều phải có thành lập Hội đồng thẩm định và người đại diện của Bộ Tư pháp trong Hội đồng này là cơ cấu cứng. Đây cũng là một cơ chế đảm bảo hiệu quả công tác tự kiểm tra và kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật.

Cùng quan điểm, đại biểu Nguyễn Sĩ Cương – Đoàn ĐBQH tỉnh Ninh Thuận cũng cho rằng cần có quy định để chặt chẽ, để kiểm soát được việc ban hành các văn bản dưới luật để đảm bảo rằng các quy định đó thống nhất với quy định của luật.

Nhấn mạnh Nghị định của Chính phủ hay Thông tư của các Bộ là văn bản để quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành các dự án luật, chứ không phải là văn bản quy định những vấn đề luật không quy định nhưng thực tế có rất nhiều quy định mà luật không hề quy định nhưng trong nghị định, thông tư lại có, chưa kể là việc quy định sai hoặc không đúng với quy định của luật. Do đó không nên để xảy ra tình trạng các văn bản trái với quy định của luật.

Đại biểu Nguyễn Sĩ Cương – Đoàn ĐBQH tỉnh Ninh Thuận 

Song đại biểu Nguyễn Sĩ Cương cũng cho rằng, trong quá trình làm chưa thực sự ổn định, nhưng đã nghĩ ra dự thảo Nghị định với Thông tư thì không có có tác dụng gì, rất hình thức nên chỉ đến giai đoạn cuối, khi kỳ họp trình Quốc hội thông qua thì nên trình dự thảo văn bản hướng dẫn thi hành.

Lưu ý về thời hạn cho chính quyền địa phương ban hành văn bản hướng dẫn chi tiết

Trong khi đó, đại biểu Ma Thị Thúy – Đoàn ĐBQH tỉnh Tuyên Quang chỉ rõ, khoản 2 Điều 11 Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2015 quy định cơ quan được giao ban hành văn bản quy định chi tiết không được ủy quyền tiếp, dự thảo văn bản quy định chi tiết phải được chuẩn bị và trình đồng thời với dự án luật, pháp lệnh và phải được ban hành để có hiệu lực cùng thời điểm có hiệu lực của văn bản hoặc điều, khoản, điểm được quy định chi tiết. Tuy nhiên quy định này không phù hợp với trường hợp dự án văn bản quy phạm pháp luật do cơ quan Trung ương ban hành nhưng có nội dung phân cấp cho chính quyền địa phương quy định chi tiết. Trong trường hợp này, chính quyền địa phương không phải là cơ quan trình dự án luật, pháp lệnh nên không thể trình đồng thời dự án, dự thảo văn bản quy định chi tiết luật, pháp lệnh. Vì vậy, cần bổ sung quy định với trường hợp luật có giao chính quyền địa phương ban hành văn bản quy định chi tiết thì phải kéo dài thời gian từ thời điểm ban hành luật đến thời điểm luật có hiệu lực, tạo điều kiện cho chính quyền địa phương ban hành văn bản quy phạm pháp luật quy định chi để có hiệu lực cùng thời điểm với văn bản phân cấp.

Đại biểu Ma Thị Thúy – Đoàn ĐBQH tỉnh Tuyên Quang

Theo dự kiến, dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật sẽ được Quốc hội xem xét, thông qua tại Kỳ họp thứ 9 (tháng 5/2020) tới./.

Bảo Yến