THẨM TRA DỰ ÁN LUẬT HÒA GIẢI, ĐỐI THOẠI TẠI TÒA ÁN: TÁN THÀNH VỚI SỰ CẦN THIẾT BAN HÀNH LUẬT

19/11/2019

Tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XIV, chiều ngày 19/11, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu, Quốc hội họp phiên toàn thể tại hội trường, nghe báo cáo thẩm tra dự án Luật Hòa giải, đối thoại tại Tòa án.

Quốc hội nghe báo cáo thẩm tra dự án Luật Hòa giải, đối thoại tại Tòa án

Trình bày báo cáo thẩm tra dự án Luật Hòa giải, đối thoại tại Tòa án, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga nêu rõ, Ủy ban Tư pháp tán thành với Tòa án nhân dân tối cao về sự cần thiết ban hành Luật Hòa giải, đối thoại tại Tòa án theo Tờ trình của Tòa án nhân dân tối cao. Việc thiết lập cơ chế hòa giải, đối thoại tại Tòa án sẽ giúp thu hút nguồn nhân lực có chất lượng, kinh nghiệm trong xã hội tham gia công tác hòa giải, đối thoại; khắc phục nhiều vướng mắc, bất cập của các cơ chế hoà giải, đối thoại hiện nay. Qua tổng kết việc thí điểm đổi mới công tác hòa giải, đối thoại tại Tòa án ở 16 tỉnh, thành phố, kết quả hòa giải thành, đối thoại thành đạt 78,08% đã cho thấy ưu điểm của cơ chế mới này, góp phần hạn chế các vụ, việc phải đưa ra xét xử; nhanh chóng giải quyết các tranh chấp, mâu thuẫn của người dân; tiết kiệm chi phí, thời gian, công sức của các bên liên quan và Nhà nước.

Uỷ ban Tư pháp nhận thấy, để giải quyết các tranh chấp dân sự, khiếu kiện hành chính, cũng như các nước trên thế giới, pháp luật nước ta được hoàn thiện theo hướng tạo mọi điều kiện để các bên tiến hành hòa giải, đối thoại đi đến thống nhất việc giải quyết tranh chấp. Theo đó, cơ chế hòa giải, đối thoại hiện đang được quy định trong 09 đạo luật, gồm: Luật Hòa giải ở cơ sở, Luật Đất đai, Bộ luật Lao động, Luật Thương mại, Luật Khiếu nại, Luật Sở hữu trí tuệ, Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, Bộ luật Tố tụng dân sự, Luật Tố tụng hành chính.

Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga trình bày báo cáo

Theo Tờ trình của Tòa án nhân dân tối cao, “Hòa giải, đối thoại tại Tòa án” được quy định trong dự thảo Luật là cơ chế pháp lý mới, không trùng lặp, không mâu thuẫn, không thay thế các cơ chế hòa giải, đối thoại hiện có, tạo điều kiện để các cơ quan, tổ chức, cá nhân lựa chọn, giải quyết tranh chấp. Ủy ban Tư pháp nhận thấy, nội dung dự thảo Luật phù hợp với đường lối, chủ trương của Đảng; bảo đảm tính hợp hiến, hợp pháp và tính thống nhất của hệ thống pháp luật; tương thích với các điều ước quốc tế có liên quan mà Việt Nam là thành viên.

Về kinh phí hòa giải, đối thoại tại Tòa án, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga cho biết, Tờ trình của Tòa án nhân dân tối cao đề nghị Nhà nước bảo đảm kinh phí cho công tác này, do đó không quy định về phí hòa giải, đối thoại tại Tòa án trong dự thảo Luật. Về vấn đề này, đa số ý kiến Ủy ban Tư pháp cho rằng vì đây là phương thức giải quyết tranh chấp mới nên cần có thời gian để đi vào cuộc sống phát huy hiệu quả và cần khuyến khích người dân lựa chọn, do đó trước mắt chưa quy định thu phí hòa giải, đối thoại tại Tòa án là phù hợp.

