Đại biểu Quốc hội đặt câu hỏi chất vấn
Nêu vấn đề chất vấn tại phiên họp, đại biểu Quốc hội Leo Thị Lịch- Đoàn ĐBQH tỉnh Bắc Giang, cho biết, dịch vụ môi trường rừng là một chính sách quan trọng thúc đẩy bảo vệ phát triển rừng mà Luật Lâm nghiệp đã khẳng định. Tuy nhiên, đại biểu cho biết, hiện nay diện bao phủ của chính sách còn hẹp, mức chi trả chưa tương xứng, nhiều đối tượng được hưởng lợi từ dịch vụ môi trường rừng chưa đóng góp tương xứng. Đại biểu đề nghị Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Xuân Cường cho biết hướng và lộ trình hoàn thiện chính sách này trong thời gian tới như thế nào?
Trả lời chất vấn của đại biểu về vấn đề này, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Xuân Cường thừa nhận là việc chi trả dịch vụ môi trường rừng cho bà con tham gia trồng rừng, quản lý bảo vệ rừng chưa bảo đảm công bằng, cụ thể là ở các vùng sinh thủy, các lưu vực khác nhau thì hưởng lợi khác nhau.
Giải trình cụ thể, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường cho biết, việc chi trả quỹ môi trường rừng đã được thực hiện 9 năm nay, phát huy tốt. Năm 2019 chúng ta dự kiến thu 3.000 tỷ đồng của 44 tỉnh. Đây đã trở thành nguồn thu ổn định, thường xuyên, xã hội hóa để phục vụ tích cực cho công tác quản lý rừng, từ nguồn thu này đã chi trả cho khoảng 5 – 6 triệu ha rừng, người dân được thụ hưởng bằng nguồn này. Đây là sự cố gắng lớn của chúng ta theo phương châm xã hội hóa. Tuy nhiên, đúng là lưu vực khác nhau thì được hưởng khác nhau, người dân thấy không công bằng vì người dân có trách nhiệm trồng rừng, quản lý, bảo vệ phục hồi là chung, còn sử dụng vào thủy điện là của nhà nước, dân trồng rừng, phục hồi rừng thì phải hưởng như nhau.
Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Xuân Cường tại phiên chất vấn
Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường cho biết, Thủ tướng Chính phủ đã có yêu cầu ngành nông nghiệp rà soát lại nhóm thu dịch vụ môi trường rừng trong tương lai phải tăng, các nhóm đối tượng khác sử dụng tài nguyên nước thu chưa được nhiều, mà đây là nguồn quan trọng. Cùng với đó là thay đổi đơn giá. Vừa qua, điện thu có 36 đồng/1kw thì so với cấu trúc giá thành và giá bán thì tương lai từng bước một thu số tiền này để có điều kiện phục hồi quay trở lại cho người phục vụ chăm lo cho vùng sinh thủy là rừng. Tham mưu để khắc phục cho được bất kỳ lưu vực nào dù hình thành thủy điện hay tạo nguồn nước sinh thái, nguồn nước cho thượng nguồn đều phải được hưởng thụ ở mức tương đối hợp lý.
Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường cho biết, Thủ tướng đang giao cho ngành phối hợp tổng kết lại để đưa ra lộ trình, nhóm giải pháp tổng thể để giải quyết nội dung quỹ dịch vụ môi trường rừng. Phải tập trung nhiều chính sách khác như Nghị định 75 để hỗ trợ cho người dân vùng dân tộc miền núi để tăng gia, chăm lo phát triển rừng, giảm thiểu canh tác lương thực. Như vậy, 2 năm vừa qua, mỗi năm chúng ta đã hỗ trợ 80.000 tấn gạo, hỗ trợ kinh phí tham gia trồng rừng.
Bộ trưởng cho biết, sau này, nếu Đề án phát triển kinh tế- xã hội vùng miền núi, vùng dân tộc thiểu số và vùng có điều kiện kinh tế- xã hội đặc biệt khó khăn được thông qua, chúng ta sẽ có thêm nguồn lực. Hiện nay người tham gia giữ rừng, trồng rừng, bảo vệ rừng chưa được mức khá, chưa đủ để yên tâm làm việc này, thì tới đây chính sách phải bảo đảm đủ, bảo đảm đến mức cần thiết nhằm bảo đảm sự phát triển bền vững của đất nước thông qua hệ số che phủ rừng./.