BỘ TRƯỞNG BỘ NỘI VỤ TRẢ LỜI CÁC CHẤT VẤN LIÊN QUAN ĐẾN VIỆC QUẢN LÝ CÔNG CHỨC, VIÊN CHỨC THEO VỊ TRÍ VIỆC LÀM

08/11/2019

Tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 8 Quốc hội khóa XIV, tại phiên chất vấn và trả lời chất vấn về nhóm lĩnh vực nội vụ, Bộ trưởng Nội vụ Lê Vĩnh Tân trả lời các chất vấn liên quan đến việc quản lý công chức, viên chức theo vị trí việc làm.

Bộ trưởng Bộ Nội vụ Lê Vĩnh Tân tại phiên chất vấn

Nêu câu hỏi chất vấn về việc xây dựng vị trí việc làm và quản lý công chức, viên chức theo vị trí việc làm, đại biểu Quốc hội Trần Hồng Nguyên – Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Bình Thuận, cho rằng đây là một nội dung rất quan trọng, là cơ sở lâu dài trong quản lý, sử dụng công chức, xây dựng đội ngũ cán bộ. Đại biểu cho biết, vấn đề này đã được triển khai từ năm 2012, song việc hướng dẫn của Bộ Nội vụ còn quá chung chung.

Liên quan đến yêu cầu về văn bằng, chứng chỉ chung cho vị trí việc làm nhưng đối với một số vị trí việc làm thì lại không cần phải sử dụng văn bằng, chứng chỉ đó nhưng vẫn có yêu cầu về văn bằng, chứng chỉ, đại biểu Trần Hồng Nguyên nêu rõ: việc quy định chung này dẫn đến hiện nay một số địa phương và mỗi nơi có cách làm khác nhau, gây khó khăn, lúng túng trong quá trình triển khai thực hiện. Đề nghị Bộ trưởng cho biết giải pháp cơ bản nào để khắc phục được những tình trạng nêu trên?

Trả lời chất vấn của đại biểu về nội dung này, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Lê Vĩnh Tân khẳng định, xây dựng vị trí việc làm là một vấn đề rất quan trọng và Bộ Nội vụ cũng đã nhận khuyết điểm trước Chính phủ trong phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 8/2016. Nhiệm vụ này Chính phủ giao cho Bộ Nội vụ thẩm định Đề án vị trí việc làm đối với các đơn vị sự nghiệp công lập của cấp tỉnh và các bộ, ngành trung ương. Nhưng hơn một năm, từ năm 2015 cho đến tháng 8/2016, Bộ Nội vụ chưa phê duyệt duyệt được một đề án vị trí việc làm nào đối với các đơn vị sự nghiệp công lập. 

Bộ trưởng cho biết, Bộ Nội vụ đã đề nghị Thủ tướng Chính phủ nên phân cấp cho Bộ trưởng các Bộ và Chủ tịch Ủy ban nhân dân các địa phương phê duyệt Đề án vị trí việc làm đối với các đơn vị sự nghiệp công lập. Đối với những đơn vị sự nghiệp công lập tự chủ chi thường xuyên hoặc đơn vị sự nghiệp công lập tự chủ chi thường xuyên, chi đầu tư được quyền quyết định 3 nội dung, đó là phê duyệt vị trí việc làm, cơ cấu ngạch viên chức và số lượng người làm việc trong đơn vị sự nghiệp công lập. Đến nay, qua 3 năm thực hiện sau khi phân cấp các địa phương và bộ, ngành làm rất tốt, đến giờ này gần như là bộ, ngành, địa phương đã hoàn tất việc phê duyệt vị trí việc làm của các đơn vị sự nghiệp công lập.

Đại biểu Quốc hội tại phiên chất vấn

Bộ trưởng Lê Vĩnh Tân cũng cho biết, khi kiểm tra công vụ cũng nhắc bộ, ngành, địa phương việc phê duyệt đề án vị trí việc làm đối với các đơn vị hành chính và đơn vị sự nghiệp công lập, không phải phê duyệt một lần mà khi sắp xếp tổ chức bộ máy có cơ cấu thay đổi chức năng, nhiệm vụ thì đề án vị trí việc làm đối với các cơ quan hành chính cũng phải được điều chỉnh lại. Trong Nghị định 161 trình Thủ tướng Chính phủ cũng đã giao nhiệm vụ này là cho Chủ tịch Uỷ ban nhân dân các tỉnh, Bộ trưởng các Bộ, ngành tự điều chỉnh đề án vị trí việc làm đối với các cơ quan hành chính. Chủ tịch Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh cũng điều chỉnh, phê duyệt vị trí việc làm đối với các đơn vị sự nghiệp công lập sau khi sắp xếp lại, có thay đổi về cơ cấu tổ chức và chức năng, nhiệm vụ. Đến nay, đối với các địa phương và bộ, ngành thực hiện công việc này rất tốt. 

Nhấn mạnh việc xác định đề án vị trí việc làm như thế nào để phục vụ cho việc trả lương theo chính sách cải cách tiền lương năm 2031 là một vấn đề rất quan trọng, Bộ trưởng Lê Vĩnh Tân cho biết, nhiệm vụ xây dựng vị trí việc làm này là theo hướng dẫn định mức của các bộ, ngành trong từng lĩnh vực, sẽ có hướng dẫn để cho các bộ, ngành, địa phương xây dựng.

Về Đề án chính sách cải cách tiền lương mới, để thực hiện nhiệm vụ này, Bộ trưởng cho biết, Bộ Chính trị đã giao cho Ban Tổ chức Trung ương là cơ quan chủ trì thực hiện xây dựng Đề án vị trí việc làm, xây dựng chức danh tương đương để thực hiện theo cơ chế tiền lương, trả lương theo vị trí việc làm và trả lương theo chức vụ lãnh đạo quản lý. Hiện nay, Bộ Nội vụ được phân công là thực hiện việc hướng dẫn cho các cơ quan hành chính nhà nước, các cơ quan của Quốc hội và Văn phòng Chủ tịch nước để xây dựng Đề án vị trí việc làm các cơ quan hành chính. Ban Tổ chức Trung ương sẽ hướng dẫn xây dựng Đề án vị trí việc làm của các cơ quan khối Đảng, Mặt trận và các tổ chức chính trị, xã hội. Đối với các bộ, ngành thì sẽ tiến hành xây dựng Đề án vị trí việc làm và thang bảng lương cơ cấu từng vị trí việc làm của cơ quan, đơn vị mình. Trên cơ sở đó, Bộ Nội vụ sẽ tổng hợp vị trí việc làm, tổng hợp chức danh tương đương và tổng hợp thang bảng lương của các bộ, ngành để trình với Bộ Chính trị. Bộ Chính trị sẽ cho ý kiến và làm cơ sở cho năm 2020 sẽ tiến hành xây dựng các văn bản quy phạm pháp luật để chuẩn bị thực hiện chế độ tiền lương năm 2021. 

Bộ trưởng Lê Vĩnh Tân cho biết, riêng Đề án vị trí việc làm lần này sẽ được làm kỹ hơn, theo đó, Đề án vị trí việc làm lần này là chỉ chia làm 4 nhóm: Một là nhóm cán bộ lãnh đạo, quản lý; hai là chuyên môn nghiệp vụ; ba là chuyên môn nghiệp vụ dùng chung, ví dụ Văn phòng, Thanh tra, Kế toán; bốn là nhóm phục vụ. Bộ trưởng cho rằng, việc chia làm 4 nhóm để dễ xếp lương, trước đây chia quá nhiều như thế thì cơ cấu tiền lương phải chi tiết./.

Thu Phương