Một số ý kiến tán thành việc Nhà nước hỗ trợ kinh phí cho hoạt động hòa giải, đối thoại tại Tòa án, tuy nhiên, có thể cân nhắc quy định thu một khoản phí đối với 02 trường hợp: (1) Pháp nhân nộp đơn khởi kiện các vụ tranh chấp dân sự, kinh doanh, thương mại, lao động, hành chính; (2) Cá nhân nộp đơn khởi kiện yêu cầu giải quyết tranh chấp kinh doanh, thương mại. Tuy nhiên, nếu theo phương án này, thì phải sửa đổi các văn bản pháp luật liên quan vì hiện nay Luật phí và lệ phí năm 2015 chưa có quy định về phí hòa giải, đối thoại tại Tòa án trong Danh mục phí, lệ phí; Nghị quyết số 326/2016/NQ-UBTVQH ngày 30/12/2016 của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội chưa có quy định về trình tự, thủ tục, mức thu, miễn, giảm, nộp phí hòa giải, đối thoại tại Tòa án.

Đại biểu Quốc hội tại phiên họp toàn thể

Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga cho biết, đa số ý kiến Ủy ban Tư pháp tán thành với quy định về tiêu chuẩn bổ nhiệm Hòa giải viên của dự thảo Luật theo hướng ngoài những đối tượng là những người có chức danh tư pháp đã nghỉ hưu (Thẩm phán, Kiểm sát viên…), thì những người là Luật sư, chuyên gia, nhà chuyên môn khác phải có ít nhất 10 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực công tác mới có thể được xem xét bổ nhiệm làm Hòa giải viên. Một số ý kiến đề nghị quy định đối với Luật sư, chuyên gia, nhà chuyên môn khác để được bổ nhiệm làm Hòa giải viên phải có điều kiện về thời gian kinh nghiệm trong lĩnh vực công tác nhưng chỉ nên quy định là 05 năm.

Về thủ tục công nhận kết quả hòa giải thành, đối thoại thành tại Tòa án, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp nêu rõ, đa số ý kiến Uỷ ban Tư pháp tán thành sự cần thiết phải quy định việc công nhận kết quả hòa giải thành, đối thoại thành tại Tòa án. Tuy nhiên, về trình tự, thủ tục cụ thể thì cần được quy định theo hướng vừa tạo sự thuận lợi cho các bên, nhưng vừa phải bảo đảm chặt chẽ vì quyết định công nhận hòa giải thành, đối thoại thành có giá trị như bản án, có hiệu lực thi hành ngay khi được Tòa án công nhận. Vì vậy, đề nghị trình tự, thủ tục cụ thể công nhận kết quả hòa giải thành, đối thoại thành tại Tòa án được thực hiện theo quy định về thủ tục công nhận kết quả hòa giải thành ngoài Tòa án quy định tại Chương XXXIII của Bộ luật Tố tụng Dân sự.

Bên cạnh đó, Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Tư pháp cũng đề cập đến các nội dung cần tiếp tục được nghiên cứu làm rõ như về trách nhiệm của Tòa án trong hoạt động hòa giải, đối thoại; thù lao cho Hòa giải viên; trình tự nhận, phân công, xử lý đơn khởi kiện, đơn yêu cầu tại Tòa án; thời hạn hòa giải, đối thoại; người đại diện hợp pháp của các bên hòa giải, đối thoại; việc hoãn phiên họp ghi nhận kết quả hòa giải thành, đối thoại thành.

Chiều cùng ngày, sau khi nghe trình bày Tờ trình và Báo cáo thẩm tra về dự án Luật Hòa giải, đối thoại tại Tòa án tại hội trường, Quốc hội tiến hành thảo luận ở Tổ về dự án Luật này./.

Bảo Yến - Nghĩa Đức